Phần 1 chúng ta đã giải đáp Các câu hỏi về bệnh lý đau thần kinh tọa. Phần 2 sẽ cung cấp những thông tin hữu ích giải đáp các câu hỏi về điều trị.
Nội dung bài viết
Đau thần kinh tọa chữa khỏi được không?
Đau thần kinh tọa có thể điều trị dứt điểm. Tùy vào nguyên nhân gây đau để lựa chọn phương pháp điều trị thích hợp. Với cơn đau thần kinh tọa cấp tính, đến 90% người bệnh sẽ chữa khỏi sau thời gian điều trị. Trong đau thần kinh tọa mạn tính, thời gian điều trị kéo dài hơn và chỉ 10% số bệnh nhân có thể dứt điểm cơn đau.
Đau thần kinh tọa có tự hết?
Câu trả lời là “Không”. 90% những người bị đau thần kinh tọa cấp sẽ hết đau sau 4-8 tuần. Tuy nhiên đó là nhờ sự khắc phục thông qua chế độ ăn, tập thể dục. Hoặc một số hình thức trị liệu thần kinh cột sống chứ không thể tự khỏi được.
Mất bao nhiêu lâu từ khi khởi phát, cơn đau biến mất?
Điều này tùy thuộc vào nhiều yếu tố. Có thể mất từ 4-8 tuần, cũng có thể là 8 tháng để cơn đau biến mất. Một số yếu tố ảnh hưởng đến thời gian phục hồi:
- Sức khỏe: Những người có sức khỏe tốt, hoặc trẻ tuổi khả năng phục hồi nhanh hơn.
- Chế độ ăn: Dinh dưỡng đầy đủ cân bằng tốt hơn đồ ăn nhanh chế biến sẵn
- Giấc ngủ: Cơ thể cũng cần được nghỉ ngơi, tái tạo sức khỏe sau quá trình vận động. Thiếu ngủ sẽ khiến cơn đau chậm tiến triển.
- Căng thẳng: Là một trong những yếu tố làm trầm trọng thêm tình trạng đau.
- Bệnh lý đi kèm: Ví dụ tiểu đường sẽ khiến thời gian phục hồi chậm.
- Vận động: Ít vận động, giữ nguyên một tư thế kéo dài khiến cơn đau nặng nề và kéo dài hơn.
- Tuân thủ điều trị là yếu tố giúp rút ngắn thời gian khắc phục tình trạng đau thần kinh tọa.
Tự uống thuốc giảm đau khi đau thần kinh tọa?
Không nên tự ý sử dụng thuốc giảm đau. Thuốc giảm đau chỉ giúp giảm triệu chứng của cơn đau chứ không khắc phục được nguyên nhân gây đau, trừ khi viêm là nguyên nhân gây đau. Nếu sử dụng thuốc giảm đau thường xuyên sẽ gây ra tình trạng lệ thuộc thuốc, và nhiều tác dụng phụ không mong muốn khác như viêm loét dạ dày, rối loạn tiêu hóa…
Nên đi khám để xác định nguyên nhân và được bác sĩ kê đơn thuốc phù hợp.
Dùng lại đơn thuốc cũ không cần đi khám khi cơn đau tái phát?
Người bệnh không nên tự điều trị bằng đơn thuốc cũ tại nhà khi tái phát cơn đau thần kinh tọa. Cần đi khám để xác định lại nguyên nhân, tiến triển bệnh và thay đổi phương pháp điều trị nếu cần. Tình trạng chèn ép, viêm dây thần kinh tọa do nguyên nhân khác, hoặc nguyên nhân cũ nhưng trầm trọng hơn, không được xử lý kịp thời có thể chuyển biến xấu. Tự ý dùng lại đơn thuốc cũ cũng tiềm ẩn rủi ro việc điều trị không đúng nguyên nhân, hiệu quả điều trị không đáp ứng.
Thuốc được sử dụng trong điều trị đau thần kinh tọa? [*]
- Thuốc giảm đau không kê đơn và thuốc chống viêm không steroid (NSAID)
- Thuốc giảm đau kê đơn
- Thuốc giãn cơ
- Thuốc chống động kinh, chống co giật
- Thuốc chống trầm cảm ba vòng
- Thuốc steroid đường uống và đường tiêm
Tham khảo ý kiến bác sĩ, dược sĩ để được tư vấn loại thuốc phù hợp. (Xem thêm: Thuốc giảm đau trong điều trị thần kinh tọa)
Điều trị đau thần kinh tọa bằng thuốc nam?
Trong y học cổ truyền điều trị đau thần kinh tọa bằng các bài thuốc, kết hợp vật lý trị liệu, xoa bóp, châm cứu bấm huyệt. Người bệnh có thể tham khảo các bài thuốc trị đau thần kinh tọa từ cây lá lốt, cỏ xước, tỏi… thực hiện đơn giản tại nhà. Quan trọng nhất vẫn là thăm khám để xác định đúng nguyên nhân, chọn đúng phương pháp sẽ giúp điều trị dứt điểm.
Các phương pháp điều trị đau thần kinh tọa?
- Thuốc uống: Thuốc chống viêm, thuốc giảm đau kê đơn, steroid và thuốc giãn được sử dụng để giảm đau và cải thiện khả năng vận động ở những người bị đau thần kinh tọa. Tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi dùng thuốc.
- Vật lý trị liệu: Các bài tập kéo giãn, vật lý trị liệu khác giúp giảm bớt áp lực lên dây thần kinh tọa bị chèn ép.
- Tiêm ngoài màng cứng: Đưa thuốc vào không gian xung quanh ngoài tủy sống (không gian màng cứng). Sử dụng thuốc chống viêm steroid giúp giảm đau, chống viêm và giúp người bệnh vận động dễ dàng hơn.
- Phẫu thuật: Khi mọi người không đáp ứng với các phương pháp điều trị khác hoặc gặp các vấn đề nghiêm trọng như mất kiểm soát bàng quang, phẫu thuật có thể là cần thiết để khắc phục các vấn đề về cột sống.
Cần thiết bị đặc biệt để điều trị đau thần kinh tọa?
Tùy vào phương pháp điều trị mà bác sĩ sẽ quyết định thiết bị cần thiết sử dụng. Đối với việc tự luyện tập người bệnh có thể lựa chọn bóng tập hoặc các thiết bị tập luyện phù hợp. Ngoài ra có những thiết bị hỗ trợ điều trị như đai kéo giãn cột sống có hiệu quả tốt với đau thần kinh tọa.
Đau thần kinh tọa khám chuyên khoa nào?
80% nguyên nhân đau thần kinh tọa là do các vấn đề về cột sống. Do đó, bệnh nhân có thể đăng ký khám bác sĩ chuyên khoa cột sống cơ xương khớp, hoặc bác sĩ chuyên khoa thần kinh, bác sĩ vật lý trị liệu.
Cần nhịn ăn sáng khi đi khám không?
Những xét nghiệm cần nhịn ăn sáng bao gồm:
- Xét nghiệm cholesterol (mỡ máu): Không ăn trong vòng 8-12h trước khi thực hiện xét nghiệm đánh giá nồng độ cholesterol trong máu.
- Xét nghiệm glucose (đường huyết): Xét nghiệm kiểm tra lượng đường trong máu. Cần nhịn ăn uống trong vòng 12h, không uống đồ uống có chứa cafeine trong vòng 24h.
- Xét nghiệm triglyceride: Người bệnh cũng cần nhịn ăn khoảng 12 – 14 giờ đồng hồ, không dùng vitamin hoặc uống rượu trong 24 giờ.
- Xét nghiệm nồng độ vitamin: Người bệnh cần nhịn ăn hoàn toàn, chỉ uống nước lọc trong 8 – 12 giờ. Đồng thời cũng không sử dụng các loại Vitamin, khoáng chất trong 24 giờ trước khi lấy mẫu xét nghiệm.
- Nội soi đại tràng, dạ dày: Người bệnh cần nhịn ăn uống trước ít nhất 10 tiếng.
Như vậy nếu không có ý định hoặc chỉ định thực hiện các xét nghiệm trên hoặc nội soi dạ dày đại tràng, người bệnh không cần nhịn ăn sáng.
Nên chườm nóng để giảm cơn đau?
Chườm lạnh hoặc chườm nóng đều có thể làm dịu cơn đau thần kinh tọa.
Đọc thêm Cách khắc phục cơn đau thần kinh tọa để biết cách thực hiện phương pháp chườm hiệu quả.
Đau thần kinh tọa thì không được vận động?
Khi cơn đau cấp dữ dội, bạn có thể nghỉ ngơi và hạn chế vận động. Tuy nhiên không nên kéo dài trạng thái này. Nằm nghỉ quá nhiều có thể làm cơ lưng yếu đi và gia tăng áp lực lên cột sống khiến cơn đau có thể trầm trọng hơn. Khi cơn đau thuyên giảm, hãy bắt đầu những bài tập vận động phù hợp giúp kéo giãn cơ, giảm căng thẳng cho lưng dưới, gia tăng sức dẻo dai cho cột sống. Vận động cũng giúp tuần hoàn máu tốt hơn, máu được lưu thông đến vùng bị đau giúp khả năng hồi phục nhanh hơn.
Những bài tập nào phù hợp cho đau thần kinh tọa?
Nhiều bài tập có lợi cho đau thần kinh tọa như đi bộ, bơi, yoga, các bài tập giãn cơ. Ưu tiên các bài tập cho cột sống, các bài tập nâng cao sức khỏe và độ linh hoạt cho lưng dưới
Nên thực hiện các bài tập như thế nào? Phải tập mãi mãi các bài tập đó?
Nên tham khảo ý kiến chuyên gia trong việc chọn bài tập. Tập luyện đều đặn hàng ngày giúp cơ thể khỏe mạnh, dẻo dai. Tùy vào sức lực của cơ thể, bạn có thể tập một lần hoặc 3 lần mỗi ngày. Các bài tập không nhất thiết phải giống hệt nhau. Có thể linh hoạt thay đổi, gia tăng dần độ khó của các bài tập để cơ thể rèn luyện mạnh mẽ hơn. Những người thường xuyên đi bộ sẽ ít có nguy cơ gặp chấn thương ở lưng và đau thần kinh tọa. (Xem thêm: Bài tập giãn cơ cho người đau thần kinh tọa)
Tư thế ngủ thích hợp cho đau thần kinh tọa?
Giấc ngủ là hỗ trợ đắc lực cho một sức khỏe tốt. Những cơn đau thần kinh tọa đôi khi khiến người bệnh mất ngủ, mệt mỏi. Hãy nhớ đảm bảo đủ ngủ giấc, và tư thế ngủ đúng cũng rất quan trọng. Hai tư thế được khuyên cho bệnh nhân đau thần kinh tọa là:
- Nằm ngửa: Kê một chiếc gối nhỏ dưới hai đầu gối, trong khi mông và gót chân vẫn đặt xuống giường. Tư thế này giúp giảm áp lực lên cột sống.
- Nằm nghiêng: Chân đau sẽ ở phía trên. Có thể đặt một gối nhỏ giữa đầu gối hai chân.
Lựa chọn một tấm đệm tốt, hoặc nằm trên giường cứng sẽ giúp duy trì độ cong tự nhiên của cột sống.
Đau thần kinh tọa kiêng ăn gì?
Nên ăn uống đầy đủ và cân đối các chất dinh dưỡng. Đặc biệt những thực phẩm giàu magie, vitamin B6, B9, B12, vitamin C như thịt, cá, trứng, sữa, các loại rau xanh… Hạn chế ăn nhiều đường, nhiều muối, các chất béo bão hòa (mỡ, nội tạng động vật), các chất kích thích (rượu bia, thuốc lá…)
Bàn luận
Qua hai bài hỏi-đáp, bạn đọc đã có tương đối nhiều thông tin về đau thần kinh tọa. Khi phát hiện những dấu hiệu của cơn đau, chúng ta cần thăm khám sớm tại các cơ sở y tế để xác định chính xác nguyên nhân. Bên cạnh đó:
- Thường xuyên vận động luyện tập thể dục
- Duy trì cân nặng hợp lý
- Chế độ ăn lành mạnh
- Ngủ đủ giấc
- Giữ đúng tư thế
Là những bí quyết đơn giản để phòng ngừa cơn đau thần kinh tọa.
Nếu bạn có bất cứ điều gì về sức khỏe muốn chia sẻ hay các câu hỏi về thuốc, hãy để lại comment hoặc nhắn tin theo địa chỉ email: nguyenvunguyetminh@gmail.com . Tôi luôn sẵn sàng lắng nghe và hỗ trợ bạn vì một cộng đồng sử dụng thuốc an toàn.