Táo bón là tình trạng thường gặp ở trẻ. Đặc biệt là giai đoạn trẻ tập ngồi bô từ 2-3 tuổi. Trẻ bị táo bón có tần xuất đi ngoài ít hơn so với bình thường. Phân cứng, lớn hoặc thành những viên nhỏ như phân thỏ. Trẻ thường bị đau, căng thẳng khi đi ngoài. Có thể bị chảy máu trong hoặc sau khi ị. Tiêu hóa kém khiến trẻ mệt mỏi, chán ăn, quấy khóc. Điều này chắc chắn là nỗi lo lắng của không ít phụ huynh. Cần làm gì khi trẻ bị táo bón?
Dưới đây là 5 biện pháp khắc phục hiệu quả tình trạng táo bón ở trẻ tại nhà các bố mẹ có thể tham khảo.
Nội dung bài viết
Chế độ ăn
Lời khuyên mà chúng ta thường xuyên được nghe khi trẻ bị táo bón là: Cho con uống nhiều nước vào. Cho con ăn thêm nhiều rau quả lên. Bổ sung chất xơ, ăn ít thịt thôi… Nhưng cụ thể thêm bao nhiêu? Ăn nhiều chất xơ là ăn cái gì? Như thế nào là đủ? Và quan trọng nhất khi con không chịu ăn những thứ đó thì phải làm sao?
Uống nhiều nước
- Trẻ sơ sinh dưới 6 tháng bú mẹ hoàn toàn không cần bổ sung nước mà tăng lượng sữa bú mẹ lên. Trẻ bú sữa công thức có thể bổ sung thêm 100-200 ml nước mỗi ngày, chia nhiều lần sau mỗi lần bú. Không bao giờ được pha loãng sữa công thức cho trẻ bú bình.
- Trẻ sơ sinh từ 6 tháng đến 1 tuổi: Độ tuổi này trẻ có nhu cầu 100ml nước/ 1kg cân nặng cơ thể một ngày (kể cả sữa). Ví dụ trẻ nặng 8kg cần bổ sung 800ml nước. Nếu trẻ bú được 500ml sữa thì sẽ cần bổ sung thêm 300ml nước. Có thể sử dụng nước đun sôi để nguội, nước hoa quả ép, nước rau luộc nhạt…
- Trẻ trên 1 tuổi: Trẻ có cân nặng ≤ 10kg sẽ cần 100ml nước/ 1kg cân nặng/ ngày. Cân nặng của trẻ lớn hơn 10kg thì mỗi kg tăng thêm sẽ cần thêm 50ml nước. Như vậy tính ra lượng nước một ngày của trẻ, trừ đi lượng sữa trẻ đã tiêu thụ sẽ có kết quả lượng nước cần bổ sung.
- Trẻ từ 10 tuổi trở lên nhu cầu nước mỗi ngày như người lớn: Từ 2 – 2.5 lít nước.
- Không nên cho trẻ bị táo bón uống nước ngọt, nước có ga vì điều đó sẽ làm trẻ hạn chế ăn các thực phẩm chứa chất xơ khác.
Khẩu phần ăn nhiều chất xơ
Theo khuyến nghị của viện Dinh dưỡng, nhu cầu chất xơ tối thiểu ở người trưởng thành là 18-20g/ ngày. Với trẻ em, lượng chất xơ được tính theo công thức “Tuổi + 5” (Ví dụ trẻ 2 tuổi cần bổ sung 2+5=7g chất xơ một ngày).
- Trong 1 lít sữa mẹ thường chứa từ từ 8-13g chất xơ, phụ thuộc lượng chất xơ trong chế độ ăn của mẹ. Các loại sữa công thức dành cho trẻ cũng được nhà sản xuất bổ sung chất xơ. Do đó trẻ dưới 6 tháng tuổi không cần bổ sung thêm chất xơ trong chế độ ăn.
- Với trẻ từ 6-24 tháng tuổi, trong mỗi chén bột hoặc cháo nên được bổ sung thêm 1 thìa canh rau bằm nhuyễn.
- Trẻ từ 2 tuổi trở đi có thể ăn thức ăn cứng, vẫn cần bổ sung rau vào chế độ ăn. Rau được chế biến khác nhau và cho trẻ lựa chọn loại rau trẻ thích.
- Chất xơ gồm hai loại: Chất xơ không tan trong nước có nhiều trong các loại rau xanh, hoa quả. Chất xơ tan trong nước có nhiều trong các loại đậu, khoai, ngô, sữa động vật. Ngoài tác dụng hạn chế trẻ bị táo bón, chất xơ còn giúp đẩy các chất độc hại ra khỏi cơ thể. Một số loại thực phẩm chứa nhiều chất xơ (*)
Khuyến khích trẻ ăn phong phú và cân đối các loại thực phẩm
Khi thay đổi chế độ ăn quen thuộc, trẻ có thể sẽ phản ứng, không thích và không chịu ăn. Cha mẹ không nhất thiết phải ép con ăn thật nhiều chất xơ để thay thế cho các giải pháp khắc phục táo bón khác.
Bạn nên khen ngợi con vì đã nếm thử những đồ ăn mới, khuyến khích trẻ ăn thường xuyên hơn. Thay đổi các cách chế biến khác nhau để thu hút trẻ. Nếu trẻ thích ăn một số loại rau quả nhất định, đừng hạn chế, hãy cứ cho trẻ ăn.
Có một số sản phẩm bổ sung chất xơ dạng bánh xốp, viên nhai, hoặc dạng bột hòa tan trong nước trẻ sẽ dễ chấp nhận hơn. Tuy nhiên bổ sung chất xơ từ thực phẩm vẫn là ưu tiên hàng đầu.
Vận động
Tăng cường các hoạt động thể chất của trẻ, giúp kích thích co bóp ruột và nhu động ruột, giúp hạn chế tình trạng trẻ bị táo bón. Hướng dẫn trẻ vận động phù hợp lứa tuổi (**)
Trẻ dưới 1 tuổi
Trẻ nên được khuyến khích vận động cả ngày dưới nhiều hình thức khác nhau: trườn, bò hay bước đi. Nếu trẻ chưa biết bò, cha mẹ có thể để các đồ vật giúp con vươn và nắm lấy. Thực hiện các động tác kéo đẩy chân, cử động đầu, cơ thể trẻ trong các hoạt động hàng ngày.
Khi trẻ đã có thể tự di chuyển như trườn, bò, bước đi, khích lệ trẻ hoạt động nhiều nhất có thể trong môi trường vui chơi an toàn và có giám sát.
Thực hiện bài massage đơn giản nhưng rất hiệu quả dành cho trẻ bị táo bón.
Trẻ từ 1 đến 2 tuổi
Trẻ nên hoạt động ít nhất 3 tiếng mỗi ngày. Hoạt động càng nhiều càng tốt, kể cả khi chơi ngoài trời hay trong nhà. Các hoạt động nhẹ nhàng như đứng lên, di chuyển xung quanh, lăn tròn. Hoặc những hoạt động tiêu hao năng lượng nhiều hơn như chạy, nhảy. Chơi dưới nước, chơi với bóng, đuổi bắt hoặc đạp xe là những hoạt động thích hợp cho trẻ phát triển ở lứa tuổi này
Trẻ trên 2 tuổi
Nên hoạt động tối thiểu 180 phút mỗi ngày, trong đó ít nhất 60 phút cho các hoạt động thể chất từ trung bình đến mạnh.
Trẻ dưới 5 tuổi không nên ngừng hoạt động trong khoảng thời gian kéo dài, trừ khi đi ngủ. Một số hoạt động trẻ có thể hào hứng tham gia: chạy nhảy, đuổi bắt, bơi lội, trốn tìm, đạp xe, leo trèo, xếp hình…
Vấn đề cảm xúc
- Hãy trò chuyện và hỏi xem trẻ có gặp vấn đề lo lắng hay căng thẳng nào không (các mối quan hệ, việc học hành, môi trường mới…). Trấn an và giúp trẻ giải tỏa cảm xúc.
- Giải thích bằng một câu chuyện hoặc một bài hát để trẻ thấy đi vệ sinh là việc rất bình thường và tốt cho sức khỏe
- Đồng hành cùng con trong giai đoạn đầu tập ngồi bô hoặc sử dụng nhà vệ sinh. Điều này giúp trẻ cảm thấy yên tâm và thư giãn hơn.
- Không la hét, quát mắng khi con không chịu đi vệ sinh hoặc không ị được. Điều đó sẽ khiến trẻ hoảng sợ và căng thẳng hơn với tình trạng táo bón.
Thói quen đi vệ sinh
- Tập cho trẻ thói quen đi vệ sinh hàng ngày: Cho con ngồi bô khoảng 10 phút mỗi lần, từ một đến hai lần hàng ngày sau khi ăn. Dành cho trẻ những lời khen ngợi khi con chịu ngồi, kể cả khi con không ị.
- Nên sử dụng ghế kê chân, giúp trẻ tư thế ngồi giúp thư giãn các cơ xương chậu và hậu môn. Đồng thời kê chân cũng làm trẻ cảm thấy vững vàng hơn khi cúi xuống trong lúc đi vệ sinh.
- Một số trẻ có thể không biết cách rặn ị. Cha mẹ có thể áp dụng mẹo cho con thổi chong chóng, hoặc thổi kèn, thổi ngón tay… giúp trẻ giảm căng thẳng đồng thời học cách rặn ị.
- Ngồi cùng con, trò chuyện, hát một bài hát. Có cha mẹ đồng hành sẽ giúp duy trì sự quan tâm của trẻ và khuyến khích trẻ hợp tác hơn.
Thuốc hỗ trợ
Khi các biện pháp thay đổi hành vi không có tác dụng, cha mẹ không nên quá lo lắng vì sẽ có những thuốc điều trị cho trẻ bị táo bón. Hãy đưa trẻ đến gặp bác sỹ để được khám và tư vấn một số thuốc trị táo bón trên thị trường:
- Nhóm thuốc tạo khối (bố sung chất xơ)
- Nhóm thuốc làm mềm phân
- Nhóm thuốc nhuận tràng thẩm thấu
- Nhóm thuốc nhận tràng kích thích
Có thể bạn quan tâm: Nguyên nhân trẻ bị táo bón
Phòng ngừa trẻ bị táo bón tái phát
Biện pháp tốt nhất để bảo vệ sức khỏe của trẻ, đó là phòng ngừa trẻ bị táo bón hoặc tái phát tình trạng táo bón. Một số mẹo sau đây sẽ giúp tiêu hóa của trẻ tốt hơn:
- Không cho trẻ ăn dặm sớm trước 6 tháng tuổi.
- Không pha sữa công thức đặc hơn so với chỉ dẫn của nhà sản xuất
- Cho trẻ ăn cân đối các loại thực phẩm, đặc biệt chất xơ
- Khuyến khích trẻ uống nước hàng ngày
- Tăng cường vận động thể chất, hạn chế trẻ ngồi một chỗ xem tivi, các thiết bị điện tử
- Giáo dục trẻ về vấn đề đi vệ sinh. Hướng dẫn và đồng hành cùng con trong giai đoạn tập đi bô
- Tập cho trẻ thói quen đi vệ sinh đều đặn hàng ngày
- Luôn quan tâm, trò chuyện, trấn an giúp trẻ có tâm lý thoải mái, tự tin
Bàn luận
Làm mẹ, nhất là những người mẹ lần đầu được chăm sóc, nuôi nấng em bé của mình thì mọi mối quan tâm sẽ chỉ xoay quanh việc ăn, ngủ, ị của bé. Do đó mỗi thay đổi nhỏ của trẻ đều khiến cha mẹ lo lắng, căng thẳng. Trẻ bị táo bón là tình trạng khá phổ biến. Tuy nhiên biết cách phòng ngừa và khắc phục sớm táo bón sẽ không ảnh hưởng xấu tới sức khỏe của trẻ. Hi vọng những thông tin trên đây sẽ hữu ích cho cha mẹ trong quá trình chăm sóc và nuôi dưỡng con trưởng thành.
Đọc thêm các bài viết chăm sóc sức khỏe gia đình khác tại đây.
Nếu bạn có bất cứ điều gì về sức khỏe muốn chia sẻ hay các câu hỏi về thuốc, hãy để lại comment hoặc nhắn tin theo địa chỉ email: nguyenvunguyetminh@gmail.com . Tôi luôn sẵn sàng lắng nghe và hỗ trợ bạn vì một cộng đồng sử dụng thuốc an toàn.