Đợt giãn cách xã hội lần này khá dài. Khi không thể trực tiếp sang thăm bố mẹ mà chỉ qua những cuộc điện thoại, tôi nhận thấy dịch bệnh không chỉ ảnh hưởng đến chúng ta – những người đang đi làm. Mà người già cũng ảnh hưởng rất nhiều về tâm lý, sức khỏe. Liệu việc chăm sóc người cao tuổi đã thực sự được quan tâm? Cần làm gì để giúp người cao tuổi tự chăm sóc sức khỏe tại nhà hiệu quả trong giai đoạn này?
Nội dung bài viết
Dịch bệnh, giãn cách và sức khỏe người cao tuổi
Khi dịch bệnh, thông báo giãn cách, trẻ con nghỉ học, hạn chế đi lại… Tôi đọc được nhiều bài viết, tâm sự, thở dài về việc thay đổi những thói quen trong gia đình, về ảnh hưởng công việc của bố mẹ, về chuyện học hành của con cái. Nhưng những ảnh hưởng tới các thành viên cao tuổi lại dường như ít được nhắc tới.
Phải chăng người cao tuổi bình thường ngày nào cũng ở nhà rồi, nên sự ảnh hưởng của dịch bệnh, giãn cách sẽ ít đi?
Không đúng!
- Dịch bệnh, giảm tụ tập, giảm tiếp xúc cộng đồng khiến mọi người có xu hướng cô lập bản thân. Điều này ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe, tâm lý của người cao tuổi, họ cảm thấy cô đơn và dễ rơi vào trạng thái thờ ơ, trầm cảm, khó tập trung, cáu gắt.
- Hạn chế ra ngoài nên việc tập thể dục cho người già như đi bộ, vận động nhẹ nhàng không thực hiện được. Nhất là ở thành phố, nhà chung cư, tập thể.
- Việc thăm nom của con cái, người thân quen nếu cha mẹ ở riêng, cũng sẽ giảm hoặc không có trong giai đoạn giãn cách xã hội. Ông bà phải tự thực hiện chăm sóc bản thân, nhà cửa, những việc có thể nặng hơn sức người cao tuổi, tiềm ẩn nguy cơ té ngã, chấn thương.
- Việc thăm khám sức khỏe theo định kỳ bị ngắt quãng. Thiếu thông tin khiến việc theo dõi sức khỏe khó khăn, tiềm ẩn rủi ro, đặc biệt với các bệnh lý mạn tính (tim mạch, tiểu đường, xương khớp…)
Như vậy rõ ràng người cao tuổi cũng chịu những ảnh hưởng nhất định do dịch bệnh hay giãn cách. Bên cạnh đó, đây cũng là nhóm đối tượng nguy cơ cao tiên lượng xấu khi mắc Covid-19 vì các bệnh lý nền, hoặc tình trạng lão hóa của cơ thể. Do đó việc chăm sóc sức khỏe người cao tuổi tại trong giai đoạn giãn cách dịch bệnh là hết sức quan trọng.
Vậy người cao tuổi cần làm gì để tự chăm sóc mình tại nhà?
1. Chủ động theo dõi các bệnh lý đang có để phát hiện sớm những bất thường
Mặc dù việc thăm khám sức khỏe định kỳ có thể gián đoạn, tuy nhiên việc theo dõi bệnh và tuân thủ dùng thuốc điều trị theo đơn bác sĩ kê KHÔNG ĐƯỢC DỪNG LẠI. Đặc biệt với các bệnh lý mãn tính.
Tâm lý căng thẳng, mệt mỏi hoặc thậm chí đau buồn khi tiếp nhận các thông tin dịch bệnh có thể khiến tình trạng các bệnh mãn tính tăng nặng. Chúng ta cần giúp bố mẹ ghi chép lại tình trạng sức khỏe hàng ngày vào một cuốn sổ, hay nhật ký ghi âm để tự theo dõi, hoặc trao đổi với bác sĩ khi có cơ hội khám bệnh.
Những thông tin ghi lại hàng ngày:
- Ngày, tháng, năm
- Chỉ số huyết áp, nhịp tim: Đo hàng ngày vào một thời điểm nhất định
- Chỉ số đường huyết: Đo 1 -2 lần/ tuần. Nếu chỉ số thất thường cần theo dõi liên tục hàng ngày đến khi ổn định
- Cân nặng: 1 lần/tuần
- Những cơn đau: Đau ở đâu? Mức độ đau như thế nào nếu theo thang điểm từ 1-10? Đau kéo dài bao lâu? Điều gì khiến cơn đau giảm đi hoặc tăng lên?
- Chấn thương: Gần ngã, ngã tư thế nào? Tại sao ngã?
- Tiêu hóa: Bình thường, tiêu chảy hay táo bón? Nôn, buồn nôn?
- Chóng mặt, tức ngực, khó thở…
- Mệt mỏi, thay đổi tâm trạng, cảm xúc…
Ngoài ra, chuẩn bị các thiết bị y tế như máy đo huyết áp, đo đường huyết, đai hỗ trợ cột sống, các loại thuốc theo kê đơn của bác sĩ và các thuốc thông thường (cảm cúm, hạ sốt, bộ sơ cứu y tế…) phải luôn có sẵn.
2. Duy trì vận động
Mặc dù hạn chế ra ngoài, nhưng người cao tuổi không được dừng vận động. Những vấn đề như đau lưng, đau cơ, cân nặng, huyết áp, hoặc chính tâm lý cũng được cải thiện khi cơ thể vận động. Tùy vào sức khỏe, người cao tuổi có thể lựa chọn những hình thức vận động phù hợp như:
- Đi bộ quanh nhà
- Tập các bài thể dục tại chỗ: Vẩy tay, xoay người, vươn thở, cầm nắm đồ vật
- Đứng lên ngồi xuống với một chiếc ghế chắc chắn
- Đạp xe tại chỗ
- Khiêu vũ theo các giai điệu yêu thích
- Tập thiền, hít thở, các động tác yoga phù hợp
3. Đảm bảo chế độ ăn lành mạnh
Khi phải ở lâu trong một không gian hạn chế dễ khiến con người rơi vào trạng thái “sốt cabin”. Đó là tình trạng với một loạt các triệu chứng như: Chán nản, khó tập trung, thèm ăn hoặc tuyệt vong, tiêu cực. Người cao tuổi cũng không tránh khỏi điều này. Bên cạnh đó, việc mua sắm lương thực không còn thuận tiện như trước. Chế độ ăn có thể thay đổi. Tuy nhiên, chúng ta cần cố gắng duy trì các bữa ăn cân đối dinh dưỡng, đặc biệt với các bệnh nhân rối loạn chuyển hóa như bệnh tiểu đường, mỡ máu.
- Tăng lượng trái cây để bù lượng rau xanh bị giảm đi
- Giữ một số loại quả (bí đao, bí đỏ), rau phơi khô (củ cải, rau tiến vua, măng khô) có thể bảo quản được dài ngày giúp đảm bảo khẩu phần chất xơ trong bữa ăn
- Uống đủ nước, giảm các loại đồ uống có đường, có ga
- Giảm đồ ăn chiên rán, nhiều đường hoặc đồ ăn nhanh
- Với các bệnh nhân tiểu đường, hãy chuẩn bị cho mình sữa, bánh hoặc các bữa ăn phụ chuyên biệt cho người tiểu đường để đảm bảo đường huyết ổn định
4. Tăng các kết nối quan hệ
Chúng ta vẫn thường nghe ông bà mình có câu “bầu bạn tuổi già”. Người già có nhu cầu sẻ chia, quan tâm rất lớn. Khi con cái bận rộn với công việc, với gia đình riêng, thì các ông các bà chính là những người bạn giúp nhau có thêm sức khỏe tinh thần bên cạnh niềm vui con cháu.
Giãn cách, hạn chế tiếp xúc không có nghĩa là cô lập mỗi cá nhân. Sức khỏe tâm thần với người cao tuổi cực kỳ quan trọng. Duy trì hoặc có thể mở rộng các kết nối trên các hội nhóm sẽ giúp người già cảm thấy vui vẻ, phấn chấn hơn. Chúng ta sẽ làm quen với công nghệ, hoặc nhờ người thân giúp đỡ:
- Kết nối qua các cuộc gọi trên điện thoại
- Kết nối qua các nền tảng xã hội facebook, zalo
- Kết nối qua cuộc gọi video
- Thường xuyên giao tiếp với mọi người trong gia đình, người thân, bạn bè hoặc với các nhân viên y tế khi cần
Trước đây tôi thường đến cuối tuần mới đưa con sang thăm ông bà. Tuy nhiên khi giãn cách, hạn chế đi lại. Ngày nào tôi và các con cũng gọi video cho ông bà nói chuyện. Mỗi cuộc nói chuyện chỉ đơn giản hỏi xem hôm nay ông bà có khỏe không? Ông bà ăn cơm chưa? Chuyện thời tiết oi bức thật khó chịu. Hay để cô cháu gái hát tặng ông bà một bài. Chỉ như vậy, nhưng tôi biết tinh thần ông bà đều vui và thoải mái.
5. Vận động não bộ
Người lớn tuổi thường gặp vấn đề sa sút về trí tuệ, đặc biệt nếu đi kèm căng thẳng. Ngoài ra, họ có xu hướng lo lắng, choáng ngợp hoặc trầm trọng vấn đề trước các tin tức tiêu cực. Do đó các nhà khoa học khuyên người cao tuổi nên hạn chế thời gian xem tin tức mỗi ngày. Dành nhiều thời gian hơn cho nghệ thuật, giải trí thư giãn.
Một số người khi về già dành thời gian viết hồi ký, viết truyện, vẽ tranh, học ngoại ngữ… Tất cả những hoạt động này sẽ giúp não bộ kích thích, vận động liên tục và khỏe mạnh hơn.
6. Giữ một thói quen
Giữ một thói quen giữa sự biến động của dịch bệnh không phải là quá khó. Các nhà nghiên cứu cho thấy khi thực hiện một thói quen sẽ khiến mỗi người có thêm động lực. Nếu chúng ta không còn duy trì được một thói quen bình thường nào đó, chắc chắn tinh thần chúng ta sẽ bị ảnh hưởng. Thói quen giúp chúng ta có mục đích.
Thói quen hàng ngày rất đơn giản. Ví dụ uống một tách trà sau bữa ăn sáng. Đọc một vài trang sách trước khi đi ngủ…
7. Những nguồn thông tin hỗ trợ y tế khi cần
Đây là một vấn đề cực kỳ quan trọng, đặc biệt với người cao tuổi khi trí nhớ giảm sút, khả năng sử dụng công nghệ có giới hạn. Chúng ta nên ghi ra một tờ giấy với cỡ chữ lớn, hoặc lưu ngay trên điện thoại để giúp ông bà dễ dàng tìm kiếm khi cần hỗ trợ.
- Số điện thoại, địa chỉ liên lạc của con cái, người thân
- Số điện thoại cấp cứu
- Số điện thoại các bác sĩ điều trị (nếu có)
- Số điện thoại hotline của các bệnh viện tỉnh (Xem tại đây)
- Hoặc số điện thoại hỗ trợ khai báo y tế dịch Covid 18001119
Bàn luận
Người cao tuổi là nhóm đối tượng dễ bị tổn thương khi nhiễm bệnh. Do đó ngoài việc nghiêm túc thực hiện quy định 5K, các chỉ thị giãn cách, thì việc giúp người cao tuổi tự chăm sóc tại nhà là điều vô cùng cần thiết.
Mỗi người con chúng ta chắc chắn sẽ có rất nhiều vấn đề, rất nhiều lo lắng phải giải quyết giữa tình hình dịch bệnh. Nhưng tôi mong mỗi người hãy tiếp tục duy trì một thói quen cho mình, đó là hỏi thăm, quan tâm tới cha mẹ hàng ngày. Giúp đỡ cha mẹ nâng cao sức khỏe thể chất và tinh thần, đảm bảo an toàn mùa dịch.
Nỗ lực và cố gắng, chúng ta sẽ cùng nhau vượt qua hết khó khăn thử thách để tận hưởng cuộc sống vui, khỏe đích thực!
Đọc thêm các bài viết chăm sóc sức khỏe gia đình khác tại đây.
Nếu bạn có bất cứ điều gì về sức khỏe muốn chia sẻ hay các câu hỏi về thuốc, hãy để lại comment hoặc nhắn tin theo địa chỉ email: nguyenvunguyetminh@gmail.com . Tôi luôn sẵn sàng lắng nghe và hỗ trợ bạn vì một cộng đồng sử dụng thuốc an toàn.