Nguyễn Vũ Nguyệt Minh
  • Trang chủ
  • Marketing Dược
  • Sức khỏe gia đình
  • Chuyện của Minh
  • Tôi là Minh
No Result
View All Result
Nguyễn Vũ Nguyệt Minh

Thực phẩm bổ sung trong Ung thư vú – P1

Rất nhiều thực phẩm bổ sung có nguồn gốc thực vật hoặc các vi chất dinh dưỡng được cho là có tác dụng phòng ngừa, hỗ trợ điều trị hoặc giảm tái phát, di căn trong ung thư vú. Liệu tất cả đều tốt và nên được sử dụng? Hãy cùng điểm lại những thực phẩm bổ sung thường gặp trong các kết quả nghiên cứu lâm sàng về hiệu quả khi sử dụng cho bệnh nhân ung thư vú

Nguyễn Vũ Nguyệt Minh by Nguyễn Vũ Nguyệt Minh
02/05/2024
in Sức khỏe gia đình, Sức khỏe phụ nữ
0 0
Thực phẩm bổ sung và Ung thư vú
Share on Facebook

Danh sách các thực phẩm bổ sung thường gặp trong bệnh ung thư vú được tham khảo từ nguồn:

https://www.breastcancer.org/tips/nutrition/supplements/known

https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC5563402/

Nội dung bài viết

  • Phần 1: Nhóm thực phẩm bổ sung có nguồn gốc thực vật (Phytotherapy)
    • 1. Nha đam [1]
    • 2. Hoàng Kỳ [9]
    • 3. Beta caroten [12]
    • 4. Black Cohosh [16]
    • 5. Trà xanh [22]
    • 6. Hạt lanh [26]
    • 7. Nhân sâm [28]
    • 8. Cúc La Mã [31]
    • 9. Cúc tím [14]
    • 10. Nghệ [37]
    • 11. Cỏ ba lá đỏ [41]
    • 12. Nấm linh chi [44]
    • 13. Tinh dầu hoa anh thảo [48]
    • 14. Gừng [52]
    • 15. Tỏi [14]
    • 16. Đương Quy [59]
    • Tóm lược

Phần 1: Nhóm thực phẩm bổ sung có nguồn gốc thực vật (Phytotherapy)

1. Nha đam [1]

Tên gọi khác: Lô hội

Công dụng: Nha đam được sử dụng phổ biến nhất để làm dịu những kích ứng trên da. Hoặc dùng bằng đường uống để điều trị tình trạng sưng tấy, viêm xương khớp và các bệnh viêm ruột.

Thận trọng: Khi sử dụng ngoài da, nha đam được dung nạp tốt. Sử dụng đường uống, nha đam có thể làm giảm lượng đường trong máu.

Nghiên cứu lâm sàng: Cho đến nay, chưa có nghiên cứu nào cho thấy lợi ích của nha đam đối với phụ nữ mắc bệnh ung thư vú, dù sử dụng kem bôi hay dạng uống. Các nghiên cứu sơ bộ cho thấy gel nha đam có thể giúp vết bỏng trên da mau lành, nhưng lại không hiệu quả với vết bỏng do xạ trị [2].

2. Hoàng Kỳ [9]

Tên gọi khác: Astragalus, Xương cựa, Hoàng chi, Đậu tằm

Công dụng: Hoàng kỳ có thể cải thiện khả năng miễn dịch, sức khỏe của gan và ngăn ngừa ung thư

Thận trọng: Không có tác dụng phụ đáng kể nào được báo cáo. Nhưng nếu bạn đang dùng một loại thuốc ức chế miễn dịch thì không nên dùng Hoàng kỳ.

Nghiên cứu lâm sàng: Chưa có nghiên cứu nào thực hiện trên người về tác dụng của Hoàng kỳ với ung thư vú. Kết quả những nghiên cứu trong ống nghiệm cho thấy Hoàng kỳ có tiềm năng trong điều trị nhờ ức chế sự tăng sinh tế bào ung thư vú thông qua con đường tín hiệu PI3K/AKT/mTOR [10].

Tháng 2 năm 2020, tác giả Shuo Yang và cộng sự công bố kết quả nghiên cứu thành phần polysaccharide chiết xuất từ Astragalus có tác dụng ức chế sự di căn và xâm lấn của tế bào ung thư vú bằng cách ức chế con đường tín hiệu Wnt / β-catenin [11].

Thực phẩm bổ sung Hoàng kỳ
Hoàng Kỳ. Ảnh VNRAS

3. Beta caroten [12]

Tên gọi khác: A-beta caroten, caroten, carotenoid, pro-vitamin A

Công dụng: Beta carotene có thể làm giảm nguy cơ mắc một số bệnh ung thư và giúp giảm tỷ lệ thoái hóa điểm vàng, tăng cường sức khỏe tim mạch. Nếu bạn ăn được 5 phần hoa quả và rau mỗi ngày, bạn sẽ nhận đủ lượng beta caroten từ 6-8 mg.

Thận trọng: Beta carotene được coi là an toàn khi tiêu thụ từ thực phẩm như một phần của chế độ ăn uống cân bằng. Nhưng khi bổ sung liều cao có thể làm cho da của bạn chuyển sang màu vàng hoặc da cam, và làm tăng thêm tác hại của các gốc tự do gây ra cho cơ thể.

Nghiên cứu lâm sàng: Ở phụ nữ bị ung thư vú, chế độ ăn nhiều rau và trái cây có chứa đầy đủ các loại carotenoid (không chỉ riêng beta carotene) có liên quan đến việc giảm tái phát ung thư vú [13].

Cho tới hiện tại loại carotenoid nào có lợi cho ung thư vú vẫn còn nhiều tranh cãi. Một số nghiên cứu đã thực hiện không xác định được mối quan hệ giữa nồng độ retinol và nguy cơ ung thư vú [14]. Nhưng những nghiên cứu khác cho thấy licopen (một carotenoid không chuyển hóa thành vitamin A) lại làm tăng nguy cơ ung thư vú [15].

Theo kết quả nghiên cứu của tác giả Bakker và cộng sự (2016), nồng độ β-carotene và α-carotene trong huyết tương cao hơn có liên quan đến việc giảm nguy cơ ung thư vú của các khối u ER(-) [15].

4. Black Cohosh [16]

Tên gọi khác: Baneberry, Cimicifuga (Là loài cây lâu năm họ Mao Lương, một số tài liệu Việt Nam gọi là cây Thiên ma)

Công dụng: Black cohosh được cho là có tác dụng giảm các triệu chứng tiền mãn kinh như cơn bốc hỏa.

Thận trọng: Black cohosh an toàn ở liều khuyến cáo. Các tác dụng phụ có thể gặp như tổn thương gan, viêm gan tự miễn.

Nghiên cứu lâm sàng: Một phân tích tổng hợp kết quả 9 thử nghiệm lâm sàng có đối chứng với giả dược cho thấy Black cohosh hiệu quả trong việc giảm các triệu chứng tiền mãn kinh [17].

Tuy nhiên việc sử dụng Black cohosh trên phụ nữ bị ung thư vú vẫn chưa rõ ràng. Một số thành phần chiết xuất từ Black cohosh đã được thử nghiệm trên các tế bào ung thư vú của người cho thấy các đặc tính chống ung thư như triterpenoids cycloartane [18]. Nhưng trong một nghiên cứu khác trên mô hình chuột, Davis và các cộng sự cho rằng Black cohosh có thể làm tăng tỷ lệ ung thư vú di căn phổi [19]

Do tính chất estrogencủa Black cohosh không rõ ràng khiến cho việc sử dụng nó trong bệnh ung thư vú gây nhiều tranh cãi. Trong điều kiện thừa estrogen, các thành phần hoạt tính của cây hoạt động như chất đối kháng estrogen theo cơ chế ức chế cạnh tranh của ER. Tuy nhiên khi nồng độ estrogen thấp, các hoạt chất lại hoạt động như chất chủ vận yếu [14].

Liên quan đến tương tác của Black cohosh với các thuốc hóa trị liệu khác trong điều trị ung thư vú cũng có những báo cáo khác nhau. Một nghiên cứu thuần tập cho thấy dùng Black cohosh có thể làm giảm nguy cơ tái phát ung thư vú ở những bệnh nhân dùng tamoxifen [20]. Không có tương tác nào đối với hiệu quả điều trị của formestane (chất ức chế aromatase) khi dùng chung với Black cohosh [21].

5. Trà xanh [22]

Tên gọi khác: Camellia sinensis

Công dụng: EGCG (Epigallocatechin-3-gallate) là polyphenol dồi dào nhất trong trà xanh có đặc tính chống oxy hóa. Những hoạt chất này được cho có tác dụng giảm nguy cơ ung thư, ngăn ngừa tổn thương tế bào.

Thận trọng: Mỗi tách trà xanh chứa khoảng 25-50mg caffein, có thể gây ra cảm giác bồn chồn, buồn nôn.

Nghiên cứu lâm sàng: Các nghiên cứu trong ống nghiệm và động vật đã chứng minh rằng polyphenol trong trà có thể ức chế sự tăng sinh tế bào khối u và gây ra quá trình chết rụng [14]. Tuy nhiên vai trò của trà xanh trong bệnh ung thư vú vẫn chưa rõ ràng.

Những nghiên cứu đã được thực hiện cho thấy không có mối liên quan giữa việc uống trà xanh và nguy cơ ung thư vú [14].  Tác giả Seely và công sự đã báo cáo kết quả uống trà xanh có khả năng ngăn ngừa tái phát ung thư vú ở giai đoạn sớm (I và II) [23].

Một nghiên cứu cắt ngang trên 3315 phụ nữ châu Á, việc tiêu thụ trà xanh hàng ngày cho thấy tỷ lệ mật độ chụp nhũ ảnh thấp hơn đáng kể so với nhóm đối chứng [24].

Trong liệu pháp hóa/ xạ trị ung thư, EGCG có tiềm năng là một chất bổ trợ với tác dụng cộng hưởng hoặc hiệp đồng cải thiện các tác dụng phụ của các liệu pháp điều trị này [25].

Mặc dù có rất nhiều nghiên cứu về trà xanh, nhưng để đưa ra khuyến nghị trà xanh phòng ngừa ung thư vú nói riêng và các loại ung thư khác nói chung thì cần có thêm nhiều nghiên cứu can thiệp ngẫu nhiên lớn hơn nữa [14].

6. Hạt lanh [26]

Tên gọi khác: Linum usitatissimum

Công dụng: Lignan là một phytoestrogen trong hạt lanh có thể liên kết với các thụ thể estrogen và có thể làm giảm nguy cơ ung thư vú.

Thận trọng: Có thể gặp đau dạ dày nhẹ, tắc ruột hoặc rối loạn chảy máu.

Nghiên cứu lâm sàng: Các nghiên cứu cho thấy thành phần hoạt chất trong hạt lanh an toàn và hiệu quả với việc giảm nguy cơ và điều trị ung thư vú [14].

Vào năm 2013, một nghiên cứu của Canada đã báo cáo rằng chỉ ăn hạt lanh có liên quan đến ngăn ngừa ung thư vú [27].

Tổng hợp kết quả các nghiên cứu cho thấy hạt lanh gây ra quá trình apoptosis và ức chế sự tăng sinh của tế bào ung thư vú ở người. Trong các liệu pháp hóa xạ trị, hạt lanh làm tăng hiệu quả của tamoxifen hoặc doxorubicin, trastuzumab[14].

7. Nhân sâm [28]

Tên gọi khác: Panax Ginseng (Nhân sâm Triều Tiên), Panax japonicus (Nhân sâm Châu Á), Panax quinquefolius (Nhân sân Hoa Kỳ)

Công dụng: Nhân sâm có tác dụng tăng cường hệ miễn dịch và cho cơ thể tỉnh táo, khỏe mạnh. Nhân sâm có thể làm giảm một số tác dụng phụ như mệt mỏi của bệnh ung thư cũng nhưc ác liệu pháp điều trị.

Thận trọng: Một số tác dụng phụ gặp phải như đau đầu, khó ngủ, bồn chồn, tăng nhịp tim, giảm lượng đường trong máu khi sử dụng nhân sâm liều cao (hơn 3g/ngày)

Nghiên cứu lâm sàng: Thành phần hoạt chất có tác dụng dược lý chính trong nhân sâm là saponin triterpene được gọi là ginsenosides. Nghiên cứu về tác dụng của nhân sâm với ung thư chỉ được thực hiện trong ống nghiệm, chưa có nghiên cứu trên động vật. Các hoạt chất trong nhân sâm điều chỉnh các đường truyền tín hiệu liên quan đến viêm, stress oxy hóa, hình thành mạch, di căn và các đặc tính giống như tế bào gốc của tế bào ung thư [29].

Một tác dụng khác của nhân sâm là làm tăng độ nhạy cảm của tế bào ung thư vú với các chất chống ung thư hóa học khác nhau, bao gồm gemcitabine (chất chống chuyển hóa), cisplatin (chất alkyl hóa), paclitaxel (alkaloid thực vật), và epirubicin (kháng sinh) [30].

Với ung thư vú, những kết quả báo cáo tác dụng của nhân sâm vẫn chưa đồng nhất. Có nghiên cứu cho thấy không có mối liên quan giữa việc sử dụng nhân sâm và chất lượng cuộc sống của những người sau khi mắc ung thư vú. Nghiên cứu khác lại cho thấy nhân sâm giúp tăng điểm chất lượng cuộc sống. Các tác giả cho rằng sự khác biệt về kết quả có thể do hàm lượng nhân sâm sử dụng trong các nghiên cứu khác nhau.

Ngoài ra nhân sâm có tác dụng giống như steroid / hormone, vì vậy phụ nữ bị ung thư vú hoặc ung thư nội mạc tử cung nên đặc biệt chú ý khi sử dụng [14].

8. Cúc La Mã [31]

Tên gọi khác: Matricaria recutita, Chamomile

Công dụng: Cúc La Mã được sử dụng trong các loại nước súc miệng điều trị các bệnh viêm loét do hóa xạ trị gây ra. Hoặc dạng trà hỗ trợ giấc ngủ.

Thận trọng: Khi dùng lượng lớn Cúc La Mã có thể gây nôn mửa, dị ứng, hoặc viêm da tiếp xúc

Nghiên cứu lâm sàng: Nghiên cứu cho thấy nước súc miệng hoa cúc La Mã giúp giảm viêm niêm mạc miệng trên bệnh nhân ung thư có sử dụng hóa trị liệu [32]. Với ung thư vú, nghiên cứu cấp độ tế bào trong ống nghiệm cho thấy chiết xuất rễ Cúc La Mã có tác dụng chống xâm lấn,  gây độc với dòng tế bào ung thư vú MCF-7 [33], MDA-MB-468 [34].

9. Cúc tím [14]

Tên gọi khác: Echinacea

Công dụng: Cúc tím rất giàu flavonoid. Các chất này hoạt động như yếu tố kích thích miễn dịch giúp chống lại bệnh ung thư.

Thận trọng: Khi sử dụng kéo dài liên tục (hơn 8 tuần), Cúc tím có thể gây tổn thương gan hoặc ức chế hệ thống miễn dịch [35]

Nghiên cứu lâm sàng: Nghiên cứu về hiệu quả Cúc tím và ung thư vú chưa có nhiều, kể cả nghiên cứu trong ống nghiệm. Tác giả Huntimer và cộng sự sử dụng dịch chiết rễ Cúc tím kết hợp với doxorubicin (tác nhân gây độc tế bào) trên dòng tế bào ung thư vú MCF-7. Nghiên cứu cho thấy các thành phần khác nhau của Echinacea có tác động khác nhau đến sự tăng sinh tế bào MCF-7 cả khi có sự hiện diện của doxorubicin [36]. Cần nhiều nghiên cứu hơn để làm rõ hiệu quả hoặc loại trừ những khuyến nghị về Cúc tím trên bệnh ung thư [14].

herbal medicine 1

10. Nghệ [37]

Tên gọi khác: Curcumin, Curcuma longa

Công dụng: Các thành phần hoạt chất trong nghệ có tác dụng chống oxy hóa, giúp giảm nguy cơ mắc các bệnh nhiễm trùng, viêm, ung thư.

Thận trọng: Hầu hết nghệ được dung nạp an toàn bằng đường uống. Ở liều cao, một số người có thể gặp các tác dụng phụ như buồn nôn, đau bụng, chóng mặt [38]

Nghiên cứu lâm sàng: Curcumin là hoạt chất hoạt động chính trong nghệ. Curcumin có tác dụng chống oxy hóa và được chứng minh là một tác nhân đầy hứa hẹn trong điều trị ung thư vú nhờ tác dụng phòng ngừa, chống tăng sinh và apoptosis [39].

Phân tích tổng hợp kết quả các nghiên cứu lâm sàng về tác dụng của nghệ trên ung thư vú, cho thấy cơ chế tác dụng của curcumin qua nhiều con đường khác nhau như: Điều chỉnh tín hiệu NF-ƙB trong cả tế bào BT-474 và SK-BR-3-HR. Giảm biểu hiện oncoprotein HER2, phosphoryl hóa Akt, MAPK. Ức chế sự hình thành mạch. Hiệu quả trong cả mô hình in vitro và in vivo của ung thư vú ERα bằng cách điều chỉnh sự biểu hiện của thụ thể yếu tố tăng trưởng biểu bì [14].

Nhờ khả năng dung nạp tốt, curcumin được coi là yếu tố bổ trợ cho quá trình hóa trị liệu ung thư vú bộ ba âm tính (âm tính với ER, PR, HER2), là loại ung thư vú ít gặp và khó điều trị nhất [40].

11. Cỏ ba lá đỏ [41]

Tên gọi khác: Trifolium pratense

Công dụng: Thành phần trong Cỏ ba lá đỏ gồm các phytoestrogen, được sử dụng để giảm các triệu chứng tiền mãn kinh, đau ngực.

Thận trọng: Cỏ ba lá đỏ có thể gây các tác dụng phụ như buồn nôn, nhức đầu, phát ban, chảy máu âm đạo. Làm tăng nguy cơ chảy máu khi phối hợp với các thuốc hoặc thảo dược chống đông máu khác.

Nghiên cứu lâm sàng: Mặc dù các phytoestrogen trong Cỏ ba lá đỏ được sử dụng để giảm các triệu chứng tiền mãn kinh như cơ bốc hỏa, nhưng những nghiên cứu lại cho thấy tác dụng này trên bệnh nhân ung thư vú không rõ ràng. Có thể do tác dụng estrogen yếu của Cỏ ba lá, hoặc do sử dụng đồng thời cùng tamoxifen trong các nghiên cứu đánh giá [42].

Mặc dù mối liên quan giữa phytoestrogen và ung thư vú còn nhiều báo cáo trái ngược, nhưng Cỏ ba lá không được khuyến cáo dùng cho phụ nữ ung thư vú thể ER (+), hoặc ung thư buồng trứng, lạc nội mạc tử cung [43].

12. Nấm linh chi [44]

Tên gọi khác: Ganoderma lucidum

Công dụng: Nấm linh chi được sử dụng để tăng cường chức năng miễn dịch của cơ thể

Thận trọng: Một số người có thể dị ứng với bào tử Nấm linh chi. Khi dùng kéo dài (hơn 6 tháng), tác dụng phụ có thể có đau dạ dày, phân lẫn máu, ngứa.

Nghiên cứu lâm sàng: Những nghiên cứu được thực hiện trong ống nghiệm cho thấy Nấm linh chi là một liệu pháp thực vật tiềm năng cho điều trị ung thư vú. Chiết xuất Nấm linh chi làm giảm sự tồn tại, di chuyển và xâm nhập của tế bào ung thư vú MDA-MB-231 [45]. Trong một nghiên cứu khác, Ivette và cộng sự cho thấy Nấm linh chi ngăn chặn tổng hợp protein và sự phát triển của khối u thông qua tác động đến sự tồn tại và các con đường tín hiệu trên quá trình dịch mã tế bào [46].

Tác giả Jiyan Sun và cộng sự đã thực hiện một nghiên cứu đánh giá sự kết hợp chiết xuất Nấm linh chi và Paclitaxel (thuốc hóa trị đầu tay trong ung thư vú). Kết quả cho thấy sự kết hợp này cải thiện khả năng kiểm soát khối u. Tác dụng này trên cơ chế điều hòa chuyển hóa khối u và hệ sinh vật đường ruột [47].

13. Tinh dầu hoa anh thảo [48]

Tên gọi khác: Evening primrose oil

Công dụng: Tinh dầu hoa anh thảo là nguồn axit béo thiết yếu, được sử dụng trong các bệnh lý viêm khớp, mụn trứng cá hoặc làm giảm một số triệu chứng tiền mãn kinh.

Thận trọng: Tinh dầu Hoa anh thảo an toàn với hầu hết mọi người khi sử dụng đường uống. Một số ít người có thể gặp tác dụng phụ nhẹ như đau đầu, buồn nôn, tiêu chảy.

Nghiên cứu lâm sàng: Thành phần chính trong tinh dầu Hoa anh thảo là axit béo gamma-linolenic acid (GLA). Các nghiên cứu tế bào trong ống nghiệm cho thấy GLA ức chế hoạt động của thụ thể Her-2/neu trên tế bào ung thư vú [49]. Trong kết quả một nghiên cứu khác, GLA khi kết hợp cùng Tamoxifen cho đáp ứng điều trị trên lâm sàng nhanh hơn, mức giảm biểu hiện ER nhiều hơn so với điều trị bằng tamoxifen đơn lẻ [50].

Mặc dù tinh dầu Hoa anh thảo không có đặc tính estrogen, nhưng bệnh nhân ung thư vú khi lựa chọn tinh dầu Hoa anh thảo cần kiểm tra các thành phần khác trong sản phẩm thương mại, vì nó có thể bổ sung các loại phytoestrogen khác ảnh hưởng đến quá trình điều trị bệnh [51].

14. Gừng [52]

Tên gọi khác: Zingiber officinale, Sinh khương

Công dụng: Gừng được sử dụng giảm buồn nôn, nôn hoặc trong các trường hợp cảm mạo, đau nhức.

Thận trọng: Sử dụng quá nhiều gừng có thể gây ợ nóng, phát ban.

Nghiên cứu lâm sàng: Những nghiên cứu về tác dụng của gừng trên bệnh ung thư cho nhiều kết quả khác nhau. Tác giả Totmaj và cộng sự đã tổng hợp phân tích kết quả các thử nghiệm ngẫu nhiên có đối chứng về tác dụng của gừng với vấn đề buồn nôn, nôn do hóa trị liệu ở bệnh nhân ung thư vú. Kết quả cho thấy gừng làm giảm cảm giác buồn nôn trong giai đoạn cấp tính của quá trình hóa trị ở bệnh nhân ung thư vú [53].

Nghiên cứu về tác dụng của hoạt chất [10]-gingerol có trong gừng trên tế bào ung thư vú thể bộ ba âm tính. Kết quả cho thấy [10]-gingerol gây ra quá trình apoptosis tế bào ung thư, tăng sự hoạt hóa caspase-3 và ức chế sự phát triển của khối u [54].

Trong một nghiên cứu khác được thực hiện đánh giá tác dụng của hỗn hợp chiết xuất nghệ, gừng, tỏi trên dòng tế bào ung thư vú MCF-7, ZR-75 và MDA-MB 231. Kết quả hỗn hợp gây ra quá trình chết tế bào ở tất cả các dòng tế bào ung thư vú, nhưng mạnh hơn ở dòng MCF-7, ZR-75 so với MDA-MB 231. Khi kết hợp cùng tamoxifen, mức độ apoptosis cao hơn so với sử dụng tamoxifen đơn thuần [55].

15. Tỏi [14]

Tên gọi khác: Allium sativum

Công dụng: Tỏi chứa nhiều hoạt chất chống oxy hóa. Một số thành phần chính trong tỏi được biết đến có tác dụng ngăn ngừa và điều trị ung thư vú.

Thận trọng: Tỏi có thể gây hôi miệng, ợ chua, đầy hơi, tiêu chảy. Hoặc làm tăng nguy cơ chảy máu khi dùng cùng các thuốc chống đông máu, asprin, thuốc ức chế tập kết tiểu cầu [56]

Nghiên cứu lâm sàng: Các hợp chất lưu huỳnh hữu cơ là thành phần hoạt tính chính của tỏi có tác dụng với bệnh ung thư [14]. Cơ chế chống ung thư của các hợp chất này bao gồm kích hoạt các enzym chuyển hóa giải độc các chất gây ung thư hóa học, ức chế sự hình thành bổ sung DNA, ức chế tạo các gốc tự do (ROS), điều chỉnh quá trình apoptosis tế bào [57].

Một nghiên cứu đối chứng được thực hiện nhằm đánh giá mối liên quan giữa việc tiêu thụ tỏi và nguy cơ ung thư vú. Nghiên cứu thực hiện trên 285 phụ nữ được chẩn đoán mắc ung thư vú được xác nhận về mặt mô học (độ II, III). Kết quả cho thấy nhóm tiêu thụ nhiều tỏi và tỏi tây giảm tỷ lệ nguy cơ ung thư vú. Trong khi nhóm tiêu thụ nhiều hành tây nấu chín làm tăng nguy cơ lên [58].

16. Đương Quy [59]

Tên gọi khác: Agelica sinensis

Công dụng: Đương quy được sử dụng để làm giảm các triệu chứng tiền mãn kinh, thiếu máu, cao huyết áp, táo bón.

Thận trọng: Đương quy có thể an toàn cho người lớn khi dùng kéo dài tới 6 tháng. Đương quy làm tăng sự nhạy cảm của da với ánh nắng mặt trời, khiến da dễ bị cháy nắng hoặc ung thư da [60].

Nghiên cứu lâm sàng: Những nghiên cứu trước đây đã cho thấy Đương quy thể hiện hoạt tính estrogen [61], và kích thích sự tăng sinh của tế bào ung thư vú dòng MCF-7 [62]. Nhưng trong kết quả nghiên cứu khác của tác giả Gar-Lee Yue và cộng sự (2019), Đương quy không phải là chất kích thích ung thư vú cả in vivo và in vitro. Mặc dù vậy Đương quy vẫn nên sử dụng thận trọng trên những bệnh nhân ung thư vú dương tính với thụ thể estrogen [63].

Tóm lược

Có rất nhiều thực phẩm bổ sung nguồn gốc thực vật được quan tâm trong điều trị ung thư vú. Tuy nhiên hầu hết các nghiên cứu lâm sàng đã thực hiện đều dừng ở quy mô tế bào trong ống nghiệm. Để đưa ra được khuyến cáo chắc chắn về một loại thực phẩm bổ sung nào hiệu quả với bệnh nhân ung thư vú sẽ cần nhiều nghiên cứu hơn nữa. Do đó điều quan trọng trước khi bổ sung bất cứ sản phẩm nào, người bệnh nên trao đổi với bác sỹ điều trị để được đánh giá giữa lợi ích và nguy cơ, cũng như hướng dẫn cách bổ sung đúng và hiệu quả nhất.

(Bài đăng trên website: Mạng lưới ung thư vú Việt Nam – BCNV)

Tài liệu tham khảo:

  1. Aloe Vera https://www.breastcancer.org/tips/nutrition/supplements/known/aloe_vera
  2. The use of aloe vera in cancer radiation
    https://fisherpub.sjfc.edu/cgi/viewcontent.cgi?article=1042&context=doctoral_ext_pub
  3. Alpha-Lipoic Acid https://www.breastcancer.org/tips/nutrition/supplements/known/alpha_lipoic
  4. Lipoic acid decreases breast cancer cell proliferation
    https://www.nature.com/articles/s41416-020-0729-6
  5. Lipoic Acid Decreases the Viability of Breast Cancer Cells and Activity of PTP1B and SHP2
    https://ar.iiarjournals.org/content/37/6/2893
  6. Amygdalin https://www.breastcancer.org/tips/nutrition/supplements/known/amygdalin
  7. Amygdalin Regulates Apoptosis and Adhesion in Hs578T Triple-Negative Breast Cancer Cells
    https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC4703354/
  8. Antitumor Action of Amygdalin on Human Breast Cancer Cells
    https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/30407870/
  9. Astragalus https://www.breastcancer.org/tips/nutrition/supplements/known/astragalus
  10. Extract from Astragalus membranaceus inhibit breast cancer cells proliferation
    https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC5845298/
  11. Astragalus polysaccharide inhibits breast cancer cell migration and invasion
    https://www.spandidos-publications.com/10.3892/mmr.2020.10983#:~:text=Journal%20Home-,Astragalus%20polysaccharide%20inhibits%20breast%20cancer%20cell%20migration%20and%20invasion%20by,Wnt%2F%CE%B2%E2%80%91catenin%20signaling%20pathway
  12. Beta Carotene https://www.breastcancer.org/tips/nutrition/supplements/known/beta_carotene
  13. Longitudinal biological exposure to carotenoids is associated with breast cancer
    https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/19190138/
  14. Phytotherapy and Nutritional Supplements on Breast Cancer
    https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC5563402/
  15. Plasma carotenoids, vitamin C, tocopherols, and retinol and the risk of breast cancer
    https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/26791185/
  16. Black Cohosh https://www.breastcancer.org/tips/nutrition/supplements/known/black_cohosh
  17. Cimicifuga racemosa medicinal products
    https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/28155126/
  18. KHF16 is a Leading Structure from Cimicifuga foetida that Suppresses Breast Cancer Partially
    https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/27162557/
  19. Black cohosh increases metastatic mammary cancer in transgenic mice expressing c-erbB2
    https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/18922910/
  20. Isopropanolic black cohosh extract and recurrence-free survival after breast cancer
    https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/17416109/
  21. Coadministration of the aromatase inhibitor formestane and an isopropanolic extract of black cohosh
    https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/17354167/
  22. Green Tea https://www.breastcancer.org/tips/nutrition/supplements/known/green_tea
  23. The effects of green tea consumption on incidence of breast cancer and recurrence of breast cancer
    https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/15911927/
  24. Green tea and breast cancer https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/21538855/
  25. Green tea polyphenol epigallocatechin-3-gallate (EGCG) as adjuvant in cancer therapy
    https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/23582951/
  26. Flaxseed or Flaxseed Oil https://www.breastcancer.org/tips/nutrition/supplements/known/flaxseed
  27. Consumption of flaxseed, a rich source of lignans, is associated with reduced breast cancer risk
    https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/23354422/
  28. Ginseng https://www.breastcancer.org/tips/nutrition/supplements/known/ginseng
  29. Ginsenoside Rp1 from Panax ginseng exhibits anti-cancer activity by down-regulation of the IGF-1R/Akt pathway in breast cancer cells
    https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/21748437/
  30. Chemo-sensitivity enhancing effects of Shengmai Injection on various chemotherapeutic drugs
    https://pesquisa.bvsalud.org/portal/resource/pt/wpr-855416
  31. Chamomile https://www.breastcancer.org/tips/nutrition/supplements/known/chamomile
  32. Effect of Chamomile Mouthwash and Topical Mouth Rinse in Prevention of Chemotherapy-Induced Oral Mucositis http://ijbc.ir/article-1-724-en.pdf
  33. Cytotoxic Activity of Matricaria Chamomilla Root Extract in Human Breast Cancer Cell Line MCF-7
    https://www.researchgate.net/publication/279204214_In_Vitro_Cytotoxic_Activity_of_Matricaria_Chamomilla_Root_Extract_in_Human_Breast_Cancer_Cell_Line_MCF-7
  34. The Hydroalcoholic Extract of Matricaria chamomilla Suppresses Migration and Invasion of Human Breast Cancer MDA-MB-468 and MCF-7 Cell Lines
    https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC5330110/
  35. Echinacea https://www.cancerresearchuk.org/about-cancer/cancer-in-general/treatment/complementary-alternative-therapies/individual-therapies/echinacea
  36. Proliferative activity of Echinacea angustifolia root extracts on cancer cells: Interference with doxorubicin cytotoxicity https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/17193302/
  37. Turmeric https://www.breastcancer.org/tips/nutrition/supplements/known/turmeric
  38. Turmeric https://www.webmd.com/vitamins/ai/ingredientmono-662/turmeric
  39. The effect of curcumin on breast cancer cells https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/23843843/
  40. Dissecting the role of curcumin in tumour growth and angiogenesis in mouse model of human breast cancer
    https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/25879038/
  41. Red Clover https://www.breastcancer.org/tips/nutrition/supplements/known/red_clover
  42. Soy, Red Clover, and Isoflavones and Breast Cancer: A Systematic Review
    https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC3842968/
  43. Red Clover https://www.mskcc.org/cancer-care/integrative-medicine/herbs/red-clover
  44. Reishi https://www.breastcancer.org/tips/nutrition/supplements/known/reishi
  45. Ganoderma lucidum Extract Reduces the Motility of Breast Cancer Cells
    https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/31109134/
  46. Anti-Tumor Effects of Ganoderma lucidum (Reishi) in Inflammatory Breast Cancer
    https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC3585368/
  47. Anti-breast Cancer Enhancement of a Polysaccharide From Spore of Ganoderma lucidum With Paclitaxel
    https://www.frontiersin.org/articles/10.3389/fmicb.2018.03099/full
  48. Evening primrose oil https://www.webmd.com/vitamins/ai/ingredientmono-1006/evening-primrose-oil#:~:text=When%20taken%20by%20mouth%3A%20Evening,and%20headache%20in%20some%20people.
  49. Primrose Oil Component Cuts Levels Of Cancer-causing Gene Her-2/neu
    https://www.sciencedaily.com/releases/2005/11/051104072900.htm
  50. Gamma linolenic acid with tamoxifen as primary therapy in breast cancer
    https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/10699943/
  51. Evening primrose oil https://www.mskcc.org/cancer-care/integrative-medicine/herbs/evening-primrose-oil
  52. Ginger https://www.breastcancer.org/tips/nutrition/supplements/known/ginger
  53. The effect of ginger (Zingiber officinale) on chemotherapy-induced nausea and vomiting in breast cancer patients https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/31225678/
  54. [10]-gingerol induces apoptosis and inhibits metastatic dissemination of triple negative breast cancer in vivo
    https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC5641128/
  55. Anti-cancer potential of a mix of natural extracts of turmeric, ginger and garlic
    https://www.sciencedirect.com/science/article/pii/S2314808X17302269
  56. Garlic https://www.webmd.com/vitamins/ai/ingredientmono-300/garlic
  57. Anticancer effects of garlic and garlic-derived compounds for breast cancer control
    https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/21269259/
  58. Associations between Dietary Allium Vegetables and Risk of Breast Cancer
    https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/27721879/
  59. Dong Quai https://www.breastcancer.org/tips/nutrition/supplements/known/dong_quai
  60. Dong Quai https://www.webmd.com/vitamins/ai/ingredientmono-936/dong-quai
  61. Evaluation of estrogenic activity of plant extracts for the potential treatment of menopausal symptoms
    https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/11368622/
  62. Estrogenic activity of herbs commonly used as remedies for menopausal symptoms
    https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/11875334/
  63. Is Danggui Safe to be Taken by Breast Cancer Patients?—A Skepticism Finally Answered by Comprehensive Preclinical Evidence https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC6604035/

Đọc thêm các bài viết chăm sóc sức khỏe gia đình khác tại đây.

Nếu bạn có bất cứ điều gì về sức khỏe muốn chia sẻ hay các câu hỏi về thuốc, hãy để lại comment hoặc nhắn tin theo địa chỉ email: nguyenvunguyetminh@gmail.com . Tôi luôn sẵn sàng lắng nghe và hỗ trợ bạn vì một cộng đồng sử dụng thuốc an toàn.

Tags: Sức khỏe gia đìnhthực phẩm bổ sungung thư vú
ShareTweetPin
Nguyễn Vũ Nguyệt Minh

Nguyễn Vũ Nguyệt Minh

Pharmacist & Writer

Bạn đọc quan tâm

Dinh dưỡng ở người cao tuổi
Sức khỏe gia đình

Trầm cảm ở người cao tuổi

by Nguyễn Vũ Nguyệt Minh
28/04/2025

...

Read more
Thai đôi dinh dưỡng nhân đôi
Sức khỏe gia đình

Thai đôi- Gấp đôi dinh dưỡng, liệu có đúng?

by Nguyễn Vũ Nguyệt Minh
27/10/2024

...

Read more
5 SỰ THẬT VỀ CÚM MÙA
Sức khỏe gia đình

5 SỰ THẬT VỀ CÚM MÙA

by Nguyễn Vũ Nguyệt Minh
15/08/2024

...

Read more
thực phẩm chức năng cho tiểu đường
Sức khỏe gia đình

Có nên dùng thực phẩm chức năng trong bệnh tiểu đường?

by Nguyễn Vũ Nguyệt Minh
12/05/2024

...

Read more
thị lực người cao tuổi
Sức khỏe gia đình

5 Cách giúp bảo vệ thị lực người cao tuổi

by Nguyễn Vũ Nguyệt Minh
04/05/2024

...

Read more
Vitamin và khoáng chất trong tiểu đường
Sức khỏe gia đình

Bổ sung vitamin và khoáng chất trong bệnh tiểu đường

by Nguyễn Vũ Nguyệt Minh
12/05/2024

...

Read more
Load More
Next Post
Thực phẩm bổ sung và Ung thư vú

Thực phẩm bổ sung trong Ung thư vú – P2

Vitamin và khoáng chất trong tiểu đường

Bổ sung vitamin và khoáng chất trong bệnh tiểu đường

Subscribe
Notify of
guest
guest
0 Comments
Oldest
Newest Most Voted
Inline Feedbacks
View all comments

Bài viết mới

Ước mơ
Chuyện của Minh

Ước mơ

by Nguyễn Vũ Nguyệt Minh
10/05/2025

Mike đã bước vào những ngày cuối của năm lớp 5, chuẩn bị sang một bước chuyển mới. Buổi chụp...

Read more
Dinh dưỡng ở người cao tuổi

Trầm cảm ở người cao tuổi

28/04/2025
Cuộc du hành của ba anh em

Cuộc du hành của ba anh em

23/02/2025
1001 Tài Nguyên Marketing Ngành Dược Giá Trị

1001 Tài Nguyên Marketing Ngành Dược Giá Trị

23/02/2025
Tôi làm gì khi trở thành Freelancer writer (P1)

Tôi làm gì khi trở thành Freelancer (P4)

01/02/2025
Facebook Twitter

Cảm ơn bạn đã ghé thăm và đọc các bài viết. Bạn có thể đăng ký nhận thông tin bài viết mới tại đây, hoặc gửi email cho tôi:
nguyenvunguyetminh@gmail.com

    Vui lòng ghi rõ
    (*) Nguồn: https://nguyenvunguyetminh.vn
    khi đăng tải nội dung được sao chép
    từ website này.

    © 2020 Nguyễn Vũ Nguyệt Minh - Pharmacist & Writer.

    No Result
    View All Result
    • Trang chủ
    • Marketing Dược
    • Sức khỏe gia đình
    • Chuyện của Minh
    • Tôi là Minh

    © 2020 Nguyễn Vũ Nguyệt Minh - Pharmacist & Writer.

    Welcome Back!

    Login to your account below

    Forgotten Password?

    Retrieve your password

    Please enter your username or email address to reset your password.

    Log In
    wpDiscuz
    0
    0
    Would love your thoughts, please comment.x
    ()
    x
    | Reply