Mấy hôm Hà Nội nóng 40 độ C, anh con trai tự dưng chảy máu cam! Đang ngồi chơi thì một giọt đỏ tươi rơi xuống. Ông bố vội vàng lấy tờ giấy ăn vo vo nhét vào mũi con, rồi hớt hải gọi: Mẹ cho con đi khám xem có sao không. Mình đủng đỉnh rút nút giấy, giữ chặt hai cánh mũi con mấy phút, anh chàng lại hớn hở như thường. Đến tối, chị gái gọi điện đầy lo lắng “Chị hỏi dì xem sao thỉnh thoảng Xuka nó lại chảy máu cam. Chị lo lắm, không biết có bệnh gì không”.
Hóa ra cái việc chảy máu cam lại khiến nhiều cha mẹ bối rối như vậy.
Nội dung bài viết
Chảy máu cam là gì?
Chảy máu cam là tình trạng máu chảy ra từ mũi thì chắc ai cũng biết rồi. Nhưng cụ thể hơn theo y học thì như thế nào?
Chảy máu cam là tình trạng chảy máu từ các mô mềm trong mũi khi mạch máu nhỏ bị vỡ. Chảy máu cam hay gặp ở trẻ từ 3 – 10 tuổi. Thời gian chảy máu thường ngắn và lượng máu ít. Cũng có trường hợp máu chảy nhiều, đặc biệt khi thấm vào giấy hoặc quần áo, nhưng hiếm khi gây ra những tình trạng nguy hiểm như thiếu máu (ngoại trừ bệnh lý có chảy máu thường xuyên kéo dài trong nhiều tuần hoặc tháng).
90% các trường hợp chảy máu cam là từ mũi trước, chỉ khoảng 10% chảy máu từ mũi sau.
Tuy hiếm gặp nhưng chảy máu mũi sau nguy hiểm hơn chảy máu mũi trước. Máu chảy xuất phát từ phần sâu nhất của mũi, xuống phía sau cổ họng. Chảy máu mũi sau thường gặp ở người lớn tuổi, người cao huyết áp hoặc có chấn thương vùng mũi, mặt.
Tại sao lại chảy máu cam?
Có rất nhiều nguyên nhân có thể gây chảy máu mũi. Do thời tiết, do thói quen ngoáy mũi hay do va đập…
- Không khí khô, nóng gây kích ứng và làm khô niêm mạc mũi. Đây là lý do thường gặp nhất. Những mạch máu nhỏ rất nhạy cảm, dễ dàng tổn thương khi hô hấp gặp không khí hanh khô, hoặc độ ẩm thấp khi sử dụng lò sưởi, điều hòa.
- Cảm lạnh thông thường khiến niêm mạc mũi có thể sưng nề, ngứa, khó chịu, hắt hơi nhiều lần gây chảy máu.
- Ngoáy mũi hoặc nhét dị vật vào mũi. Trẻ rất tò mò và hiếu động nên có thể ngửi hoặc thử đưa một số đồ chơi, vật dụng vào trong mũi. Hoặc một số trẻ có sở thích ăn gỉ mũi, do đó thường xuyên dùng tay ngoáy mũi. Những hành động này vô tình khiến nguy cơ chảy máu cam tăng lên.
- Dị ứng, nhiễm trùng mũi họng và xoang làm tổn thương các mạch máu.
- Tác dụng phụ của một số thuốc làm khô niêm mạc mũi cũng có thể gây chảy máu cam. Ví dụ thuốc kháng histamine điều trị dị ứng, thuốc kháng viêm)
- Rặn gắng sức khi đi ngoài gặp tình trạng táo bón. Mình cũng đã từng nghe một ông bố chia sẻ việc con trai lười ăn đi kèm tình trạng táo bón và hay bị chảy máu cam. Tuy nhiên sau khi tư vấn hỗ trợ bé cải thiện tình trạng ăn uống và đi vệ sinh tốt hơn, chảy máu cam cũng không xuất hiện nữa. Việc rặn gắng sức khiến các mạch máu giãn căng ra, những mao mạch nhỏ rất dễ vỡ vì áp lực lớn gây ra tình trạng chảy máu.
- Chấn thương mũi, vùng mặt. Thường những trường hợp này nếu máu chảy nhiều, hoặc không tự cầm sau 10 phút cần đưa ngay trẻ đến cơ sở y tế.
- Bệnh lý rối loạn đông máu hoặc các khối u (lành tính hoặc ác tính) chèn ép rất hiếm gặp.
Nên làm gì khi chảy máu cam?
Bình tĩnh!
Đầu tiên cha mẹ hay người lớn cần phải làm là giữ bình tĩnh. Chảy máu cam nhìn có vẻ đáng sợ nhưng hầu hết đều không nghiêm trọng (Không phải như trên phim, khi nhân vật chính đột nhiên chảy máu mũi là thế nào cũng sẽ có bệnh nan y).
Theo hướng dẫn của các tổ chức y tế về xử trí chảy máu cam ở trẻ, cha mẹ nên chắc chắn không có dị vật nào trong mũi con và làm theo các bước sau:
- Bình tĩnh và trấn an trẻ. Khi máu chảy, chắc chắn trẻ sẽ hoảng sợ, có thể đau, khó chịu vùng mũi. Hãy trấn an để trẻ không khóc, hoặc giảm, ngừng khóc. Khóc gây căng thẳng và khiến tình trạng chảy máu càng trầm trọng hơn. (Anh con trai của mình trong lúc chờ hết chảy máu chỉ hỏi đi hỏi lại một câu: Mẹ ơi máu cứ chảy thế này có bị chết không?! Tất nhiên mẹ cười ngoác ra và bảo: Con tưởng chết mà dễ thế à)
- Đặt trẻ ngồi vào lòng cha mẹ, trẻ lớn có thể tự ngồi thẳng trên ghế, đầu và cổ hơi cúi về phía trước. Tư thế này khiến máu không chảy ngược được vào trong và xuống họng, do đó không gây nôn do mùi tanh của máu, hoặc tiêu chảy khi nuốt phải máu. Không kẹp đầu trẻ giữa hai đầu gối vì có thể khiến máu chảy nhiều hơn.
- Dùng ngón trỏ và ngón cái bóp chặt hai bên cánh mũi từ 5 – 10 phút (trẻ lớn có thể tự làm theo hướng dẫn). Trong khoảng thời gian này yêu cầu trẻ thở bằng miệng.
- Lưu ý:
- Giữ chặt phần hai cánh mũi mềm, không ép lên sống mũi hoặc chỉ ấn 1 bên cánh mũi vì điều đó không giúp cầm máu.
- Giữ liên tục từ 5 – 10 phút (có thể xem đồng hồ để căn thời gian), không ngừng giữa chừng để kiểm tra xem máu ngừng chảy chưa vì điều đó có thể làm gián đoạn quá trình đông máu và kéo dài thời gian chảy máu.
- Có thể chườm lạnh vùng quanh sống mũi để giúp co mạch, cầm máu nhanh hơn.
- Không nhét giấy, gạc hoặc khăn vào mũi trẻ
- Nếu máu tiếp tục chảy, lặp lại các bước ở trên một lần nữa.
Nếu tình trạng chảy máu không dứt, hay đưa ngay trẻ đến cơ sở y tế gần nhất. Các bác sĩ có thể sử dụng một số biện pháp chuyên môn để xử lý mạch máu tổn thương & cầm máu cho trẻ.
Trẻ cần kiêng cữ gì sau khi hết chảy máu cam?
- Cho trẻ nghỉ ngơi, tránh vận động mạnh một vài tiếng sau khi tình trạng chảy máu kết thúc.
- Không ăn uống đồ nóng, tắm nước nóng trong vòng 24h sau khi chảy máu cam.
- Thường xuyên nhắc trẻ không sờ tay lên mũi, ngoáy mũi, hoặc đưa các vật có mùi kích thích lại gần mũi gây hắt xì
Thực ra để ngăn được trẻ tò mò về chính cái mũi vừa tổn thương của mình, không ngửi hoặc ngoáy mũi suốt một ngày là điều rất khó thực hiện. Đặc biệt sau khi cầm máu, trong mũi sẽ có những cục máu đông gây khó chịu làm trẻ khụt khịt, xì mũi. Tuy nhiên cha mẹ có thể đánh lạc hướng trẻ càng lâu càng tốt để có nhiều thời gian hơn ổn định cục máu đông, giúp chữa lành tổn thương mạch máu.
Khi nào cần đưa trẻ đi gặp bác sĩ?
- Trẻ chảy nhiều máu và máu không tự cầm sau hai lần 10 phút thực hiện theo các bước xử trí
- Trẻ bị chấn thương vùng mặt, đầu
- Trẻ chảy máu cam nhiều lần trong tuần hoặc liên tục trong tháng
- Trẻ chảy máu cam đồng thời có các nốt/ vết bầm tím khác trên cơ thể, hoặc chảy máu từ các bộ phận khác (đi tiểu, đi ngoài ra máu, chảy máu nướu răng)
- Trẻ choáng váng, yếu ớt, da nhợt nhạt, khó thở
- Trẻ có dị vật mắc kẹt trong mũi
- Gia đình có tiền sử rối loạn đông máu
Chảy máu cam hầu hết là lành tính, nhưng cũng có những trường hợp gây nguy hiểm cho trẻ. Nên điều đầu tiên cha mẹ cần làm vẫn là phải “bình tĩnh” để đánh giá tình trạng và hành động nhanh chóng, chính xác.
Có thể ngăn ngừa được chảy máu cam ở trẻ không?
Có đến 9% trẻ bị chảy máu cam tái phát. Và hầu hết trẻ gặp tình trạng này do ngoáy mũi, hoặc không khí khô nóng nên cha mẹ có thể áp dụng một số biện pháp phòng chảy máu cam cho trẻ như:
- Không cho trẻ để móng tay dài, khi ngoáy làm tổn thương niêm mạc mũi
- Nhắc nhở trẻ hạn chế ngoáy mũi và không được nhét đồ chơi, vật dụng vào mũi
- Sử dụng nước muối dạng xịt hoặc nhỏ mũi, thuốc mỡ bôi quanh lỗ mũi để giữ ẩm cho mũi
- Sử dụng máy tạo độ ẩm khi thời tiết hanh khô, hoặc phải sử dụng điều hòa liên tục
- Đảm bảo trẻ uống đủ nước, dinh dưỡng cân bằng tránh táo bón
- Sử dụng mũ bảo hiểm, đồ bảo hộ khi di chuyển hoặc chơi các trò chơi có khả năng gây thương mũi, mặt hay đầu
- Giữ gìn không gian sống trong lành, không khói thuốc lá
Bàn luận
Đọc tới đây chắc nhiều cha mẹ cũng như chị gái mình cũng sẽ thở phào nhẹ nhõm. Chảy máu cam rất thường gặp ở trẻ, và hiếm khi gây ra bởi những tình trạng bệnh lý nguy hiểm. Nhìn máu chảy khiến chúng ta dễ mất bình tĩnh, nhưng vấn đề hoàn toàn có thể xử trí tại nhà một cách đơn giản và an toàn. Tuy nhiên, cũng không nên chủ quan mà bỏ qua những dấu hiệu cảnh báo vấn đề nghiêm trọng cần đưa trẻ đi gặp bác sĩ ngay.
Hiểu và xử lý các vấn đề đúng cách sẽ giúp cha mẹ đồng hành cùng con khôn lớn khỏe mạnh!
Đọc thêm các bài viết chăm sóc sức khỏe gia đình khác tại đây.
Nếu bạn có bất cứ điều gì về sức khỏe muốn chia sẻ hay các câu hỏi về thuốc, hãy để lại comment hoặc nhắn tin theo địa chỉ email: nguyenvunguyetminh@gmail.com . Tôi luôn sẵn sàng lắng nghe và hỗ trợ bạn vì một cộng đồng sử dụng thuốc an toàn.