Trong số các bệnh nhân đái tháo đường có đến 20% bệnh nhân gặp biến chứng bệnh mắt tiểu đường. Bệnh mắt tiểu đường hay còn gọi bệnh võng mạc đái tháo đường, là một biến chứng của bệnh đái tháo đường tuýp 1 hoặc tuýp 2, liên quan đến tổn thương các mạch máu ở võng mạc mắt.
Bệnh võng mạc tiểu đường là nguyên nhân chính dẫn đến mất thị lực ở bệnh nhân tiểu đường, và là nguyên nhân hàng đầu gây ra các vấn đề về thị lực ở người lớn trong độ tuổi lao động. Bệnh mắt tiểu đường có thể không có biểu hiện triệu chứng cho đến giai đoạn cuối. Khi đó nguy cơ tổn thương thị lực vĩnh viễn, thậm chí mù lòa là rất lớn.
Do đó, quan trọng là mỗi người bệnh cần nhận biết các dấu hiệu sớm của bệnh võng mạc đái tháo đường để được thăm khám và điều trị kịp thời.
Nội dung bài viết
Nguyên nhân và các yếu tố nguy cơ bệnh mắt tiểu đường
Lượng đường trong máu cao mạn tính gây tổn thương các mạch máu nhỏ, trong đó có mạch máu tại võng mạc mắt. Các mạch máu bị tổn thương tăng tính thấm thành mạch, rò rỉ huyết tương vào võng mạc, gây phù nề võng mạc. Khi này, cơ thể sẽ phản ứng bằng cách tăng sinh các mạch máu mới (tân mạch) để nuôi dưỡng vùng võng mạc bị tổn thương. Những tân mạch mỏng manh, dễ vỡ gây xuất huyết dịch kính hoặc xơ hóa gây co kéo bong võng mạc.
Bệnh võng mạc đái tháo đường liên quan mật thiết với các yếu tố nguy cơ như:
- Thời gian mắc bệnh tiểu đường
- Huyết áp cao
- Kiểm soát đường huyết kém
- Hút thuốc lá
Mang thai có thể làm giảm khả năng kiểm soát đường huyết trong máu, do đó làm tăng nặng thêm tình trạng bệnh võng mạc.
Tiến triển bệnh và triệu chứng bệnh mắt tiểu đường
Tùy theo tiến triển, bệnh võng mạc đái tháo đường được chia làm hai thể bệnh với các biểu hiện khác nhau.
1. Bệnh võng mạc không tăng sinh (hay bệnh võng mạc nền)
Đây là giai đoạn tiến triển sớm nhất của bệnh mắt tiểu đường với các tổn thương như tăng tính thấm mao mạch, phình mạch, xuất huyết nhẹ, ứ đọng chất tiết trong võng mạc gây phù võng mạc.
Tổn thương lan vào hoàng điểm (là nơi giữ chức năng thị lực trung tâm), gây thiếu máu hoàng điểm, phù hoàng điểm.
Những dấu hiệu khi thăm khám mắt cho thấy tình trạng:
- Phình vi mạch
- Xuất huyết võng mạc dạng chấm và dạng vệt
- Xuất tiết cứng (Các nốt rời rạc màu vàng trong võng mạc)
- Xuất tiết mềm (Hay xuất tiết bông – Là những vùng vi nhồi máu của lớp sợi thần kinh võng mạc)
- Phù hoàng điểm
- Giãn tĩnh mạch và bất thường vi mạch trong võng mạc
Giai đoạn sớm này một số bệnh nhân sẽ chưa có biểu hiện rõ ràng, hoặc có biểu hiện nhưng không nghĩ đến bệnh mắt tiểu đường:
- Nhìn mờ hoặc nhìn thấy gợn sóng ở trung tâm hình ảnh
- Nhìn màu sắc bị mờ hoặc bị trôi
- Nhìn các hình nổi
2. Bệnh võng mạc tăng sinh
Là giai đoạn sau của bệnh võng mạc không tăng sinh. Các biến chứng trở nên nghiêm trọng hơn. Đặc trưng với sự hình thành các tân mạch ở bề mặt võng mạc và lan rộng vào khoang dịch kính gây xuất huyết tái diễn liên tục. Bệnh võng mạc tăng sinh có thể dẫn tới rách hoặc bong võng mạc, làm mất thị lực trầm trọng, có thể mù lòa.
Những triệu chứng có thể thấy trong giai đoạn này là:
- Nhìn mờ, vẩn đục dịch kính (có các đốm đen)
- Nhìn thấy chớp sáng
- Mất thị lực đột ngột, nặng nhưng không đau
Bệnh mắt tiểu đường có điều trị được không?
Câu trả lời là: Có!
Hai chiến lược quan trọng nhất để điều trị bệnh võng mạc đái tháo đường là kiểm soát đường huyết và chăm sóc nhãn khoa.
Kiểm soát đường máu và huyết áp hiệu quả
Luôn nhớ 3 nguyên tắc chính trong việc kiểm soát đường huyết của bệnh nhân tiểu đường:
- Lối sống lành mạnh. Hoạt động thể chất hàng ngày phù hợp thể trạng sức khỏe. Ưu tiên chế độ ăn uống lành mạnh nhiều chất xơ và ít carbohydrate
- Theo dõi lượng đường máu và đo huyết áp thường xuyên. Tuân thủ lịch khám và xét nghiệm HbA1c của bác sĩ
- Uống thuốc theo đơn bác sĩ kê. Không tự ý dừng thuốc, thay đổi liều dùng hoặc uống kèm các thuốc khác khi chưa hỏi ý kiến bác sĩ
Xem thêm: Bệnh nhân tiểu đường tự chăm sóc tại nhà
Chăm sóc nhãn khoa
- Sử dụng thuốc. Các thuốc ức chế tăng trưởng nội mô mạch máu (anti-VEGF) được chỉ định trong các trường hợp có phù hoàng điểm. Hoặc tiêm nội nhãn que cấy corticoid điều trị các trường hợp phù hoàng điểm dai dẳng.
- Phẫu thuật laser. Có thể laser khu trú hoặc laser quang đông toàn bộ võng mạc. Laser giúp thu nhỏ hoặc bịt kín các mạch máu rò rỉ để giảm sưng, làm chậm lại tiến triển của bệnh.
- Cắt dịch kính. Là một thủ thuật loại bỏ dịch từ các mạch máu vào nội mạc, thường được chỉ định vào giai đoạn cuối của bệnh.
Bàn luận
Chẩn đoán sớm có vai trò hết sức quan trọng trong việc phát hiện và điều trị kịp thời bệnh võng mạc đái tháo đường. Nên các bệnh nhân tiểu đường cần được khám mắt hàng năm. Người bệnh cũng cần tự trang bị kiến thức nhận biết các dấu hiệu sớm trên thị lực của bệnh mắt tiểu đường. Luôn nhớ nguyên tắc đầu tiên và quan trọng nhất để hạn chế những biến chứng trong bệnh đái tháo đường là kiểm soát đường huyết hiệu quả. Hi vọng những thông tin bài viết sẽ hữu ích cho các bệnh nhân tiểu đường trong việc chăm sóc sức khỏe cho chính mình và những người xung quanh.
Tham khảo: Bệnh võng mạc đái tháo đường MSD
Đọc thêm các bài viết chăm sóc sức khỏe gia đình khác tại đây.
Nếu bạn có bất cứ điều gì về sức khỏe muốn chia sẻ hay các câu hỏi về thuốc, hãy để lại comment hoặc nhắn tin theo địa chỉ email: nguyenvunguyetminh@gmail.com . Tôi luôn sẵn sàng lắng nghe và hỗ trợ bạn vì một cộng đồng sử dụng thuốc an toàn.