Tự chăm sóc bản thân đối với bệnh nhân tiểu đường là vấn đề rất quan trọng trong việc duy trì hiệu quả điều trị và cân bằng nhu cầu cá nhân người bệnh. Khi dịch bệnh diễn biến phức tạp, giãn cách xã hội kéo dài, việc thăm khám định kỳ của bệnh nhân giảm xuống. Liệu tất cả các bệnh nhân có đủ kiến thức, kinh nghiệm và kỹ năng chăm sóc, xử lý các tình huống phát sinh khi không có sự tư vấn của nhân viên y tế? Sau đây là 7 vấn đề quan trọng mà bệnh nhân tiểu đường nên biết khi phải ở nhà kéo dài.
Nội dung bài viết
1. Ăn uống lành mạnh
Dinh dưỡng là yếu tố thiết yếu trong quản lý bệnh tiểu đường. Điều quan trọng là làm sao bệnh nhân tiểu đường đảm bảo được các bữa ăn đa dạng và cân bằng, để giữ được sự ổn định của đường huyết và tăng cường sức khỏe của hệ thống miễn dịch.
Có những bệnh nhân cho rằng cứ ăn uống thoải mái, đường huyết lên thì lại uống thuốc. Hoặc khi nào gần đến ngày khám sức khỏe định kỳ thì ăn uống kiêng khem để xét nghiệm đường huyết giảm. Đây là những quan điểm rất sai lầm. Duy trì đường huyết không chỉ ở một thời điểm, mà phải được ổn định thường xuyên. Như vậy mới có thể giảm được nguy cơ những biến chứng nguy hiểm do tiểu đường gây ra.
Ở nhà nhiều ngày, không thăm khám thường xuyên, không có sự tư vấn giáo dục của nhân viên y tế, tâm lý ảnh hưởng khi phải ở trong một không gian hẹp thời gian dài… Tất cả tổng hợp lại và tạo nên vô vàn lý do khiến bệnh nhân tiểu đường có thể phá vỡ những nguyên tắc dinh dưỡng được thực hiện lâu nay.
Do đó rất cần sự tự ý thức của người bệnh, nhắc nhở của người thân trong gia đình để đảm bảo chế độ ăn cho người bệnh.
- 50% khẩu phần ăn dành cho chất xơ, vitamin của rau, củ, quả. 50% còn lại chia đều cho tinh bột và chất đạm. Ưu tiên những loại thực phẩm ít tinh bột như các loại hạt ngũ cốc, gạo nguyên cám, gạo đỏ, bánh mỳ… Ăn nhiều rau lá xanh. Chọn chất đạm nạc như cá, thịt nạc, trứng, sữa.
- Nên chế biến đồ ăn luộc, hấp, hạn chế đồ chiên rán
- Hạn chế đồ ăn chế biến sẵn, đồ ăn nhiều đường, nhiều chất béo
- Ăn đúng bữa. Một ngày gồm 3 bữa chính (sáng-trưa-tối) và hai bữa phụ (xế trưa – xế chiều). Bữa phụ có thể lựa chọn các loại bánh, sữa dành cho bệnh nhân tiểu đường.
- UỐNG ĐỦ NƯỚC. Cần nhấn mạnh điều này vì bệnh nhân đái tháo đường tuýp 2 rất dễ bị mất nước. Đường huyết tăng, thận phải hoạt động nhiều hơn để đào thải lượng đường thừa ra ngoài. Thận hoạt động quá mức, người bệnh đi tiểu nhiều hơn và tăng nguy cơ mất nước.
Giãn cách sẽ hạn chế việc đi chợ thường xuyên. Tuy nhiên không vì thế mà bệnh nhân tiểu đường chỉ sử dụng đồ chế biến sẵn hoặc các thực phẩm không tốt cho đường huyết. Chúng ta có thể dự trữ những loại rau phơi khô (rau tiến vua, củ cải, măng khô…), hoặc các loại củ bảo quản được lâu (bí đỏ, bí xanh, cà rốt, cà chua…). Chuẩn bị bột và các nguyên liệu cần thiết để tự làm bánh mỳ, hoặc phở khô để đổi bữa…
2. Hoạt động thể chất
Vận động thường xuyên mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe nói chung, và đặc biệt cho những người có đường huyết cao. Tập thể dục giúp đạt được cân nặng hợp lý, điều này có thể cải thiện mức đường huyết. Ngoài ra, lợi ích vận động mang lại còn giúp giảm nguy cơ mắc các bệnh mãn tính khác như rối loạn mỡ máu, huyết áp cao.
Cuối cùng, vận động sẽ giúp người bệnh có cơ hội kiểm tra những tổn thương bàn chân khi mang giày dép hoặc khi di chuyển. Biến chứng thần kinh, mất cảm giác chi dưới là biến chứng thường gặp và nguy hiểm của tiểu đường. Điều này có thể là sự khởi phát âm thầm cho một tình trạng nhiễm trùng nặng nếu những tổn thương không được phát hiện và xử lý sớm.
Khi buộc phải ở trong nhà, bệnh nhân tiểu đường hoàn toàn có thể lựa chọn những bài tập phù hợp như: Yoga, aerobic, tập cùng tạ nhỏ, đạp xe hoặc chạy trên máy, chống đẩy, gập bụng… Nên tập ít nhất từ 30 -60 phút mỗi ngày.
3. Theo dõi đường huyết
Kiểm soát lượng đường thường xuyên giúp phòng tránh được những biến chứng do tăng đường huyết hoặc hạ đường huyết quá mức.
Khi mà việc thăm khám, xét nghiệm tại bệnh viện giảm đi, mỗi bệnh nhân nên chủ động sắm cho mình một máy đo đường huyết cá nhân để tự kiểm tra đường huyết tại nhà. Thao tác sử dụng những máy này thường rất đơn giản.
Đường huyết ổn định thì bệnh nhân vẫn nên đo đường huyết ít nhất 1 lần mỗi tuần. Nếu chỉ số đường huyết biến động bất thường, nên đo liên tục các ngày để đánh giá tiến triển và báo cho bác sĩ ngay khi cần. Chỉ số các lần đo cũng nên ghi chép lại trong một quyển sổ để theo dõi.
4. Tuân thủ dùng thuốc
Một nghiên cứu tại Ấn Độ cho thấy chỉ có khoảng 30% bệnh nhân tiểu đường tuân thủ dùng thuốc. Số đông hơn không tuân thủ thường là những người có điều kiện kinh tế thấp. Không tuân thủ dùng thuốc là nguyên nhân chính dẫn đến thất bại trong quản lý điều trị đái tháo đường.
Người bệnh có thể mua sẵn thuốc điều trị theo đơn của bác sĩ từ 2-3 tháng sử dụng khi bị hạn chế ra ngoài. Nên nhớ, dinh dưỡng là thiết yếu nhưng tuân thủ dùng thuốc mới là quyết định cho việc điều trị hiệu quả hay không.
5. Chăm sóc bàn chân
Việc chăm sóc bàn chân cho bệnh nhân tăng đường huyết có lẽ chưa được nhiều bệnh nhân quan tâm đúng với tầm quan trọng của nó.
Kiểm tra cẩn thận bàn chân thường xuyên là một trong những cách dễ nhất và hiệu quả nhất để ngăn ngừa các biến chứng ở bàn chân. Kiểm tra giúp xác định các dấu hiệu cảnh báo sớm về tổn thương thần kinh hoặc chấn thương nhẹ có thể dẫn đến viêm loét sau này.
6. Xử lý tình huống phát sinh
6.1. Đường máu tăng cao
- Uống nhiều nước. Nước sẽ giúp đào thải lượng đường dư thừa ra khỏi cơ thể
- Vận động nhiều hơn
- Gọi cho bác sĩ tư vấn xem cần thay đổi hoặc bổ sung thuốc điều trị hay không
Gọi cấp cứu ngay khi:
- Bệnh nhân không thể nuốt hoặc ăn bất cứ thứ gì
- Đường huyết liên tục ≥ 240 mg/dL (hoặc ≥ 13 mmol/L) và nước tiểu có mùi ceton
Gọi cho bác sĩ hoặc tới cơ sở y tế thăm khám khi:
- Người bệnh vẫn ăn được một số đồ ăn, nhưng bị tiêu chảy, hoặc nôn mửa liên tục
- Sốt kéo dài hơn 24 giờ
- Đường huyết liên tục ≥ 240 mg/dL (hoặc ≥ 13 mmol/L) dù đã uống thuốc
- Không thể điều chỉnh đường máu về mức mong muốn
6.2. Hạ đường máu đột ngột
Là tình trạng xảy ra khi nồng độ đường trong máu quá thấp, <3,9 mmol/l (<70mg/dl) khiến cơ thể bị thiếu hụt glucose cho các hoạt động. Một số dấu hiệu bao gồm:
- Người bệnh bỗng nhiên mệt không giải thích được
- Chóng mặt, đau đầu, chân tay nặng nề
- Toát nhiều mồ hôi (thường ở lòng bàn tay, trán, nách)
- Hồi hộp, tim đập nhanh, đánh trống ngực
- Tăng tiết nước bọt
- Run tay
- Đói cồn cào
Lúc này việc cấp bách là nâng mức đường máu lên bằng cách:
- Ăn ngay một chiếc kẹo ngọt, bánh hoặc hoa quả có sẵn
- Nếu không đỡ, uống ngay 15g đường (3 miếng đường hoặc 3 thìa cafe đường) pha trong 100ml nước
Trong trường hợp tình trạng không cải thiện hoặc cải thiện chậm, cần đưa ngay người bệnh tới cơ sở y tế.
7. Giảm thiểu rủi ro
Không ai có thể biết trước điều gì sẽ xảy ra. Do đó cách tốt nhất để giảm thiểu rủi ro, đặc biệt là rủi ro sức khỏe, bệnh nhân đái tháo đường nên chuẩn bị cho mình một số điều sau:
- Luôn có sẵn thông tin liên lạc của bác sĩ điều trị, thông tin của cơ sở y tế gần nhất, của người cần liên hệ trong tình huống khẩn cấp
- Thường xuyên kiểm tra đường huyết & ghi lại chỉ số sau mỗi lần kiểm tra
- Bất kỳ bệnh nhiễm trùng nào cũng gây tăng đường huyết và cơ thể sẽ tăng nhu cầu bổ sung chất lỏng. Do đó hãy nhớ luôn UỐNG ĐỦ NƯỚC
- Có sẵn các loại thuốc điều trị tiểu đường, thuốc cho các bệnh lý khác được bác sĩ kê đơn, thuốc dự phòng một số bệnh thông thường tại nhà
- Đảm bảo tuân thủ nguyên tắc các bữa ăn dành cho người tiểu đường
- Vận động hợp lý, giữ thời gian biểu đều đặn, tránh làm việc quá sức, căng thẳng, mất ngủ
- Chú ý chăm sóc bàn chân đúng cách
- Hạn chế tiếp xúc, tuân thủ hướng dẫn chống dịch của Bộ Y tế
Bàn luận
Việc tự chăm sóc bệnh tiểu đường đòi hỏi bệnh nhân phải được giáo dục kiến thức đúng và thường xuyên. Điều này rất quan trọng trong việc duy trì mục tiêu đường huyết ổn định, phát hiện những biến chứng sớm của bệnh và giảm thiểu nguy cơ tử vong cho bệnh nhân tiểu đường. Không chỉ người bệnh mà gia đình, xã hội cũng cần được thông tin đầy đủ, bởi họ sẽ là những người hỗ trợ đắc lực trong việc nâng cao chất lượng cuộc sống của người bệnh đái tháo đường.
Đọc thêm các bài viết chăm sóc sức khỏe gia đình khác tại đây.
Nếu bạn có bất cứ điều gì về sức khỏe muốn chia sẻ hay các câu hỏi về thuốc, hãy để lại comment hoặc nhắn tin theo địa chỉ email: nguyenvunguyetminh@gmail.com . Tôi luôn sẵn sàng lắng nghe và hỗ trợ bạn vì một cộng đồng sử dụng thuốc an toàn.
Tham khảo: