Tăng huyết áp thai kỳ là tình trạng huyết áp cao khi mang thai. Đây là tình trạng bệnh lý thường gặp nhất trong quá trình mang thai. Những biến chứng có thể gặp phải của tăng huyết áp khi mang thai là nguy cơ nhau bong non, đột quỵ, thai nhi chậm phát triển, sảy thai, sinh non…
Nội dung bài viết
Chỉ số huyết áp trong tăng huyết áp thai kỳ
Theo Hiệp hội Tim mạch học Hoa Kỳ (ACC) và Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ (AHA), tăng huyết áp độ 1 khi chỉ số huyết áp ≥ 130/80 mmHg. Tăng huyết áp độ 2 khi chỉ số huyết áp ≥ 140/90 mmHg.
Phân loại huyết áp | Huyết áp tâm thu | Huyết áp tâm trương |
Bình thường | < 120 mmHg | và < 80 mmHg |
Cao | 120 – 129 mmHg | và < 80 mmHg |
Tăng huyết áp | ||
Độ 1 | 130 – 139 mmHg | hoặc 80 – 89 mmHg |
Độ 2 | ≥ 140 mmHg | hoặc ≥ 90 mmHg |
Theo Hiệp hội Sản phụ khoa Hoa Kỳ (ACOG), tăng huyết áp mạn tính là khi huyết áp tâm thu ≥ 140 mm Hg hoặc huyết áp tâm trương ≥ 90 mm Hg trong 2 lần đo trước 20 tuần tuổi thai.
Phân loại tăng huyết áp thai kỳ
Tùy vào thời điểm xuất hiện, huyết áp cao trong quá trình mang thai được chia làm các thể khác nhau.
1. Thể tăng huyết áp mạn tính
Mẹ bầu có chỉ số huyết áp cao trước khi mang thai hoặc trước 20 tuần tuổi thai. Một số phụ nữ có thể có tình trạng tăng huyết áp từ lâu nhưng không được nhận biết cho đến khi kiểm tra huyết áp trong quá trình khám thai.
2. Thể tăng huyết áp thai kỳ
Là tình trạng tăng huyết áp phát sinh sau 20 tuần tuổi thai (thường là sau 37 tuần) và sẽ hồi phục sau khi sinh khoảng 6 tuần. Mẹ bầu thường không có bất cứ triệu chứng nào. Một số trường hợp tình trạng này không ảnh hưởng gì đến thai kỳ nhưng sẽ làm gia tăng nguy cơ huyết áp cao ở bà mẹ trong tương lai. Một số trường hợp khác có thể dẫn đến sinh non, nhẹ cân hoặc chứng tiền sản giật ở mẹ bầu.
Chứng tiền sản giật
Tiền sản giật là tình trạng huyết áp tăng đột ngột sau tuần thứ 20 của thai kỳ, thường xảy ra trong tam cá nguyệt cuối. Trong một số ít trường hợp, các triệu chứng xuất hiện sau khi sinh được gọi là tình trạng tiền sản giật sau sinh. Tiền sản giật có thể gây nhau bong non, sinh non, thai chậm phát triển, tổn thương các cơ quan, tăng nguy cơ mắc bệnh tim của người mẹ, trường hợp nặng có thể gây tình trạng hôn mê.
Hậu quả tiền sản giật gây ra rất nguy hiểm cho cả mẹ bầu và thai nhi. Do đó, phụ nữ mang thai cần biết những triệu chứng sớm của tiền sản giật để kịp thời thăm khám và điều trị:
- Nhức đầu, mờ mắt, nhìn thấy nhiều điểm như hoa mắt
- Đau mạng sườn, khó thở
- Sưng đột ngột mặt, bàn chân, bàn tay
- Buồn nôn, nôn, co giật
- Tiểu ít, mệt mỏi
- Kiểm tra chỉ số huyết áp cao, nước tiểu có protein niệu
Kiểm soát tăng huyết áp thai kỳ hiệu quả
Tùy theo thể tăng huyết áp mà mẹ bầu gặp phải mà bác sĩ có những chỉ định điều trị riêng. Tuy nhiên có những nguyên tắc chung về chế độ dinh dưỡng, luyện tập hoặc thuốc điều trị chúng ta cũng nên biết.
1. Chế độ dinh dưỡng
Phụ nữ mang thai có tăng huyết áp nên lựa chọn chế độ dinh dưỡng cân bằng với lượng calo tối ưu từ protein tốt, thực phẩm giàu canxi, kali, vitamin A, sắt và axit folic. Lượng natri (muối) nên sử dụng hạn chế, nhưng không kiêng tuyệt đối vì natri còn có vai trò cân bằng chất lỏng trong cơ thể.
Những điều nên làm trong chế độ ăn của mẹ bầu
- Chia nhỏ các bữa ăn. Tránh nhịn ăn hoặc bỏ qua bất cứ bữa ăn nào.
- Ăn nhiều loại thực phẩm khác nhau để đảm bảo nhận đủ các nhóm dinh dưỡng mẹ và bé cần trong thai kỳ.
- Bổ sung canxi từ thực phẩm như sữa, ngũ cốc nguyên hạt, rau lá xanh. Ưu tiên sử dụng các loại sữa ít béo.
- Ăn nhiều rau lá xanh, trái cây như cam, dưa hấu, lê, táo, ổi….
- Bổ sung ít nhất một thực phẩm chứa vitamim A mỗi ngày như cà rốt, trứng, bí ngô,…
- Các bữa ăn nhẹ nên chọn các món chế biến dạng hấp, luộc.
- Uống nhiều nước.
Những điều cần hạn chế
- Lượng muối trong các bữa ăn nên tối ưu, nhưng không kiêng tuyệt đối. Trong trường hợp mẹ có tình trạng phù, cần giảm lượng muối ăn vào (tổng lượng khoảng 1 muỗng cafe mỗi ngày). Hạn chế ăn những đồ ăn nhiều muối như dưa, cà muối, thực phẩm chế biến sẵn.
- Hạn chế nước ngọt, đồ uống chứa cồn
- Không hút thuốc và/ hoặc hạn chế tiếp xúc khói thuốc lá
- Không ăn uống kiêng khem quá mức vì có thể gây thiếu dinh dưỡng thai kỳ
2. Sinh hoạt và vận động
- Quản lý cân nặng hiệu quả
- Vận động phù hợp thể trạng cơ thể
- Đảm bảo giấc ngủ và tinh thần thoải mái
- Tuân thủ lịch khám khai định kỳ và kiểm tra huyết áp thường quy.
3. Thuốc điều trị tăng huyết áp thai kỳ
Phụ nữ mang thai gặp tăng huyết áp thai kỳ cần đi thăm khám bác sĩ để được chẩn đoán chính xác và kê đơn thuốc, không tự ý dùng thuốc hạ áp. Lưu ý về một số thuốc chỉ định cho phụ nữ có tăng huyết áp thai kỳ:
Aspirin: Thường chỉ định cho những phụ nữ mang thai có nguy cơ tiền sản giật cao (có tiền sử tăng huyết áp thai kỳ, bệnh thận mạn tính, các bệnh tự miễn, tiểu đường tuýp 1 và 2); hoặc phụ nữ có nguy cơ vừa phải (lần đầu mang thai tuổi trên 40, tiền sử gia đình có người đã bị tiền sản giật, cơ địa thừa cân, đa thai).
Thuốc hạ áp nhóm ức chế men chuyển(ACE) hoặc thuốc chẹn thụ thể angiotensin II (ARB): Không sử dụng cho phụ nữ mang thai vì tăng nguy cơ gây bất thường bẩm sinh thai nhi. Cần nói chuyện với bác sĩ để được đổi thuốc hạ áp khác nếu phụ nữ đang điều trị nhóm thuốc này và có mang thai.
Thuốc nhóm Thiazide hoặc thuốc lợi tiểu giống Thiazide: Tăng nguy cơ bất thường bẩm sinh và biến chứng sơ sinh nếu dùng các thuốc này trong thời kỳ mang thai. Cần thông báo ngay với bác sĩ để dừng thuốc và đổi sang thuốc khác.
Với những phụ nữ có tình trạng tăng huyết áp thai kỳ cần tiếp tục theo dõi huyết áp cả sau khi sinh con. Tùy thể tăng huyết áp và tình trạng của người mẹ, bác sĩ sẽ quyết định tần suất theo dõi & thăm khám phù hợp.
Bàn luận
Ông cha ta vẫn có câu “gái chửa cửa mả” để nói về những vất vả, nguy hiểm của người phụ nữ trong quá trình mang thai và chuyển dạ. Nên không chỉ người phụ nữ mà các thành viên khác trong gia đình cũng cần có kiến thức để nhận biết sớm những tình trạng nguy hiểm tới sức khỏe bà mẹ và thai nhi. Tăng huyết áp thai kỳ có thể gây ra những biến chứng không mong muốn, nhưng hoàn toàn có thể kiểm soát được nếu chúng ta phát hiện sớm và có phác đồ theo dõi, điều trị hợp lý.
Đọc thêm các bài viết chăm sóc sức khỏe gia đình khác tại đây.
Nếu bạn có bất cứ điều gì về sức khỏe muốn chia sẻ hay các câu hỏi về thuốc, hãy để lại comment hoặc nhắn tin theo địa chỉ email: nguyenvunguyetminh@gmail.com . Tôi luôn sẵn sàng lắng nghe và hỗ trợ bạn vì một cộng đồng sử dụng thuốc an toàn.