Khi chúng ta già đi, việc hấp thu và chuyển hóa thuốc trong cơ thể cũng bị ảnh hưởng. Hệ tiêu hóa, hệ tuần hoàn, gan, thận… làm việc chậm hơn khiến hoạt chất hấp thu vào máu thay đổi, tốc độ lọc và đào thải độc tố kém gây những tác dụng phụ không mong muốn. Do đó, lựa chọn và sử dụng thuốc cho người cao tuổi cần được cân nhắc và quan tâm đúng.
Nội dung bài viết
Lão hóa – Sức khỏe – Thuốc cho người cao tuổi
Cơ thể lão hóa sẽ phải đối mặt với nhiều vấn đề sức khỏe hơn, người bệnh có thể sẽ phải sử dùng nhiều loại thuốc một cách thường xuyên.
Điều này khiến nguy cơ tương tác thuốc tăng lên.
- Tương tác thuốc-thuốc: Xảy ra khi hai hoặc nhiều loại thuốc phản ứng với nhau gây ra các tác dụng không mong muốn. Tương tác khiến tác dụng của một thuốc giảm đi, hoặc tăng lên quá mức. Ví dụ asprin sẽ làm tăng nguy cơ chảy máu trên những bệnh nhân đang sử dụng thuốc chống đông máu warfarin.
- Tương tác thuốc-thực phẩm: Một số đồ ăn thức uống sẽ ảnh hưởng tới hấp thu thuốc trong đường tiêu hóa.
Ngoài tương tác thuốc, thay đổi sinh lý cơ thể cũng khiến chuyển hóa thuốc ảnh hưởng. Độc tính các thuốc có thể tăng lên do chức năng đào thải của gan, thận suy giảm dẫn đến các tác dụng phụ. Tác dụng phụ là tất cả những triệu chứng, cảm giác không mong đợi khi dùng thuốc. Hầu hết những tác dụng phụ thường nhẹ và tự hết khi dừng thuốc. Nhưng với người cao tuổi các tác dung phụ có thể trầm trọng hơn.
Những điều cần ghi nhớ khi sử dụng thuốc cho người cao tuổi
Ghi lại tất cả các loại thuốc đang sử dụng
Thông báo cho bác sĩ, dược sĩ biết về các loại thuốc mình đang sử dụng. Bao gồm các thuốc được kê đơn, không kê đơn, thuốc uống, thuốc nhỏ mắt, thuốc bôi ngoài da, hay các vitamin và thực phẩm chức năng khác. Điều này sẽ giúp nhân viên y tế có thông tin để đánh giá những nguy cơ tương tác thuốc hoặc các tác dụng phụ khi lựa chọn thuốc cho người cao tuổi.
Tuân thủ lịch khám sức khỏe theo định kỳ
Nếu phải uống thuốc kê đơn thường xuyên (ví dụ các bệnh tim mạch, huyết áp, tiểu đường…), hãy tuân thủ lịch khám định kỳ, hỏi ý kiến bác sĩ về những lưu ý trong chế độ ăn, sinh hoạt hàng ngày. Không tự ý dừng thuốc, thay đổi liều thuốc sử dụng khi chưa hỏi ý kiến bác sĩ, kể cả khi tình trạng sức khỏe đã tốt lên.
Thông báo cho bác sĩ về bệnh sử của mình
Những thông tin về tiền sử dị ứng thức ăn hay một loại thuốc nào đó sẽ rất hữu ích cho bác sĩ trong việc chăm sóc sức khỏe cho người bệnh. Ngoài ra, thông báo về những tình trạng sức khỏe khác mà người cao tuổi gặp phải, hoặc đang được bác sĩ khác điều trị sẽ giúp bác sĩ nắm được bức tranh sức khỏe của người bệnh rõ ràng hơn, giúp cho việc chẩn đoán và kê đơn thuốc hiệu quả.
Ví dụ tình trạng suy gan, suy thận khiến việc chuyển hóa, đào thải độc tính của thuốc giảm. Bác sĩ, dược sĩ sẽ cần điều chỉnh liều của các thuốc cho người cao tuổi để giảm các tác dụng không mong muốn.
Chế độ ăn cũng rất quan trọng
Một chế độ ăn kiêng (ví dụ rất ít chất béo hoặc giàu canxi), hoặc thói quen uống cafe, trà, rượu sẽ ảnh hưởng khác nhau tới việc dùng thuốc cho người cao tuổi có chế độ ăn đầy đủ.
Khả năng nhận biết và ghi nhớ lịch uống thuốc
Lão hóa không những làm cơ thể già đi, mà còn làm hoạt động trí não suy giảm. Khả năng ghi nhớ và nhận biết sử dụng các loại thuốc gặp khó khăn. Hãy đề nghị bác sĩ ghi chú rõ ràng hướng dẫn sử dụng thuốc (liều dùng, thời điểm dùng, cách dùng). Người bệnh có thể nhắc lại và đề nghị bác sĩ kiểm tra xem những hiểu biết về cách dùng thuốc như vậy đã đúng hay chưa.
Người cao tuổi có thể đi cùng người nhà trong những lần khám bệnh để hỗ trợ ghi nhớ các hướng dẫn của bác sĩ. Hoặc sử dụng các hộp chia liều thuốc cho người cao tuổi cũng là một cách giúp việc dùng thuốc thuận tiện hơn.
Gặp các vấn đề về nuốt
Người cao tuổi thường gặp khó khăn khi nuốt. Do đó những viên thuốc lớn, cứng có thể gây nghẹn khi sử dụng. Hãy nói cho nhân viên y tế biết để lựa chọn loại thuốc có dạng bào chế phù hợp. Ví dụ thuốc dạng lỏng, hoặc thuốc dạng viên nhỏ sẽ dễ uống hơn. Không tự ý bẻ hoặc nghiên nát nếu không có ý kiến của bác sĩ, dược sĩ.
Thói quen sinh hoạt
Điều này có lẽ chưa được chú ý đến nhiều. Nếu lịch trình công việc, sinh hoạt hàng ngày bận rộn, hoặc việc uống thuốc cùng nhiều nước buổi tối gây tăng tần suất tiểu tiện, mất ngủ, người bệnh có thể đề nghị bác sĩ lựa chọn thuốc sử dụng 1 – 2 lần thay cho 3 – 4 lần mỗi ngày.
Chỉ sử dụng thuốc dành cho mình
Nên khám bệnh và sử dụng các thuốc được bác sĩ kê đơn cho mình. Không tự ý sử dụng thuốc theo đơn của người khác. Một số triệu chứng dường như giống nhau, nhưng nguyên nhân bệnh lý là khác nhau. Sử dụng đơn thuốc theo người khác có thể làm mất đi các triệu chứng, khiến việc chẩn đoán bệnh khó khăn hơn, tiến triển bệnh xấu hơn.
Chú ý khi sử dụng thuốc không kê đơn
Các thuốc không kê đơn bao ví dụ như thuốc nhuận tràng, thuốc cảm cúm, thuốc giảm đau, kháng aixt… Một số thuốc có thể tương tác với các thuốc kê đơn người cao tuổi đang sử dụng. Do đó kể cả thuốc không kê đơn người bệnh cũng cần thông báo cho bác sĩ, dược sĩ biết.
Ngoài ra những thuốc không kê đơn thường sử dụng trong thời gian ngắn. Nếu việc sử dụng các thuốc này trở nên thường xuyên, kéo dài, hãy đi khám để tìm nguyên nhân chính xác của vấn đề và các biện pháp điều trị thích hợp.
Bảo quản thuốc đúng cách
Thuốc cần được để trong các ngăn tủ riêng, nơi khô mát, tránh ánh nắng trực tiếp và xa tầm tay trẻ em. Với những thuốc có ghi chú bảo quản đặc biệt (ví dụ bảo quản trong tủ lạnh), cần được để trong hộp tại khu vực riêng không chung với đồ khác.
Khi phải sử dụng nhiều loại thuốc, nên ghi nhớ phân biệt các thuốc bằng thông tin, màu sắc, hình dạng viên thuốc để tránh nhầm lẫn khi uống thuốc.
Nên giữ lại các vỏ hộp thuốc cho đến khi sử dụng hết. Luôn kiểm tra các thông tin thuốc trước khi sử dụng: Tên thuốc, liều dùng, thời điểm dùng, hạn sử dụng, màu sắc, mùi có bất thường gì không
Gợi ý các câu hỏi người cao tuổi có thể sử dụng khi được kê đơn hoặc khi mua thuốc
- Tên thuốc này là gì và nó có tác dụng gì?
- Thuốc này tôi dùng như thế nào và cần dùng trong bao lâu?
- Thuốc này uống cùng các loại thuốc khác, đồ uống, thức ăn nào được?
- Nếu tôi quên không uống một liều thì tôi phải làm gì tiếp theo?
- Tôi nên uống thuốc này trước, trong hay sau bữa ăn?
- Tôi nên chia các lần uống thuốc như thế nào? (ví dụ uống 4 lần/ ngày thì uống vào những lúc nào?)
- Tôi có cần kiểm tra hoặc theo dõi dấu hiệu nào khi dùng thuốc này không? Tôi có cần báo lại cho bác sĩ không?
- Thuốc này có các tác dụng phụ nào? Tôi nên làm gì nếu gặp tác dụng phụ?
- Khi nào thì thuốc có tác dụng? Làm sao tôi biết là thuốc hiệu quả?
- Đơn thuốc này có thay thế hết cho đơn thuốc cũ và/hoặc các thuốc/thực phẩm chức năng tôi đang sử dụng không?
- Có thể in hướng dẫn sử dụng chữ to, rõ ràng hơn cho tôi được không?
- Thuốc này được bảo quản như thế nào?
Bàn luận
Những thay đổi bình thường của cơ thể khi lão hóa lại có thể trở nên bất thường trong quá trình sử dụng thuốc. Do đó việc lựa chọn thuốc cho người cao tuổi luôn cần được đánh giá và cân nhắc đúng mực. Bản thân mỗi người bệnh cũng cần tự trang bị kiến thức về sức khỏe người cao tuổi, những điều cần chú ý khi khám bệnh, mua thuốc hay sử dụng thuốc để đảm bảo an toàn cho bản thân.
Vai trò của những người thân trong gia đình cũng rất quan trọng. Hãy dành thời gian quan tâm, chia sẻ không chỉ về sức khỏe, mà sự quan tâm đó còn là liệu pháp tinh thần giúp người cao tuổi sống vui hơn, khỏe mạnh hơn mỗi ngày.
Tham khảo: Safe Use of Medicines for Older Adults (NIA)
Đọc thêm các bài viết chăm sóc sức khỏe gia đình khác tại đây.
Nếu bạn có bất cứ điều gì về sức khỏe muốn chia sẻ hay các câu hỏi về thuốc, hãy để lại comment hoặc nhắn tin theo địa chỉ email: nguyenvunguyetminh@gmail.com . Tôi luôn sẵn sàng lắng nghe và hỗ trợ bạn vì một cộng đồng sử dụng thuốc an toàn.