Người ta nhận thấy một trong những yếu tố ảnh hưởng tới quá trình hồi phục đau thần kinh tọa nhanh chóng đó là thông tin. Người có nhiều thông tin chính xác sẽ điều trị dứt điểm hiệu quả hơn. Bài viết này cung cấp cho bạn những thông tin khoa học giải đáp tất cả các câu hỏi liên quan đến chứng đau thần kinh tọa.
Nội dung bài viết
Đau thần kinh tọa là gì?
Là một hội chứng thần kinh, điển hình bằng cơn đau dọc theo đường đi của dây thần kinh tọa. Cơn đau từ cột sống thắt lưng, dọc theo mông, xuống mặt ngoài đùi, mặt trước ngoài cẳng chân, mắt cá ngoài và tới tận các ngón chân.
Nguyên nhân đau thần kinh tọa?
Thường gặp nhất (>90%) do tổn thương rễ thần kinh, tiếp đến là dây và/hoặc đám rối thần kinh. Trong đó nguyên nhân hàng đầu là sự chèn ép rễ thần kinh do thoát vị đĩa đệm, trượt đốt sống, thoái hóa cột sống thắt lưng gây hẹp ống sống. Ngoài ra còn những nguyên nhân khác tỉ lệ ít hơn như: viêm đĩa đệm cột sống, chấn thương, mang thai…
Dấu hiệu của đau thần kinh tọa?
- Cơn đau chỉ xuất hiện một bên mông và chân của cơ thể
- Đau nặng hơn ngồi hoặc đứng. Tình trạng tốt hơn khi nằm
- Đau liên tục một bên phía sau chân
- Cơn đau nhói, rát hoặc ngứa ran chứ không âm ỉ
- Cảm giác “kim châm”, ngứa ran, hoặc đôi khi như điện giật ở chân, ngón chân hoặc bàn chân của bạn.
- Mất kiểm soát ruột, bàng quang.
(Xem thêm: Dấu hiệu và biến chứng của đau thần kinh tọa)
Đối tượng nguy cơ là ai?
Tuổi tác: Theo thời gian, sự lão hóa của cơ ra gây nên những bệnh lý liên quan đến cột sống như thoát vị đĩa đệm, thoái hóa cột sống, gai đốt sống…
Nghề nghiệp: Những công việc đòi hỏi mang vác nặng, ngồi lâu, ít vận động.
Bệnh tiểu đường, viêm xương khớp: Làm tăng nguy cơ tổn thương dây thần kinh, kích thích cơn đau xảy ra.
Chấn thương: Chấn thương ở lưng dưới hoặc cột sống khiến nguy cơ đau thần kinh tọa cao hơn.
Béo phì: Trọng lượng cơ thể lớn làm gia tăng áp lực lên cột sống. Đồng thời cơ thể mất trọng tâm cân bằng, dễ sai lệch tư thế khi vận động. Đây là một nguyên nhân gây ra các bệnh lý cột sống.
Hút thuốc lá và uống rượu: Một số chất trong thuốc lá và rượu làm tăng phản ứng viêm trong cơ thể. Ngoài ra nicotine trong thuốc lá làm giảm lượng máu tới cột sống, suy yếu chức năng mô xương và làm mòn đĩa đệm cột sống nhanh hơn.
Đau thần kinh tọa có nguy hiểm không?
Cơn đau không đe dọa nguy hiểm đến tính mạng. Nhưng hạn chế khả năng hoạt động cũng như chất lượng cuộc sống của người bệnh. Bên cạnh đó, nếu không điều trị sẽ có những biến chứng vĩnh viễn như: tổn thương dây thần kinh, mất cảm giác, liệt chi, mất kiểm soát ruột và bàng quang… (Xem thêm: Dấu hiệu và biến chứng của đau thần kinh tọa).
Đau thần kinh tọa có tính di truyền?
Nếu nguyên nhân do thoái hóa và/ hoặc thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng có thể liên quan đến yếu tố di truyền [1]. Các nghiên cứu cho thấy một số yếu tố di truyền làm cấu trúc đĩa đệm yếu đi và dễ bị tác động bởi ngoại lực. Tuy nhiên, cần thêm nhiều nghiên cứu khác để hiểu rõ hơn vai trò của yếu tố di truyền.
Đau thần kinh tọa xảy ra cả 2 chân cùng lúc?
Đau thường chỉ xảy ra ở một bên chân tại một thời điểm. Tuy nhiên ít gặp hơn cũng có những trường hợp đau cả 2 chân, tùy thuộc vị trí dây thần kinh bị chèn ép.
Đau lưng có phải là đau thần kinh tọa?
Trong đau thần kinh tọa, đau lưng là một dấu hiệu bên cạnh triệu chứng cơn đau lan tỏa từ thắt lưng xuống chân. Còn đau lưng do các nguyên nhân khác cơn đau chỉ khu trú ở vùng lưng. Điều quan trọng bạn cần đi khám để chẩn đoán đúng bệnh. Xác định đúng nguyên nhân giúp lựa chọn phương pháp điều trị hiệu quả.
Đau thần kinh tọa diễn biến từ từ hay xảy ra đột ngột?
Cơn đau có thể diễn ra đột ngột hoặc từ từ. Tùy thuộc nguyên nhân. Ví dụ thoát vị đĩa đệm gây ra cơn đau đột ngột. Còn những trường hợp viêm dây thần kinh thì cơn đau diễn biến từ từ.
Trời lạnh khiến cơn đau tăng lên?
Các nghiên cứu đã thực hiện cho thấy khi nhiệt độ xuống thấp, cơ bắp sẽ căng cứng và dễ chấn thương hơn. Sự căng thẳng của cơ khiến tăng mức độ cơn đau. Tỉ lệ những người bị đau cổ và thắt lưng khi làm việc trong môi trường nhiệt độ thấp lớn hơn so với những người cùng làm công việc đó ở nhiệt độ cao hơn [2]
Khi nào cần đi khám bác sỹ?
Tất cả các trường hợp đau đều cần được thăm khám bác sỹ để xác định chính xác nguyên nhân. Nếu có một trong các dấu hiệu sau cần đến bệnh viện ngay:
- Đau kèm tình trạng sốt
- Sưng, tấy đỏ cột sống, lưng
- Đau, tê yếu đùi trên, xương chậu hoặc xương cùng
- Nóng rát khi đi tiểu hoặc đi tiểu ra máu
- Mất kiểm soát bàng quang (đi tiểu rò rỉ không kiểm soát)
Cân nặng tăng khi mang thai là nguyên nhân gây đau thần kinh tọa ở bà bầu?
Đau thần kinh tọa thường gặp trong thai kỳ nhưng cân nặng tăng lên không phải là nguyên nhân. Các chuyên gia cho rằng một số hormone được tiết ra trong suốt thai kỳ giúp nới lỏng các dây chằng phù hợp với thay đổi của cơ thể. Dây chằng có vai trò bảo vệ đĩa đệm, kết nối các đốt sống, giữ cho cột sống ổn định. Khi dây chằng lỏng lẻo, cột sống sẽ giảm tính ổn định, có thể gậy lệch đĩa đệm dẫn đến đau thần kinh tọa. Trọng lượng và vị trí của em bé cũng gia tăng thêm áp lực chèn ép dây thần kinh.
Xem thêm về : Đau thần kinh tọa thai kỳ
Đau thần kinh tọa vẫn tiếp diễn sau khi sinh nở?
Thông thường cơn đau sẽ biến mất sau khi người mẹ sinh em bé. Trong quá trình mang thai, vật lý trị liệu, xoa bóp hay tập yoga theo sự hướng dẫn của chuyên gia y tế sẽ hữu ích trong việc hạn chế các cơn đau.
Đọc tiếp: 101 Các câu hỏi về đau thần kinh tọa (Phần 2 – Điều trị)
Nếu bạn có bất cứ điều gì về sức khỏe muốn chia sẻ hay các câu hỏi về thuốc, hãy để lại comment hoặc nhắn tin theo địa chỉ email: nguyenvunguyetminh@gmail.com . Tôi luôn sẵn sàng lắng nghe và hỗ trợ bạn vì một cộng đồng sử dụng thuốc an toàn.