Mặc dù chưa được nói đến nhiều, nhưng đau thần kinh tọa thai kỳ có thể khiến quá trình mang thai trở nên khó khăn, mệt mỏi.
Nội dung bài viết
Nguyên nhân đau thần kinh tọa thai kỳ
Đau thần kinh tọa thường do các vấn đề về cột sống thắt lưng như phồng hoặc thoát vị đĩa đệm. Nó cũng có thể gây ra bởi các vấn đề về xương như hẹp ống sống, viêm xương khớp…
Những nguyên nhân gây đau thần kinh tọa khi mang thai được cho là do:
- Sự gia tăng các hormone thai kỳ như relaxin giúp nới lỏng các dây chằng. Do đó sự kết nối giữa xương và các khớp giảm tính ổn định. Dẫn đến tác động lên cột sống và ảnh hưởng tới dây thần kinh tọa.
- Cân nặng của em bé cũng có thể tạo thêm áp lực lên hông, xương chậu và chèn ép lên dây thần kinh tọa.
Dấu hiệu nhận biết
Thực tế khoảng 50-80% phụ nữ mang thai bị đau lưng [[1]. Cần tránh nhầm lẫn đau lưng gây ra bởi đau vùng chậu (PGP)* và đau lưng trong đau thần kinh tọa khi mang thai. Dấu hiệu đau thần kinh tọa thai kỳ bao gồm:
- Đau thường xuyên, liên tục một bên mông và chân
- Đau lan tỏa từ lưng, qua mông, xuống mặt sau đùi và xuống chân
- Đau rát, dữ dội
- Hoặc cảm giác tê, kim châm, yếu ở chân bị ảnh hưởng
- Đau tăng khi thay đổi tư thế, ngồi hoặc đứng
(Xem thêm: 101 Câu hỏi về Đau thần kinh tọa )
Kiểm soát cơn đau
Đau thần kinh tọa có thể gây khó chịu, nhưng nó hoàn toàn điều trị được dứt điểm. Bạn nên bắt đầu với những phương pháp điều trị không cần dùng thuốc trước.
Tập luyện
Yoga là một lựa chọn tốt cho phụ nữ mang thai bị đau thần kinh tọa. Yoga không những giúp ổn định cột sống, tăng độ dẻo dai cơ thể, mà còn giúp tinh thần sảng khoái. Tuy nhiên khi mang thai, các dây chằng ở trạng thái lỏng lẻo, dễ tổn thương nếu sai tư thế. Tốt nhất bạn nên lựa chọn tập yoga với sự hướng dẫn của chuyên gia.
Bổ sung Magie
Magie là khoáng chất tham gia vào hơn 300 phản ứng sinh hóa của cơ thể. Một nghiên cứu cho thấy bổ sung magie giúp tăng khả năng tái tạo dây thần kinh, giảm phản ứng viêm ở chuột, có hiệu quả với đau thần kinh tọa thai kỳ [2].
Magie được bổ sung qua thực phẩm như socola đen, bơ, hạnh nhân, hạt điều, cá hồi… Hoặc thực phẩm bổ sung đường uống. Dầu xoa bóp chân hoặc kem dưỡng da có chứa magie.
Vật lý trị liệu, chăm sóc thần kinh cột sống
Bác sỹ có thể hỗ trợ điều chỉnh lại các đốt sống của bạn. Giảm bớt sự chèn ép lên dây thần kinh tọa. Em bé ngày một lớn hơn, và các tư thế có thể thay đổi. Do đó bạn nên kiểm tra lại theo lịch hẹn của bác sỹ để tránh những khó chịu do đau thần kinh tọa thai kỳ gây ra.
Châm cứu
Đây là phương pháp điều trị giảm đau theo Y học cổ truyền. Nghiên cứu cho thấy, điều trị bằng châm cứu có hiệu quả hơn trong việc giảm đau thần kinh tọa so với việc sử dụng các thuốc giảm đau NSAID mà phụ nữ mang thai không được dùng [3].
Massage trước sinh
Massage không chỉ là hình thức thư giãn khi mang thai, mà còn là một liệu pháp điều trị đau thần kinh tọa thai kỳ. Nên tập trung massage phần hông và lưng dưới. Sử dụng con lăn hoặc một quả bóng nhỏ để tác động sâu vào cơ piriformis và cơ mông.
Dùng thuốc giảm đau
Nếu cơn đau thần kinh tọa thai kỳ khiến bạn khó chịu, không thể di chuyển, mất ngủ. Bạn cần nói chuyện với bác sỹ về việc sử dụng thuốc giảm đau.
Thuốc giảm đau nhóm NSAID (ibuprofen, diclofenac…) không được chỉ định cho phụ nữ mang thai vì những biến chứng thai kỳ nguy hiểm. Trừ khi có chỉ định lâm sàng bắt buộc của bác sĩ.
Paracetamol (Efferalgan) và Acetaminophen (Tylenol) được ưu tiên sử dụng giúp giảm đau nhức cho phụ nữ mang thai vì các dữ liệu an toàn của thuốc.
Một số câu hỏi bà bầu quan tâm về đau thần kinh tọa thai kỳ
Khả năng bị đau thần kinh tọa khi mang thai có cao không?
Đau thần kinh tọa không thường xuyên xảy ra ở phụ nữa mang thai. Dù trọng lượng của mẹ và bé tăng lên, nhưng nguy cơ chèn ép cột sống hay lệch đĩa đệm không tăng. Đau thần kinh tọa có thể gặp khi bà bầu phải làm những công việc nặng nhọc, mang vác vật nặng, hoặc ngồi lâu sai tư thế. Những cơn lưng do đau vùng chậu (PGP) thường gặp hơn ở phụ nữ mang thai.
Đau thần kinh tọa thai kỳ có ảnh hưởng gì đến việc sinh em bé?
Một số tư thế hoạt động có thể làm cơn đau thần kinh tọa tăng lên, nhưng tư thế khác lại khiến cơn đau dịu đi. Bạn đừng quá lo lắng, các bác sỹ và nữ hộ sinh sẽ luôn đồng hành giúp mẹ vượt cạn an toàn và thành công.
Đau thần kinh tọa khi mang thai sẽ khiến việc chăm sóc em bé sau sinh khó khăn hơn?
Không chỉ đau thần kinh tọa, với bất kỳ tình trạng lưng nào, bạn cũng luôn cần chú ý tư thế khi chăm sóc con. Ví dụ, khi cho con bú, mẹ có thể thử các tư thế khác nhau để tìm ra tư thế thoải mái nhất cho mẹ và con. Khi thay đồ, nên để con trên giường, hoặc bàn thay đồ, luôn giữ lưng ở tư thế thẳng, không gập cúi. Tránh các động tác vặn mình. Tham khảo thêm các bài tập giúp thư giãn cơ, tăng sức mạnh và linh hoạt cho lưng, các khớp.
Mẹo trợ giúp bà bầu khi bị đau thần kinh tọa thai kỳ
- Chườm nóng hoặc chườm lạnh lên vùng bị đau sẽ giúp cơn đau dịu lại. Xem hướng dẫn cách chườm tại đây.
- Tích cực vận động đúng cách nhiều nhất có thể. Điều này sẽ giúp mẹ bầu phục hồi nhanh hơn. Khi hoạt động, có thể bạn sẽ cảm thấy hơi đau. Hãy điều chỉnh cơ thể dần dần để thích nghi với hoạt động. Nếu hoạt động khiến cơn đau trở nên nghiêm trọng, hoặc kéo dài hàng giờ đồng hồ. Hãy dừng lại và tránh lặp lại hoạt động đó.
- Giữ tư thế đúng. Cố gắng không ngồi quá lâu. Khi ngồi nên chọn một chiếc gối, hoặc đệm lưng để giúp cột sống được uốn cong tự nhiên.
- Không mang vác vật nặng, gắng sức. Nếu bắt buộc phải nhấc một vật nặng, hãy trùng gối và giữ thẳng lưng khi nhấc.
- Nằm nghiêng khi ngủ cùng một chiếc gối ôm dài. Nằm nghiêng ngoài giảm áp lực, duy trì độ cong sinh lý của cột sống, còn là tư thế tốt nhất cho em bé.
- Mang giày mềm, đế chắc chắn. Điều này sẽ giảm nguy cơ trượt ngã, đồng thời giữ cơ thể ở trạng thái cân bằng tốt nhất.
- Giữ tinh thần thoải mái, tránh xa căng thẳng lo lắng. Căng thẳng là một trong các yếu tố làm gia tăng tình trạng viêm trong cơ thể. Chính vì vậy thư giãn sẽ giúp giảm đau và tạo ra những hormone tốt cho cả mẹ và bé.
Bàn luận
Mang thai là một sứ mệnh thiêng liêng, cũng chặng đường gian nan nhưng tràn đầy hạnh phúc của mỗi người phụ nữ. Đau thần kinh tọa có thể khiến thai kỳ vất vả hơn, nhưng tin vui là hầu hết những cơn đau này sẽ biến mất sau khi sinh bé.
Hãy chuẩn bị cho mình sức khỏe, kiến thức, tinh thần tốt nhất để đón nhận thiên chức mới: Làm mẹ. Chúc cho tất cả những người phụ nữ, đã đang và sẽ làm mẹ, luôn thật nhiều sức khỏe, thật nhiều yêu thương để trở thành người mẹ hạnh phúc của những đứa con hạnh phúc!
(* PGP: Pregnancy-related pelvic girdle pain)
Đọc thêm các bài viết chăm sóc sức khỏe gia đình khác tại đây.
Nếu bạn có bất cứ điều gì về sức khỏe muốn chia sẻ hay các câu hỏi về thuốc, hãy để lại comment hoặc nhắn tin theo địa chỉ email: nguyenvunguyetminh@gmail.com . Tôi luôn sẵn sàng lắng nghe và hỗ trợ bạn vì một cộng đồng sử dụng thuốc an toàn.