Nội dung bài viết
Miễn dịch và ung thư vú
Nghiên cứu về vai trò của hệ miễn dịch với ung thư vú [1] cho thấy tình trạng miễn dịch và liệu pháp miễn dịch đóng vai trò quan trọng trong điều trị toàn diện ung thư vú. Những tế bào miễn dịch (như tế bào T-reg, NK) có liên quan đến tiên lượng ung thứ vú nguyên phát hoặc tái phát.
Người ta nhận thấy có sự hiện diện của các tế bào miễn dịch và tế bào lympho (TIL) xâm nhập vào trong vi môi trường khối u. Đồng thời các dấu hiệu gen liên quan đến miễn dịch và sự mất ổn định các gen làm số lượng các tế bào đột biến tăng lên. Những điều này cho thấy ung thư vú có tạo ra các phản ứng miễn dịch và giám sát miễn dịch là rất quan trọng [2].
Khi mắc ung thư vú, không hẳn là hệ miễn dịch của bạn kém. Tuy nhiên, các phương pháp điều trị ung thư vú có thể làm suy yếu miễn dịch khiến bạn dễ mắc các bệnh nhiễm trùng hơn. Ví dụ như:
- Phương pháp phẫu thuật. Phần da và các mô dưới da sẽ bị tổn thương do vết cắt dẫn đến nguy cơ vi khuẩn, vi trùng xâm nhập cơ thể qua vết thương. Hoặc bác sĩ cắt bỏ một số hạch bạch huyết dưới cánh tay. Những hạch bạch huyết này là một phần của hệ miễn dịch, khi mất đi khiến cho hệ miễn dịch bị gián đoạn và suy giảm chức năng [3]
- Phương pháp hóa trị. Thuốc hóa trị sử dụng với mục đích tiêu diệt các tế bào ung thư phát triển nhanh. Nhưng nó cũng có thể tấn công cả những tế bào khỏe mạnh đang phát triển nhanh như tế bào tủy xương, nơi sản sinh các tế bào miễn dịch [4]
- Phương pháp xạ trị. Các bức xạ có thể gây kích ứng da, khô da tạo ra các kẽ nhỏ cho vi khuẩn xâm nhập. Hoặc tạo thành các mô sẹo tổn thương hạch bạch huyết và mạch máu khi xạ trị vùng dưới cánh tay [5]
Rõ ràng có mối liên quan giữa miễn dịch – ung thư nói chung và ung thư vú nói riêng. Gần đây Liệu pháp miễn dịch ung thư (Immunotherapy) được nhắc đến nhiều. Đây là một liệu pháp sinh học sử dụng chính hệ thống miễn dịch của người bệnh để chống lại các tế bào ung thư [6].
Liệu pháp miễn dịch ung thư hiện được coi là liệu pháp thứ 4 sau phẫu thuật, hóa trị và xạ trị trong điều trị. Tuy là một chiến lược điều trị đầy hứa hẹn với bệnh nhân ung thư vú, nhưng vẫn cần thêm các nghiên cứu để làm rõ tác động cũng như hiệu quả của liệu pháp này [2].
Trong lúc chờ đợi các nhà khoa học nghiên cứu thêm về liệu pháp miễn dịch, thì việc đơn giản hơn chúng ta có thể làm đó là chủ động tăng cường miễn dịch cho chính mình.
Những cách tăng cường miễn dịch dễ dàng
Hệ thống miễn dịch thực sự là một hệ thống chứ không phải là các thực thể riêng lẻ. Do đó để hoạt động tốt, cần có sự hài hòa và cân bằng chung. Rất nhiều yếu tố tác động tới sức khỏe hệ miễn dịch như tuổi tác, chế độ ăn uống, tập thể dục, tâm lý, môi trường… Khi xây dựng chiến lược sống khỏe bằng cách tăng cường miễn dịch, chúng ta hoàn toàn có thể tác động tới các yếu tố thay đổi được để giúp miễn dịch tốt lên.
1. Giấc ngủ
Thiếu ngủ là một trong những yếu tố gây căng thẳng. Ngủ đủ 7 tiếng mỗi đêm giúp cơ thể được nghỉ ngơi và tái tạo sức khỏe. Hãy tạo cho mình những thói quen để giúp chất lượng giấc ngủ tốt hơn [8]:
- Đi ngủ và thức dậy vào cùng một thời điểm, đảm bảo ngủ đủ 7 tiếng mỗi ngày.
- Không nên ăn quá no hoặc để bụng đói đi ngủ
- Làm một việc thư giãn trước khi ngủ (đọc sách, viết nhật ký, tắm nước ấm)
- Giữ phòng ngủ mát mẻ, yên tĩnh, giảm ánh sáng
2. Ăn uống lành mạnh
Trái cây, rau củ và protein đều là những thực phẩm lành mạnh tốt cho hệ miễn dịch. Ngay cả khi việc điều trị khiến cơ thể mệt mỏi, vị giác kém thì cũng không nên bỏ bữa. Bởi lúc này cơ thể cần nhiều năng lượng để bù đắp cho sự hao hụt trong quá trình điều trị. Hãy ăn ít một, ăn làm nhiều bữa với những loại thực phẩm tốt cho ung thư vú.
3. Tập thể dục
Các nghiên cứu lâm sàng khác nhau cho thấy tập thể dục hỗ trợ hoạt động của chức năng miễn dịch tế bào, và ảnh hưởng tích cực đến hệ thống miễn dịch đối với sự hình thành khối u. Điều này giúp giảm mệt mỏi, giảm suy mòn do ung thư [9].
Tuy nhiên nên tập luyện với cường độ vừa phải, phù hợp với thể trạng sức khỏe. Tập luyện quá chuyên sâu, hoặc quá nặng sẽ khiến đảo ngược tác dụng tiêu cực với hệ miễn dịch [9].
Không nên tập thể dục khi [8]:
- Cơ thể rất mệt mỏi, suy nhược
- Thiếu máu (số lượng tế bào hồng cầu thấp)
- Mất điều hòa vận động (phối hợp các cơ kém)
- Giảm bạch cầu
4. Giảm căng thẳng
Phân tích kết quả các nghiên cứu lâm sàng đã được báo cáo cho thấy có mối liên hệ giữa căng thẳng và tăng nguy cơ ung thư vú [11]. Căng thẳng khiến cơ thể giải phóng những chất ngăn chặn hoạt động của hệ thống miễn dịch và làm giảm khả năng tự bảo vệ hoặc sửa chữa của cơ thể [10]. Do đó rất cần giải tỏa căng thẳng cho các bệnh nhân.
Một số cách giảm căng thẳng:
- Tập thở, ngồi thiền
- Tập Yoga
- Đọc sách
- Nghe nhạc
- Mát xa cơ thể
5. Tránh xa các nguy cơ nhiễm bệnh
Nếu hệ miễn dịch chỉ phải tập trung để chiến đấu với tế bào ung thư, chắc chắn sẽ tốt hơn việc phải chiến đấu với nhiều bệnh cùng lúc. Do đó người bệnh cần tự bảo vệ mình, tránh xa các nguồn lây nhiễm bằng cách:
- Rửa tay thường xuyên
- Ăn chín uống sôi
- Tránh nơi đông người
- Đeo khẩu trang, thực hiện 5K theo Bộ Y tế
- Giữ thân nhiệt cơ thể thích hợp
6. Các biện pháp thay đổi lối sống khác giúp tăng cường miễn dịch
- Duy trì cân nặng hợp lý
- Không hút thuốc, không uống rượu bia, chất kích thích
- Tiêm phòng vắc xin đầy đủ
- Trang bị cho mình những thông tin khoa học, chính xác
- Lựa chọn những sản phẩm hỗ trợ điều trị có sự tư vấn của nhân viên y tế, không tự ý uống các sản phẩm chưa có kiểm định chuyên môn
- Kiên trì và tuân thủ điều trị của bác sĩ
Tăng cường miễn dịch chắc chắn là một giải pháp quan trọng trong chiến lược sống khỏe cùng ung thư vú. Hi vọng bài viết đã mang đến cho bạn đọc những thông tin hữu ích một cách ngắn gọn và dễ hiểu nhất. Để có thêm các thông tin khác về ung thư vú, bạn hãy tìm đọc tại website của Mạng lưới Ung thư vú Việt Nam: https://bcnv.org.vn/
(Bài đăng trên website: Mạng lưới ung thư vú Việt Nam – BCNV)
Tài liệu tham khảo:
- Vai trò của miễn dịch trong ung thư vú
https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC2845458/ - Các chiến lược điều chỉnh hệ thống miễn dịch trong ung thư vú
https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC4981297/ - Phẫu thuật ung thư ảnh hưởng đến miễn dịch cơ thể
https://www.breastcancer.org/tips/immune/cancer/surgery - Hóa trị ung thư và miễn dịch cơ thể
https://www.breastcancer.org/tips/immune/cancer/chemo - Xạ trị ung thư và miễn dịch cơ thể
https://www.breastcancer.org/tips/immune/cancer/radiation - Liệu pháp miễn dịch
https://www.cancer.org/treatment/treatments-and-side-effects/treatment-types/immunotherapy.html - Làm sao để tăng cường miễn dịch
https://www.health.harvard.edu/staying-healthy/how-to-boost-your-immune-system - 5 cách tăng cường miễn dịch
https://www.webmd.com/cancer/cancer-treatment-protect-immune - Thể dục và hệ thống miễn dịch của bệnh nhân ung thư vú
https://www.germanjournalsportsmedicine.com/archive/archive-2017/issue-3/physical-training-influences-the-immune-system-of-breast-cancer-patients/ - Cách tăng cường miễn dịch với ung thư vú
https://www.breastcancer.org/tips/immune/boost - Căng thẳng tâm lý & nguy cơ mắc ung thư vú
https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC5808262/
Đọc thêm các bài viết chăm sóc sức khỏe gia đình khác tại đây.
Nếu bạn có bất cứ điều gì về sức khỏe muốn chia sẻ hay các câu hỏi về thuốc, hãy để lại comment hoặc nhắn tin theo địa chỉ email: nguyenvunguyetminh@gmail.com . Tôi luôn sẵn sàng lắng nghe và hỗ trợ bạn vì một cộng đồng sử dụng thuốc an toàn.