Tăng huyết áp hay bệnh huyết áp cao đã trở thành căn bệnh phổ biến hiện nay. Theo kết quả tầm soát huyết áp ở người trưởng thành tại một tỉnh đồng bằng Bắc bộ năm 2020, tỷ lệ tăng huyết áp chung là 27,2%; tỷ lệ người có huyết áp cao trên 65 tuổi lên tới 45,36%. Bên cạnh đó, kết quả đáng lưu ý dù tỉ lệ bệnh nhân được điều trị tăng huyết áp là 56,78% nhưng tỉ lệ kiểm soát huyết áp chỉ có 14,36% và tỉ lệ không kiểm soát huyết áp chiếm 85,64% [1].
Nội dung bài viết
1. Tăng huyết áp
Là một thuật ngữ y tế chỉ bệnh cao huyết áp.
Huyết áp là gì?
Là áp lực mà máu tác động lên thành trong của động mạch. Động mạch là những mạch mang máu giàu ô xy (máu đỏ tươi) từ tim tới các cơ quan khác trong cơ thể.
Chỉ số huyết áp cho biết mức độ hoạt động của tim và tình trạng của động mạch. Ví dụ khi động mạch xơ cứng, khả năng đàn hồi kém khiến huyết áp tăng lên.
Các chỉ số huyết áp có ý nghĩa gì?
Huyết áp được tạo thành từ hai con số được gọi là huyết áp tâm thu và huyết áp tâm trương. Ví dụ chỉ số huyết áp là 150/90 mmHg thì 150 là huyết áp tâm thu, 90 là huyết áp tâm trương.
Huyết áp tâm thu là áp lực của máu lên thành động mạch khi tim đang co lại, chuẩn bị tống máu đi (tại thời điểm tim đập).
Huyết áp tâm trương là áp lực của máu lên thành động mạch khi tim đang giãn (khoảng nghỉ giữa các nhịp đập của tim).
Chỉ số huyết áp như thế nào là tăng huyết áp?
Theo hướng dẫn của Hiệp hội tim mạch Hoa Kỳ (AHA), tăng huyết áp độ 1 khi chỉ số huyết áp ≥ 130/80 mmHg. Tăng huyết áp độ 2 khi chỉ số huyết áp ≥ 140/90 mmHg.
Phân loại huyết áp | Huyết áp tâm thu | Huyết áp tâm trương |
Bình thường | < 120 mmHg | và < 80 mmHg |
Cao | 120 – 129 mmHg | và < 80 mmHg |
Tăng huyết áp | ||
Độ 1 | 130 – 139 mmHg | hoặc 80 – 89 mmHg |
Độ 2 | ≥ 140 mmHg | hoặc ≥ 90 mmHg |
Huyết áp cao trong thời gian ngắn có thể là phản ứng bình thường với nhiều tình huống (như khi vận động cường độ cao, căng thẳng cấp tính). Do đó để chẩn đoán tăng huyết áp cần theo dõi chỉ số huyết áp trong một khoảng thời gian nhất định, tại các thời điểm khác nhau.
2. Triệu chứng của tăng huyết áp
Huyết áp cao thường không có bất cứ triệu chứng gì, vì vậy nó còn được gọi là “kẻ giết người thầm lặng”. Do đó, điều quan trọng là huyết áp phải được kiểm tra định kỳ thường xuyên.
Trong một số ít trường hợp, người mắc bệnh cao huyết áp sẽ có triệu chứng đổ mồ hôi, lo lắng, khó ngủ hoặc đỏ mặt. Khi chỉ số huyết áp tăng cao, tạo thành cơn tăng huyết áp có thể gây đau nửa đầu, chảy máu cam.
3. Kiểm tra huyết áp
Máy đo huyết áp hay huyết áp kế là công cụ giúp chẩn đoán chính xác tình trạng huyết áp của mỗi người. Đơn vị tính huyết áp là milimet thủy ngân (mmHg).
Có hai loại máy đo huyết áp là máy cơ đo bằng quả bóp tay và máy đo điện tử kỹ thuật số. Mọi người có thể kiểm tra chỉ số huyết áp khi khám bệnh, khám sức khỏe định kỳ tại bệnh viện, phòng khám hay nhà thuốc, hoặc tự đo tại nhà khi có thiết bị.
4. Biến chứng tăng huyết áp
Tăng huyết áp kéo dài khiến các động mạch xơ cứng gây ra các biến chứng. Thành mạch cứng, mất độ đàn hồi. Những đoạn mạch có mảng xơ vữa bám khiến lòng mạch bị thu hẹp làm trầm trọng thêm tăng huyết áp. Tim phải hoạt động mạnh hơn để đẩy được máu đi tới các cơ quan dưới áp lực cao trong động mạch.
Hệ quả của tăng huyết áp kéo dài sẽ dẫn tới các bệnh lý như:
- Suy tim, đau tim
- Đột quỵ
- Phình động mạch, bất thường thành động mạch gây vỡ mạch
- Suy thận
- Bệnh võng mạc do tăng huyết áp
5. Nguyên nhân gây tăng huyết áp
Cao huyết áp rất phổ biến, đặc biệt với người cao tuổi. Hầu hết mọi người bị tăng huyết áp nguyên phát không rõ nguyên nhân. Một số ít hơn gặp huyết áp cao thứ phát do một nguyên nhân nào đó, ví dụ như rối loạn hormone, căng thẳng kéo dài hoặc bệnh thận mãn tính. Với cao huyết áp thứ phát, khi nguyên nhân được điều trị có thể ổn định lại chỉ số huyết áp.
6. Tăng huyết áp có chữa khỏi được không?
Thường không thể chữa khỏi. Người bệnh phải sống chung với thuốc hạ áp suốt đời. Trong một số trường hợp tăng huyết áp nhẹ, việc thay đổi lối sống, giảm trọng lượng cơ thể, giảm căng thẳng có thể giúp chỉ số huyết áp trở lại bình thường
7. Yếu tố nguy cơ gây tăng huyết áp
- Tuổi tác: Những người trên 60 tuổi có nguy cơ cao huyết áp phổ biến hơn. Huyết áp có thể tăng đều đặn khi thành mạch cứng lại, mất độ đàn hồi và các mảng xơ vữa hình thành. Do đó người cao tuổi cần được tầm soát huyết áp thường xuyên.
- Giới tính: Theo một đánh giá năm 2018, nam giới có nguy cơ cao huyết áp lớn hơn nữ giới cho tới sau khi phụ nữ mãn kinh. Điều này được cho là do vai trò của thận, hệ thống renin-angiotensin, relaxin và lập trình phát triển cơ thể hai giới khác nhau.
- Sắc tộc: Một số chủng tộc có nguy cơ cao huyết áp hơn những chủng tộc khác (ví dụ người Mỹ gốc Phi).
- Thể trạng: Thừa cân, béo phì là yếu tố nguy cơ gây tăng huyết áp
- Sử dụng thuốc lá, rượu bia và chất kích thích: Thường xuyên sử dụng lượng lớn rượu hoặc hút thuốc lá sẽ tăng chỉ số huyết áp
- Tình trạng sức khỏe hiện tại: Người có bệnh tim mạch, tiểu đường, bệnh thận mãn tính, rối loạn mỡ máu có nguy cơ dẫn đến tăng huyết áp.
- Các yếu tố khác: Ít vận động, chế độ ăn nhiều muối, nhiều chất béo, tiền sử gia đình có người bị huyết áp cao, căng thẳng kéo dài, lượng kali máu thấp
8. Thay đổi lối sống với người tăng huyết áp
Tập thể dục
Các hướng dẫn hiện hành khuyến cáo tất cả mọi người, bao gồm cả những người bị tăng huyết áp, nên tập thể dục ít nhất 150 phút ở cường độ vừa phải, hoặc 75 phút tập thể dục cường độ cao, ít nhất 5 ngày mỗi tuần.
Một số hoạt động phù hợp cho người huyết áp cao như đi bộ, chạy bộ, đạp xe, bơi lội hay thể dục nhịp điệu.
Giảm căng thẳng
Tránh hoặc học cách quản lý căng thẳng sẽ giúp kiểm soát tốt hơn. Một số biện pháp giúp thư giãn cơ thể như thiền, tắm nước ấm, tập yoga, đi bộ.
Không nên uống rượu, chất kích thích, hút thuốc lá hay đồ ăn vặt để đối phó với căng thẳng. Những chất này góp phần làm tăng nguy cơ cũng như biến chứng cao huyết áp.
Chế độ ăn
- Giảm lượng muối ăn vào. Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), lượng muối tiêu thụ mỗi ngày dưới 5g giúp giảm nguy cơ tăng huyết áp và các vấn đề sức khỏe liên quan.
- Uống rượu vừa phải. Theo Hiệp hội tim mạch Hoa Kỳ (AHA), tối đa 2 ly đồ uống có cồn cho nam giới và 1 ly cho nữ giới mỗi ngày là hợp lý.
- Tăng khẩu phần chất xơ. Ăn nhiều rau củ tươi. Giảm lượng chất béo, đặc biệt là chất béo bão hòa. Lựa chọn thịt nạc, đậu phụ, các loại hạt, sữa tách béo
Quản lý trọng lượng cơ thể
Với những người có cơ địa thừa cân, béo phì nên áp dụng các biện pháp vận động mạnh, chế độ ăn kiêng để giảm cân. Cân nặng giảm, giảm tải hoạt động cho tim và giảm chỉ số huyết áp.
Trong một báo cáo được đăng trên Tạp chí Hiệp hội tim mạch Hoa Kỳ (AHA Journal), khi trọng lượng cơ thể giảm 3.7% thì huyết áp tâm thu giảm khoảng 8%, huyết áp tâm trương giảm khoảng 7%.
Có thể bạn quan tâm: 9 Hiều lầm thường gặp về tăng huyết áp
9. Thuốc điều trị
Cho đến hiện tại thì có rất nhiều thuốc điều trị tăng huyết áp được cấp phép lưu hành. Có thể kể tên các nhóm thuốc chính:
- Thuốc ức chế men chuyển (ACE – Captopril, Enalapril, Lisinopril, Ramipril…)
- Thuốc chẹn beta giao cảm (Acebutolol, Atenolol, Propranolol, Timolol…)
- Thuốc chẹn kênh canxi (Diltiazem, Verapamil, Amlodipine, Nicardipine, Nifedipine…)
- Thuốc chẹn alpha-1 hay ức chế alpha-adrenergic (Doxazosin, Phenoxybenzamine, Prazosin, Terazosin)
- Thuốc giãn mạch (Hydralazine, Minoxidil)
- Thuốc cường adrenergic (Methyldopa, Clonidin, Guanabenz, Guanfacine, Doxazosin, Prazosin, Terazosin)
- Thuốc chẹn thụ thể Angiotension II (Irbesartan, Losartan, Telmisartan, Valsartan…)
- Chất ức chế trực tiếp renin (Aliskiren)
- Thuốc lợi tiểu (Bendroflumethiazide, Chlorothiazide, Indapamide, Amiloride, Furosemide…)
- Thuốc phối hợp (Amlodipine besylate and Valsartan, Amlodipine besylate and Olmesartan, Hydrochlorothiazide and Lisinopril…)
Thuốc huyết áp cần được uống hàng ngày, ngay cả khi chỉ số huyết áp đã giảm. Không tự ý dừng thuốc hoặc tăng liều thuốc khi chưa có chỉ định của bác sĩ. Giống như tất cả các loại thuốc khác, thuốc điều trị tăng huyết áp cũng có thể gây ra các tác dụng phụ như đau đầu, chóng mặt, ho khan… Nếu những tác dụng phụ tăng lên, bác sĩ có thể chỉ định đổi thuốc kiểm soát huyết áp khác cho người bệnh.
Bàn luận
Tăng huyết áp là bệnh lý phổ biến hiện nay. Bệnh nhân huyết áp cao sẽ phải uống thuốc thường xuyên hàng ngày, kể cả khi chỉ số huyết áp về mức bình thường. Trong điều trị, việc thay đổi lối sống, tăng cường vận động, quản lý căng thẳng, điều chỉnh chế độ ăn là rất quan trọng. Khi có kiến thức khoa học rõ ràng, đầy đủ, việc kiểm soát huyết áp sẽ trở nên nhẹ nhàng mà không ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người bệnh.
Đọc thêm các bài viết chăm sóc sức khỏe gia đình khác tại đây.
Nếu bạn có bất cứ điều gì về sức khỏe muốn chia sẻ hay các câu hỏi về thuốc, hãy để lại comment hoặc nhắn tin theo địa chỉ email: nguyenvunguyetminh@gmail.com . Tôi luôn sẵn sàng lắng nghe và hỗ trợ bạn vì một cộng đồng sử dụng thuốc an toàn.