Nguyễn Vũ Nguyệt Minh
  • Trang chủ
  • Marketing Dược
  • Sức khỏe gia đình
  • Chuyện của Minh
  • Tôi là Minh
No Result
View All Result
Nguyễn Vũ Nguyệt Minh

Trầm cảm ở người cao tuổi

Nguyễn Vũ Nguyệt Minh by Nguyễn Vũ Nguyệt Minh
28/04/2025
in Sức khỏe gia đình, Sức khỏe người cao tuổi
0 0
Dinh dưỡng ở người cao tuổi
Share on Facebook

Chuyện là gần đây ông nhà mình bỗng thay đổi tính tình. Ăn uống kém, ít nói, ít vận động, hay cáu gắt. Ai cũng bảo già rồi đổi tính. Nhưng có vẻ như những biểu hiện của ông không chỉ đơn thuần là bệnh người già, mà có dấu hiệu của trầm cảm ở người cao tuổi.

Nội dung bài viết

  • Trầm cảm ở người cao tuổi là gì?
  • Dấu hiệu nhận biết trầm cảm
      • Dấu hiệu thể chất – sinh lý
      • Dấu hiệu tư duy – trí nhớ
      • Dấu hiệu tâm lý – cảm xúc
  • Nguyên nhân trầm cảm ở người cao tuổi là gì?
    • Những yếu tố có thể thúc đẩy trầm cảm gia tăng ở người già:
  • Tiến triển nếu không điều trị
  • Các phương pháp điều trị trầm cảm người già
      • Kích thích não không xâm lấn
      • Tâm lý trị liệu
      • Điều trị bằng thuốc
      • Điều trị kết hợp
      • Cách tăng các chất dẫn truyền thần kinh tự nhiên trong trầm cảm người già
  • Ứng xử trong gia đình khi có người cao tuổi bị trầm cảm
  • Thảo luận

Trầm cảm ở người cao tuổi là gì?

Trầm cảm ở người cao tuổi, hay còn gọi trầm cảm tuổi già (late-life depression – LLD), là một tình trạng sức khỏe tâm thần. Nó không hẳn là một hệ quả của quá trình lão hóa cơ thể, mà là một bệnh lý có thể được điều trị như bệnh tiểu đường hay tăng huyết áp. Tuy nhiên, những dấu hiệu của trầm cảm tuổi già thường bị hiểu nhầm là do tuổi tác, suy giảm trí nhớ, sức khỏe thể chất giảm sút… khiến việc điều trị không triệt để.

Theo các nghiên cứu đã được thực hiện, tỉ lệ trầm cảm ở người cao tuổi Việt Nam dao động từ khoảng 17% đến gần 47%, tùy thuộc vào khu vực, phương pháp nghiên cứu và đối tượng khảo sát. Đây là một con số không hề nhỏ. Đặc biệt, khi người già thường ít nói về cảm xúc hoặc tình trạng thật sự của mình thì con số thực tế có thể còn cao hơn nữa.

Dấu hiệu nhận biết trầm cảm

dấu hiệu trầm cảm ở người cao tuổi

Những dấu hiệu trầm cảm ở người cao tuổi khác với trầm cảm ở người trẻ. Người già sẽ không chia sẻ về sự chán nản hoặc mất hứng thú với các hoạt động. Do đó, triệu chứng về thể chất sẽ là những cảnh báo đầu tiên có thể nhận biết.

Dấu hiệu thể chất – sinh lý
  • Ít nói, phản ứng chậm, hay lặng thinh kể cả khi có người hỏi thăm
  • Bước đi chậm chạp, chúi đầu, vai xuôi, ít đánh tay khi đi
  • Hay ngồi/ nằm một chỗ, ít thay đổi tư thế, không muốn vận động
  • Dễ mất thăng bằng, lảo đảo khi quay đầu, đổi hướng
  • Gương mặt kém biểu cảm, ánh mắt đờ đẫn
  • Rối loạn giấc ngủ: Mất ngủ hoặc ngủ nhiều bất thường
  • Ăn kém, sụt cân không rõ lý do (> 5% trọng lượng cơ thể/ tháng), rối loạn tiêu hóa, táo bón
  • Mệt mỏi kéo dài, giảm năng lượng/ sinh lực
  • Đau nhức không rõ nguyên nhân (đau lưng, đau đầu, đau dạ dày,…)
Dấu hiệu tư duy – trí nhớ
  • Giảm tập trung, suy nghĩ và phản xạ chậm
  • Cảm giác bản thân vô dụng
  • Suy nghĩ nhiều về cái chết của mình (nói nhiều về cái chết, thay đổi di chúc…)
Dấu hiệu tâm lý – cảm xúc
  • Buồn bã, trầm lặng dai dẳng > 2 tuần
  • Cảm thấy vô vọng, cô đơn, trống rỗng
  • Mất hứng thú với các hoạt động từng yêu thích (không thích đi ra ngoài, không thích gặp gỡ mọi người, không muốn nói chuyện với người khác…)
  • Hay cáu gắt, dễ bị kích động, hoặc thu mình lại
  • Tránh giao tiếp, không muốn gặp người lạ hoặc cả người thân

Nếu người già có từ 5 dấu hiệu liên tục trong 15 ngày thì có thể nghĩ đến trầm cảm ở người cao tuổi.

Nguyên nhân trầm cảm ở người cao tuổi là gì?

Sụt giảm các chất dẫn truyền thần kinh trong trầm cảm người già

 

  • Sự sụt giảm các chất dẫn truyền thần kinh như serotonin, dopamine, noradrenaline. (Serotonin giúp điều hòa tâm trạng, giấc ngủ, cảm giác thèm ăn. Dopamine giúp cho cảm giác vui vẻ, hứng thú, thưởng thức cuộc sống. Noradrenaline giúp tăng sự tỉnh táo tập trung, giữ tâm trạng ổn định).
    Ở người già, các tế bào thần kinh bị thoái hóa, khả năng sinh tổng hợp cũng như tiết các chất dẫn truyền thần kinh đều suy giảm (ăn uống kém nên việc cung cấp nguyên liệu tổng hợp chất dẫn truyền thần kinh như tryptophan, tyrosine đều giảm; tuần hoàn não kém; tác dụng phụ của thuốc; stress oxy hóa tăng…)

  • Rối loạn trục HPA (trục não – tuyến yên – tuyến thượng thận) gây tăng cortisol – hormone stress → gây viêm nhẹ toàn thân, độc thần kinh, tổn thương vùng hippocampus (vùng não kiểm soát trí nhớ, cảm xúc). Người già đặc biệt nhạy cảm với rối loạn trục HPA, làm cho họ dễ rơi vào vòng luẩn quẩn stress – viêm – trầm cảm.

  • Viêm mãn tính cấp độ thấp ở người già có thể ảnh hưởng đến hoạt động của não. Các tế bào miễn dịch trong não (microglia) bị kích hoạt → phóng thích các chất gây viêm → làm tổn thương mạng lưới thần kinh.

  • Tổn thương mạch máu não nhỏ (do tăng huyết áp, xơ vữa động mạch) làm giảm lưu lượng máu lên não. Tuần hoàn máu não giảm khiến tế bào thiếu oxy, giảm quá trình sản xuất chất dẫn truyền thần kinh.

  • Suy thoái hệ thần kinh do tiến trình lão hóa làm mất dần tế bào thần kinh. Nghiên cứu cho thấy trầm cảm làm tăng nhanh quá trình teo não.

Những yếu tố có thể thúc đẩy trầm cảm gia tăng ở người già:

  • Thay đổi trong cuộc sống dẫn đến các tổn thương tâm lý như mất đi người bạn đời, ly thân, con cái ở xa, hoặc về hưu…
  • Sự cô lập xã hội như sống một mình, không có người giao tiếp cùng
  • Các bệnh lý mạn tính như bệnh xương khớp, huyết áp, tiểu đường, sa sút trí tuệ…
  • Thiếu dinh dưỡng, cung cấp không đủ các chất dinh dưỡng, đặc biệt như vitamin B12, vitamin D, acid folic, omega-3, axit amin thiết yếu cần thiết cho quá trình sinh tổng hợp các chất dẫn truyền thần kinh…
  • Dùng thuốc, ví dụ một số thuốc điều trị huyết áp, corticoid, thuốc ngủ có thể gây trầm cảm

Tiến triển nếu không điều trị

Như đã nói, trầm cảm ở người cao tuổi là một bệnh lý nhưng lại hay bị nhầm lẫn là dấu hiệu của sự lão hóa, do đó việc điều trị đúng cách có thể bị bỏ qua. Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, trầm cảm ở người cao tuổi có thể dẫn đến những vấn đề ảnh hưởng nghiêm trọng tới chất lượng cuộc sống:

  • Suy giảm nhận thức, làm tăng nguy cơ sa sút trí tuệ, thúc đẩy quá trình teo não
  • Tăng nguy cơ hoặc trầm trọng thêm các bệnh lý khác như tim mạch, tiểu đường, đột quỵ
  • Có thể có ý định và hành động làm hại bản thân
  • Gây căng thẳng cho các thành viên khác trong gia đình

Các phương pháp điều trị trầm cảm người già

Kích thích não không xâm lấn

Là phương pháp dùng sóng điện hoặc từ trường nhẹ nhàng tác động vào não, không cần phẫu thuật, không gây đau đớn. Việc này nhằm “đánh thức” những vùng não đang yếu đi vì trầm cảm, giúp chúng hoạt động trở lại bình thường, từ đó cải thiện tâm trạng, tăng động lực, giảm cảm giác mệt mỏi buồn bã.

Kich thich nao khong xam lan trong dieu tri tram cam

Phương pháp này có ưu điểm không xâm lấn, độ an toàn rất cao nhưng thời gian đáp ứng chậm hơn so với sử dụng thuốc và chi phí đắt đỏ hơn. Đây sẽ là lựa chọn phù hợp cho những bệnh nhân không dung nạp (đáp ứng) hoặc kháng trị với thuốc điều trị trầm cảm, người có nhiều bệnh nền hoặc lo sợ tác dụng phụ của thuốc.

Tâm lý trị liệu

Là phương pháp điều trị dựa trên ngôn ngữ giao tiếp. Các bác sĩ tâm lý sẽ giúp người bệnh hiểu chính mình hơn, tháo gỡ khúc mắc trong tâm trí, xây dựng lại tinh thần. Có các phương pháp tâm lý trị liệu như:

  • Liệu pháp hành vi nhận thức (CBT): Hướng dẫn thay đổi suy nghĩ tiêu cực thành hành vi tích cực
  • Trị liệu trò chuyện cá nhân
  • Trị liệu theo nhóm: Một nhóm có cùng hoàn cảnh, cùng chia sẻ câu chuyện và cùng tiến bộ
  • Liệu pháp hành vi biện chứng (DBT): Học cách cân bằng cảm xúc mạnh mẽ, đặc biệt hữu ích nếu có kèm lo âu hoặc bốc đồng
  • Liệu pháp hỗ trợ: Lắng nghe, đồng cảm, giúp người bệnh cảm thấy được thấu hiểu, không còn cô đơn
Điều trị bằng thuốc
  • Nhóm thuốc chống trầm cảm: Nhóm ức chế tái hấp thu serotonin có chọn lọc (SSRI), nhóm ức chế tái hấp thu serotonin và norepinephrine (SNRI), nhóm chẹn alpha và tăng giải phóng serotonin (NaSSA), nhóm thuốc chống trầm cảm 3 vòng (TCA – ít dùng ở người già do nhiều tác dụng phụ).
  • Nhóm thuốc kết hợp hỗ trợ khác như thuốc an thần nhẹ (giảm lo âu, mất ngủ), thuốc kháng thần liều thấp (nếu có hoang tưởng, kích động), tăng tuần hoàn não, bổ thần kinh…
  • Những lưu ý quan trọng khi dùng thuốc trầm cảm ở người cao tuổi
    • Bắt đầu từ liều thấp, tăng từ từ (“Start low, go slow”)
    • Theo dõi chặt chẽ tương tác thuốc, các phản ứng phụ của thuốc
    • Sử dụng thuốc đúng liều, lộ trình thời gian do bác sĩ chỉ định
    • Không tự ý dừng thuốc đột ngột
    • Nên kết hợp cùng với liệu pháp tâm lý – trị liệu hành vi – dinh dưỡng – vận động
Điều trị kết hợp

Kết hợp thuốc chống trầm cảm và tâm lý trị liệu cho thấy hiệu quả cao hơn so với sử dụng đơn lẻ, đặc biệt trong các trường hợp trầm cảm ở người cao tuổi nặng hoặc mãn tính.

Cách tăng các chất dẫn truyền thần kinh tự nhiên trong trầm cảm người già

Increasing Serotonin

  • Bổ sung đầy đủ các tiền chất amino axit là nguyên liệu tổng hợp các chất dẫn truyền thần kinh serotonin, dopamine. Thực phẩm giàu amino axit như trứng, phô mai, cá hồi, hạt hạnh nhân, đậu nành…
  • Bổ sung các vitamin và khoáng chất đảm bảo hoạt động của các enzyme tổng hợp dẫn truyền thần kinh như vitamin B6, B9, B12, kẽm, magie cần thiết cho trầm cảm ở người cao tuổi.
  • Tập thể dục nhẹ nhàng, phù hợp thể trạng (yoga, dưỡng sinh, đi bộ 30 phút/ ngày).
  • Tập thiền, thư giãn, hít thở sâu, ngủ đủ giấc giúp giảm căng thẳng, giảm trầm cảm người già.
  • Tắm nắng buổi sáng giúp tổng hợp vitamin D.
  • Tăng cường giao tiếp xã hội như gặp gỡ bạn bè, tham gia các CLB, hội nhóm.

Hiện nay, một số nghiên cứu đang mở ra những cơ hội điều trị trầm cảm người già mới như di truyền học xác định các loại gen liên quan đến trầm cảm, hay nghiên cứu liệu pháp điều trị bằng âm nhạc.

Ứng xử trong gia đình khi có người cao tuổi bị trầm cảm

Khi chúng ta phát hiện ông bà hoặc cha mẹ hay người thân trong gia đình mình có dấu hiệu hoặc đã được chẩn đoán hội chứng trầm cảm, điều chúng ta nên làm là gì?

  1. Lắng nghe không phán xét: Dành thời gian nhiều hơn cho người bệnh, lắng nghe tập trung mỗi khi giao tiếp, không ngắt lời, không “sửa” cảm xúc của họ. Hãy thử thay vì câu nói “Ông/bà suy nghĩ linh tinh thế làm gì!” bằng “Con hiểu ông/bà đang cảm thấy mệt mỏi, có việc gì cần con làm giúp không?”
  2. Khích lệ thay vì ép buộc: Đừng bảo “Ông/bà hãy vui lên”, đây không phải là một lựa chọn. Hãy cùng tạo các hoạt động và rủ người già tham gia cùng như tưới cây, nấu ăn, đi bộ…
  3. Duy trì thói quen và nhịp sinh hoạt ổn định: Giờ ăn – ngủ – vận động – uống thuốc cần đều đặn, đúng giờ mỗi ngày.
  4. Không làm thay hoàn toàn: Mặc dù rất thương nhưng cũng không nên làm thay hết mọi việc, điều đó khiến người già cảm thấy họ vô dụng và chán nản hơn. Điều họ muốn là thấy mình hữu ích và có thể độc lập.
  5. Khen ngợi và ghi nhận một cách thật lòng, sẽ giúp người già vui vẻ và thấy họ có “giá trị”.
  6. Kết nối với con cháu, bạn bè: Gọi điện, trò chuyện, nhắc lại những kỷ niệm vui, những câu chuyện ý nghĩa sẽ tốt hơn cho trầm cảm ở người cao tuổi.
  7. Không đổ lỗi, không giải thích: Đừng cố lý giải logic hay trách móc như “Ông bà buồn gì nữa, có thiếu thốn gì đâu?”. Thay vào đó, chỉ cần nắm tay, hoặc ngồi cạnh cũng đã là chữa lành.
  8. Chủ động tìm kiếm ý kiến tư vấn chuyên môn: Không chờ đến khi vấn đề trở nên trầm trọng mới đi khám. Có thể mời bác sĩ về tư vấn hoặc đi khám sức khỏe định kỳ, cùng tham gia trị liệu để người bệnh không có cảm giác “cô đơn một mình”.

Thảo luận

Người cao tuổi phải đối mặt với những thay đổi về sinh lý và cả tâm lý. Các bệnh lý mãn tính, sự lão hóa của cơ thể dễ gây ra sự nhầm lẫn trong việc xác định dấu hiệu trầm cảm người già. Mặt khác, người già thường chấp nhận các triệu chứng của trầm cảm và mất nhận thức như một quá trình lão hóa bình thường, họ có thể không nói ra các vấn đề của mình nếu không được hỏi rõ.

Chính vì vậy, nếu chúng ta có đủ kiến thức, hiểu biết để nhận diện sớm các dấu hiệu trầm cảm ở người cao tuổi thì vấn đề hoàn toàn có thể xử lý, giúp cho sức khỏe thể chất và tinh thần của ông bà/ cha mẹ tốt hơn, chất lượng cuộc sống nâng cao hơn.

Tài liệu tham khảo

  1. Depression in the Elderly: Clinical Features and Risk Factors – PMC
  2. Depression and Aging | Healthy Aging | CDC
  3. Brain stimulation treatment may improve depression, anxiety in older adults | ScienceDaily
  4. Cognitive behavioral therapy enhances brain circuits to relieve depression | News Center
  5. Effect of mindfulness-based stress reduction (MBSR) program on depression, emotion regulation, and sleep problems: A randomized controlled trial study on depressed elderly | BMC Public Health | Full Text

Đọc thêm các bài viết chăm sóc sức khỏe gia đình khác tại đây.

Nếu bạn có bất cứ điều gì về sức khỏe muốn chia sẻ hay các câu hỏi về thuốc, hãy để lại comment hoặc nhắn tin theo địa chỉ email: nguyenvunguyetminh@gmail.com . Tôi luôn sẵn sàng lắng nghe và hỗ trợ bạn vì một cộng đồng sử dụng thuốc an toàn.

Tags: Sức khỏe người cao tuổiTrầm cảm
ShareTweetPin
Nguyễn Vũ Nguyệt Minh

Nguyễn Vũ Nguyệt Minh

Pharmacist & Writer

Bạn đọc quan tâm

Thai đôi dinh dưỡng nhân đôi
Sức khỏe gia đình

Thai đôi- Gấp đôi dinh dưỡng, liệu có đúng?

by Nguyễn Vũ Nguyệt Minh
27/10/2024

...

Read more
5 SỰ THẬT VỀ CÚM MÙA
Sức khỏe gia đình

5 SỰ THẬT VỀ CÚM MÙA

by Nguyễn Vũ Nguyệt Minh
15/08/2024

...

Read more
thực phẩm chức năng cho tiểu đường
Sức khỏe gia đình

Có nên dùng thực phẩm chức năng trong bệnh tiểu đường?

by Nguyễn Vũ Nguyệt Minh
12/05/2024

...

Read more
thị lực người cao tuổi
Sức khỏe gia đình

5 Cách giúp bảo vệ thị lực người cao tuổi

by Nguyễn Vũ Nguyệt Minh
04/05/2024

...

Read more
Vitamin và khoáng chất trong tiểu đường
Sức khỏe gia đình

Bổ sung vitamin và khoáng chất trong bệnh tiểu đường

by Nguyễn Vũ Nguyệt Minh
12/05/2024

...

Read more
Thực phẩm bổ sung và Ung thư vú
Sức khỏe gia đình

Thực phẩm bổ sung trong Ung thư vú – P2

by Nguyễn Vũ Nguyệt Minh
02/05/2024

...

Read more
Load More
Subscribe
Notify of
guest
guest
0 Comments
Oldest
Newest Most Voted
Inline Feedbacks
View all comments

Bài viết mới

Dinh dưỡng ở người cao tuổi
Sức khỏe gia đình

Trầm cảm ở người cao tuổi

by Nguyễn Vũ Nguyệt Minh
28/04/2025

Chuyện là gần đây ông nhà mình bỗng thay đổi tính tình. Ăn uống kém, ít nói, ít vận động,...

Read more
Cuộc du hành của ba anh em

Cuộc du hành của ba anh em

23/02/2025
1001 Tài Nguyên Marketing Ngành Dược Giá Trị

1001 Tài Nguyên Marketing Ngành Dược Giá Trị

23/02/2025
Tôi làm gì khi trở thành Freelancer writer (P1)

Tôi làm gì khi trở thành Freelancer (P4)

01/02/2025
Tôi làm gì khi trở thành Freelancer writer (P1)

Tôi làm gì khi trở thành Freelancer writer (P3)

01/02/2025
Facebook Twitter

Cảm ơn bạn đã ghé thăm và đọc các bài viết. Bạn có thể đăng ký nhận thông tin bài viết mới tại đây, hoặc gửi email cho tôi:
nguyenvunguyetminh@gmail.com

    Vui lòng ghi rõ
    (*) Nguồn: https://nguyenvunguyetminh.vn
    khi đăng tải nội dung được sao chép
    từ website này.

    © 2020 Nguyễn Vũ Nguyệt Minh - Pharmacist & Writer.

    No Result
    View All Result
    • Trang chủ
    • Marketing Dược
    • Sức khỏe gia đình
    • Chuyện của Minh
    • Tôi là Minh

    © 2020 Nguyễn Vũ Nguyệt Minh - Pharmacist & Writer.

    Welcome Back!

    Login to your account below

    Forgotten Password?

    Retrieve your password

    Please enter your username or email address to reset your password.

    Log In
    wpDiscuz
    0
    0
    Would love your thoughts, please comment.x
    ()
    x
    | Reply