Trong quá trình tham gia tình nguyện chăm sóc người bệnh Covid 19 F0 không triệu chứng, hoặc F1 nguy cơ cao, tôi nhận được rất nhiều câu hỏi từ bệnh nhân và người nhà.
Nội dung bài viết
Xin chia sẻ lại đây một số vấn đề được quan tâm nhất để mọi người có thêm thông tin hữu ích
Những câu hỏi về vấn đề lây nhiễm SarCoV-2
HỎI: Tôi không có yếu tố dịch tễ, tuy nhiên trong giai đoạn giãn cách tôi cảm thấy người mệt mỏi, cảm giác rát họng, không sốt nhưng người bí bách. Liệu có phải tôi mắc covid rồi không? Tôi cần đi khám hay khai báo ở đâu không?
ĐÁP: Theo nội dung Quyết định 3638/QĐ-BYT về Hướng dẫn tạm thời giám sát và phòng, chống COVID-19: Người nghi nhiễm được hiểu là người có ít nhất hai trong số các biểu hiện như sốt, ho, đau họng, khó thở, đau người, mệt mỏi, ớn lạnh, giảm hoặc mất vị giác hoặc khứu giác hoặc có kết quả xét nghiệm dương tính SARS-CoV-2.
Như vậy nếu bạn không có yếu tố dịch tễ, nhưng có ít nhất hai trong số các biểu hiện trên cần liên hệ với y tế địa phương (trung tâm y tế phường/quận/huyện… hoặc CDC tỉnh, thành phố) để thông báo và được hướng dẫn.
HỎI: Tôi được xét nghiệm PCR dương tính, nhưng cơ thể bình thường, không có dấu hiệu gì cả. Liệu có đúng là tôi nhiễm SarCoV-2 không?
ĐÁP: Thời gian ủ bệnh trung bình khi nhiễm virus là 5.2 ngày. Với biến thể delta, thời gian ủ bệnh chỉ từ 3-3.2 ngày. Phần lớn (khoảng 60%) những người nhiễm SarCoV-2 không có biểu hiện lâm sàng. Với những người có biểu hiện thì 80% khởi phát triệu chứng trong tuần đầu tiên. 20% trong số đó các triệu chứng sẽ chuyển biến tăng nặng trong tuần thứ hai (từ ngày thứ 7 – ngày thứ 10) tính từ khi xuất hiện triệu chứng. Và 5% trong số 20% bệnh nhân có triệu chứng tiến triển sẽ cần can thiệp ICU.
Xét nghiệm PCR là một phương pháp xét nghiệm xác định sự hiện diện của virut thông qua phát hiện vật liệu di truyền của virut SARS-CoV-2, đây là phương pháp có độ chính xác cao. Do đó nếu kết quả xét nghiệm PCR dương tính nhưng cơ thể bạn không có biểu hiện khác thường, có nghĩa bạn thuộc nhóm người nhiễm virus không có triệu chứng.
HỎI: Sau khi bị nhiễm bao nhiêu lâu thì xuất hiện các triệu chứng?
ĐÁP: Thông thường sau thời gian ủ bệnh trung bình là 5.2 ngày (với chủng delta là 3-3.2 ngày) thì sẽ khởi phát các triệu chứng. Tuy nhiên có một số trường hợp người bệnh không có triệu chứng (tham khảo thêm câu trả lời phía trên).
HỎI: Tôi bị nhiễm Covid 19 nhưng đã được điều trị khỏi. Như vậy tôi sẽ không lo bị nhiễm lại lần nữa?
ĐÁP: Sau khi điều trị khỏi, bệnh nhân vẫn có khả năng tái nhiễm virus SarCoV-2. Có thể tái nhiễm một biến chủng khác.
Với chủng đã từng nhiễm, cơ thể đã có kháng thể với chủng đó thì có bị nhiễm lại hay không?
Trả lời cho câu hỏi này cần thêm các nghiên cứu để khẳng định. Tuy nhiên vẫn có khả năng tái nhiễm, do đó những bệnh nhân đã điều trị khỏi virus Corona vẫn cần thực hiện các biện pháp 5K phòng chống dịch, bảo vệ mình và những người xung quanh.
HỎI: Nếu phải ở chung nhà với người nhiễm bệnh thì mọi người cũng sẽ bị nhiễm?
ĐÁP: Không đúng.
Khi sống chung nhà với người mang virus SarCoV-2, chúng ta thực hiện nghiêm túc 5K: Giữ khoảng cách, đeo khẩu trang khi trao đổi, khử khuẩn các điểm tiếp xúc, vật dụng trong nhà thường xuyên…
Nên để người bệnh trong phòng riêng có cửa sổ thoáng. Nếu không có phòng riêng, mọi người trong nhà cũng giữ khoảng cách với khu vực người bệnh nghỉ ngơi. Trong phòng, hoặc nhà nên mở cửa thông thoáng, không sử dụng điều hòa, dùng quạt mạnh để tao luồng không khí đẩy 1 chiều liên tục ra bên ngoài, giảm lượng virus phát tán trong nhà, và mọi người tránh đi vào luồng không khí đó.
Những điều này sẽ giúp chúng ta bảo vệ mình khi trong nhà có người nhiễm bệnh. (Đọc thêm hướng dẫn của Cục Y tế dự phòng tại đây)
HỎI: Các triệu chứng thường gặp khi nhiễm SarCoV-2 là gì?
ĐÁP: Các triệu chứng thường gặp bao gồm:
- Ho
- Sốt (>37.5ºC)
- Đau họng, rát họng
- Sổ mũi, chảy mũi, ngạt mũi
- Đau đầu
- Đau cơ, nhức mỏi
- Khó thở
Các triệu chứng ít gặp hơn bao gồm:
- Buồn nôn
- Mất khứu giác
- Mất vị giác
- Tiêu chảy
- Đau tức ngực
HỎI: Tại sao tôi xét nghiệm vẫn dương tính mà lại được cho về nhà?
ĐÁP: Ngày 14/7, Bộ Y tế ban hành hướng dẫn về việc xuất viện sớm với các bệnh nhân Covid 19 như sau
- Người bệnh được xuất viện vào ngày thứ 10 kể từ thời điểm xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2 khi: (1) Không có triệu chứng lâm sàng trong 10 ngày kể từ thời điểm xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2; (2) Được lấy mẫu ít nhất 2 lần cách nhau tối thiểu 24 giờ có kết quả âm tính, bằng phương pháp xét nghiệm RT-PCR hoặc nồng độ virus thấp (CT≥ 30); (3) Thời gian từ khi lấy mẫu bệnh phẩm cuối cùng tới khi ra viện không quá 24h.
Nồng độ virus thấp (CT ≥ 30) đồng nghĩa với khả năng lây virus SARS-CoV-2 ra cộng đồng của người bệnh hầu như không có.
- Người bệnh được xuất viện vào ngày thứ 14 khi có triệu chứng lâm sàng trong 10 ngày kể từ thời điểm xét nghiệm dương tính; (2) Được lấy mẫu ít nhất 2 lần cách nhau tối thiểu 24 giờ có kết quả âm tính, bằng phương pháp xét nghiệm RT-PCR hoặc nồng độ virus thấp (CT ≥ 30); (3) Thời gian từ khi lấy mẫu bệnh phẩm cuối cùng tới khi ra viện không quá 24h.
Do đó với các trường hợp bệnh nhân có xét nghiệm dương tính nhưng nồng độ virus thấp (CT≥30) vẫn đủ điều kiện xuất viện về nhà. Sau khi về nhà, bệnh nhân tiếp tục tự cách ly thêm 14 ngày. Trong quá trình cách ly tại nhà vẫn tuân thủ 5K và được y tế địa phương theo dõi sức khỏe.
HỎI: CT value là giá trị gì? Có ý nghĩa như thế nào?
ĐÁP: CT là viết tắt của “cycle threshold” – giá trị ngưỡng chu kỳ. Giá trị CT xuất hiện trong các xét nghiệm RT-PCR để xác định một người có dương tính với virus hay không. Giá trị CT phản ánh tương quan giữa tải lượng/ nồng độ virus SarCoV-2 trong cơ thể và mức độ của bệnh.
Giá trị CT càng thấp nghĩa là tải lượng virus càng cao, khả năng người mang bệnh phát tán virus ra xung quanh là lớn.
Ngược lại, giá trị CT càng cao nghĩa là tải lượng virus càng thấp.
Khi giá trị CT≥30 thì khả năng lây nhiễm virus của người bệnh cho xung quanh là rất thấp. Theo một số nghiên cứu khi giá trị CT≥33 thì bệnh nhân không còn khả năng gây lây nhiễm virus.
HỎI: Các chủng SarCoV-2 khác nhau có gây bệnh khác nhau không?
ĐÁP: Hiện có 4 biến thể virus SarCoV-2 được WHO xếp vào nhóm đáng quan ngại bao gồm Alpha, Beta, Gamma và Delta. Những biến thể khiến virus lây lan nhanh hơn sẽ là những biến thể tồn tại và dần thay thế chủng virus ban đầu.
Các biến chủng khác nhau ở cấu trúc, khả năng thích nghi, nhân lên trong môi trường vật chủ. Khi nhiễm virus, thời gian ủ bệnh, tốc độ lây nhiễm giữa các chủng là khác nhau.
Ví dụ với chủng delta đang hoành hành hiện nay, thời gian ủ bệnh ngắn hơn so với các chủng khác, chỉ từ 3-3.2 ngày. Mức độ lây lan cao hơn vì người nhiễm biến thể này mang tải lượng virus ở khoang mũi lớn gấp 1.000 lần so với người nhiễm các chủng virus SARS-CoV-2 trước đó.
Tuy nhiên những ảnh hưởng tới sức khỏe và rủi ro biến chứng là tương đương nhau giữa các chủng.
Những câu hỏi liên quan đến dự phòng & điều trị virus Corona
HỎI: Tôi đã mua sẵn aspirin và medrol dự phòng nếu nhiễm bệnh. Tôi nên uống lúc nào?
ĐÁP: Thuốc chống đông máu và thuốc corticoid chỉ được sử dụng khi người bệnh xuất hiện các triệu chứng sớm của suy hô hấp (cảm giác khó thở và/hoặc nhịp thở > 20 lần/phút và/hoặc SpO2 < 95%, nếu có). Thuốc phải được dùng theo chỉ định của bác sĩ.
Ngoài ra, aspirin là thuốc chống đông máu nhưng không phù hợp với cơ chế gây đông máu trong Covid 19. Do đó bệnh nhân không nên tự ý tích trữ và sử dụng các thuốc này khi chưa có hướng dẫn của nhân viên y tế.
HỎI: Nghe nói Xuyên tâm liên phòng trị được Covid nên tôi định mua về uống hàng ngày dự phòng?
ĐÁP: Xuyên tâm liên có tác dụng hỗ trợ một số triệu chứng như ho, đau họng khi nhiễm SarCoV-2. Không có tác dụng phòng chống nhiễm virus Corona. Khi sử dụng Xuyên tâm liên không đúng cách có thể gây ra các tác dụng phụ không mong muốn. Do đó mọi người không nên mua Xuyên tâm liên với mục đích dự phòng nhiễm covid.
(Có thể bạn quan tâm: Xuyên tâm liên và Covid-19)
HỎI: Tôi ở trong vùng cách ly, ngày nào tôi cũng uống 6 ly nước chanh, sả, gừng, mật ong để diệt virus. Hôm nay tôi đi ngoài tiêu chảy thì có uống được nước chanh sả nữa không?
ĐÁP: Mật ong có tác dụng nhuận tràng nên khi sử dụng nhiều sẽ gây tiêu chảy. Thực tế bài thuốc kết hợp chanh, sả, gừng trong đông y được sử dụng để cải thiện sức khỏe khi bị cảm cúm. Và hiện nay chưa có nghiên cứu nào cho thấy sự phối hợp này có thể tiêu diệt được virus SarCoV-2.
Bạn có thể sử dụng hỗn hợp nước chanh, sả, gừng, mật ong để hỗ trợ giảm các triệu chứng cảm cúm, tuy nhiên việc sử dụng cần đúng liều lượng. Chỉ uống từ 1-2 cốc mỗi ngày sau bữa ăn để tránh kích thích đường tiêu hóa.
HỎI: Tôi được xét nghiệm PCR dương tính. Tôi thấy trên mạng chia sẻ phương pháp xông sẽ giúp diệt virus. Tôi xông được không? Nên xông như thế nào?
ĐÁP: Theo Y học cổ truyền, xông thuốc là 1 phương pháp điều trị bệnh quan trọng. Tuy nhiên việc bệnh nhân sử dụng xông thường xuyên để cho ra mồ hôi không đúng chỉ định sẽ gây ra nhiều hậu quả. Xông nhiều gây tăng tiết mồ hôi, tân dịch mất đi. Khí theo tân dịch thoát ra gây mệt mỏi, khí thoát nên dương khí tiêu hao, khả năng miễn dịch của bệnh nhân suy giảm nhiều sẽ không có sức khỏe để chống lại bệnh.
Theo Y học hiện đại, khi cơ thể mất nước gây ảnh hưởng đến trạng thái tâm lý, cảm xúc, giảm khả năng vận động, thậm chí dẫn đến sốc, hôn mê và tử vong.
Đối với bệnh nhân Covid, cơ thể mệt mỏi, uể oải do nôn, tiêu chảy, đi tiểu nhiều gây hạ canxi, kali huyết. Do đó cần tăng cường bù nước và điện giải, đặc biệt uống oresol thường xuyên trong tuần đầu tiên giúp giảm các biến chứng rõ rệt.
HỎI: Tôi được bác sĩ khuyên nên uống thêm vitamin C hàng ngày. Tôi dùng viên C sủi nhưng chỉ cách ngày mới uống vì sợ sỏi thận (bệnh nhân nam, 31 tuổi, không có tiền sử bệnh thận hay sỏi thận)
ĐÁP: Một số nghiên cứu đã cho thấy việc sử dụng vitamin C liều cao giúp cải thiện tình trạng sức khỏe trên bệnh nhân nhiễm Covid 19. Tuy nhiên vitamin C không có tác dụng dự phòng nhiễm virus.
Vitamin C là vitamin tan trong nước nên lượng dư thừa được bài tiết qua nước tiểu thay vì dự trữ. Do đó, bổ sung quá nhiều vitamin C hiếm khi gây sỏi thận, nhưng có thể gây kích ứng dạ dày, đau bụng hoặc tiêu chảy.
HỎI: Tôi ở trong khu vực phong tỏa, hàng ngày tự pha nước muối để súc họng và rửa mũi. Có phải nước muối càng đặc càng tốt?
ĐÁP: Không đúng. Theo hướng dẫn của Bộ Y tế về việc ban hành hướng dẫn chẩn đoán và điều trị COVID-19 , trong đó có nhấn mạnh việc sử dụng nước muối sinh lý vệ sinh mũi họng hàng ngày.
Việc súc họng, rửa mũi giúp loại bỏ một số mầm bệnh qua cơ chế rửa trôi là chính. Ngoài ra còn có tác dụng sát khuẩn nhẹ đối với một số vi khuẩn thông thường và giữ ẩm cho niêm mạc mũi, họng.
Nước muối sinh lý là nước muối được pha theo tỷ lệ chuẩn 9/1000. Nếu chúng ta tự pha nước muối quá đặc, sẽ làm tổn thương lớp niêm mạc mũi họng, gây phản tác dụng. Do đó khi tự pha nước muối tại nhà để sử dụng, bạn cần chuẩn bị nguồn nước sạch, pha khoảng 2 thìa cafe muối tinh với 1 lít nước là hợp lý.
HỎI: Tôi cảm thấy đau ngực, có phải là phổi tôi đang bị virus ăn dần?
ĐÁP: Biến chứng nguy hiểm nhất của SarCoV-2 là biến chứng trên phổi. Virus gây đông máu, tắc các mao mạch phổi dẫn đến suy hô hấp.
Một số dấu hiệu sớm giúp phát hiện biến chứng trên phổi ở người nhiễm covid:
- Cảm giác có dải đai thắt quanh lồng ngực gây khó thở
- Hoặc khi hít sâu cảm giác phổi bị kéo căng
- Chỉ số SpO2 giảm khi vận động gây hụt hơi, khó thở
HỎI: Chỉ số SpO2 là gì? SpO2 như thế nào là tốt?
ĐÁP: SpO2 là viết tắt của Saturation of peripheral oxygen – độ bão hòa oxy trong máu ngoại vi. Chỉ số oxy hóa máu tốt là rất cần thiết vì cung cấp đủ năng lượng cho cơ bắp hoạt động.
Thang đo chỉ số SpO2 tiêu chuẩn:
- SpO2 từ 97 – 99%: Chỉ số oxy trong máu tốt;
- SpO2 từ 94 – 96%: Chỉ số oxy trong máu trung bình, cần thở thêm oxy;
- SpO2 từ 90% – 93%: Chỉ số oxy trong máu thấp, cần xin ý kiến của bác sĩ chủ trị;
- SpO2 dưới 92% không thở oxy hoặc dưới 95% có thở oxy: Dấu hiệu suy hô hấp rất nặng;
- SpO2 dưới 90%: Biểu hiện của một ca cấp cứu trên lâm sàng.
HỎI: Tôi nên tập thở như thế nào?
ĐÁP: Bạn có thể tìm thấy rấy nhiều bài hướng dẫn tập thở cho bệnh nhân phục hồi sau Covid 19 nói riêng, và cho sức khỏe hô hấp nói chung trên các phương tiện truyền thông.
Tôi thường hướng dẫn mọi người bài tập đơn giản: Hóp bụng, hít vào bằng mũi để lồng ngực giãn căng, sau đó thở ra kéo dài bằng miệng, hoặc thở ra nhanh và mạnh bằng miệng (phù 1 tiếng) giúp khai thông đường thở.
HỎI: Khi bị nhiễm bệnh, cố gắng tập thể dục càng nhiều càng tốt?
ĐÁP: Khi nhiễm bệnh, có thể có triệu chứng hoặc không, tuy nhiên tâm lý mọi người thường ảnh hưởng, cơ thể mệt mỏi. Lúc này cơ thể cần sử dụng rất nhiều năng lượng để chống lại virus tấn công. Người bệnh nên nghỉ ngơi, uống nhiều nước, bổ sung chất điện giải, vitamin đặc biệt vitamin C. Tập các bài tập thở tốt cho phổi, kết hợp các bài tập nhẹ nhàng phù hợp không gian ở và điều kiện sức khỏe bản thân. Không nên gắng sức.
HỎI: Tôi thấy mệt mỏi, không muốn ăn gì cả, miệng rất nhạt
ĐÁP: Một trong các triệu chứng của nhiễm SarCoV-2 là mất khứu giác và vị giác. Ngoài ra buồn nôn, tiêu chảy, mệt mỏi khiến người nhiễm có phản xạ chán ăn. Nhưng cơ thể đang rất cần năng lượng để kích thích hệ thống miễn dịch cơ thể hoạt động chống lại virus.
Do đó, người bệnh cần cố gắng uống nhiều nước, tốt nhất là oresol hoặc nước hoa quả. Cố gắng ăn uống đủ bữa, đảm bảo dinh dưỡng cung cấp cho cơ thể. Những quan sát của các bác sĩ điều trị cho thấy, bệnh nhân có dinh dưỡng tốt khả năng và thời gian phục hồi cải thiện đáng kể.
HỎI: Tôi uống vitamin tổng hợp có được không?
ĐÁP: Theo khuyến cáo dinh dưỡng cho bệnh nhân covid mới cập nhật của các nhà khoa học Tây Ba Nha được đăng trên Thư viện quốc gia Hoa Kỳ, một số chất dinh dưỡng cần thiết cho người bệnh gồm có:
- Vitamin C, D, E, Selen, Kẽm, Sắt, Omega-3
- Duy trì đủ nước cho bệnh nhân
- Với bệnh nhân nhiễm Covid 19 không nặng: Protein ≥ 1g/1kg/ngày. Tỉ lệ chất béo/bột đường: 30:70 cho bệnh nhân không cần trợ thở và 50:50 cho bệnh nhân cần trợ thở.
Những câu hỏi liên quan đến tiêm vaccine Covid 19
HỎI: Tôi đã bị nhiễm bệnh rồi thì có tiêm được vaccine không?
ĐÁP: Những người đã mắc Covid 19 trong cơ thể có sản sinh kháng thể. Tuy nhiên mức độ kháng thể có thể không quá cao, hoặc thậm chí một số trường hợp không xác định được kháng thể sau khi khỏi bệnh. Do đó việc tiêm vaccine là cần thiết. Chuyên gia y tế khuyến cáo những người từng mắc covid 19 nên tiêm vaccine sau 6 tháng kể từ khi khỏi bệnh.
HỎI: Tôi đã tiêm vaccine thì có bị nhiễm bệnh nữa không?
ĐÁP: Sau khi tiêm vaccine, bạn vẫn có nguy cơ nhiễm bệnh. Vaccine sẽ giúp cơ thể nhận biết virus và tạo ra các kháng thể đặc hiệu với virus đó. Khi virus xâm nhập lần sau, các kháng thể đặc hiệu sẽ tiêu diệt virus hoặc ức chế khả năng sinh sôi của virus. Do đó giúp giảm các triệu chứng hoặc biến chứng khi nhiễm bệnh.
Mặt khác, bạn vẫn có thể bị nhiễm bệnh bởi một biến chủng virus khác mà vaccine không đặc hiệu. Tuy nhiên các nhà nghiên cứu cho biết, dù nhiễm biến chủng khác, nhưng vaccine sẽ giúp giảm các tỷ lệ biến chứng nặng do virus gây ra. Do đó tiêm vaccine covid là thực sự cần thiết.
HỎI: Có khi nào tôi bị nhiễm virus Corona từ vaccine không?
ĐÁP: KHÔNG THỂ nhiễm virus từ vaccine!
Có 3 cách tiếp cận chính để thiết kế ra các loại vaccine
- Sử dụng toàn bộ virus hay vi khuẩn để tạo ra vaccine (Sinopharm)
- Chỉ sử dụng những thành phần của virus có tác dụng khởi phát hệ thống miễn dịch (AstraZeneca)
- Chỉ sử dụng những vật liệu di truyền của virus nhằm cung cấp cho cơ thể các hướng dẫn để tạo ra các protein cụ thể (giống protein có trong virus) có tác dụng khởi phát hệ thống miễn dịch (Pfizer, Mordena)
Dù là công nghệ nào, vaccine buộc phải chứng minh được tính an toàn và hiệu quả trước khi được đưa vào sử dụng. Do đó chắc chắn vaccine không thể là nguyên nhân gây nhiễm virus SarCoV-2 được
HỎI: Tôi đang mang thai có tiêm được vaccine không?
ĐÁP: Phụ nữ có thai là một trong những đối tượng có nguy cơ bệnh tiến triển nặng nếu nhiễm Covid 19. Tuy nhiên những nghiên cứu về tính an toàn và hiệu quả của vaccine trên thai phụ tới nay còn hạn chế. Theo khuyến cáo của các tổ chức Y tế, phụ nữ mang thai nên thảo luận với bác sĩ của mình một số vấn đề trước khi quyết định tiêm:
- Tiền sử bệnh, hiện trạng sức khỏe mẹ và thai nhi. Một số yếu tố nguy cơ khiến việc nhiễm covid trở nên trầm trọng hơn khi phụ nữ mang thai có cơ địa béo phì, hút thuốc lá, có các bệnh lý như cao huyết áp, tiểu đường, suy giảm miễn dịch, bệnh gan, thận, bệnh tim hoặc hen suyễn, hoặc trên mang thai khi trên 35 tuổi
- Nguy cơ lây nhiễm Covid 19 của bà mẹ. Nguy cơ cao khi thai phụ sống trong cộng đồng có nhiều ca nhiễm virus SarCoV-2. Hoặc thường xuyên phải tiếp xúc với nhiều người ngoài gia đình mình. Hoặc các thành viên trong gia đình làm việc trong môi trường nguy cơ lây nhiễm cao.
HỎI: Tôi đi tiêm về nhưng không sốt, không mệt. Liệu vaccine có hiệu quả không?
ĐÁP: Sốt, mệt mỏi là một trong số những tác dụng không mong muốn thường gặp phải sau khi tiêm vaccine. Tuy nhiên những ghi nhận cho thấy có đến 50% số người tiêm không có biểu hiện bất cứ tác dụng phụ nào, nhưng hiệu quả do vaccine mang lại vẫn đạt yêu cầu. Do đó bạn không nên lo lắng vì sao đi tiêm về lại không có sốt hay mệt mỏi như mọi người.
Bàn luận
Trên đây là những câu hỏi được nhiều người quan tâm, hi vọng sẽ hữu ích cho người đọc. Khi dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, tiêm vaccine đầy đủ, thực hiện 5K, tuân thủ hướng dẫn của chính quyền là biện pháp tốt nhất để bảo vệ mình, gia đình và những người xung quanh.
Nếu bạn nào có nhu cầu vui lòng để lại comment hoặc gửi thông tin qua email, tôi sẽ gửi bạn file pdf toàn bộ các câu hỏi này.
Đọc thêm các bài viết chăm sóc sức khỏe gia đình khác tại đây.
Nếu bạn có bất cứ điều gì về sức khỏe muốn chia sẻ hay các câu hỏi về thuốc, hãy để lại comment hoặc nhắn tin theo địa chỉ email: nguyenvunguyetminh@gmail.com . Tôi luôn sẵn sàng lắng nghe và hỗ trợ bạn vì một cộng đồng sử dụng thuốc an toàn.