Danh sách các thực phẩm bổ sung thường gặp trong bệnh ung thư vú được tham khảo từ nguồn:
https://www.breastcancer.org/tips/nutrition/supplements/known
https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC5563402/
Nội dung bài viết
Phần 2: Nhóm hoạt chất
1. Vitamin tổng hợp
Công dụng: Vitamin tổng hợp hay multivitamin là sản phẩm có thành phần chứa nhiều loại vitamin và khoáng chất khác nhau. Vitamin tổng hợp thường được bổ sung với mục đích cải thiện hoặc duy trì sức khỏe, bổ sung vi chất dinh dưỡng thiếu hụt do chế độ ăn không đáp ứng [2]
Thận trọng: Tác dụng phụ thường gặp nhất khi bổ sung vitamin tổng hợp là táo bón, tiêu chảy, buồn nôn hoặc đau bụng. Hiếm gặp hơn, trong những trường hợp bổ sung các vi chất vượt quá ngưỡng hấp thu của cơ thể (UL – Tolerable Upper Intake Level), sẽ gặp tình trạng đau đầu, mất ngủ, chảy máu cam hoặc bệnh gout [2]
Nghiên cứu lâm sàng: Một nghiên cứu theo dõi kéo dài 9.5 năm của tác giả Larsson và cộng sự đánh giá việc sử dụng vitamin tổng hợp và nguy cơ ung thư vú. Kết quả cho thấy nguy cơ ung thư vú gia tăng 19% ở nhóm có tần suất tiêu thụ vitamin tổng hợp cao (≥ 7 viên/ tuần); gia tăng 22% ở nhóm có bổ sung vitamin tổng hợp kéo dài (≥ 3 năm) [3]. Tuy nhiên, một số tác giả khác không tìm thấy bất cứ mối liên hệ nào giữa việc tiêu thụ vitamin tổng hợp và nguy cơ ung thư vú [1].
Cho đến nay chưa, chưa có thử nghiệm ngẫu nhiên nào đánh giá kết quả của việc bổ sung vitamin tổng hợp với độc tính hoặc tỷ lệ sống sót sau khi chẩn đoán ung thư vú. Một số nghiên cứu quan sát cho thấy, việc bổ sung vitamin tổng hợp không mang lại lợi ích hay gây hại gì tới độc tính cũng như khả năng sống sót của các bệnh nhân ung thư vú giai đoạn đầu [1]
2. Vitamin A
Công dụng: Vitamin A là một loại vitamin tan trong chất béo. Là thành phần rất quan trọng đối với thị lực bình thường, hệ thống miễn dịch và sinh sản. Vitamin A cũng giúp tim, phổi, thận và các cơ quan khác hoạt động tốt. Vitamin A hấp thu qua chế độ ăn bởi hai dạng: Retinol trong thực phẩm nguồn gốc động vật và carotenoids trong trái cây và rau xanh [4]
Thận trọng: Bổ sung quá nhiều vitamin A có thể gây chóng mặt, buồn nôn, đau đầu, hôn mê và thậm chí tử vong. Thừa vitamin A ở phụ nữ mang thai sẽ gây dị tật bẩm sinh cho thai nhi [4]
Nghiên cứu lâm sàng: Nghiên cứu đánh giá nồng độ vitamin A huyết thanh trên bệnh nhân ung thư vú giai đoạn trước và sau xạ trị. Kết quả cho thấy sau khi xạ trị có sự giảm đáng kể lượng retinol và β-caroten huyết thanh [5].
Năm 2018, tác giả Juanjuan và cộng sự tiến hành một đánh giá hệ thống và phân tích tổng hợp kết quả của 10 nghiên cứu về mối liên quan giữa vitamin A và tỷ lệ sống sót của bệnh nhân ung thư vú. 19.450 trường hợp ung thư vú được đưa vào phân tích tổng hợp này. Kết quả cho thấy lượng β-caroten trong chế độ ăn có liên quan đáng kể đến khả năng sống sót chung của bệnh nhân ung thư vú. Không có sự ảnh hưởng nào với những dẫn xuất vitamin A khác như α-carotene, β-cryptoxanthin, lycopene, retinol, lutein [6].
Theo kết quả nghiên cứu SWOG S0221 công bố năm 2019, việc bổ sung bất kỳ chất chống oxy hóa nào (vitamin A, carotenoid) trước và trong khi điều trị đều có liên quan đến việc tăng nguy cơ tái phát hoặc tỷ lệ tử vong do ung thư vú [7].
3. Vitamin C
Công dụng: Vitamin C còn được gọi là axit L-ascorbic, là một vitamin tan trong nước. Vitamin C cần thiết cho quá trình sinh tổng hợp collagen, L-carnitine và một số chất dẫn truyền thần kinh. Ngoài ra vitamin C tham gia vào quá trình chuyển hóa protein, là một chất chống oxy hóa quan trọng của cơ thể [8].
Thận trọng: Vitamin C có độc tính thấp, không gây tác dụng phụ nghiêm trọng khi bổ sung quá nhiều. Một số tác dụng phụ thường gặp là tiêu chảy, buồn nôn, đau quặn bụng và các rối loạn tiêu hóa khác [8].
Nghiên cứu lâm sàng: Tháng 9 năm 2020, Zhang và cộng sự báo cáo phân tích tổng hợp 69 nghiên cứu lâm sàng về mối liên hệ giữa vitamin C với nguy cơ, tỷ lệ tử vong do ung thư vú. Kết quả cho thấy lượng vitamin C cao hơn có liên quan đáng kể đến việc giảm tỷ lệ mắc và tử vong do ung thư vú, nhưng không có tác dụng đáng kể trong việc ngăn ngừa ung thư vú [9].
Một số nghiên cứu gần đây báo cáo việc bổ sung vitamin C liều cao giúp tăng cường đáp ứng với liệu pháp miễn dịch, ức chế sự di chuyển của tế bào và sự xâm lấn của các dòng tế bào ung thư vú, làm chậm sự phát triển của ung thư theo cách phụ thuộc vào tế bào T [10, 11]. Tuy nhiên theo kết quả nghiên cứu SWOG S0221, việc bổ sung chất chống oxy hóa như vitamin C trước và trong khi điều trị đều có liên quan đến việc tăng nguy cơ tái phát, và tăng mức độ thấp hơn tỷ lệ tử vong do ung thư vú [7].
4. Vitamin E
Công dụng: Vitamin E là vitamin tan trong chất béo. Trong cơ thể vitamin E hoạt động như một chất chống oxy hóa bảo vệ tế bào. Ngoài ra vitamin E giúp tăng cường hệ miễn dịch, chống viêm, bảo vệ mạch máu và nhiều chức năng quan trọng khác trong các bệnh lý tim mạch, ung thư, chuyển hóa… [12].
Thận trọng: Vitamin E tự nhiên có trong thực phẩm và đồ uống không có hại và không cần phải hạn chế. Tuy nhiên dạng bổ sung, vitamin E liều cao có thể làm tăng nguy cơ chảy máu, xuất huyết não. Giới hạn bổ sung vitamin E cho người lớn là 1000 mg/ngày (tương đương 1500 IU vitamin E tự nhiên hoặc 1000 IU vitamin E tổng hợp) [12].
Nghiên cứu lâm sàng: Việc bổ sung vitamin E trên bệnh nhân ung thư vú cho những kết quả khác nhau. Trong thử nghiệm HOPE-TOO cho thấy việc bổ sung vitamin E kéo dài (7,1 năm) không ảnh hưởng đến tỷ lệ ung thư vú của mỗi cá nhân [13]. Việc bổ sung vitamin E có thể làm giảm tác dụng chống tăng sinh của tamoxifen [14]. Các thử nghiệm ngẫu nhiên có đối chứng với giả dược khác cho thấy sử dụng pentoxifylline và vitamin E sau khi xạ trị ở phụ nữ ung thư vú có thể ngăn ngừa các tác dụng phụ do bức xạ gây ra [15, 16].
Tác giả Oliveira và công sự phân tích 25 trong tổng số 595 báo cáo về vitamin E và ung thư vú. Kết quả phân tích cho thấy vitamin E liên quan đến sự tăng sinh, chuyển hóa năng lượng, nhạy cảm với hóa chất và sự xâm lấn của khối u. Tuy nhiên tính an toàn khi bổ sung vitamin E vẫn còn nhiều tranh cãi. Việc bổ sung vitamin E cần tính toán kỹ lưỡng liều dùng, đường dùng, phân nhóm ung thư vú để tăng cường hiệu quả và giảm thiểu tác dụng không mong muốn [17].
5. Vitamin D
Công dụng: Vitamin D còn được gọi là calciferol là vitamin tan trong chất béo. Vitamin D thúc đẩy sự hấp thụ canxi trong ruột và duy trì nồng độ canxi và phốt phát trong huyết thanh, cho phép quá trình khoáng hóa xương diễn ra bình thường và ngăn ngừa hạ calci huyết. Nó cũng cần thiết cho sự phát triển và tái tạo xương bởi nguyên bào xương và tế bào hủy xương. Ngoài ra vitamin D còn liên quan đến tăng trưởng tế bào, chức năng thần kinh cơ và miễn dịch, và chuyển hóa glucose [18].
Thận trọng: Vitamin D dư thừa làm tăng hấp thu canxi ở đường tiêu hóa, gây tăng canxi huyết, tăng canxi niệu. Biểu hiện tăng canxi huyết như buồn nôn, nôn, yếu cơ, rối loạn tâm thần kinh, chán ăn, mất nước, đa niệu, khát nước quá mức và sỏi thận. Trường hợp nghiêm trọng, ngộ độc vitamin D gây suy thận, vôi hóa các mô mềm khắp cơ thể (kể cả trong mạch vành và van tim), rối loạn nhịp tim, thậm chí tử vong [18].
Nghiên cứu lâm sàng: Sự thiếu hụt vitamin D phổ biến ở bệnh nhân ung thư nói chung và ung thư vú nói riêng [1]. Mặc dù không tìm thấy mối liên quan giữa nồng độ vitamin D trong huyết thanh ở phụ nữ tiền mãn kinh, nhưng mối liên quan nghịch đảo dường như thể hiện rõ ở giai đoạn sau mãn kinh với giá trị ngưỡng huyết thanh là 27 ng/ml [19]. Trong một nghiên cứu khác, Lee và cộng sự phát hiện vitamin D có tác dụng bảo vệ chống lại ung thư vú ở với phụ nữ tiền mãn kinh có cân nặng bình thường [20].
Nghiên cứu WHEL (2011) đã báo cáo nồng độ vitamin D huyết thanh (25(OH) D) sau khi điều trị không liên quan đến tái phát ung thư vú [21]. Một nghiên cứu khác đánh giá biểu hiện của thụ thể vitamin D (VDR) trong các khối u vú xâm lấn cho thấy biểu hiện VDR cao là một yếu tố tiên lượng tích cực như: Kích thước khối u nhỏ hơn, nguy cơ tử vong thấp hơn [22]. Phân tích tổng hợp 7 nghiên cứu lâm sàng về tác dụng của vitamin D với ung thư vú được báo cáo vào tháng 4 năm 2021 bởi tác giả Ziyi Li và cộng sự. Tổng số 19.137 phụ nữ được đưa vào phân tích, tuy nhiên không có đủ bằng chứng chứng minh hiệu quả của việc bổ sung vitamin D đối với nguy cơ ung thư vú hay thay đổi mật độ chụp nhũ ảnh [23].
6. Canxi
Công dụng: Canxi là chất khoáng dồi dào nhất trong cơ thể. Canxi tạo nên phần lớn cấu trúc của xương và răng và cho phép cơ thể vận động bình thường bằng cách giữ cho mô cứng, mạnh và linh hoạt. Một nhóm nhỏ canxi ion hóa trong hệ thống tuần hoàn, dịch ngoại bào và các mô khác nhau làm trung gian cho sự co và giãn mạch máu, chức năng cơ, đông máu, dẫn truyền thần kinh và bài tiết nội tiết tố [24].
Thận trọng: Tăng canxi huyết và canxi niệu hiếm gặp ở người khỏe mạnh, thường gặp do ung thư, cường cận giáp nguyên phát, và các bệnh lý khác. Tăng canxi huyết và canxi niệu có thể gây kém trương lực cơ, suy thận, giảm phosphate huyết, táo bón, buồn nôn, sụt cân, mệt mỏi, đa niệu, loạn nhịp tim và nguy cơ tử vong do bệnh tim mạch cao hơn [24].
Nghiên cứu lâm sàng: Các nghiên cứu về lượng canxi trong chế độ ăn và nguy cơ ung thư vú còn chưa nhất quán. Trong một nghiên cứu thuần tập lớn thực hiện tại Châu Âu cho thấy canxi trong chế độ ăn không liên quan với nguy cơ ung thư vú [25]. Những tác giả khác lại tìm thấy mối quan hệ nghịch đảo giữa lượng canxi và nguy cơ ung thư vú, có liên quan hoặc không với tình trạng mãn kinh [26, 27]. Tác giả Almquist đã phát hiện nồng độ canxi huyết liên quan tích cực đến sự phát triển ung thư vú ở phụ nữ mãn kinh có hoặc không thừa cân [28]
Cho đến nay vẫn chưa có sự thống nhất về chế độ ăn uống tối ưu lượng canxi để giảm nguy cơ ung thư vú [1]. Một số nghiên cứu đã báo cáo rằng việc bổ sung canxi có liên quan đến việc tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch, vì vậy các thử nghiệm trong tương lai nên được xem xét đánh giá tính an toàn và hiệu quả của việc bổ sung canxi ở phụ nữ đang điều trị ung thư vú [1].
7, Selen
Công dụng: Selen là thành phần của hơn hai mươi selenoprotein đóng vai trò quan trọng trong sinh sản, chuyển hóa hormone tuyến giáp, tổng hợp DNA và bảo vệ khỏi tổn thương oxy hóa và nhiễm trùng [29].
Thận trọng: Tiêu thụ quá nhiều selen khiến hơi thở có mùi tỏi, miệng có vị kim loại. Lâ dài dẫn tới tóc và móng tay bị rụng hoặc dễ gãy. Các triệu chứng khác bao gồm tổn thương da và hệ thần kinh, buồn nôn, tiêu chảy, phát ban trên da, răng lốm đốm, mệt mỏi, khó chịu và bất thường hệ thần kinh [29].
Nghiên cứu lâm sàng: Selen là nguyên tố vi lượng quan trọng được công nhận là chất bảo vệ trong một số loại ung thư [30]. Duy trì mức selen thích hợp sẽ mang lại lợi ích trong điều trị và hoạt động phòng ngừa ung thư vú [31]. Tác giả Eun-Hyun Lee đã chứng minh bổ sung selen có tác dụng phòng ngừa ung thư ở những bệnh nhân có mức selen huyết thanh ban đầu thấp và có nguy cơ cao bị ung thư [32]. Từ những nghiên cứu này, các nhà khoa học cho rằng nên đo mức selen huyết thanh của bệnh nhân ung thư trước khi quyết định bổ sung selen [33].
Những kết quả nghiên cứu khác cho thấy trên bệnh nhân ung thư vú có mức selen toàn phần trong máu thấp hơn đáng kể so với nhóm đối chứng khỏe mạnh. Bổ sung selen có thể làm giảm tác dụng phụ của các liệu pháp gây độc tế bào thông thường, giảm viêm niêm mạc do xạ trị và tăng cường hoạt động chống khối u của thuốc chống ung thư [33].
8. Vitamin B tổng hợp
Công dụng: Vitamin B tổng hợp bao gồm 8 loại vitamin tan trong nước: Vitamin B1 (thiamine), vitamin B2 (riboflavin), vitamin B3 (niacin hoặc niacinamide), vitamin B5 (axit pantothenic), vitamin B6 (pyridoxine), vitamin B7 (biotin), vitamin B9 (axit folic), và vitamin B12 (cobalamins, cyanocobalamin). Mỗi loại vitamin B có một chức năng cụ thể trong cơ thể như chuyển hóa năng lượng, giúp điều trị đau nửa đầu, trầm cảm, các vết thương ngoài da, lở loét… [34].
Thận trọng: Vitamin B dư thừa sẽ đào thải khỏi cơ thể qua đường nước tiểu. Tuy nhiên nếu bổ sung một lượng vitamin B quá cao, tác dụng phụ có thể gây ra như tăng đường huyết, tụt huyết áp, đau đầu, mệt mỏi, tổn thương gan [34].
Nghiên cứu lâm sàng: Trong các nghiên cứu lâm sàng khác nhau, các tác giả đã xác minh rằng một số vitamin thuộc nhóm B (như folate, vitamin B6, vitamin B12) không làm giảm nguy cơ phát triển ung thư vú, nhưng một số tác giả khác lại báo cáo có sự liên quan [1].
Kết quả nghiên cứu của Kim và cộng sự chỉ ra rằng nồng độ folate (vitamin B9) cao trong huyết tương có thể liên quan đến tăng nguy cơ ung thư vú ở những phụ nữ có đột biến BRCA1/2 (gen ức chế khối u) [35]. Một nghiên cứu khác lại cho thấy nồng độ folate và vitamin B12 trong huyết tương không liên quan đến nguy cơ ung thư vú hoặc tình trạng thụ thể hormone [36].
Trong một nghiên cứu thuần tập khác, các kết luận chính được báo cáo như: Nồng độ vitamin B6 cao trong huyết tương có thể làm giảm nguy cơ ung thư vú, đặc biệt là ung thư vú thụ thể estrogen (+). Nồng độ riboflavin cao trong huyết tương có thể làm giảm nguy cơ ung thư vú ở phụ nữ tiền mãn kinh nhưng không giảm ở phụ nữ sau mãn kinh. Homocysteine và các vitamin B khác dường như không ảnh hưởng đến nguy cơ ung thư vú [37].
Các nghiên cứu phân tích tổng hợp khác nhau liên quan đến mức folate plasmatic hoặc folate (từ chế độ ăn uống và/hoặc thực phẩm bổ sung), các tác giả báo cáo không có mối liên quan giữa lượng folate và nguy cơ phát triển ung thư vú. Ngoài ra việc tiêu thụ đầy đủ folate có thể có tác dụng bảo vệ chống lại nguy cơ ung thư vú ở phụ nữ có mức tiêu thụ rượu từ trung bình đến cao [38].
Theo kết quả một nghiên cứu khác, các tác giả đã xác minh rằng lượng vitamin B1 và B3 trong chế độ ăn uống cao hơn giúp cải thiện khả năng sống sót của bệnh ung thư vú [39]. Trong nghiên cứu đa trung tâm, ngẫu nhiên, có kiểm soát đối chứng, Wohlrab và cộng sự đã chứng minh bổ sung vitamin B3 (niacinamide) giúp kiểm soát các tác dụng phụ trên da (như ngứa, khô, kích ứng da) và duy trì chất lượng cuộc sống của bệnh nhân ung thư vú đang điều trị bằng thuốc kìm tế bào [40].
9. Axit béo chưa no Omega-3 (PUFA)
Công dụng: Omega-3 là nhóm các axit béo chưa bão hòa, bao gồm axit axit alpha-linolenic (ALA), axit eicosapentaenoic (EPA), axit docosahexaenoic (DHA). ALA có nhiều trong dầu thực vật như hạt lanh, hạt chia, quả óc chó. EPA và DHA có nhiều trong các loại cá béo nước lạnh như cá hồi, cá trích, cá thu, cá mòi. Các axit béo omega-3 giúp duy trì các tế bào trong cơ thể. Ngoài ra omega-3 có tác dụng giảm viêm, giảm nguy cơ đau tim, chống béo phì [41].
Thận trọng: Tác dụng phụ khi bổ sung omega-3 thường nhẹ. Một số biểu hiện hay gặp như hơi thở có mùi hôi, đau đầu, ợ nóng, buồn nôn, tiêu chảy. Khi sử dụng omega-3 liều cao cùng các thuốc chống đông máu sẽ làm tăng nguy cơ chảy máu [41].
Nghiên cứu lâm sàng: Trong một nghiên cứu tiền cứu dài hạn, Brasky và cộng sự cho thấy mối liên hệ nghịch giữa việc bổ sung axit béo omega-3 và nguy cơ ung thư vú [42]. Báo cáo năm 2013 của tác giả Zheng, có mối quan hệ nghịch đảo giữa việc bổ sung n – 3 PUFA trong chế độ ăn và nguy cơ ung thư vú. Việc tăng n-3 PUFA trong khẩu phần ăn 0,1 g/ngày có thể làm giảm 5% nguy cơ ung thư vú [43].
Nhiều nghiên cứu khác nhau đều cho thấy việc bổ sung dầu cá trong chế độ ăn uống có tác dụng phòng ngừa nguy cơ mắc bệnh ở phụ nữ tiền mãn kinh và bảo vệ bệnh nhân ung thư vú [1].
Sự kết hợp giữa omega-3 (4 g) và raloxifene (30 mg) làm giảm mức độ yếu tố tăng trưởng giống insulin (IGF-1) và cải thiện lipid huyết thanh, các hoạt động chống oxy hóa, chống viêm [44]. Một thử nghiệm giai đoạn II đã chứng minh lợi ích an toàn và tính khả thi của omega-3 khi được bổ sung cùng với hóa trị liệu. Trong thử nghiệm này, DHA được bổ sung 1,8 g/ngày cho bệnh nhân ung thư vú di căn đang hóa trị liệu dựa trên anthracycline (FEC). Mặc dù số lượng bệnh nhân hạn chế (n = 25), nhưng kết quả cho thấy sự gia tăng thời gian sống không bệnh và thời gian tiến triển bệnh lâu hơn ở những bệnh nhân có DHA huyết tương cao nhất [45].
EPA và DHA cũng có tác động tới các quá trình tế bào luận chuyển xương. Nghiên cứu trên những phụ nữ đã mãn kinh, sống sót sau ung thư vú có sử dụng chất ức chế men aromatase (AI) là chất làm giảm nồng độ estrogen, thúc đẩy mất xương và làm tăng nguy cơ gãy xương. Khi bổ sung thêm EPA và DHA liều cao (4g EPA+DHA mỗi ngày trong 3 tháng) đã làm giảm quá trình tiêu xương ở những bệnh nhân này. Tuy nhiên, cần có các nghiên cứu dài hạn hơn để đánh giá sự bảo tồn mật độ xương ở nhóm đối tượng có nguy cơ mất xương cao này [46].
10. Coenzyme Q10 (CoQ10)
Công dụng: Coenzyme Q10 là một chất chống oxy hóa hòa tan trong chất béo được cơ thể sản xuất tự nhiên và lưu trữ trong các thành phần của tế là ty thể. Nó có các liên kết với năng lượng, bảo vệ tế bào và cung cấp các lợi ích cho tim mạch [47].
Thận trọng: Các sản phẩm bổ sung coenzyme Q10 thường an toàn và dung nạp tốt. Một số tác dụng phụ có thể gặp phải là đau đầu, chóng mặt, mất ngủ, phát ban. Các thuốc statin có thể làm giảm lượng CoQ10 trong máu. CoQ10 làm tăng nguy cơ chảy máu trên bệnh nhân đang dùng các thuốc chống đông máu [47].
Nghiên cứu lâm sàng: Những nghiên cứu về hiệu quả của coenzyme Q10 trên bệnh nhân ung thư còn rất ít. Những nghiên cứu này thường có kích thước mẫu nhỏ và/ hoặc là nghiên cứu quan sát [49]. Một thử nghiệm trên 236 bệnh nhân ung thư vú nhận CoQ10 hoặc giả dược, mỗi loại kết hợp với vitamin E, trong 24 tuần. Nghiên cứu cho thấy mức độ mệt mỏi và chất lượng cuộc sống không được cải thiện ở bệnh nhân dùng CoQ10 so với bệnh nhân dùng giả dược [48]. Trong một nghiên cứu khác trên những trẻ em bị bệnh bạch cầu nguyên bào lympho cấp tính hoặc u lympho không Hodgkin điều trị bằng doxorubicin, CoQ10 giúp giảm tác hại của doxorubicin trên tim [48].
Mathew vào cộng sự đã tiến hành đánh giá có hệ thống tác dụng của CoQ10 với bệnh nhân ung thư vú. Báo cáo nêu ra ba vấn đề quan trọng trong chức năng của coenzyme Q10 liên quan đến ung thư bao gồm sản xuất năng lượng, chống oxy hóa và giảm mức độ các cytokine liên quan đến khối u (TNF-α, IL-2), các anion superoxide và tổn thương DNA trong các tế bào lympho ngoại vi [49].
Một số phụ nữ bị ung thư vú có nồng độ coenzyme Q10 trong huyết tương và mô thấp hơn mức bình thường, điều này có liên quan đến tiên lượng bệnh kém hơn. Bổ sung CoQ10 kết hợp với các liệu pháp điều trị khác có tác động tới sự thoái triển của khối u và tăng khả năng sống sót của bệnh nhân [49].
Trong nghiên cứu SWOG S0221, việc bổ sung CoQ10 trước và trong khi điều trị đều có liên quan đến việc tăng nguy cơ tái phát, và tăng mức độ thấp hơn tỷ lệ tử vong do ung thư vú [7]. Mặc dù được đánh gia là an toàn và là yếu tố triển vọng trong điều trị ung thư, cần nhiều hơn nữa các nghiên cứu lâm sàng với thiết kế lớn hơn để xác định liều dùng, thời điểm dùng và con đường tác động của coenzyme Q10 trên ung thư vú [50].
11. MGN-3
Công dụng: Là hợp chất có nguồn gốc từ cám gạo, nấm đông cô, nấm kawaratake và nấm suehirotake. MGN-3 được cho có tác dụng tăng cường miễn dịch, hỗ trợ điều trị các bệnh truyền nhiễm, ung thư, rối loạn miễn dịch.
Thận trọng: MGN-3 chưa được FDA phê duyệt là thuốc điều trị. Chưa có đủ thông tin đánh giá về mức độ an toàn của MGN-3.
Nghiên cứu lâm sàng: Những nghiên cứu về hiệu quả của MGN-3 trên bệnh nhân ung thư vú còn rất ít. Trong nghiên cứu của Gollapudi (2008) đánh giá tác động của MGN-3 trên các tế bào ung thư vú (BCC) nuôi cấy trong ống nghiệm với các nồng độ daunorubicin (DNR) khác nhau. Kết quả độ nhạy cảm với hóa chất của dòng tế bào MCF-7 tăng 5,5 lần; dòng tế bào HCC70 tăng 2,5 lần khi có mặt MGN-3 [51].
Kết quả phân tích 30 bài báo cáo của Soo Liang Ooi và cộng sự, MGN-3 được chứng minh có tác dụng chống ung thư, điều hòa miễn dịch và hiệp đồng với các tác nhân hóa trị liệu, in vitro. Tuy nhiên các nghiên cứu lâm sàng về MGN-3 cần được thiết kế tốt hơn để củng cố các bằng chứng về hiệu quả với bệnh nhân ung thư [52].
12. Probiotics (Men vi sinh)
Công dụng: Probiotics là những vi sinh vật sống có lợi cho sức khỏe khi được bổ sung cho cơ thể. Hai loại vi khuẩn thường được sử dụng nhất là Lactobacillus và Bifidobacterium. Probiotics có tác dụng phòng ngừa tiêu chảy liên quan đến kháng sinh, ngăn ngừa viêm ruột hoại tử và nhiễm trùng huyết ở trẻ sinh non, điều trị đau bụng ở trẻ sơ sinh, điều trị bệnh nha chu và giảm triệu chứng trong bệnh viêm loét đại tràng [53].
Thận trọng: Probiotics có thể gây ra các tác dụng phụ nhẹ như đầy hơi. Những người bệnh nặng hoặc hệ thống miễn dịch bị tổn thương có nguy cơ gặp những tác dụng phụ nghiêm trọng hơn như nhiễm trùng, sản xuất các chất có hại bởi các vi sinh vật probiotic và chuyển gen kháng kháng sinh từ các vi sinh vật probiotic sang các vi sinh vật khác trong đường tiêu hóa [53].
Nghiên cứu lâm sàng: Đánh giá của Ranjbar và cộng sự dựa trên tổng hợp kết quả của các nghiên cứu đã được thực hiện, probiotics ức chế sự tăng sinh của tế bào ung thư trong ống nghiệm, giảm kích thước khối u trên mô hình động vật. Các nghiên cứu trên người cho thấy việc tiêu thụ Lactobacillus casei shirota làm giảm tỷ lệ mắc bệnh ung thư vú. Tiêu thụ các sản phẩm sữa lên men và sữa chua có liên quan nghịch với tỷ lệ mắc bệnh ung thư vú [54].
Estrogen tự do làm tăng nguy cơ phát triển các khối u ác tính liên quan đến hormone, ví dụ như ung thư vú. Cơ chế tác động của probiotics có liên quan đến vai trò của của vi khuẩn đường tiêu hóa (GI bacteria) và mức độ estrogen thông qua việc tiết ra β-glucuronidase, một loại enzym phân hủy estrogen tự do [55].
Một số nghiên cứu trên động vật đã cho thấy lợi ích của probiotics đối với ung thư vú. Lactobacillus acidophilus thúc đẩy các phản ứng miễn dịch thông qua kích thích sản xuất các cytokine chống viêm như IFN-γ và ức chế sản xuất các cytokine chống viêm như IL-4 và IL-10, giúp kéo dài thời gian sống trên chuột có khối u vú [56]. Lactobacillus plantarum LS chống lại ung thư vú qua cơ chế điều hòa miễn dịch như: Ức chế đáng kể tần số khối u, tăng tế bào T Cd4 (+) trong mô khối u và giảm nồng độ yếu tố gây hoại tử khối u TNF-α trong huyết thanh; giảm của tế bào T Cd8 (+) trong máu và tăng trong mô khối u [57].
Tiềm năng của men vi sinh dạng uống chống lại ung thư vú đã được xác nhận bởi các thí nghiệm dựa trên tế bào ung thư vú ở người và động vật. Mặc dù các cơ chế khác nhau nhưng chủ yếu là do sự điều biến của vi khuẩn đường tiêu hóa (GI bacteria). Cần có nhiều nghiên cứu lâm sàng hơn để thiết lập giá trị của probiotics cũng như hiểu biết về cơ chế miễn dịch của chúng trong việc phòng ngừa và điều trị cho các bệnh nhân mắc ung thư vú [55].
13. Resveratrol
Công dụng: Resveratrol là một chất hóa học chủ yếu được tìm thấy trong nho đỏ và các sản phẩm làm từ nho đỏ (rượu vang, nước trái cây). Resveratrol có thể có nhiều tác dụng trong cơ thể, bao gồm dãn mạch máu và giảm đông máu, giảm sưng đau, giảm lượng đường trong máu và giúp cơ thể chống lại bệnh tật [58].
Thận trọng: Sử dụng liều cao resveratrol có thể gây khó chịu dạ dày. Resveratrol làm chậm quá trình đông máu và tăng nguy cơ chảy máu ở những người bị rối loạn đông máu [58].
Nghiên cứu lâm sàng: Resveratrol hoạt động tương tự estrogen yếu, do đó nghiên cứu về tác dụng của resveratrol trên ung thư vú còn có những kết quả trái ngược nhau. Nghiên cứu của Andreani và cộng sự đã chứng minh cơ chế hoạt động của resveratrol như một chất ức chế proteasome thúc đẩy sự phát triển khối u trong mô hình ung thư vú nhóm luminal B (HER2 + / ERα +) [59].
Đánh giá vai trò của resveratrol trong liệu pháp điều trị ung thư, các tác giả đã báo cáo resveratrol thể hiện các đặc tính chống ung thư ở động vật. Uống resveratrol được phát hiện làm giảm sự hình thành khối u do N-nitoso-N-methylurea (NMU) gây ra ở chuột; tăng quá trình chết rụng và giảm hình thành mạch trên tế bào MDA-MB-231 có ERβ +. Những tác dụng của resveratrol với ung thư vú phụ thuộc vào liều lượng và đường dùng [60].
14. Sụn vi cá mập
Công dụng: Sụn vi cá mập là mô đàn hồi, dẻo dai của con cá mập, được sử dụng làm thuốc. Sụn cá mập được sử dụng nổi tiếng nhất đối với bệnh ung thư. Ngoài ra còn sử dụng cho bệnh viêm xương khớp, bệnh vẩy nến mảng bám, giảm thị lực do tuổi tác, chữa lành vết thương, tổn thương võng mạc mắt do bệnh tiểu đường và viêm ruột [61].
Thận trọng: Sụn vi cá mập an toàn khi dùng đường uống. Một số tác dụng phụ có thể gặp phải như mùi vị khó chịu trong miệng, buồn nôn, nôn mửa, đau dạ dày, táo bón, huyết áp thấp, chóng mặt, lượng đường trong máu cao, lượng canxi cao, suy nhược và mệt mỏi. Nó cũng có thể gây rối loạn chức năng gan [61].
Nghiên cứu lâm sàng: Trong những giả thuyết về cách thức hoạt động của sun vi cá mập đối với ung thư, giả thuyết sụn tiết ra các chất ngăn chặn sự hình thành mạch khối u được cho là đúng nhất [62]. Những nghiên cứu trên động vật cho thấy sụn vi cá mập thể hiện một số tác dụng chết rụng tế bào và kháng nguyên bào, giảm sự hình thành mạch máu trên các khối u trong ống nghiệm, ở chuột và trong các thử nghiệm lâm sàng hạn chế [63].
Trên người, rất ít nghiên cứu được thực hiện. Kết quả các nghiên cứu cho thấy bổ sung sụn vi cá mập không cải thiện khả năng sống sót hay chất lượng cuộc sống so với nhóm đối chứng giả dược. Chưa có bằng chứng nào về sự hiệu quả khi sử dụng sụn vi cá mập trên bệnh nhân ung thư [63].
Tóm lược
Có rất nhiều thực phẩm bổ sung có thành phần là các hoạt chất được quan tâm trong điều trị ung thư vú. Tuy nhiên để đưa ra được khuyến cáo chắc chắn về một loại thực phẩm bổ sung nào hiệu quả với bệnh nhân ung thư vú sẽ cần thêm nhiều nghiên cứu hơn nữa. Do đó điều quan trọng trước khi bổ sung bất cứ sản phẩm nào, người bệnh nên trao đổi với bác sỹ điều trị để được đánh giá giữa lợi ích và nguy cơ, cũng như hướng dẫn cách bổ sung đúng và hiệu quả nhất.
(Bài đăng trên website: Mạng lưới ung thư vú Việt Nam – BCNV)
Tài liệu tham khảo:
- Phytotherapy and Nutritional Supplements on Breast Cancer
https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC5563402/ - Multivitamin Side Effects: Timespan and When to Be Concerned
https://www.healthline.com/nutrition/multivitamin-side-effects - Multivitamin use and breast cancer incidence in a prospective cohort of Swedish women
https://academic.oup.com/ajcn/article/91/5/1268/4597262 - Vitamin A
https://ods.od.nih.gov/factsheets/VitaminA-Consumer/ - The relationship between serum vitamin A and breast cancer staging before and after radiotherapy
https://scielo.isciii.es/pdf/nh/v29n1/17original11.pdf - Vitamin A and Breast Cancer Survival: A Systematic Review and Meta-analysis
https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/30190194/ - Dietary Supplement Use During Chemotherapy and Survival Outcomes of Patients With Breast Cancer Enrolled in a Cooperative Group Clinical Trial (SWOG S0221)
https://ascopubs.org/doi/full/10.1200/JCO.19.01203?journalCode=jco - Vitamin C
https://ods.od.nih.gov/factsheets/VitaminC-HealthProfessional/ - Association of vitamin C intake with breast cancer risk and mortality: a meta-analysis of observational studies
https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC7585084/ - High-dose vitamin C suppresses the invasion and metastasis of breast cancer cells via inhibiting epithelial-mesenchymal transition
https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC6753468/ - High-dose vitamin C enhances cancer immunotherapy
https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/32102933/ - Vitamin E
https://ods.od.nih.gov/factsheets/VitaminE-Consumer/ - Effects of long-term vitamin E supplementation on cardiovascular events and cancer: a randomized controlled trial
https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/15769967/ - Vitamin E increases biomarkers of estrogen stimulation when taken with tamoxifen
https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/18468636/ - Randomized, placebo-controlled trial of combined pentoxifylline and tocopherol for regression of superficial radiation-induced fibrosis
https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/12829674/ - Pentoxifylline and vitamin E treatment for prevention of radiation-induced side-effects in women with breast cancer: a phase two, double-blind, placebo-controlled randomised clinical trial (Ptx-5)
https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/19540105/ - The Role of Vitamin E in Breast Cancer Treatment and Prevention: Current Perspectives
https://www.researchgate.net/publication/342167437_The_Role_of_Vitamin_E_in_Breast_Cancer_Treatment_and_Prevention_Current_Perspectives - Vitamin D
https://ods.od.nih.gov/factsheets/VitaminD-HealthProfessional/ - Plasma Vitamin D Levels, Menopause, and Risk of Breast Cancer
https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC4553988/ - Vitamin D Decreases Risk of Breast Cancer in Premenopausal Women of Normal Weight in Subtropical Taiwan
https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC3899499/ - Vitamin D and breast cancer recurrence in the Women’s Healthy Eating and Living (WHEL) Study1,2,3
https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC3001601/ - Vitamin D receptor expression in invasive breast tumors and breast cancer survival
https://breast-cancer-research.biomedcentral.com/articles/10.1186/s13058-019-1169-1 - Effect of Vitamin D Supplementation on Risk of Breast Cancer: A Systematic Review and Meta-Analysis of Randomized Controlled Trials
https://www.frontiersin.org/articles/10.3389/fnut.2021.655727/full - Calcium
https://ods.od.nih.gov/factsheets/Calcium-HealthProfessional/ - Dietary intake of vitamin D and calcium and breast cancer risk in the European Prospective Investigation into Cancer and Nutrition
https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/23441605/ - Meta-analysis of vitamin D, calcium and the prevention of breast cancer
https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/19851861/ - Association between vitamin D and calcium intake and breast cancer risk according to menopausal status and receptor status in Japan
https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/20151981/ - Serum calcium and tumour aggressiveness in breast cancer: a prospective study of 7847 women
https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/19593149/ - Selenium
https://ods.od.nih.gov/factsheets/selenium-HealthProfessional/ - Selenium for preventing cancer
https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC3692366/ - Evidence-Based Complementary Medicine in Breast Cancer Therapy
https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC2942012/ - Effects of selenium supplements on cancer prevention: meta-analysis of randomized controlled trials
https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/22004275/ - Antioxidants and Other Micronutrients in Complementary Oncology
https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC2942014/ - Benefits and uses of B-complex vitamins
https://www.medicalnewstoday.com/articles/324856 - Plasma folate, vitamin B-6, and vitamin B-12 and breast cancer risk in BRCA1- and BRCA2-mutation carriers: a prospective study
https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/27465373/ - Biomarkers of folate and vitamin B12 and breast cancer risk: report from the EPIC cohort
https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/27905104/ - Plasma Riboflavin and Vitamin B-6, but Not Homocysteine, Folate, or Vitamin B-12, Are Inversely Associated with Breast Cancer Risk in the European Prospective Investigation into Cancer and Nutrition-Varese Cohort
https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/27121532/ - Folate and risk of breast cancer: a meta-analysis
https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/17202114/ - B-vitamin Intake, One-carbon Metabolism and Survival among a Population-based Study of Women with Breast Cancer
https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC2673236/ - Barrier protective use of skin care to prevent chemotherapy-induced cutaneous symptoms and to maintain quality of life in patients with breast cancer
https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC4126578/ - What to know about omega-3 fatty acids
https://www.medicalnewstoday.com/articles/325179 - Specialty supplements and breast cancer risk in the VITamins And Lifestyle (VITAL) Cohort
https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/20615886/ - Intake of fish and marine n-3 polyunsaturated fatty acids and risk of breast cancer: meta-analysis of data from 21 independent prospective cohort studies
https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/23814120/ - Administration of omega-3 fatty acids and Raloxifene to women at high risk of breast cancer: interim feasibility and biomarkers analysis from a clinical trial
https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/22669332/ - Improving outcome of chemotherapy of metastatic breast cancer by docosahexaenoic acid: a phase II trial
https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC2779856/ - High-dose eicosapentaenoic acid and docosahexaenoic acid supplementation reduces bone resorption in postmenopausal breast cancer survivors on aromatase inhibitors: a pilot study
https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/24274259/ - What are the benefits of CoQ10?
https://www.medicalnewstoday.com/articles/324113 - Coenzyme Q10 (PDQ®)–Patient Version
https://www.cancer.gov/about-cancer/treatment/cam/patient/coenzyme-q10-pdq - The effects of coenzyme Q10 on women with breast cancer: a systematic review protocol
https://journals.lww.com/jbisrir/Fulltext/2014/12080/The_effects_of_coenzyme_Q10_on_women_with_breast.12.aspx - Coenzyme Q10 in breast cancer care
https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/28481148/ - MGN-3/Biobran, modified arabinoxylan from rice bran, sensitizes human breast cancer cells to chemotherapeutic agent, daunorubicin
https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/18406070/ - Evidence-Based Review of BioBran/MGN-3 Arabinoxylan Compound as a Complementary Therapy for Conventional Cancer Treatment
https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC6041933/ - Probiotics: What you need to know
https://www.nccih.nih.gov/health/probiotics-what-you-need-to-know - Emerging Roles of Probiotics in Prevention and Treatment of Breast Cancer: A Comprehensive Review of Their Therapeutic Potential
https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/30686054/ - Potential effect of probiotics in the treatment of breast cancer
https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC6775487/#:~:text=Probiotics%2C%20as%20functional%20food%2C%20have,and%20the%20systemic%20immune%20system. - Th1 Cytokine Production Induced by Lactobacillus acidophilus in BALB/c Mice Bearing Transplanted Breast Tumor
https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC4449865/ - Preventive effects of probiotic bacteria Lactobacillus plantarum and dietary fiber in chemically-induced mammary carcinogenesis
https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/25202079/ - Resveratrol
https://www.webmd.com/vitamins/ai/ingredientmono-307/resveratrol - Resveratrol fuels HER2 and ERα-positive breast cancer behaving as proteasome inhibitor
https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC5361678/ - The Role of Resveratrol in Cancer Therapy
https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC5751192/ - Shark Cartilage
https://www.webmd.com/vitamins/ai/ingredientmono-909/shark-cartilage - Cartilage (Bovine and Shark) (PDQ®)–Patient Version
https://www.cancer.gov/about-cancer/treatment/cam/patient/cartilage-pdq - Complementary Approaches: Shark Cartilage
https://www.cancerquest.org/patients/integrative-oncology/shark-cartilage-neovastatr
Đọc thêm các bài viết chăm sóc sức khỏe gia đình khác tại đây.
Nếu bạn có bất cứ điều gì về sức khỏe muốn chia sẻ hay các câu hỏi về thuốc, hãy để lại comment hoặc nhắn tin theo địa chỉ email: nguyenvunguyetminh@gmail.com . Tôi luôn sẵn sàng lắng nghe và hỗ trợ bạn vì một cộng đồng sử dụng thuốc an toàn.