Sữa mẹ là thức ăn tốt nhất cho sức khỏe và sự phát triển toàn diện của trẻ nhỏ. Sự kỳ diệu của cơ thể đã tạo ra một nguồn thức ăn quý giá, đáp ứng nhu cầu phát triển từng giai đoạn của trẻ. Sữa mẹ rất dễ tiêu hóa, thậm chí còn được coi là một chất nhuận tràng tự nhiên. Tuy nhiên tình trạng táo bón ở trẻ bú mẹ không phải không có, dù tỉ lệ gặp phải ít hơn so với trẻ bú sữa công thức. Nếu trẻ bú sữa công thức bị táo bón, cha mẹ có thể nghĩ đến việc đổi sữa cho bé. Nhưng táo bón ở trẻ bú mẹ thì phải xử lý như thế nào? Nguyên nhân có phải do sữa mẹ bị “nóng” hay không?
Nội dung bài viết
Táo bón ở trẻ bú mẹ ít gặp
Điều này là đúng. Các chất đạm, chất đường bột, chất béo, vitamin, khoáng chất, men tiêu hóa và nội tiết tố trong sữa mẹ có tỉ lệ kết hợp cân đối, phù hợp nhu cầu của trẻ.
Sữa mẹ có tỉ lệ đạm whey dễ tiêu hóa cao hơn đạm casein là đạm khó tiêu hóa (60/40). Tỷ lệ này tăng dần tới 50/50 vào khoảng 6 tháng tuổi. Thời gian tiêu hóa sữa mẹ tầm 1.5 giờ, sữa công thức mất 3 – 4 giờ.
Protein trong sữa mẹ hầu như được cơ thể trẻ tiêu hóa và hấp thu toàn bộ. Trong khi một lượng nhất định protein trong sữa công thức sau quá trình tiêu hóa sẽ đào thải ra ngoài. Do đó trẻ bú sữa công thức có phân rắn chắc hơn trẻ bú sữa mẹ.
Tuy nhiên không phải trẻ bú sữa mẹ thì sẽ không gặp tình trạng táo bón.
Xem thêm: Táo bón ở trẻ bú sữa công thức
Dấu hiệu táo bón ở trẻ bú mẹ
Tần suất đi ngoài có thể đánh giá tình trạng táo bón ở trẻ lớn và người lớn, nhưng điều này không nhất thiết đúng với trẻ sơ sinh. Trẻ sơ sinh có thể đi ngoài nhiều lần mỗi ngày. Nhưng trẻ từ 3-6 tuần tuổi trở đi cũng có thể đi ngoài một lần mỗi tuần. Vì sữa mẹ gần như được hấp thụ hoàn toàn, lượng chất thải rắn qua đường tiêu hóa là rất ít.
Dấu hiệu táo bón ở trẻ bú sữa mẹ chủ yếu dựa vào những biểu hiện như rặn, quấy khóc khi đi ngoài. Một số biểu hiện cha mẹ nên chú ý:
- Bụng trẻ căng cứng
- Trẻ bỏ ăn
- Đi ngoài phân cứng như đá cuội hoặc có máu
- Khóc nhiều khi đi ngoài
- Giảm cân hoặc kém tăng cân
Thói quen đi ị ở mỗi trẻ là khác nhau, do đó cha mẹ cần chú ý theo dõi thói quen của con mình để sớm phát hiện ra những dấu hiệu bất thường biểu hiện của táo bón.
Nguyên nhân táo bón ở trẻ bú mẹ
Trẻ bú sữa mẹ thường gặp phải tình trạng táo bón khi chuyển sang thức ăn đặc, hoặc chuyển đổi từ sữa mẹ sang sữa công thức. Khuyến cáo của các tổ chức Y tế, nên cho trẻ sơ sinh bú sữa mẹ hoàn toàn tới 6 tháng sau sinh. Trong giai đoạn này, trẻ không cần bổ sung thêm bất cứ loại thức ăn hoặc chất lỏng nào ngoại trừ trường hợp có chỉ định của bác sĩ. Từ 6 tháng trở đi, trẻ có thể được làm quen với các thức ăn đặc hơn.
Khi thay đổi chế độ ăn, phân của trẻ sẽ thay đổi về màu sắc, độ đặc và mùi, cũng như tần suất đi ị. Ngoài việc thay đổi chế độ ăn, một số nguyên nhân khác cũng có thể gây ra tình trạng táo bón ở trẻ bú mẹ như:
- Lượng chất lỏng cơ thể trẻ hấp thu ít. Mẹ luôn nhớ cho trẻ bú mẹ trước khi ăn thức ăn đặc. Khi có đủ nước, phân trẻ sẽ mềm và dễ đi ngoài hơn (Xem thêm: Nhu cầu nước hàng ngày theo giai đoạn phát triển của trẻ)
- Nhịn đi ngoài. Có thể mẹ sẽ nghĩ trẻ còn nhỏ, làm sao đã biết nhịn đi ngoài được. Tuy nhiên các em bé của chúng ta rất thông minh. Khi phân cứng và đi ị khiến trẻ bị đau, trẻ sẽ có xu hướng giữ phân lại để không phải ị đau. Hoặc những trẻ bị hăm, khi đi vệ sinh đau rát, trẻ cũng sẽ có hành vi nhịn đi ngoài.
- Căng thẳng. Tiếp xúc môi trường mới, đi du lịch hoặc thay đổi thời tiết đều có thể khiến trẻ căng thẳng. Căng thẳng gây nhiều ảnh hưởng đến thể chất, trong đó có tình trạng táo bón (Xem thêm: Bí mật của căng thẳng)
- Tình trạng sức khỏe kém. Khi trẻ ốm, sốt, nôn mửa mất nước, kém ăn, các bệnh lý đường tiêu hóa đều có thể là nguyên nhân táo bón ở trẻ bú mẹ.
Chế độ ăn của mẹ hay sữa mẹ “nóng” gây ra tình trạng táo bón ở trẻ bú mẹ?
Ông bà ta vẫn thường nói “mẹ ăn gì, con ăn nấy”. Nhưng sự thật có phải như vậy?
Trong một nghiên cứu được thực hiện vào năm 2017 trên 145 phụ nữ đang cho con bú về những đồ ăn nên hạn chế trong giai đoạn này. Kết quả cho thấy không có loại thực phẩm nào người mẹ cần tránh tuyệt đối, trừ khi trẻ phản ứng tiêu cực (dị ứng) với những thức ăn đó.
Khí và chất xơ, axit trong các thực phẩm có tính axit không được truyền qua sữa mẹ. Về cơ bản mẹ nên ăn một chế độ dinh dưỡng phong phú và cân bằng để đảm bảo lượng sữa cho con bú.
Một số thực phẩm các bà mẹ cho con bú cần hạn chế như các chất caffein hoặc các loại cá có hàm lượng thủy ngân cao, những chất này được truyền sang con một phần qua sữa mẹ. Hàm lượng caffein cao làm giảm nồng độ sắt trong sữa mẹ, đồng thời kích thích thần kinh khiến trẻ khó ngủ, cáu kỉnh. Thủy ngân sẽ ảnh hưởng xấu tới sự phát triển trí não và hệ thần kinh của trẻ bú mẹ.
Như vậy có sữa mẹ “nóng” hay không?
Câu trả lời là không. Sữa mẹ được tạo ra từ những chất dinh dưỡng được hấp thu vào trong máu chứ không phải từ đường tiêu hóa. Ngoài ra, trong sữa mẹ rất giàu các phân tử đường oligosaccharide hoạt động như chất nền phát triển cho vi khuẩn bifidobacteria, có lợi đối với sức khỏe bằng cách hỗ trợ hàng rào đường ruột, kích thích chức năng bình thường của ruột và tăng cường hệ thống miễn dịch. Oligosaccharide còn được coi là một dạng chất xơ hòa tan hạn chế tình trạng táo bón ở trẻ bú mẹ.
Cần làm gì khi gặp tình trạng táo bón ở trẻ bú mẹ?
Khi trẻ gặp tình trạng táo bón, cha mẹ không nên quá lo lắng. Hãy xem lại tần suất bú và lượng sữa trẻ bú trong ngày. Kiểm tra tình trạng sức khỏe xem trẻ có khó chịu như mọc răng, sốt hoặc yếu tố khách quan nào khác khiến trẻ căng thẳng hay không. Một số biện pháp cha mẹ có thể áp dụng cho trẻ:
Thay đổi chế độ ăn
Thay đổi chế độ ăn áp dụng với những trẻ có dặm thêm sữa công thức, hoặc đã làm quen với các thức ăn khác ngoài sữa mẹ.
Bổ sung thêm chất lỏng như nước sau khi bú sữa công thức, sau các bữa ăn dặm. Hoặc nước hoa quả trong các bữa phụ.
Bổ sung thêm chất xơ trong rau xanh, các loại quả đậu…
Vận động, massage kích thích nhu động ruột giúp giảm táo bón ở trẻ bú mẹ
Trẻ sơ sinh chưa biết trườn, bò hay đi, cha mẹ có thể hỗ trợ trẻ vận động bằng cách để trẻ nằm ngửa, nhẹ nhàng di chuyển hai chân của trẻ như đang đạp xe.
Massage kích thích tiêu hóa cho trẻ bằng cách:
- Sử dụng các đầu ngón tay để tạo chuyển động tròn quan rốn theo chiều kim đồng hồ
- Nhẹ nhàng uốn cong đầu gối của bé và đẩy bàn chân về phía bụng
- Quét lòng bàn tay mở từ đầu lồng ngực của em bé xuống bụng
Tắm nước ấm cũng giúp thư giãn và cải thiện tình trạng táo bón ở trẻ bú mẹ.
Xử lý các vấn đề sức khỏe là nguyên nhân gây táo bón
Giúp trẻ giải quyết các tình trạng khó chịu như mọc răng, ốm, sốt. Hay ôm ấp, vỗ về trấn an trẻ trước những căng thẳng trẻ phải trải qua sẽ giúp cải thiện tình trạng táo bón ở trẻ.
Khi nào cần đưa trẻ đến gặp bác sĩ?
Thông thường trẻ bú mẹ hoàn toàn rất ít gặp tình trạng táo bón. Và nếu có thì các biện pháp khắc phục tại nhà gần như đều hiệu quả. Tuy nhiên, trong một số trường hợp cha mẹ nên đưa trẻ đi khám:
- Bụng căng cứng, chướng
- Đi ngoài phân có máu
- Trẻ quấy khóc, rặn rướn nhiều, liên tục
- Trẻ sốt, nôn, từ chối ăn
- Tình trạng đi ngoài khó khăn kéo dài thường xuyên
Bàn luận
Không có sữa mẹ “nóng”, hoặc chế độ ăn của mẹ gây ra táo bón ở trẻ bú mẹ. Các bà mẹ hãy an tâm và hạnh phúc tận hưởng những phút giây cho con bú. Bởi sữa mẹ ngoài việc là nguồn dinh dưỡng hoàn hảo cho con, còn là sợi dây kết nối yêu thương của tình mẫu tử. Hiểu rõ thói quen ăn, ngủ, tiêu hóa của trẻ, phát hiện sớm các triệu chứng và khắc phục hiệu quả sẽ giúp con yêu của chúng ta khỏe mạnh khôn lớn. Táo bón ở trẻ bú mẹ sẽ không còn là vấn đề khiến cha mẹ phải lo lắng thái quá nữa!
Đọc thêm các bài viết chăm sóc sức khỏe gia đình khác tại đây.
Nếu bạn có bất cứ điều gì về sức khỏe muốn chia sẻ hay các câu hỏi về thuốc, hãy để lại comment hoặc nhắn tin theo địa chỉ email: nguyenvunguyetminh@gmail.com . Tôi luôn sẵn sàng lắng nghe và hỗ trợ bạn vì một cộng đồng sử dụng thuốc an toàn.