Các kết quả khảo sát táo bón ở trẻ cho thấy khoảng 30% trẻ từ 4-7 tuổi từng bị táo bón. 5% học sinh tiểu học bị táo bón kéo dài hơn 6 tháng. Táo bón mạn tính thường gặp nhất ở trẻ từ 2-4 tuổi, trong giai đoạn tập ngồi bô. Khoảng 25% trường hợp táo bón ở trẻ khởi phát ngay trong đầu đời.
Nội dung bài viết
Trẻ đại tiện như thế nào là bình thường?
Với trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, tần xuất đi ngoài phụ thuộc vào độ tuổi và thực phẩm trẻ ăn hàng ngày.
- Trẻ sơ sinh: Trong tuần đầu tiên, trẻ đi ngoài từ 3-5 lần mỗi ngày. Phân mềm hoặc lỏng hoa cà hoa cải. Trẻ bú mẹ đi ngoài nhiều hơn trẻ bú sữa công thức.
- Trong ba tháng đầu đời, trẻ bú mẹ có khoảng 3 lần đi ngoài phân mềm mỗi ngày. Trẻ bú sữa công thức đi ngoài từ 1-2 lần mỗi ngày, tính chất phân rắn hơn so với phân trẻ bú mẹ.
- Đến hai tuổi, trẻ sẽ đi ngoài 1-2 lần mỗi ngày. Phân thành khuôn chắc nhưng không cứng.
- Đến bốn tuổi, thông thường trẻ sẽ đi ngoài 1 lần mỗi ngày.
Dấu hiệu táo bón ở trẻ
Theo Đồng thuận Paris về thuật ngữ táo bón ở trẻ em (PACCT), táo bón là khi trẻ có ít nhất từ 2 trong số các triệu chứng sau:
- Đại tiện ít hơn 3 lần mỗi tuần
- Đại tiện không tự chủ (hiện tượng són phân) nhiều hơn 1 lần mỗi tuần
- Kích thước phân lớn làm tắc nghẽn bồn cầu
- Sờ thấy khối phân ở bụng hoặc trực tràng
- Có hành vi đi ngoài không hết phân
- Đau và căng thẳng mỗi khi đại tiện
Ngoài ra, một số dấu hiệu khác cũng cảnh bảo tình trạng táo bón ở trẻ như:
- Sợ đi đại tiện, sợ phải ngồi bô hoặc bồn cầu
- Chán ăn, đau bụng, chướng bụng
- Phân khô, cứng, tạo thành các cục nhỏ
- Không có cảm giác mót đại tiện
- Phân có thể lẫn máu
- Ở trẻ sơ sinh có thể biểu hiện bằng hành động: cong lưng, căng cứng mông, khóc lóc, rặn đỏ mặt…
Trong hầu hết các trường hợp, tình trạng táo bón ở trẻ diễn ra trong thời gian ngắn. Nếu tình trạng táo bón kéo dài hơn hai tuần được coi là táo bón mãn tính.
Ảnh hưởng của táo bón tới sức khỏe trẻ
Táo bón ở trẻ ảnh hưởng xấu tới phát triển sức khỏe thể chất và tâm lý của trẻ:
- Táo bón gây rối loạn tiêu hóa. Trẻ bị táo bón thường chán ăn, giảm hấp thu các chất dinh dưỡng. Tình trạng kéo dài trẻ có thể suy dinh dưỡng, nhẹ cân, chậm phát triển, mệt mỏi, mất tập trung.
- Táo bón khiến các chất cặn bã của quá trình tiêu hóa không được thải ra ngoài. Độc tố do tích tụ vi trùng sinh ra vào máu, gây nhiễm độc thần kinh, dễ mắc các bệnh nhiễm khuẩn.
- Khối phân lớn, khô, rắn trong táo bón ở trẻ có thể gây tổn thương niêm mạc trực tràng, rách kẽ hậu môn, chảy máu khi đại tiện. Nếu tình trạng không được khắc phục, trẻ có nguy cơ thiếu máu.
- Do đại tiện khó, trẻ thường phải rặn, gắng sức để đẩy phân ra ngoài. Đây là nguyên nhân gây bệnh trĩ ở trẻ nhỏ. Trẻ đau đớn, chảy máu, viêm nhiễm nếu tình trạng kéo dài.
- Tắc ruột do khối phân rắn ứ đọng trong đại trực tràng. Biểu hiện của tắc ruột là đau bụng từng cơn liên tục, bụng chướng, không đánh hơi hoặc đại tiện được. Có thể có sốt.
- Cảm giác sợ hãi khi đại tiện. Mệt mỏi chán ăn do chướng bụng, ăn không tiêu. Trẻ quấy khóc, ngủ kém. Tất cả tạo thành vòng luẩn quẩn khiến tình trạng táo bón ở trẻ nặng thêm và sức khỏe tâm lý suy giảm.
Nguyên nhân gây táo bón ở trẻ
1. Táo bón chức năng
Phần lớn trẻ nhỏ gặp phải tình trạng này. Táo bón chức năng hay táo bón vô căn được biết đến do các nguyên nhân:
Chế độ ăn
Nhiều chất bột đường, ít chất xơ, hoặc uống ít nước, ăn số lượng quá ít.
Vận động
Trẻ ít vận động sẽ giảm hoạt động nhu động ruột, ảnh hưởng đến quá trình tiêu hóa.
Tâm lý
Đây là nguyên nhân thường gặp nhất ở trẻ
-
- Xấu hổ hoặc sợ hãi khi sử dụng nhà vệ sinh: sợ bẩn, khó chịu
- Ám ảnh đã từng bị táo bón nên sợ đau khi phải đi đại tiện
- Tâm lý chống đối ở trẻ khi được huấn luyện đi vệ sinh
- Mải chơi, nhịn đi vệ sinh, giữ phân lại
- Gián đoạn trong quá trình đi vệ sinh khiến trẻ mất cảm giác mót rặn
- Căng thẳng, sang trấn tâm lý: trẻ bắt đầu đi học, áp lực học hành nặng nề, căng thẳng trong quan hệ gia đình với cha mẹ hoặc do mất mát điều quan trọng nào đó
2. Táo bón bệnh lý
Tỉ lệ trẻ mắc táo bón bệnh lý thấp hơn rất nhiều so với táo bón chức năng. Các nguyên nhân thường gặp:
Vấn đề về ruột
- Bệnh Hirschsprung: Bệnh lý bẩm sinh do suy giảm phân bố các hạch thần kinh ở đám rối của cơ đại tràng nên đại tràng không có khả năng đẩy phần ra ngoài.
- Hội chứng ruột kích thích (IBS): Khiến các dây thần kinh trong đường tiêu hóa bị kích thích quá mức gây nên tình trạng tiêu chảy hoặc táo bón thường xuyên.
- Di chứng sau phẫu thuật đường tiêu hóa
- Hẹp hậu môn, trực tràng
- Xoắn ruột
Vấn đề thần kinh cơ
- Cơ thành bụng yếu trong các bệnh còi xương, bại liệt..
- Bệnh não, bệnh tâm thần
Vấn đề bệnh lý khác
Bệnh suy giáp, xơ nang (CF), mất nước, hạ kali máu, tăng canxi máu, toan hóa ống thận…
Do thuốc
Lạm dụng thuốc nhuận tràng là nguyên nhân thường gặp ở trẻ lớn. Hoặc tác dụng phụ một số thuốc (thuốc giảm đau, sắt liều cao, thuốc chống trầm cảm ba vòng)…
Cha mẹ cần làm gì khi con bị táo bón
Mặc dù táo bón ở trẻ gây khó chịu, nhưng rất hiếm khi đó là dấu hiệu của một bệnh lý có từ trước. Khi trẻ gặp tình trạng táo bón, cha mẹ có thể áp dụng một số các biện pháp tại nhà như:
Uống nhiều nước hơn
- Trẻ sơ sinh dưới 6 tháng bú mẹ hoàn toàn không cần bổ sung nước mà tăng lượng sữa bú mẹ lên. Trẻ bú sữa công thức có thể bổ sung thêm nước 2-3 thìa nhỏ sau mỗi lần bú. Không bao giờ được pha loãng sữa công thức cho trẻ bú bình.
- Trẻ sơ sinh trên 6 tháng, bắt đầu ăn dặm: Cho trẻ uống thêm nước để cải thiện tình trạng táo bón. Có thể sử dụng nước ép hoa quả như ép táo, ép lê ngoài các bữa ăn chính.
- Không nên cho trẻ uống nước ngọt, nước có ga, sữa vì điều đó sẽ làm trẻ hạn chế ăn các thực phẩm chứa chất xơ khác.
Có thể bạn quan tâm: 5 cách khắc phụ hiệu quả táo bón ở trẻ
Tăng lượng chất xơ trong khẩu phần ăn giúp cải thiện táo bón ở trẻ
- Với trẻ bú mẹ, mẹ cần ăn nhiều chất xơ trong chế độ ăn để tăng chất xơ trong sữa cho con bú.
- Với trẻ ăn dặm, ăn thức ăn đặc nên kết hợp thêm các chất xơ trong khẩu phần ăn: lê, táo, chuối, đậu hà lan, khoai lang…
- Trẻ lớn cho ăn thêm các loại hoa quả, rau xanh
Giảm lượng ngũ cốc
- Ngũ cốc gạo có thể gây táo bón vì chứa ít chất xơ.
- Không cho trẻ ăn dặm, ăn đặc, ăn ngũ cốc trước khi trẻ được 6 tháng tuổi.
Tăng cường hoạt động thể chất
- Với trẻ sơ sinh, cha mẹ có thể thực hiện một số bài massage kích thích tiêu hóa dành riêng cho bé
- Trẻ đã biết bò, biết đi, cha mẹ khuyến khích con tham gia các trò chơi vận động phù hợp, hạn chế ngồi một chỗ
Giúp con vượt qua rào cản tâm lý khi đi vệ sinh
- Trò chuyện, động viên con làm quen dần với nhà vệ sinh
- Tập thói quen đi vệ sinh đều đặn
- Luyện tập tăng cường cơ thành bụng và cơ vòng hậu môn
- Tháo gỡ căng thẳng, áp lực về trường học, cảm xúc của trẻ
Khi nào cần đưa trẻ đến gặp bác sỹ
Nên đưa trẻ đến gặp bác sỹ khi tình trạng táo bón ở trẻ kéo dài hai tuần trở lên. Hoặc khi trẻ có những dấu hiệu:
- Bỏ ăn
- Sốt hoặc nôn mửa
- Sụt cân
- Đau nhiều khi đi ngoài, hoặc không đi ngoài được trong nhiều ngày
- Đi ngoài ra máu
- Bụng chướng, đau
- Són phân không kiểm soát
- Hậu môn tấy đỏ, chảy máu
Táo bón ở trẻ có thể không phải biểu hiện của một bệnh lý nghiêm trọng, nhưng lại gây ra những tác động không tốt cho sức khỏe thể chất và tâm lý của trẻ. Cha mẹ cần chú ý những biểu hiện và kịp thời giúp con cải thiện tình trạng táo bón càng sớm càng tốt. Tiêu hóa khỏe mạnh là tiền đề giúp trẻ phát triển toàn diện.
Tài liệu tham khảo:
- Giáo trình Nhi khoa – ĐH Y Dược TP. Hồ Chí Minh (Tr.215-222)
- Táo bón ở trẻ – NHS
- Hopkinsmedicine
Đọc thêm các bài viết chăm sóc sức khỏe gia đình khác tại đây.
Nếu bạn có bất cứ điều gì về sức khỏe muốn chia sẻ hay các câu hỏi về thuốc, hãy để lại comment hoặc nhắn tin theo địa chỉ email: nguyenvunguyetminh@gmail.com . Tôi luôn sẵn sàng lắng nghe và hỗ trợ bạn vì một cộng đồng sử dụng thuốc an toàn.