Ăn uống của trẻ có lẽ là vấn đề được cha mẹ quan tâm nhất khi nuôi dạy con. Muôn vàn câu hỏi: Con ăn gì? Ăn như thế nào? Ăn bao nhiêu là đúng là đủ? Thế nhưng có những bữa ăn mẹ kỳ cạch chuẩn bị, nấu nấu nướng nướng, nhưng đến bữa con lại lắc đầu nguây nguẩy, thậm chí có bạn khóc lóc hoảng sợ. Trẻ biếng ăn thực sự gặp vấn đề gì? Chỉ đơn thuần là vấn đề thể chất hay cả tinh thần? Các sản phẩm hỗ trợ ăn ngon trên thị trường có giải quyết được việc trẻ biếng ăn không?
Chúng ta sẽ cùng lần lượt trả lời từng câu hỏi để làm rõ các vấn đề và những điều cha mẹ nên làm với trẻ biếng ăn.
Nội dung bài viết
Trẻ biếng ăn có phải là bệnh lý?
Chưa có một định nghĩa chắc chắn nào về tình trạng biếng ăn ở trẻ. Theo các nhà nghiên cứu, biếng ăn bao gồm tất cả những khó khăn khi cho trẻ ăn.
Có từ 14-20% phụ huynh cho biết con họ trong giai đoạn từ 2-5 tuổi rất “kén ăn” [1].
Trẻ bước vào giai đoạn kén ăn nhất trong cuộc đời vào khoảng 2 tuổi. Sự kén chọn này thường giảm đi khi trẻ lên 6 tuổi, nhưng có một số ít thì vấn đề sẽ trầm trọng thêm [2].
Vấn đề kén ăn của trẻ phổ biến đến mức nhiều bác sĩ và các nhà nghiên cứu coi đó là một phần phát triển bình thường của trẻ em ở độ tuổi mẫu giáo.
Vậy cha mẹ nên quan tâm tới vấn đề trẻ biếng ăn như thế nào?
Trẻ biếng ăn và trẻ có vấn đề về ăn uống
Các nghiên cứu cho thấy, trẻ em có thói quen ăn uống chọn lọc (hay biếng ăn) mức trung bình, hoặc nghiêm trọng có nguy cơ gia tăng các triệu chứng lo lắng cao gần gấp đôi so với những trẻ ăn uống bình thường.
Cha mẹ nên quan tâm tới vấn đề ăn uống của trẻ khi sự kén chọn hay biếng ăn dẫn tới suy giảm chức năng cơ thể.
Hành vi ăn uống của trẻ được chia làm hai nhóm:
- Trẻ biếng ăn
- Trẻ gặp vấn đề trong hành vi ăn
Trẻ biếng ăn
Được hiểu là trẻ có các hành vi như:
- Ăn ít ( số lượng hoặc chủng loại đồ ăn ít)
- Ăn lâu (ngậm, không nhai, bữa ăn kéo dài)
- Không hào hứng với đồ ăn, không thèm ăn
- Chỉ ăn một số loại đồ ăn nhất định, một cách chế biến duy nhất, hoặc theo cách trình bày hay sở thích cá nhân
Với trẻ biếng ăn, trẻ thường chỉ lựa chọn ăn những thứ mình thích, và né tránh những loại thực phẩm không thích. Các nghiên cứu cho thấy trẻ biếng ăn có thể ăn được 30 loại thực phẩm khác nhau trong chế độ ăn.
Trẻ gặp vấn đề trong hành vi ăn
Đây là trường hợp trẻ có những biểu hiện giống trẻ biếng ăn nhưng ở mức độ nghiêm trọng hơn. Số loại thực phẩm những trẻ này có thể ăn được chỉ dưới con số 20 loại thực phẩm khác nhau.
Câu chuyện được kể lại của một bà mẹ khi thấy cậu con trai 2 tuổi gần như không chịu ăn uống gì. Mẹ đưa cậu bé đến gặp bác sĩ và nhận được câu trả lời đó là vấn đề thường gặp của bọn trẻ ở tuổi này. Sau khi trở về nhà, mẹ tìm đọc thêm các tài liệu về hành vi ăn của trẻ và chú ý đến chi tiết số loại thực phẩm một đứa trẻ có khả năng ăn. Bà mẹ kiên nhẫn thử và ghi chép lại các kết quả. Cậu bé chỉ ăn được 16 loại thực phẩm khác nhau. Người mẹ quyết định đưa con đến gặp một bác sĩ tâm lý. Sau thời gian điều trị, cậu bé đã ăn uống thoải mái và sẵn sàng nếm thử tất cả những món ăn mới.
Điều gì đã xảy ra với cậu bé?
Câu trả lời cậu bé không phải là một đứa trẻ biếng ăn, mà là một đứa trẻ có vấn đề về hành vi ăn. Điều này thường gặp ở những trẻ có rối loạn xử lý cảm giác (SPD – Sensory Processing Disorder ), hoặc những trẻ mắc bệnh tự kỷ, tăng động giảm chú ý (ADHD – Attention Deficit Hyperactivity Disorder). Hay một khái niệm chẩn đoán mới của các nhà nghiên cứu: Rối loạn hấp thu thực phẩm do hạn chế (ARFID – Avoidant/Restrictive Food Intake Disorder).
ARFID đặc trưng bởi ăn rất ít hoặc né tránh thực phẩm, gây sụt giảm cân đáng kể, thiếu hụt dinh dưỡng, chậm tăng trưởng phát triển, thậm chí có trường hợp đe dọa tới tính mạng. Nguyên nhân do trẻ mất hứng thú với việc ăn, hoặc lo sợ cho rằng ăn sẽ gây hại cho chúng.
Các yếu tố tác động đến hành vi của trẻ biếng ăn
Có nhiều nguyên nhân hoặc yếu tố tác động gây ra hành vi biếng ăn ở trẻ.
Yếu tố tự nhiên
- Bẩm sinh (Gen): Người ta đã chứng minh được rằng các đặc điểm như sợ thức ăn và ‘kén ăn’ có khả năng di truyền cao. Mối liên quan giữa các biến thể gen nhất định và sở thích về vị đắng, ngọt cũng như phản ứng với chất béo đã được báo cáo trong nghiên cứu của Judit Diószegi (2019).
- PROP vị giác: PROP là một hóa chất vị đắng nổi tiếng 6-n-propylthiouracil. Tuy nhiên nếu có 25% dân số thực sự nhạy cảm với vị đắng này, thì đến 30% dân số lại không thể nhận ra nó. Điều này là do số lượng gai/nhú vị giác bẩm sinh trên lưỡi mỗi người khác nhau. Trẻ có PROP vị giác cao sẽ nhạy cảm với các vị đắng, dẫn tới hành vi từ chối những thực phẩm có vị đắng với trẻ (ví dụ các loại rau xanh)
Yếu tố nuôi dưỡng
Nếu như yếu tố tự nhiên không thể thay đổi được, thì yếu tố nuôi dưỡng chính là những thói quen, hành vi hàng ngày của cha mẹ khiến trẻ biếng ăn.
Dinh dưỡng đầu đời
Trong thời kỳ mang thai, trẻ tiếp xúc và nuốt chất lỏng của túi ối. Hương vị của nước ối thay đổi theo các loại thực phẩm mẹ ăn. Về sau, sự ưa thích của trẻ với các mùi vị có trong nước ối tăng lên khi trẻ tiếp xúc với những loại thực phẩm có cùng mùi vị như vậy.
Trẻ bú sữa mẹ
Ảnh hưởng đến sở thích về hương vị tiếp tục diễn ra bên ngoài tử cung thông qua các hoạt động cho ăn sớm. Những tháng đầu đời là giai đoạn quan trọng để quá trình học nhận biết hương vị diễn ra. Các nghiên cứu cho thấy trẻ sơ sinh có thể phát hiện được hương vị trong chế độ ăn của mẹ truyền qua sữa mẹ. Ngoài ra nuôi con bằng sữa mẹ còn tạo điều kiện thuận lợi cho việc chấp nhận các loại thức ăn mới, trái cây, rau quả, và thức ăn đặc cho trẻ về sau
Trẻ ăn sữa công thức thì sao?
Những điều ở trên cũng không có gì thay đổi. Tùy theo mùi vị của loại sữa trẻ ăn, về sau trẻ sẽ có xu hướng dễ dàng tiếp nhận những thực phẩm có cùng mùi vị đó hơn.
Do đó các bà mẹ đừng quá lo lắng kiêng khem chế độ ăn của mình quá mức trong giai đoạn con bú. Hoặc hạn chế các loại thực phẩm cho con giai đoạn ăn dặm. Trải nghiệm các hương vị khác nhau sẽ giúp trẻ có hành vi ăn uống tích cực.
(Đọc thêm: Chế độ ăn của mẹ có ảnh hưởng tiêu hóa ở trẻ bú sữa mẹ?)
Giai đoạn ăn dặm
Ăn dặm không đúng thời điểm, không đúng cách cũng là nguyên nhân khiến trẻ biếng ăn.
Những trẻ được ăn dặm sau mười tháng tuổi có chế độ ăn ít đa dạng, ăn ít trái cây và rau hơn. Thường có nhiều biểu hiện khó ăn hơn những trẻ ăn dặm từ 6 tháng tuổi.
Khuyến cáo của học viện Nhi khoa Hoa Kỳ (APP)
Trẻ cần được bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng. Từ tháng thứ 6 trẻ nên được làm quen với các dạng thực phẩm mới. Nên giới thiệu sớm những chất dễ gây dị ứng tiềm ẩn (tôm, trứng gà…) với một lượng nhỏ để trẻ làm quen và ngăn ngừa sự phát triển dị ứng về sau.
Tình trạng sức khỏe
Chắc chắn rồi. Khi trẻ có bệnh hoặc mệt mỏi trong người, các chức năng tiêu hóa bị ảnh hưởng, trẻ sẽ không muốn ăn hoặc ăn ít. Ví dụ rõ nhất là các bệnh gây nhiệt miệng, viêm họng khiến việc ăn uống ở trẻ khó khăn do đau, xót.
Đặc biệt giai đoạn từ 1-3 tuổi là giai đoạn “lỗ hổng miễn dịch”, trẻ rất dễ mắc các bệnh nhiễm khuẩn do hệ miễn dịch chưa hoàn thiện. Những trận ốm có thể khiến trẻ rơi vào tình trạng của trẻ biếng ăn.
(Đọc thêm: Các giai đoạn phát triển của hệ miễn dịch ở trẻ)
Phong cách của cha mẹ
Người ta nhận thấy chiến lược nuôi dạy con cái có thẩm quyền như khuyến khích, làm mẫu, cho trẻ tham gia vào việc chế biến đồ ăn giúp chống lại các hành vi kén ăn ở trẻ.
Ngược lại, với cha mẹ có phong cách nuôi dạy con độc đoán, ép buộc con cái, hoặc phong cách dễ dãi chiều theo ý con đều tăng khả năng khiến trẻ biếng ăn.
Thực phẩm sẵn có trong gia đình
Thực phẩm trong gia đình rất quan trọng với sự phát triển hành vi ăn uống của trẻ. Cơ hội một đứa trẻ ăn một loại thực phẩm không có sẵn ở nhà là rất nhỏ. Trẻ sống trong những gia đình có nhiều trái cây và rau quả có xu hướng tiêu thụ những thực phẩm này nhiều hơn. Điều này cũng đúng cho các loại thực phẩm không lành mạnh.
Trải nghiệm của trẻ
Một số nghiên cứu cho thấy trải nghiệm cá nhân và việc tiếp xúc với một loại thực phẩm đóng vai trò quan trọng trong việc ưa thích loại thực phẩm đó.
Trẻ em có xu hướng thích ăn những thức ăn quen thuộc với chúng hơn. Đứng trên góc độ tâm lý trải nghiệm, xu hướng đó hoàn toàn hợp lý. Khi trẻ chưa có nhiều kinh nghiệm, bản năng tự vệ cho thấy việc tiêu thụ một chất mới có liên quan đến nguy hiểm và rủi ro, nên nó thường được tránh. Thực phẩm quen thuộc được coi là an toàn hơn vì chúng không gây kết quả tiêu cực.
Trẻ sẽ tiếp nhận đồ ăn mới khi nào?
Các nghiên cứu về sở thích ăn uống của trẻ cho thấy những tiếp xúc về thị giác, vị giác và khứu giác sẽ giúp tăng sở thích với món ăn lên. Nhưng kết quả cũng cho thấy phải mất từ 10-15 lần tiếp xúc với một loại thực phẩm mới thì sự thích thú của trẻ mới tăng lên.
Do đó để giảm nguy cơ trẻ biếng ăn, các phụ huynh đừng ngần ngại giới thiệu nhiều món ăn mới, với cách chế biến, trình bày hấp dẫn bắt mắt để lôi cuốn trẻ. Bên cạnh đó, hãy kiên nhẫn khi mời trẻ thử một món ăn mới. Vì bọn chúng sẽ rất cảnh giác, đánh giá, thăm dò và có thể sẽ chỉ yêu thích món ăn tận sau 10-15 lần mời mọc của bố mẹ.
Tác động của biếng ăn lên sự tăng trưởng của trẻ
Ông bà ta có câu “Có đầu có đuôi nuôi lâu cũng lớn” để nói về những em bé có thể trạng thấp nhỏ hơn các bạn cùng trang lứa. Bên cạnh đó, một số quan điểm cho rằng không nên ép trẻ ăn uống, để trẻ ăn theo nhu cầu và sở thích của trẻ. Liệu những quan điểm này có đúng hay không? Việc kén ăn hay biếng ăn ở trẻ có tác động đến sự tăng trưởng ngắn hạn và dài hạn như thế nào?
Biếng ăn thời thơ ấu không gây tác động tới quá trình tăng trưởng của trẻ trong tương lai?
Nghiên cứu công bố năm 2018 của tác giả Taylor và cộng sự đánh giá sự tăng trưởng dài hạn của gần 300 trẻ biếng ăn ở 3 tuổi. Nhóm tác giả tiến hành đo chiều cao, cân nặng của mỗi trẻ 7 lần trong giai đoạn trẻ từ 7 – 17 tuổi. Đo thành phần cơ thể (chỉ số khối nạc, khối mỡ) 5 lần trong giai đoạn trẻ từ 9 – 17 tuổi. Đánh giá chỉ số BMI, chỉ số khối cơ thể trẻ khi đã trưởng thành (17 tuổi).
Kết quả đánh giá tại thời điểm cụ thể cho thấy chiều cao, cân nặng nhóm trẻ biếng ăn có thấp hơn nhóm trẻ có hành vi ăn uống bình thường. Tuy nhiên chỉ số BMI trung bình không cho thấy sự chậm lại về tăng trưởng ở nhóm trẻ biếng ăn.
Điều đó có nghĩa là mặc dù trẻ biếng ăn giai đoạn thơ ấu, nhưng quá trình tăng trưởng ở trẻ vẫn diễn ra, trẻ vẫn lớn lên và trưởng thành.
Vậy không cần quá lo lắng khi trẻ biếng ăn?
Một kết quả đánh giá khác trong nghiên cứu trên là thành phần cơ thể khi trưởng thành, đặc trưng bởi chỉ số khối cơ thể. Các nhà nghiên cứu nhận thấy một số khác biệt ở nhóm trẻ biếng ăn:
- Chỉ số khối lượng mỡ của cơ thể FMI ( Fat Mass Index) không có sự khác biệt đáng kể giữa hai nhóm
- Chỉ số khối lượng nạc của cơ thể LMI (Lean Mass Index) ở nhóm trẻ biếng ăn thấp hơn đáng kể so với nhóm ăn uống bình thường. Đặc biệt khác biệt khoảng cách lớn hơn ở nhóm trẻ nam
Nếu chỉ nhìn vào những biểu hiện bên ngoài cơ thể, chúng ta thấy trẻ biếng ăn vẫn tăng trưởng và lớn lên theo độ tuổi. Nhưng có những ảnh hưởng bên trong cơ thể mà chúng ta không nhìn thấy được. Chỉ số khối lượng nạc cơ thể ít hơn, đồng nghĩa với khối lượng cơ của cơ thể ít hơn, ảnh hưởng đến khả năng và sức bền vận động. Trong một số lĩnh vực, điều này làm sụt giảm hiệu suất lao động.
Điều gì tạo nên sự khác biệt về thành phần cơ thể ở trẻ biếng ăn?
Một nghiên cứu kéo dài 5 năm của Kate Northstone và cộng sự, đánh giá sự hấp thu các đại dưỡng chất và vi chất trên 7.500 trẻ biếng ăn ở độ tuổi 2 – 2.5 tuổi. Phân tích lượng macro và micro dinh dưỡng trẻ hấp thu ở năm thứ 2, 3,4,và 5 so với mức dinh dưỡng khuyến nghị theo độ tuổi (RNI, LNI, EAR).
Kết quả cho thấy:
- Khác biệt về năng lượng đưa vào cơ thể là không đáng kể.
- Có khác biệt về đại dưỡng chất (đạm, đường, béo) do lượng thức ăn trẻ tiêu thụ khác nhau
- Khác biệt rõ ràng có ý nghĩa thống kê ở lượng các vi chất được hấp thu. Trong đó đặc biệt ở trẻ biếng ăn thiếu hụt trầm trọng 4 vi chất có hàm lượng thấp hơn mức LRNI cho phép: Carotene (tiền chất của vitamin A), Sắt, Kẽm và Selen.
Khi mức hấp thu các chất nằm dưới ngưỡng cho phép LRNI, thì vai trò của những chất đó gần như chắc chắn không đáp ứng được nhu cầu của cơ thể.
Điều đó dẫn tới những hệ quả xấu cho sức khỏe. Ví dụ thiếu vitamin A làm giảm sức đề kháng, giảm thị lực. Thiếu sắt gây thiếu máu và ảnh hưởng tới sức khỏe thể chất và trí tuệ của trẻ. Thiếu kẽm, selen ảnh hưởng tới các enzyme chức năng của nhiều cơ quan. Đặc biệt thiếu kẽm sẽ khiến trẻ giảm hoặc mất vị giác, ăn không ngon, chán ăn. Trẻ chán ăn, ăn ít sẽ không đáp ứng nhu cầu kẽm của cơ thể. Vòng luẩn quẩn khiến tình trạng trẻ biếng ăn kéo dài.
Thay đổi hành vi của trẻ biếng ăn bằng cách nào?
Qua những phân tích ở trên chắc các cha mẹ cũng đã nhận ra nguyên nhân và các yếu tố tác động tới trẻ biếng ăn. Để thay đổi hành vi ăn uống của trẻ hiệu quả, cần xác định vấn đề trẻ gặp phải và có những giải pháp phù hợp:
- Xác định đúng tình trạng: Trẻ biếng ăn thông thường hay Trẻ gặp vấn đề trong ăn uống (do bệnh lý)
- Thay đổi chiến lược nuôi dạy trẻ tích cực: Cho trẻ làm quen đa dạng các loại thực phẩm, các cách chế biến đúng giai đoạn. Khen ngợi, khuyến khích, làm mẫu cho trẻ trong ăn uống. Trẻ được tham gia vào quá trình lựa chọn, chế biến thực phẩm sẽ hào hứng hơn với món ăn.
- Lựa chọn các thực phẩm trong bữa ăn gia đình phong phú. Kiễn nhẫn khi giới thiệu cho trẻ làm quen với món ăn mới.
- Tôn trọng lựa chọn của trẻ, không ép buộc độc đoán. Nhưng cũng không dễ dãi với những thực phẩm không tốt cho sức khỏe của trẻ (đồ ăn nhanh, nước ngọt có ga…)
- Tăng cường sức đề kháng, điều trị các bệnh lý của trẻ
- Bổ sung các vi chất dinh dưỡng thiếu hụt trong các bữa ăn của trẻ thông qua các sản phẩm bổ sung
- Đưa trẻ tới các cơ sở y tế thăm khám khi trẻ biếng ăn có những dấu hiệu nghiêm trọng: Sụt cân liên tục, không tăng cân, chiều cao trong thời gian dài, thể trạng mệt mỏi, vận động kém…
Thực phẩm bổ sung dành cho trẻ biếng ăn có thực sự hiệu quả?
Những thực phẩm được quảng cáo có tác dụng kích thích trẻ ăn ngon hiện nay có rất nhiều trên thị trường. Tuy nhiên cơ chế tác động và hiệu quả tới đâu thì còn tùy thuộc vào nhiều yếu tố như: Thành phần, hàm lượng hoạt chất, công nghệ bào chế, liều lượng, thời điểm sử dụng…
Một số hoạt chất có tác dụng hỗ trợ trẻ biếng ăn
Lysine
Lợi ích của Lysine
Lysine là một axit amin thiết yếu mà cơ thể không tự tổng hợp, được bổ sung qua chế độ ăn. L-lysine là dạng lysine được cơ thể sử dụng để tạo nên carnitine, là một loại axit amin có trong hầu hết các tế bào cơ thể.
Lysine có nhiều lợi ích đối với cơ thể, ví dụ như:
- Giúp tăng hấp thu canxi, sắt, kẽm
- Có vai trò trong việc sản xuất các enzym, kháng thể miễn dịch
- Ngăn ngừa mất khối lượng cơ nạc
- Giảm lo lắng
Với trẻ biếng ăn, do khối lượng ăn ít hoặc thiếu đa dạng sẽ ảnh hưởng đến lượng lysine cơ thể nhận được. Thiếu lysine cũng khiến cơ thể mệt mỏi, chán ăn, thiếu sắt, kém tập trung. Vì vậy bổ sung lysine trong các sản phẩm hỗ trợ trẻ biếng ăn khá phổ biến trên thị trường.
Độ an toàn của Lysine
Lysine tương đối an toàn khi sử dụng. Tuy nhiên trên những trẻ nhạy cảm, không dung nạp protein lysinuric, sử dụng lysine có thể gây tiêu chảy, đau bụng.
Ngoài ra trên những trẻ có hiện tượng tăng canxi huyết, canxi niệu hoặc đang điều trị canxi hoặc kẽm liều cao cần thận trọng khi bổ sung lysine.
Kẽm
Lợi ích của kẽm
Kẽm có lẽ là lựa chọn được rất nhiều bà mẹ có con biếng ăn biết đến. Kẽm có rất nhiều vai trò trong cơ thể, nhưng nhìn từ khía cạnh tiêu hóa, bổ sung kẽm có hiệu quả trong các trường hợp:
- Hội chứng kém hấp thu: Các rối loạn nội khoa đường ruột gây cản trở hấp thu thức ăn
- Bệnh tiêu chảy
- Bệnh Wilson (Rối loạn di truyền gây tích tụ đồng trong cơ thể)
- Rối loạn ăn uống, chán ăn
Kẽm giúp cải thiện vị giác, khứu giác ở trẻ biếng ăn. Giúp trẻ ăn ngon miệng và hấp thu tốt hơn.
Độ an toàn khi bổ sung kẽm
Kẽm có rất nhiều lợi ích, nhưng không có nghĩa lợi ích sẽ tỉ lệ thuận với hàm lượng kẽm được đưa vào cơ thể.
Kẽm chỉ an toàn khi sử dụng đúng liều khuyến cáo.
Khi sử dụng liều cao, ngộ độc cấp tính kẽm gây ra là:
- Buồn nôn
- Nôn mửa
- Đau bụng
- Bệnh tiêu chảy
- Đau đầu
- Miệng tanh vị kim loại
Nếu bổ sung kẽm liều cao trong thời gian dài, ngộ độc mãn tính kẽm gây nguy hiểm đối với sức khỏe:
- Làm giảm lượng lipoprotein mật độ cao (HDL) hay cholesterol “tốt”
- Giảm chức năng miễn dịch
- Hiện tượng thiếu đồng, giảm hấp thu sắt gây thiếu máu
Nếu phát hiện các dấu hiệu ngộ độc kẽm, dừng ngay bổ sung. Với ngộ độc cấp tính, cho người bệnh uống một cốc sữa. Canxi và phốt-pho trong sữa tạo phức hợp chelat với kẽm, ngăn chặn hấp thu kẽm. Sau đó đưa người ngộ độc đến cơ sở y tế để được theo dõi và điều trị.
Tương tác khi sử dụng kẽm và các thuốc khác
Một số thuốc bị giảm hấp thu khi sử dụng cùng kẽm. Nên uống các thuốc này cách ít nhất 2 giờ sau khi bổ sung kẽm:
- Đồng, sắt, mangan
- Thuốc kháng axit, chẳng hạn như canxi cacbonat
- Thuốc penicillamine trong điều trị viêm khớp dạng thấp
Các kháng sinh tetracycline như doxycycline, kháng sinh nhóm quynolon như ciprofloxacin, nên dùng kháng sinh 2 giờ trước khi uống kẽm hoặc 4–6 giờ sau đó.
Ngoài các thuốc tương tác ức chế, thì lại có những thuốc làm tăng hấp thu kẽm như amiloride – thuốc lợi tiểu giữ kali – dùng trong điều trị cao huyết áp, suy tim hoặc phù giữ nước. Do đó khi bổ sung kẽm cùng amiloride cần chú ý điều chỉnh tránh quá liều kẽm gây ngộ độc cho cơ thể.
Để tránh tình trạng ngộ độc hoặc các tác dụng phụ của kẽm, cần chú ý không bổ sung kẽm quá giới hạn trên mỗi ngày theo khuyến cáo.
Tuổi |
Khẩu phần ăn khuyến nghị (RDA) (mg/ngày) |
Giới hạn trên (ULs/ ngày) |
|
Nam | Nữ | ||
1 – 3 | 3 mg | 3 mg | 7 mg |
4 – 8 | 5 mg | 5 mg | 12 mg |
9 – 13 | 8 mg | 8 mg | 23 mg |
14 – 18 | 11 mg | 9 mg | 34 mg |
19+ | 11 mg | 8 mg | 40 mg |
Men vi sinh hay Probiotics
Lợi ích của men vi sinh
Men vi sinh được sử dụng nhiều đứng thứ 3 trong các sản phẩm dành cho trẻ biếng ăn.
Men vi sinh chứa các loại vi khuẩn tốt đối với cơ thể. Cần nhiều nghiên cứu hơn để đánh giá giữa lợi ích và rủi ro khi bổ sung men vi sinh cho trẻ em. Một số nghiên cứu đã thực hiện cho thấy probiotics có hiệu quả:
- Giảm thời gian tiêu chảy do viêm dạ dày, ruột
- Ngăn ngừa đau bụng, táo bón và trào ngược axit dạ dày ở trẻ sơ sinh (*)
- Lấy lại cân bằng hệ vi sinh vật đường ruột khỏe mạnh
Độ an toàn khi sử dụng men vi sinh
Men vi sinh không phải luôn an toàn khi cho trẻ sử dụng. Khi lạm dụng, men vi sinh có thể gây:
- Đầy hơi, chướng bụng
- Rối loạn hệ vi sinh vật đường ruột, gây tiêu chảy
- Với những trẻ có hệ thống miễn dịch kém, bổ sung probiotics có thể trở thành tác nhân gây nhiễm trùng cho cơ thể.
Bất cứ một chế phẩm sinh học nào, ngoài hiệu quả thì sẽ có những tác dụng phụ hoặc rủi ro đi kèm. Nên cha mẹ hãy tham khảo ý kiến chuyên gia y tế, lựa chọn các sản phẩm có chất lượng, dùng đúng theo khuyến cáo để đảm bảo an toàn sức khỏe cho con.
Những sản phẩm hỗ trợ trẻ biếng ăn có hại
Bên cạnh những chất hỗ trợ trẻ biếng ăn mang lại những lợi ích rõ ràng, không ít những thành phần có hại khác có thể bị trà trộn vào các sản phẩm dành cho trẻ mà cha mẹ không biết.
Cyproheptadin
Là một thuốc kháng histamine điều trị dị ứng. Ngoài ra, cyproheptadin có tác dụng kích thích cảm giác đói và buồn ngủ.
Sử dụng cyproheptadin gây thèm ăn tạm thời ở trẻ biếng ăn. Nhưng khi dừng uống, trẻ lại quay về hành vi ăn uống như cũ hoặc sụt cân. Cyproheptadin dùng lâu dài ảnh hưởng xấu đến sức khỏe tâm thần và sự phát triển của trẻ.
Corticoid
Là nhóm thuốc chống viêm có tác dụng giữ muối, giữ nước gây phù, tăng cân ảo. Đặc biệt tác dụng phụ của corticoid đã được cảnh báo rất nhiều vì những hậu quả để lại, đặc biệt đối với sự tăng trưởng và phát triển của trẻ: Dậy thì sớm, mỏng da, loãng xương, suy thận…
Dẫn xuất hormone sinh dục
Ví dụ hoạt chất nandrolon phenylpropionat là một dẫn chất tổng hợp tương tự hormon sinh dục nam testosterone. Chất này có tác dụng đồng hóa protein, tăng hấp thu các axit amin vào trong mô cơ, phát triển cơ bắp, tăng cân.
Nandrolon phenylpropionat được chỉ định dùng cho các trường hợp sụt cân, mất sức trong các trường hợp ốm nặng theo chỉ định của bác sỹ.
Tuy nhiên lạm dụng sẽ gây dậy thì sớm ở trẻ & gây ra các rối loạn sinh lý trong cơ thể. Nandrolon phenylpropionat chống chỉ định cho trẻ dưới 15 tuổi.
Bàn luận
Hành vi biếng ăn của trẻ xuất phát từ nhiều nguyên nhân, trong đó yếu tố nuôi dưỡng gia đình đóng vai trò quan trọng.
Trẻ biếng ăn vẫn tăng trưởng và lớn lên theo thời gian. Tuy nhiên, biếng ăn có thể làm giảm khối lượng khối nạc, khối cơ của cơ thể trẻ khi trưởng thành. Ngoài ra, biếng ăn gây thiếu hụt các vi chất dinh dưỡng, đặc biệt là Sắt, Kẽm, Carotene (tiền chất vitamin A). Do đó cha mẹ cần lưu ý bổ sung thêm các vi chất này trong chế độ ăn của trẻ.
Những sản phẩm hỗ trợ kích thích trẻ ăn ngon không phải lúc nào cũng đạt được hiệu quả. Cha mẹ cần chú ý khi lựa chọn sản phẩm bổ sung cho con.
Ái chà, đến đây chắc cha mẹ cũng đã có tương đối đầy đủ thông tin về trẻ biếng ăn rồi. Vấn đề tiếp theo là chúng ta sẽ hành động như thế nào để cải thiện hành vi ăn uống của con. Chúc cho tất cả các con của chúng ta luôn khỏe mạnh và có sự phát triển tốt nhất về cả thể chất và tinh thần trong cuộc sống!
Đọc thêm các bài viết chăm sóc sức khỏe gia đình khác tại đây.
Nếu bạn có bất cứ điều gì về sức khỏe muốn chia sẻ hay các câu hỏi về thuốc, hãy để lại comment hoặc nhắn tin theo địa chỉ email: nguyenvunguyetminh@gmail.com . Tôi luôn sẵn sàng lắng nghe và hỗ trợ bạn vì một cộng đồng sử dụng thuốc an toàn.