Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), số người trưởng thành từ 30–79 tuổi bị huyết áp cao đã tăng từ 650 triệu lên 1,28 tỷ người trên thế giới trong ba mươi năm qua. Đặc biệt gần một nửa số này không biết mình bị tăng huyết áp [1].
Mặc dù tăng huyết áp ngày càng phổ biến, nhưng những hiểu nhầm về căn bệnh này lại không hề ít đi.
Nội dung bài viết
1. Huyết áp cao là bệnh lý phổ biến và không nghiêm trọng
Đúng là tỷ lệ người mắc bệnh cao huyết áp ngày một phổ biến, nhưng điều đó không có nghĩa đây là bệnh lý không nghiêm trọng. Tăng huyết áp cần được phát hiện và chăm sóc càng sớm càng tốt để giảm những biến chứng nguy hiểm nó có thể gây ra. Đó là những biến chứng trên tim mạch, thận, não để lại những di chứng nặng nề, thâm chí gây tử vong cho bệnh nhân.
Có thể bạn quan tâm: Những hiểu biết cơ bản về tăng huyết áp
2. Huyết áp cao là bệnh của người già
Không đúng. Mặc dù nguy cơ tăng huyết áp ở người già cao hơn, nhưng người trẻ vẫn có thể mắc phải bệnh này, thậm chí cả trẻ em. Cách duy nhất để biết một người có bị tăng huyết áp hay không là kiểm tra chỉ số huyết áp thường xuyên.
Đọc thêm: Chỉ số huyết áp như thế nào là bình thường
3. Nếu tôi vận động và sinh hoạt điều độ, không căng thẳng, tôi sẽ không bị huyết áp cao
Hầu hết mọi người gặp phải tăng huyết áp vô căn hay không rõ nguyên nhân. Nghĩa là dù một người ôn hòa, không có áp lực cá nhân vẫn có thể bị tăng huyết áp.
4. Nếu bị huyết áp cao, tôi sẽ có những biểu hiện triệu chứng của bệnh
Cao huyết áp được mệnh danh là “kẻ giết người thầm lặng”. Bởi lẽ bệnh thường diễn tiến âm thầm, không có dấu hiệu hoặc triệu chứng rõ ràng. Như đã nói ở trên, gần một nửa số người bị tăng huyết áp nhưng không nhận ra điều đó.
Khi có những dấu hiệu như đau đầu, chảy máu cam, mờ mắt thì nghĩa là chỉ số huyết áp đã rất cao, gây ra những biến chứng nghiêm trọng đe dọa đến sức khỏe, tính mạng của người bệnh.
5. Huyết áp cao có thể chữa khỏi hoàn toàn
Cao huyết áp có thể kiểm soát nhưng không thể chữa khỏi hoàn toàn (ngoại trừ trường hợp tăng huyết áp thứ phát do nguyên nhân khác, và nguyên nhân đó được điều trị khỏi).
Thay đổi lối sống, điều chỉnh chế độ ăn, sử dụng thuốc là những biện pháp kiểm soát chỉ số huyết áp hiệu quả, ngăn ngừa tai biến do huyết áp cao gây ra.
6. Thuốc điều trị huyết áp cao có thể dừng khi chỉ số huyết áp ở mức bình thường
Đây có lẽ là sai lầm phổ biến nhất và cũng nguy hiểm nhất ở người bệnh tăng huyết áp.
Khi sử dụng thuốc điều trị, huyết áp của người bệnh sẽ ổn định và quay về trạng thái bình thường. Tác dụng của thuốc có thể duy trì trong vài ngày, vài tuần. Do đó nếu dừng thuốc, sau một khoảng thời gian huyết áp sẽ tăng trở lại. Và những tổn thương do huyết áp cao gây ra lần sau sẽ nặng nề và khó phục hồi hơn.
7. Khi nào đi khám bệnh thì đo huyết áp là đủ
Điều này có thể đúng với những người không bị tăng huyết áp. Những người bị huyết áp cao kéo dài nên theo dõi huyết áp thường xuyên tại nhà và chỉ số các lần đo cần được ghi chép lại.
Việc theo dõi như vậy rất hữu ích bởi trong một số trường hợp, mặc dù dùng thuốc nhưng chỉ số huyết áp vẫn cao hoặc không ổn định. Người bệnh cần thông báo cho bác sĩ biết để điều chỉnh đơn thuốc.
8. Tôi không dùng muối ăn thì không cần lo lắng về chỉ số huyết áp
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khuyến nghị lượng muối tiêu thụ mỗi ngày dưới 5g sẽ giúp nguy cơ tăng huyết áp. Tuy nhiên cần hiểu đây là lượng muối tổng thể đến từ tất cả các thực phẩm, đồ uống được tiêu thụ trong ngày, chứ không phải riêng muối ăn.
Một số thực phẩm có chứa lượng muối cao phải kể đến như: Thực phẩm chế biến sẵn, đồ ăn nhanh, bánh mỳ, bánh pizza, khoai tây chiên, bánh quy giòn, phô mai…
9. Không cần quan tâm tới “tăng huyết áp áo choàng trắng”
“Tăng huyết áp áo choàng trắng” (white coat hypertension) là tình trạng chỉ số huyết áp tăng cao khi người bệnh đến bệnh viện hoặc phòng khám. Nhưng khi ở nhà, chỉ số huyết áp lại bình thường. Điều này được lý giải do tâm lý người bệnh thường hồi hộp, lo lắng khiến tim đập nhanh, tăng áp lực lên thành động mạch gây tăng huyết áp.
Trước đây “tăng huyết áp áo choàng trắng” được cho là vô hại. Tuy nhiên các nghiên cứu gần đây cho thấy điều đó có liên quan đến tăng đáng kể nguy cơ huyết áp cao kéo dài trong 10 năm tiếp. Trong báo cáo của tác giả Cohen và cộng sự, tăng huyết áp áo choàng trắng không được điều trị làm tăng nguy cơ các biến cố tim mạch và tử vong do mọi nguyên nhân.
Bàn luận
Tăng huyết áp không còn là một bệnh lý hiếm gặp. Những hiểu biết tiến bộ của khoa học đã giúp cho việc kiểm soát huyết áp và cải thiện sức khỏe, chất lượng cuộc sống của người bệnh hiệu quả hơn rất nhiều.
Tầm soát, theo dõi chỉ số huyết áp thường xuyên là điều nên làm. Bên cạnh đó, những bệnh nhân đã được chẩn đoán huyết áp cao cần tuân thủ điều trị, tăng cường vận động phù hợp, căn bằng chế độ ăn, giảm tải hoặc kiểm soát áp lực cuộc sống. Khi những điều này được thực hiện tốt, chắc chắn tăng huyết áp không còn là vấn đề sức khỏe đáng lo ngại của chúng ta!
Đọc thêm các bài viết chăm sóc sức khỏe gia đình khác tại đây.
Nếu bạn có bất cứ điều gì về sức khỏe muốn chia sẻ hay các câu hỏi về thuốc, hãy để lại comment hoặc nhắn tin theo địa chỉ email: nguyenvunguyetminh@gmail.com . Tôi luôn sẵn sàng lắng nghe và hỗ trợ bạn vì một cộng đồng sử dụng thuốc an toàn.