Cúm là một bệnh lý hô hấp cấp tính, do virus cúm gây ra. Ở Việt Nam, theo nghiên cứu dịch tễ học cho thấy cúm xuất hiện quanh năm, nhưng thường đạt đỉnh vào tháng 3 – tháng 4 và tháng 9 – tháng 10. Cúm rất dễ lây truyền qua các giọt bắn của người nhiễm virus. Vậy bệnh cúm có thực sự nguy hiểm không? Hãy đọc hết bài viết này để biết 5 sự thật về “Cúm mùa” và giữ cho mình những bí kíp sức khỏe hữu hiệu.
Nội dung bài viết
Sự thật số 1. Có 1 hay bao nhiêu loại virus cúm?
Có 4 chủng virus phân loại A,B,C,D. Trong đó, virus cúm A và B thường được nhắc đến nhiều nhất. Virus cúm C thường gây bệnh nhẹ, không có triệu chứng. Virus nhóm D chỉ gây bệnh trên gia súc, không gây bệnh trên người.
Virus cúm A được chia thành các phân nhóm dựa trên hai loại protein trên bề mặt của virus: hemagglutinin (H) và neuraminidase (N). Có 18 phân nhóm hemagglutinin khác nhau và 11 phân nhóm neuraminidase khác nhau (lần lượt là H1 đến H18 và N1 đến N11). Hơn 130 tổ hợp phân nhóm cúm A đã được xác định trong tự nhiên, phân nhóm thường lưu hành ở người bao gồm A (H1N1) và A (H3N2). Các phân nhóm cúm A có thể được chia nhỏ hơn nữa thành các “nhánh/lớp” và “phân nhánh/phân lớp” di truyền khác nhau (Hình 1).
Virus cúm B không được chia thành các phân nhóm mà được phân loại thành hai dòng: B/Yamagata và B/Victoria. Mỗi dòng có thể được phân loại thành các nhánh và nhánh phụ cụ thể. Virus cúm B thường thay đổi chậm hơn về đặc tính di truyền và kháng nguyên so với virus cúm A. Trong những năm gần đây, virus cúm B/Yamagata ít gặp hơn rất nhiều so với virus cúm B/Victoria trên toàn cầu.
Sự thật số 2. Virus cúm bất tử?
Không đúng!
Ở nhiệt độ thường, virus có thể tồn tại lên đến 48 giờ đồng hồ trên các bề mặt cứng như: mặt bàn, tay nắm cửa, quầy kệ, bàn phím máy tính… Hãy thử tưởng tượng, nếu một người mang virus cúm ngồi tại bàn làm việc tại công ty vào thứ 7, vô tình người này làm bắn virus ra mặt bàn. Tới thứ 2, bạn lại ngồi đúng chiếc bàn đó, vô tình tay bạn chạm phải con virus rồi đưa lên mặt. Con virus đó có thể vẫn còn sống và sẽ nhân cơ hội đó bám ngay vào vật chủ mới là bạn để nhân lên và gây bệnh!
Vậy sau 48 giờ thì sao? Khả năng sống sót của virus là không đáng kể.
Ngoài ra, virus cũng rất dễ bị bất hoạt bởi tia tử ngoại ánh nắng mặt trời, đó là lý do vì sao chúng ta nên mở cửa sổ thông thoáng đón ánh nắng vào nhà. Các dung dịch vệ sinh tẩy rửa như formol, chloramine hay cồn cũng có thể khử virus.
Ở nhiệt độ từ 56 độ C trở lên, virus cúm sẽ bị tiêu diệt. Nhưng chúng lại có sức sống mãnh liệt ở nhiệt độ thấp. Cụ thể từ 0-4 độ C, thời gian tồn tại của virus cúm có thể lên đến vài tuần. Ở nhiệt độ -20 độ C, chúng sẽ chuyển trạng thái đông khô để kéo dài thời gian tồn tại tới hàng năm. Đó cũng là một trong các nguyên nhân khiến cúm trở thành một bệnh phổ biến và nguy hiểm ở các nước khí hậu ôn đới lạnh như ở Châu Âu.
Sự thật số 3. Virus cúm rất dễ lây truyền?
Chính xác!
Virus cúm tồn tại ở các phân tử nước lơ lửng trong không khí, là các giọt bắn bắn ra từ vật chủ khi ho, hắt hơi hoặc bắn ra khi cười nói, giao tiếp. Khi người lành hít phải các giọt bắn, hoặc vô tình chạm tay vào các bề mặt có virus rồi đưa tay lên mặt khiến virus có thể xâm nhập vào mũi, miệng, đường hô hấp, bám vào niêm mạc để thực hiện quá trình nhiễm bệnh.
Khi người mang virus ho hoặc hắt hơi, các giọt bắn có thể văng xa đến 2 mét, với tốc độ di chuyển khoảng 200mph (tương đương khoảng 321.87 km/h).
Thời gian ủ bệnh khi nhiễm virus cúm từ 1-5 ngày (trung bình là 2 ngày). Tuy nhiên, khả năng lây nhiễm đã bắt đầu từ 1-2 ngày trước khi các triệu chứng bệnh đầu tiên khởi phát. Nghĩa là ngay cả khi các triệu chứng bệnh cúm chưa có, nhưng người nhiễm virus cúm đã có thể lây nhiễm cho người khác. Điều này chính là một yếu tố thuận lợi cho lây nhiễm, bởi khi không có triệu chứng, chúng ta sẽ không có biện pháp đề phòng phù hợp.
Trong khoảng thời gian từ 3-5 ngày từ khi triệu chứng khởi phát, sẽ là khoảng thời gian lây nhiễm mạnh mẽ nhất. Kể cả khi những triệu chứng có dấu hiệu thuyên giảm, thì khả năng lây là vẫn có thể.
Sự thật số 4. Virus cúm không nguy hiểm?
Bệnh cúm thường sẽ tự khỏi sau 7-10 ngày nhiễm bệnh. Kháng sinh không có tác dụng với virus cúm nếu không có các biến chứng bội nhiễm khác. Khi mắc cúm, điều quan trọng nhất bạn cần làm là dành thời gian nghỉ ngơi, đảm bảo dinh dưỡng đầy đủ, tăng sức đề kháng, và điều trị các triệu chứng như hạ sốt, giảm ho, sổ mũi… nếu có.
Tuy nhiên, trên một số người có nền thể trạng kém, ví dụ như trẻ em hệ miễn dịch chưa hoàn thiện, hoặc trường hợp suy giảm miễn dịch (người mắc bệnh HIV, bệnh tự miễn), hoặc người cao tuổi, người có bệnh mãn tính (hen, tim mạch, huyết áp, tiểu đường, ung thư…) thì rất dễ gặp các tổn thương, biến chứng nặng khi virus cúm tấn công.
Những biến chứng nặng có thể gặp phải khi mắc cúm mùa như:
- Nhiễm trùng xoang, tai
- Viêm phế quản
- Viêm phổi
- Viêm cơ tim
- Viêm cơ, tiêu cơ vân
- Nhiễm trùng huyết
Một số dấu hiệu cảnh báo chuyển biến nặng khi mắc cúm mùa ở trẻ em:
- Khó thở hoặc thở nhanh
- Mặt hoặc môi nhợt nhạt
- Thở mạnh, sâu rút ngực theo từng nhịp thở
- Trẻ không chịu đi do đau cơ nghiêm trọng
- Mất nước, không có nước tiểu trong 8 giờ đồng hồ, khô miệng, không có nước mắt khi khóc
- Không tỉnh táo, không có hành động tương tác với các yếu tố tác động bên ngoài khi đang thức
- Sốt cao trên 40 độ C, không thể hạ sốt dù đã sử dụng thuốc hạ sốt
- Tình trạng sốt hoặc ho cải thiện nhưng sau đó đột ngột trở lại và trở nên trầm trọng hơn
Với người lớn, dấu hiệu cần can thiệp y tế là:
- Thở gấp hoặc khó thở
- Đau ngực, có cảm giác ngực hoặc bụng bị đèn nén bởi một áp lực lớn, khó thở nghiêm trọng
- Chóng mặt dai dẳng, suy giảm nhận thức thần kinh và trí nhớ
- Co giật
- Không đi tiểu trong nhiều giờ
- Đau cơ nghiêm trọng
- Yếu cơ, không có sức lực cầm nắm
- Tình trạng sốt hoặc ho cải thiện nhưng sau đó đột ngột trở lại và trở nên trầm trọng hơn
- Các tình trạng bệnh mãn tính trở nặng.
Sự thật số 5. Tiêm vắc xin cúm sẽ không mắc cúm?
- Vắc xin cúm có tác dụng tạo kháng thể đặc hiệu chống lại virus cúm. Tuy nhiên, như phần đầu chúng ta đã thấy virus cúm có rất nhiều chủng khác nhau, chưa kể việc mỗi chủng sẽ liên tục có những biến đổi nhỏ để giúp chúng thích nghi tốt hơn với vật chủ. Do đó, vắc xin cúm mùa sẽ được thay đổi hàng năm, theo đánh giá dịch tễ cho chủng nào có nguy cơ gây dịch và có khả năng gây biến chứng nguy hiểm nhất.
- Điều này có nghĩa là nếu bạn đã tiêm vắc xin cúm, thì bạn vẫn có thể mắc các chủng/ tuýp virus cúm khác. Tuy nhiên, vắc xin cúm sẽ giúp đề kháng cơ thể tốt hơn, giảm nguy cơ những biến chứng nặng.
- Thêm một lưu ý nho nhỏ, sau khi tiêm vắc xin, cơ thể sẽ cần từ 2-3 tuần để tạo kháng thể. Do đó, việc tiêm vắc xin cần được thực hiện trước mỗi mùa cúm, chứ không đợi đến khi vào mùa dịch hoặc khi cơ thể đã nhiễm cúm mới tiêm.
- Tiêm vaccine cúm không có tác dụng ngừa Covid-19, nhưng giúp hỗ trợ giảm nguy cơ nhập viện, biến chứng do Covid gây ra.
- Những đối tượng nguy cơ cao cần được tiêm là: Người > 65 tuổi, phụ nữ mang thai hoặc dự định mang thai, trẻ em (đặc biệt < 5t), người mắc bệnh mạn tính (hen, tim mạch, tiểu đường, ung thư…), người suy giảm miễn dịch (HIV)…
- Chống chỉ định tiêm vắc xin cúm cho: Trẻ < 6 tháng tuổi, người dị ứng/ quá mẫn với các thành phần của vắc xin. Thận trọng với người dị ứng trứng hoặc đang điều trị nhiễm trùng cấp tính, sốt vừa hoặc cao.
- Thuốc kháng virus có hiệu quả giảm sự lây lan, nhân lên của virus cúm. Tuy nhiên thuốc thường có hiệu quả khi sử dụng trước 48h (< 2 ngày) kể từ khi có các triệu chứng cúm. Thuốc chỉ có tác dụng giảm các triệu chứng do virus cúm gây ra chứ không có tác dụng điều trị triệt để bệnh cúm.
Trên đây là tóm tắt 5 sự thật về bệnh cúm mùa. Hi vọng những thông tin này sẽ hữu ích để bạn đọc hiểu cũng như có cách chăm sóc cho bản thân và gia đình hiệu quả.
Nguồn tham khảo:
Đọc thêm các bài viết chăm sóc sức khỏe gia đình khác tại đây.
Nếu bạn có bất cứ điều gì về sức khỏe muốn chia sẻ hay các câu hỏi về thuốc, hãy để lại comment hoặc nhắn tin theo địa chỉ email: nguyenvunguyetminh@gmail.com . Tôi luôn sẵn sàng lắng nghe và hỗ trợ bạn vì một cộng đồng sử dụng thuốc an toàn.