Khi trở thành một người mẹ, tôi chỉ luôn mong ước con mình được khỏe mạnh. Tôi biết hệ miễn dịch của trẻ đóng vai trò quan trọng với sức khỏe của con, đặc biệt trong giai đoạn trẻ cai sữa mẹ, hay chuẩn bị đi mẫu giáo. Tuy nhiên dù mẹ luôn cố gắng bảo vệ con khỏi các nguy cơ gây bệnh, cũng như bổ sung thêm các vi chất dinh dưỡng, các sản phẩm hỗ trợ tăng đề kháng, nhưng con vẫn ốm. Liệu có phải mẹ chăm con chưa đúng cách? Hay mẹ chọn các sản phẩm và phương pháp hỗ trợ hệ miễn dịch của trẻ chưa phù hợp?
Để trả lời cho những câu hỏi của mẹ, trước tiên chúng ta cần có những hiểu biết đầy đủ về hệ miễn dịch của trẻ. Từ đó, mẹ sẽ biết phải làm gì để tăng sức đề kháng cho con, và không còn những lo lắng hay dằn vặt bản thân mỗi khi con ốm.
Nội dung bài viết
Hệ miễn dịch là gì?
Hệ miễn dịch là một mạng lưới các tế bào, mô và các cơ quan hoạt động cùng nhau để bảo vệ cơ thể khỏi các tác nhân lạ xâm nhập (ví dụ: vi khuẩn, virus, nấm, các độc tố hóa chất…)
Hệ miễn dịch gồm hai loại chính là: Miễn dịch bẩm sinh và miễn dịch đặc hiệu. Hai đáp ứng miễn dịch này liên quan chặt chẽ với nhau.
Khi tìm hiểu về hệ miễn dịch, chúng ta cần biết thêm về khái niệm: Kháng nguyên – Là các yếu tố lạ xâm nhập cơ thể. Kháng thể – Là những chất được cơ thể sinh ra để tiêu diệt kháng nguyên xâm nhập.
Miễn dịch bẩm sinh (miễn dịch tự nhiên)
Là khả năng miễn dịch sẵn có và mang tính di truyền. Đây là hệ thống phản ứng nhanh của cơ thể. Miễn dịch bẩm sinh hoạt động từ khi trẻ được sinh ra, không đòi hỏi cơ thể phải được tiếp xúc với kháng nguyên trước đó. Khi có kẻ xâm nhập, đáp ứng miễn dịch bẩm sinh sẽ hoạt động ngay lập tức.
Các hàng rào trong đáp ứng miễn dịch bẩm sinh bao gồm:
- Hàng rào vật lý: Da, niêm mạc mắt, miệng, đường hô hấp, tiết niệu, tiêu hóa và sinh dục… Có tác dụng cản trở cơ học đối với các tác nhân lạ.
- Hàng rào hóa học: Trên da có các chất tiết như axit lactic, axit béo của mồ hôi và tuyến mỡ dưới da khiến vi khuẩn không tồn tại lâu được. Tại niêm mạc, chất nhầy che chở bề mặt tế bào không bị enzyme của virus tác động. Hay dịch tiết của tuyến nước mắt, nước mũi, nước bọt… chứa nhiều lysozym là một loại enzyme có tác động lên vỏ một số vi khuẩn. Hàng rào hóa học là lớp phòng thủ tiếp theo của hệ miễn dịch, là huyết thanh có chứa các lysozym, các protein phản ứng chống lại các tác nhân lạ khi chúng vượt qua hàng rào vật lý.
- Hàng rào tế bào: Là hàng rào quan trọng và phức tạp nhất. Bao gồm các tiểu thực bào (bạch cầu đa nhân trung tính) và đại thực bào, tế bào tiêu diệt tự nhiên (Natural killers – NK)
- Hàng rào thể chất: Là tổng hợp tất cả các đặc điểm hình thái và chức năng cơ thể. Các đặc điểm này bền vững, có tính di truyền, quyết định tính phản ứng của cơ thể trước các tác nhân gây bệnh.
Miễn dịch thu được (miễn dịch đặc hiệu)
Là đáp ứng miễn dịch xuất hiện khi cơ thể tiếp xúc với một kháng nguyên cụ thể (chủ động đưa vào cơ thể như vaccine, hoặc ngẫu nhiên tiếp xúc). Đáp ứng miễn dich thu được đặc trưng bởi các tế bào lympho B và T.
Trong lần tiếp xúc đầu tiên với yếu tố lạ, cơ thể sẽ mất vài ngày để hình thành các kháng thể tiêu diệt kháng nguyên. Nhưng một số tế bào mẫn cảm trở thành tế bào trí nhớ (memory cells) sẽ ghi nhớ kháng nguyên. Khi tiếp xúc lại với các kháng nguyên đó, thời gian tạo ra đáp ứng miễn dịch nhanh hơn, cường độ đáp ứng mạnh hơn, và đáp ứng miễn dịch duy trì dài hơn lần đầu tiên.
Hệ thống miễn dịch thu được thay đổi trong suốt cuộc đời. Việc tiêm phòng vaccine giúp rèn luyện hệ thống miễn dịch của trẻ, tạo ra các kháng thể bảo vệ cơ thể khỏi các bệnh nguy hiểm.
Các cơ quan trong cơ thể tham gia vào hệ thống miễn dịch
Các cơ quan, các mô của hệ thống miễn dịch có mặt ở khắp nơi trong cơ thể:
- Vòng bạch huyết Waldeyer bao gồm amidan vòm (VA), amidan vòi, amidan khẩu cái, amidan lưỡi
- Tủy xương
- Các hạch bạch huyết
- Mạch bạch huyết
- Mảng Peyer
- Lách
- Tuyến ức
- Lớp niêm mạch đệm
Hệ miễn dịch của trẻ khác biệt gì so với người lớn?
Ngay giai đoạn đầu thai kỳ, các tế bào tiền thân phân chia, chuyên môn hóa và cuối cùng trở thành tế bào của hệ thống miễn dịch. Tốc độ phân chia tế bào tiền thân tăng rất nhanh lúc đầu, nhưng khi thai nhi trưởng thành, tốc độ này giảm dần và nhiều tế bào trở thành tế bào chuyên biệt. Trẻ sinh non xu hướng có số tế bào tiền thân không chuyên biệt nhiều hơn so với trẻ sinh đủ tháng.
Các đại thực bào được tìm thấy trong ruột của thai nhi ở 11 hoặc 12 tuần tuổi thai, và số lượng tăng nhanh trong tháng thứ tư và thứ năm của thai kỳ. Tế bào B và T cũng được tìm thấy trong ruột vào khoảng 16 tuần tuổi thai; và đến khoảng 19 tuần tuổi thai, chúng được tổ chức thành các mảng Peyer là các hạch bạch huyết chuyên biệt trong ruột. Tuy nhiên môi trường tử cung vô trùng, nên không đòi hỏi hệ miễn dịch của trẻ hoạt động.
Sau khi sinh ra, có 2 rào cản hệ miễn dịch của trẻ cần giải quyết:
- Trong bụng mẹ, các yếu tố ức chế đã ngăn hệ miễn dịch của thai nhi cạnh tranh với các phản ứng miễn dịch của mẹ, nhưng nó cần phải bắt đầu hoạt động ngay khi sinh ra
- Hệ miễn dịch của trẻ trong bụng mẹ không phản ứng với bất kỳ tác nhân gây bệnh nào. Do đó nó “chưa có kinh nghiệm về mặt kháng nguyên”, đồng nghĩa miễn dịch đặc hiệu chưa hoàn thiện, cần thời gian để học hỏi
Mẹ sẽ hỗ trợ hệ miễn dịch của trẻ giai đoạn sau sinh như thế nào?
Qua nhau thai – Các kháng thể do hệ thống miễn dịch của mẹ tạo ra bắt đầu đi qua nhau thai khi thai được 13 tuần tuổi. Tuy nhiên, hầu hết các kháng thể đi qua nhau thai vào cuối thai kỳ trong tam cá nguyệt thứ ba, vì vậy chúng rất dồi dào vào thời điểm bé chào đời. Do sự chuyển giao muộn này, trẻ sinh non xu hướng có lượng kháng thể lưu thông trong máu thấp hơn và do đó, dễ bị nhiễm trùng hơn trẻ sinh đủ tháng.
Qua sữa mẹ – Sữa mẹ cung cấp sự hỗ trợ bảo vệ dưới dạng kháng thể, tế bào của hệ thống miễn dịch, như đại thực bào và các yếu tố liên quan đến miễn dịch khác. Điều này đặc biệt đúng với sữa non được sản xuất trong vài ngày đầu sau khi sinh. Các nghiên cứu đã phát hiện ra rằng mỗi ml sữa non chứa tới 3 triệu tế bào trong đó khoảng 1,8 triệu là đại thực bào.
Các kháng thể được mẹ truyền sang giúp bảo vệ em bé trong thời gian hệ miễn dịch của trẻ bắt đầu hoạt động và hoàn thiện. Theo thời gian hệ thống miễn dịch của trẻ tăng lên, các kháng thể của mẹ sẽ mất dần đi. Các thành phần của sữa mẹ về sau ít đóng vai trò hơn trong khả năng miễn dịch bảo vệ, mà đóng vai trò nhiều hơn về giá trị dinh dưỡng.
Khi nào hệ miễn dịch của trẻ hoàn thiện?
Hệ miễn dịch của trẻ giai đoạn đầu sau sinh chưa hoàn thiện, đặc biệt với đáp ứng miễn dịch đặc hiệu do “thiếu kinh nghiệm kháng nguyên” như ở trên đã nói.
Trong giai đoạn 6 tháng đầu, trẻ được bảo vệ nhờ lượng kháng thể truyền qua sữa mẹ. Đồng thời hệ miễn dịch của trẻ cũng học hỏi và dần phát triển khi trẻ tiếp xúc với các yếu tố môi trường xung quanh.
Sau 6 tháng, lượng kháng thể trong sữa mẹ giảm dần, trẻ bước vào giai đoạn tập ăn dặm, tiếp xúc nhiều hơn với các yếu tố mới lạ, hệ miễn dịch của trẻ phải chủ động sản sinh các kháng thể. Tuy nhiên các đáp ứng miễn dịch cơ thể trẻ tạo ra còn thấp do một số đặc điểm:
- Với miễn dịch bẩm sinh, số lượng các tế bào thực bào như bạch cầu trung tính, đại thực bào bị giới hạn
- Với miễn dịch đặc hiệu, do “thiếu kinh nghiệm kháng nguyên” nên hầu như mọi mầm bệnh đều mới. Cơ thể trẻ cần thời gian tìm hiểu kháng nguyên trước khi đưa ra đáp ứng miễn dịch. Bên cạnh đó, một số đặc điểm tế bào T & B khác với người lớn khiến mức sản xuất kháng thể thấp hơn ở cơ thể trẻ.
Hệ miễn dịch của trẻ hoàn thiện khi trẻ 3-4 tuổi. Lúc này cơ thể trẻ có thể sản xuất đầy đủ các kháng thể chống lại các bệnh nhiễm khuẩn. Giai đoạn từ 6 tháng tuổi tới 3 tuổi, khi lượng kháng thể mẹ truyền qua sữa giảm dần, hệ miễn dịch của trẻ chưa hoàn thiện đầy đủ, thường được gọi là giai đoạn “lỗ hổng miễn dịch” – khiến trẻ rất dễ mắc bệnh.
Bị ốm là cách hệ miễn dịch của trẻ học hỏi để hoàn thiện?
Đúng vậy!
Các bệnh nhiễm trùng trẻ thường xuyên gặp phải trong những năm đầu đời sẽ giúp ích cho việc xây dựng nhóm tế bào T và B trí nhớ, ngăn ngừa sự tái nhiễm hoặc phát triển bệnh tật bởi các mầm bệnh thường gặp về sau. Nói theo cách khác, đó là quá trình học hỏi, làm giàu thêm “kinh nghiệm kháng nguyên” cho đáp ứng miễn dịch đặc hiệu. Điều đó giúp hệ miễn dịch của trẻ phát triển tốt hơn.
Ngoài ra, các nghiên cứu cũng cho thấy có mối liên hệ chặt chẽ giữa hệ vi sinh đường ruột và sức khỏe hệ miễn dịch của trẻ.
Trong suốt những năm đầu đời, hệ vi sinh đường ruột thay đổi về thành phần, tính đa dạng, hướng dần tới hệ vi sinh vật của người trưởng thành. Khi trẻ một tuổi, hệ vi sinh vật đường ruột về cơ bản giống với người lớn. Nhưng đến năm 3 tuổi, sự thiết lập này mới được coi là đầy đủ.
Trên các trẻ sơ sinh tiếp xúc sớm và nhiều hơn với vi khuẩn có tỷ lệ mắc bệnh dị ứng thấp hơn đáng kể [1] . Việc giảm tiếp xúc với vi khuẩn dẫn đến các mô hình vi sinh vật khu trú ở ruột bị thay đổi, làm tăng khả năng mất cân bằng miễn dịch và các rối loạn liên quan [2] . Trẻ sơ sinh dùng nhiều thuốc kháng sinh sẽ tiêu diệt cả các vi khuẩn khác trong hệ vi sinh vật đường ruột, có nguy cơ mắc các bệnh hen suyễn, bệnh chàm và dị ứng cao hơn.
Những tế bào miễn dịch hình thành sớm nhất trong cơ thể được tìm thấy đầu tiên ở ruột [3]. Ngoài ra các hạch bạch huyết chạy dọc theo hệ thống đường tiêu hóa, và dày đặc ở đường ruột, được gọi là mảng Peyer, là nơi kết tụ các tế bào miễn dịch lympho B & T, các đại thực bào, cung cấp khả năng chống lại các tác nhân gây bệnh xâm nhập qua đường ruột.
Tiêm chủng là một giải pháp giúp phát triển hệ miễn dịch của trẻ
Tiêm chủng sẽ gây ra các phản ứng miễn dịch giống như cách mà virus hoặc vi khuẩn gây ra. Nó giúp tạo ra các kháng thể đặc hiệu với virus hay vi khuẩn đó trong cơ thể. Nghĩa là nếu con bạn tiếp xúc với căn bệnh thực sự trong tương lai, hệ miễn dịch của trẻ sẽ nhận ra loại virus, vi khuẩn đó và phản ứng đủ nhanh để chống lại bệnh, hoặc ngăn ngừa các biến chứng nghiêm trọng gây ra.
Những yếu tố ảnh hưởng tới sức khỏe hệ miễn dịch của trẻ?
Như vậy chúng ta thấy hệ miễn dịch hình thành từ rất sớm, và phát triển trong suốt quá trình bào thai cũng như sau sinh. Có rất nhiều yếu tố ảnh hưởng tới sức khỏe hệ miễn dịch của trẻ như:
- Tuần thai: Trẻ sơ sinh đủ tháng có nền tảng hệ miễn dịch tốt hơn trẻ sinh non
- Đường sinh: Trẻ sinh tự nhiên qua đường sinh dục được tiếp xúc với các vi khuẩn có lợi cho hệ vi khuẩn đường ruột, điều đó cũng giúp ích cho sự phát triển hệ miễn dịch của trẻ
- Sữa mẹ: Sữa mẹ, đặc biệt là sữa non, chứa rất nhiều kháng thể, giúp bảo vệ trẻ trong giai đoạn đầu sau sinh khi hệ miễn dịch của trẻ còn non nớt. Những trẻ được bú sữa mẹ có sức đề kháng tốt hơn.
- Chế độ dinh dưỡng: Ăn dặm đúng thời điểm, lựa chọn chế độ thực phẩm đa dạng & cân đối, đảm bảo trẻ nhận đủ các nhóm chất, đặc biệt các vitamin cần thiết cho hệ miễn dịch như vitamin A, D, E giúp duy trì sức khỏe tốt & hệ miễn dịch khỏe mạnh
- Giấc ngủ: Rất quan trọng với chức năng hệ miễn dịch của trẻ. Khi ngủ không đủ giấc sẽ khiến cơ thể giảm sản xuất các protein chống nhiễm trùng và giảm viêm. Số giờ trẻ nên ngủ mỗi ngày theo tuổi là:
- Trẻ mẫu giáo (3-5 tuổi), nên ngủ từ 10 đến 13 giờ/ ngày
- Trẻ em từ 6 đến 13 tuổi nên ngủ từ 9 đến 11 giờ/ ngày
- Thanh thiếu niên từ 14-17 tuổi cần ngủ từ 8 đến 10 giờ/ ngày
- Tiêm chủng: Tiêm đầy đủ theo phác đồ của bộ Y tế dành cho trẻ
- Vận động tích cực: Tiếp xúc thường xuyên với môi trường xung quanh, rửa tay sau khi chơi, đi vệ sinh, trước khi ăn… giúp tăng cường sức khỏe thể chất, tiếp xúc với nhiều yếu tố tác nhân, tích lũy kinh nghiệm kháng nguyên, phát triển và hoàn thiện hệ miễn dịch của trẻ
- Môi trường sống: Khi sống trong môi trường ô nhiễm cao (khói thuốc lá, bụi mịn…), các hệ thống phòng thủ chính bị tổn thương, hệ miễn dịch của trẻ suy giảm, vi khuẩn & virus dễ dàng xâm nhập cơ thể.
- Sử dụng thuốc hợp lý: Không lạm dụng kháng sinh, corticoid, tuân thủ điều trị theo hướng dẫn của bác sỹ
Cơ chế tác động của một số sản phẩm tăng cường hệ miễn dịch của trẻ trên thị trường hiện nay
Sản phẩm chứa Thymomodulin
Thymomodulin là protein có hoạt tính sinh học được tinh chế từ hormone tuyến ức. Thymomodulin được tạo ra để hỗ trợ chức năng tuyến ức – là một trong các cơ quan của hệ thống miễn dịch, nơi sản sinh và trưởng thành của các tế bào lympho T, có tác dụng điều hòa hệ miễn dịch của trẻ.
Sản phẩm chứa Beta-Glucan
β-Glucan (beta-glucan) là hợp chất đường liên phân tử được tạo nên từ các đơn phân tử D-glucose gắn với nhau qua liên kết β-glycoside. β-glucan giúp tăng cường hoạt động của các đại thực bào và kích thích tăng tiết nhiều cytokines (chất hoạt hóa tế bào) nhằm tiêu diệt các mầm bệnh xâm nhập từ bên ngoài (miễn dịch bẩm sinh).
Sản phẩm chứa kháng thể Interferon
Interferon là một nhóm các protein tự nhiên được sản xuất bởi các tế bào của hệ miễn dịch. Nó là hàng rào bảo vệ đầu tiên của cơ thể chống lại virus và sự phát triển bất thường của tế bào.
Sản phẩm bổ sung vitamin và khoáng chất
Ví dụ vitamin A đảm bảo tính toàn vẹn lớp biểu mô là hàng rào vật lý bảo vệ cơ thể đầu tiên khỏi các tác nhân gây bệnh. Vitamin C có tác dụng tăng cường sự biệt hóa và tăng sinh các tế bào B & T của hệ miễn dịch. Hay thiếu vitamin D làm suy giảm miễn dịch bẩm sinh, gia tăng tỉ lệ mắc các bệnh nhiễm trùng ở cả người lớn và trẻ em. Các chất khoáng như đồng, magie, selen… có vai trò chống oxy hóa, hoặc là thành phần cấu thành của một số enzyme cần thiết cho hoạt động hệ thống miễn dịch của trẻ.
Bàn luận
Chúng ta thấy hệ miễn dịch của trẻ được hình thành và phát triển trong suốt một thời gian dài trước khi hoàn thiện. Đặc biệt giai đoạn “lỗ hổng miễn dịch” từ 6 tháng tới 3 tuổi, khi sự hỗ trợ miễn dịch từ mẹ giảm dần và chức năng hệ miễn dịch của trẻ chưa hoàn thiện, là giai đoạn trẻ rất dễ bị ốm.
Tuy nhiên nhìn theo khía cạnh tích cực, việc trẻ ốm do nhiễm virus hay vi khuẩn lại là cách hệ miễn dịch của trẻ học hỏi rèn luyện, tích lũy kinh nghiệm kháng nguyên, từng bước hoàn thiện.
Sau thời gian hỗ trợ đề kháng sinh lý cho con thông qua sữa mẹ giảm, mẹ vẫn có thể giúp con tăng cường sức khỏe miễn dịch bằng các phương pháp khác như chăm sóc giấc ngủ, chế độ ăn, môi trường sống… Các sản phẩm hỗ trợ tăng cường hệ miễn dịch của trẻ với nhiều cơ chế tác động khác nhau cũng có thể là một lựa chọn dành cho cha mẹ.
Các yếu tố hỗ trợ khi áp dụng, cơ thể cũng cần thời gian để tiếp nhận, hấp thu, chuyển hóa tới đích. Do đó việc tăng cường sức khỏe hệ miễn dịch của trẻ phải là quá trình đồng hành lâu dài, không giống như các thuốc khác uống vào sẽ nhìn thấy tác dụng ngay trong vài giờ hay vài ngày. Nhưng bất cứ hoạt chất nào cũng đều có những tác dụng không mong muốn nếu lạm dụng quá nhiều. Do đó khi sử dụng các chế phẩm hỗ trợ tăng cường hệ miễn dịch của trẻ cần lưu ý chỉ định, liều dùng, tương tác thuốc.
Hy vọng những thông tin về hệ miễn dịch của trẻ sẽ giúp cha mẹ hiểu & có những cách chăm sóc khoa học giúp con phát triển khỏe mạnh và hài hòa.
Đọc thêm các bài viết chăm sóc sức khỏe gia đình khác tại đây.
Nếu bạn có bất cứ điều gì về sức khỏe muốn chia sẻ hay các câu hỏi về thuốc, hãy để lại comment hoặc nhắn tin theo địa chỉ email: nguyenvunguyetminh@gmail.com . Tôi luôn sẵn sàng lắng nghe và hỗ trợ bạn vì một cộng đồng sử dụng thuốc an toàn.