Chiều nay, một cô bạn của mẹ tôi gọi điện hỏi về Xuyên tâm liên: “Cô nghe nói phòng chống được covid 19 nên định mua một ít về đun nước uống. Cháu thấy thế nào?” Tôi nghĩ không chỉ riêng cô có suy nghĩ đó.
Vậy Xuyên tâm liên là cây/vị thuốc gì?
Theo sách Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam (GS.TS. Đỗ Tất Lợi):
Xuyên tâm liên còn có tên gọi khác là cây Công Cộng hay Lam Khái Liêm, cây Hùng Bút
Tên khoa học: Andrographis paniculata (Burum. f.) thuộc họ Ô rô (Acanthaceae)
Vị đắng, tính hàn. Có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, tiêu thũng, chỉ thống. Dùng trong trường hợp kiết lỵ cấp tính, viêm ruột và dạ dày, cảm mạo, phát sốt, viêm họng, viêm phổi. Dùng ngoài chữa rắn độc cắn, xương khớp đau nhức.
Theo đông y, Xuyên tâm liên là vị thuốc có tính rất lạnh, nếu dùng cho người sức khỏe bình thường có thể gây hao tổn chính khí (giảm sức đề kháng). Khi sử dụng thường phải kết hợp với các vị thuốc bồi bổ chính khí khác.
Ai không nên sử dụng Xuyên tâm liên?
- Phụ nữ có thai
- Người huyết áp thấp
- Người có tỳ vị hư hàn (đầy hơi, chướng bụng, óc ách)
- Người có viêm loét dạ dày, tá tràng
- Người có chảy máu, hoặc sau phẫu thuật vì Xuyên tâm liên làm chậm quá trình đông máu
Xuyên tâm liên theo Y học hiện đại đánh giá như thế nào?
Ở một số nước, Xuyên tâm liên được sử dụng điều trị bệnh cảm cúm thông thường. Đã có nhiều nghiên cứu đánh giá hiệu quả của Xuyên tâm liên giúp giảm các triệu chứng nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính. Gần đây, một số nghiên cứu đánh giá hiệu quả của Xuyên tâm liên với virus SARS-COV-2 dựa trên khả năng kháng virus của hoạt chất andrographolide – thành phần chiết xuất từ Xuyên tâm liên
Hầu hết các nghiên cứu in silico (sàng lọc thuốc ảo) và in vitro (thực hiện trong ống nghiệm) cho thấy andrographolide có tiềm năng ức chế hoạt động của virus SARS-COV-2.
Cần thêm các nghiên cứu in vivo để có các dữ liệu tiền lâm sàng đánh giá hiệu quả và độ an toàn khi sử dụng Xuyên tâm liên trong điều trị Covid-19
Xuyên tâm liên được cho là an toàn khi sử dụng liều phù hợp trong ngắn hạn, hoặc phối hợp với một số thảo dược khác. Tuy nhiên, tác dụng phụ có thể gặp phải như chán ăn, tiêu chảy, nôn mửa, mệt mỏi. Đặc biệt khi sử dụng liều cao, kéo dài gây ra các phản ứng dị ứng nghiêm trọng, tăng men gan…
Tóm lại KHÔNG NÊN TỰ Ý MUA XUYÊN TÂM LIÊN VỀ SỬ DỤNG, vì:
Xuyên tâm liên có tác dụng hỗ trợ điều trị các triệu chứng khi đã nhiễm virus (như ho, đau họng).
KHÔNG CÓ TÁC DỤNG PHÒNG CHỐNG NHIỄM VIRUS SARS-COV-2.
Khi sử dụng không đúng liều lượng, liều cao, kéo dài, Xuyên tâm liên có thể gây ra các phản ứng dị ứng nghiêm trọng (có thể có sốc phản vệ), suy gan, tiêu chảy, nôn mửa…
Hiệu quả tác dụng của các dược liệu phụ thuộc vào nhiều yếu tố: bộ phận, thời điểm thu hái; dung môi, phương pháp bào chế…
Nên lựa chọn những chế phẩm thành phần có Xuyên tâm liên được các cơ quan nhà nước kiểm định và cấp phép. Sử dụng theo hướng dẫn của nhân viên y tế.
Ngoài Xuyên tâm liên thì với hệ thực vật phong phú của nước ta còn rất nhiều dược liệu khác mà thành phần có hoạt tính kháng virus, kháng viêm, kháng khuẩn. Điển hình chúng ta đều quen thuộc như tỏi, tía tô, kinh giới, gừng tươi… nên cũng không nên thần thánh hóa Xuyên tâm liên lên quá
Bàn luận
Trong giai đoạn dịch bệnh, mọi người chú ý tuân thủ 5K, ăn uống nghỉ ngơi đầy đủ, vận động phù hợp, bổ sung vitamin & khoáng chất, tự mình bảo vệ và tăng cường sức đề kháng cho cơ thể mình là cách phòng chống virus SARS-COV-2 hiệu quả nhất
Nguồn tham khảo:
1. Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam (Tr.902, GS.TS. Đỗ Tất Lợi)
Đọc thêm các bài viết chăm sóc sức khỏe gia đình khác tại đây.
Nếu bạn có bất cứ điều gì về sức khỏe muốn chia sẻ hay các câu hỏi về thuốc, hãy để lại comment hoặc nhắn tin theo địa chỉ email: nguyenvunguyetminh@gmail.com . Tôi luôn sẵn sàng lắng nghe và hỗ trợ bạn vì một cộng đồng sử dụng thuốc an toàn.