Là phụ nữ, có thể có người không sợ xấu, nhưng chắc chắn ai cũng muốn mình đẹp. Nếu một ngày nào đó bạn phát hiện ra những nếp nhăn, làn da sạm nám hay sợi tóc bạc trắng, chắc cũng có đôi chút phiền lòng. Nhưng cái gì đến rồi cũng đến. Phụ nữ phải đối diện với những thay đổi không chỉ về diện mạo, mà còn cả sự suy giảm về sinh lý bên trong, cùng những vấn đề sức khỏe khác khi bước vào giai đoạn tiền mãn kinh.
Tiền mãn kinh là gì? Nó kéo dài trong bao lâu? Những vấn đề gì sẽ xảy ra với cơ thể người phụ nữ ở giai đoạn này? Sau khi kết thúc tiền mãn kinh thì sao?… Bài viết này sẽ trả lời lần lượt từng câu hỏi để giúp bạn đọc có thông tin đầy đủ về tiền mãn kinh ở nữ giới.
Nội dung bài viết
Tiền mãn kinh là gì?
Tiền mãn kinh hay giai đoạn chuyển tiếp của mãn kinh, là thời điểm mà buồng trứng giảm dần sản xuất estrogen – Nhóm các hormone sinh dục nữ (bao gồm estriol, estradiol và estrone). Giai đoạn này thường bắt đầu khi phụ nữ bước sang tuổi 40. Nhưng cũng có thể bắt đầu từ độ tuổi 30 hoặc sớm hơn nữa ở những người được chẩn đoán mãn kinh sớm.
Giai đoạn tiền mãn kinh kéo dài cho đến khi mãn kinh. Đó là khi buồng trứng ngừng sản xuất hoàn toàn estrogen, không còn quá trình rụng trứng và chấm dứt khả năng sinh sản của người phụ nữ.
Tiền mãn kinh kéo dài bao lâu?
Thời gian trung bình của giai đoạn tiền mãn kinh kéo dài khoảng 4 năm. Nhưng tùy cơ địa mỗi người, thời gian này có thể rút ngắn còn vài tháng hoặc 1 năm, hoặc cũng có thể kéo dài tới 10 năm. Giai đoạn tiền mãn kinh kết thúc khi 12 tháng liên tục người phụ nữ ở độ tuổi thích hợp, không mang thai và không còn hiện tượng kinh nguyệt.
Dấu hiệu nhận biết tiền mãn kinh?
Những thay đổi đầu tiên đến từ chu kỳ kinh nguyệt kéo dài hơn bình thường, hoặc ngắt quãng.
Các biến động đáng kể về mức độ estrogen gây ra các dấu hiệu tiền mãn kinh khác như:
- Bốc hỏa
- Căng ngực
- Thay đổi lượng máu trong chu kỳ kinh
- Cơn đau nửa đầu liên quan đến kinh nguyệt
- Thay đổi tâm trạng
- Khô âm đạo, khó chịu khi quan hệ tình dục
- Giảm ham muốn
- Khó ngủ, mất ngủ
- Tiểu gấp hoặc rò rỉ nước tiểu khi ho, hắt hơi
Chúng ta sẽ cùng đi vào cụ thể từng dấu hiệu để nhận biết và phân biệt rõ ràng với các bệnh lý khác.
Dấu hiệu trên vận mạch
Là các cơn bốc hỏa do mất ổn định vận mạch, ảnh hưởng từ 75 – 85% phụ nữ trước khi ngừng kinh nguyệt. Đó là những cơn nóng bừng từng đợt, ra mồ hôi ban đêm. Nhiệt độ cơ thể tăng ở da, đặc biệt ở mặt, đầu và cổ có thể trở nên đỏ và ấm.
Cơn bốc hỏa thay đổi theo từng giai đoạn, kéo dài từ 30 giây tới 5 phút, sau đó chuyển sang ớn lạnh. Cơ chế của các cơn bốc hỏa chưa được làm rõ, nhưng chúng được cho là do những thay đổi trong trung tâm điều hòa nhiệt ở vùng dưới đồi.
Dấu hiệu tại âm đạo
Khi estrogen giảm sản xuất, niêm mạc âm hộ và âm đạo trở nên mỏng hơn, khô hơn, dễ tổn thương và ít đàn hồi hơn. Tất cả những điều này dẫn đến giảm ham muốn ở nữ giới, đau hoặc khó khi quan hệ, đôi khi có kích ứng và ngứa.
Một nhóm các dấu hiệu được gọi chung là Hội chứng niệu sinh dục của mãn kinh do sự thiếu hụt estrogen, bao gồm:
- Teo âm đạo, âm hộ
- Tiểu són
- Tiểu khó
- Viêm đường tiết niệu thường xuyên
Dấu hiệu về tâm thần kinh
Tôi đã đọc ở đâu đó và nhớ mãi một bài báo viết về “Chuyến tàu lượn siêu tốc cảm xúc thời kỳ tiền mãn kinh”. Tác giả rất hài hước và liên tưởng một cách chính xác về sự thay đổi tâm trạng người phụ nữ giai đoạn này. Sụt giảm estrogen dẫn tới những thay đổi về tâm thần kinh như:
- Cáu gắt vô cớ
- Cảm giác buồn bực
- Khó tập trung
- Trí nhớ giảm
- Mệt mỏi
- Căng thẳng
- Có các triệu chứng trầm cảm, lo lắng
Bên cạnh đó, các cơn bốc hỏa về đêm gây mất ngủ, khó chịu. Rối loạn giấc ngủ khiến giảm khả năng tập trung & trí nhớ.
Trên Tim mạch
Mặc dù chưa tìm ra cơ chế rõ ràng, nhưng các nghiên cứu cho thấy nồng độ cholesterol lipoprotein mật độ thấp (LDL) tăng ở phụ nữ sau mãn kinh. Các nồng độ cholesterol lipoprotein mật độ cao (HDL) không thay đổi so với trước tiền mãn kinh. Sự thay đổi nồng độ LDL cholesterol góp phần giải thích cho các bệnh xơ vữa động mạch và bệnh mạch vành trở nên phổ biến hơn ở phụ nữ sau mãn kinh.
Phụ nữ bước vào giai đoạn tiền mãn kinh nên kiểm tra mỡ máu ít nhất 1 lần mỗi năm.
Trên Cơ xương khớp
Có đến 20% mật độ xương bị mất trong 5 năm đầu sau mãn kinh. Estrogen và testosterone là hai hormone đóng vai trò quan trọng trong giai đoạn tạo xương. Estrogen làm giảm số lượng và giảm hoạt động của tế bào hủy xương, ức chế sự phân hủy xương trong mọi giai đoạn của quá trình tái tạo mô hình xương. Do đó khi lượng estrogen giảm, quá trình hủy xương sẽ tăng lên khiến mất độ xương giảm nhanh chóng.
Những phụ nữ giai đoạn tiền mãn kinh và sau mãn kinh cần được sàng lọc loãng xương theo định kỳ.
Trên chuyển hóa
Thiếu hụt estrogen và sự chậm lại của quá trình trao đổi chất sau khi mãn kinh dẫn tới tình trạng béo phì tăng lên ở phụ nữ. Đi kèm với giảm độ nhạy insulin dẫn tới nguy cơ tăng đường huyết và tăng lipid máu.
Những dấu hiệu nào là bất thường cần đi khám bác sĩ?
Vấn đề rối loạn kinh nguyệt là phổ biến và bình thường trong thời kỳ tiền mãn kinh. Tuy nhiên sẽ có một số dấu hiệu cần thận trọng:
- Kinh nguyệt ra rất nhiều hoặc có cục máu đông
- Kinh nguyệt kéo dài hơn bình thường vài ngày hoặc hơn cả tuần
- Ra máu bất thường giữa các kỳ kinh
- Ra máu sau khi quan hệ
- Chu kỳ kinh nguyệt xảy ra gần nhau hơn
Nguyên nhân gây chảy máu bất thường bao gồm các vấn đề về hormone, thuốc tránh thai, mang thai, u xơ tử cung, các vấn đề về đông máu hoặc hiếm khi là ung thư. Do đó khi có các dấu hiệu trên, chị em nên đi khám chuyên khoa để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
Tiền mãn kinh được chẩn đoán như thế nào?
Chủ yếu chẩn đoán dựa trên các dấu hiệu lâm sàng. Tiền mãn kinh có thể xuất hiện, nếu phụ nữ ở trong độ tuổi thích hợp và có một số các triệu chứng và dấu hiệu của tiền mãn kinh. Xét nghiệm nồng độ FSH có thể thực hiện nhưng hiếm khi cần thiết. Thường thực hiện ở phụ nữ đã cắt bỏ tử cung và phụ nữ trẻ hơn tuổi mãn kinh bình thường. Nồng độ FSH cao xác nhận tình trạng mãn kinh.
Phụ nữ có thể mang thai trong giai đoạn tiền mãn kinh không?
Mặc dù có sự suy giảm hormone nữ trong giai đoạn tiền mãn kinh, nhưng phụ nữ vẫn có khả năng mang thai, tuy nhiên xác suất sẽ thấp hơn so với phụ nữ trong độ tuổi sinh sản (chưa bước vào giai đoạn tiền mãn kinh).
Do đó nếu không muốn có thai, chị em vẫn nên sử dụng các biện pháp tránh thai khi quan hệ cho đến khi mãn kinh.
Điều trị hội chứng tiền mãn kinh bằng cách nào?
Điều trị tiền mãn kinh là điều trị triệu chứng, ví dụ làm giảm cơn bốc hỏa hoặc triệu chứng do teo âm đạo gây ra. Đồng thời điều trị cũng bao gồm ngăn ngừa quá trình mất xương ở phụ nữ.
Những phương pháp thay đổi lối sống giúp cải thiện các triệu chứng tiền mãn kinh như:
- Tập thể dục
- Tránh các yếu tố kích thích: Hút thuốc lá, uống rượu bia, căng thẳng
- Ngủ nhiều hơn. Cố gắng đi ngủ và thức dậy vào cùng một giờ
- Duy trì cân nặng hợp lý
- Bổ sung đầy đủ canxi trong chế độ ăn
- Bổ sung thêm vitamin, các sản phẩm hỗ trợ cân bằng nội tiết tố giảm các triệu chứng tiền mãn kinh
Nếu phụ nữ gặp vấn đề trong ham muốn tình dục, có thể tìm đến các sản phẩm trợ giúp như thuốc bôi trơn âm đạo. Thuốc chống trầm cảm cũng có thể chỉ định cho những thay đổi tâm trạng. Thuốc bổ sung, thay thế hoặc liệu pháp hormone cũng là một trong số các lựa chọn cải thiện hội chứng tiền mãn kinh. Tuy nhiên nên tham khảo ý kiến chuyên gia y tế trước khi sử dụng.
Có cách nào để ngăn các cơn bốc hỏa hay không?
Chúng ta không thể làm gì để ngăn được các cơn bốc hỏa thời kỳ tiền mãn kinh. Nhưng có thể phòng ngừa chúng bằng cách giảm các tác nhân khiến cơn bốc hỏa thường xuyên hoặc trầm trọng hơn như:
- Stress
- Caffeine
- Rượu
- Khói thuốc lá
- Thức ăn cay
- Quần áo chật
- Nhiệt độ nóng bức
Với cơn bốc hỏa về đêm, chị em có thể thử áp dụng cách tạo một chiếc “gối thư giãn” chứa đầy nước hoặc vật liệu làm mát khác. Chúng có sẽ thể hữu ích và giúp giấc ngủ tốt hơn. Nhớ mặc quần áo rộng rãi, giữ nhiệt độ phòng mát mẻ.
Tập thở thật sâu và chậm bằng bụng vào 15 phút buổi sáng và 15 phút buổi tối hoặc khi cơn bốc hỏa bắt đầu. Tập thể dục hàng ngày đều đặn cũng rất tốt. Có thể bổ sung một số loại estrogen thực vật để giảm cường độ và tần suất các cơn bốc hỏa.
Điều gì xảy ra sau khi kết thúc giai đoạn tiền mãn kinh?
Thời gian cuộc đời người phụ nữ hết giai đoạn tiền mãn kinh được gọi là thời kỳ sau mãn kinh. Nhiều triệu chứng khó chịu tiền mãn kinh sẽ giảm dần. Nhưng các vấn đề sức khỏe liên quan đến suy giảm estrogen thì vẫn tồn tại như tăng lipid máu, loãng xương, bệnh lý tim mạch. Do đó phụ nữ sau mãn kinh vẫn cần đi khám sức khỏe định kỳ và làm các xét nghiệm sàng lọc phòng ngừa như khám vùng chậu, phết tế bào cổ tử cung, khám vú…
Sau mãn kinh có thể bị ra máu?
Sau mãn kinh sẽ không còn hiện tượng kinh nguyệt. Nếu bị ra máu, dù chỉ là lấm tấm nhỏ, cũng cần đi khám để loại trừ các nguyên nhân nghiêm trọng.
Một số vấn đề có thể gây ra máu bất thường ở phụ nữ sau mãn kinh như: Polyp tử cung, teo nội mạc tử cung, tăng sản nội mạc tử cung, teo âm đạo, các bệnh lây qua đường tình dục, tác dụng phụ của thuốc, hoặc ung thư tử cung, ung thư âm đạo hoặc cổ tử cung.
Có cần làm xét nghiệm sàng lọc phết tế bào cổ tử cung sau mãn kinh?
Xét nghiệm phết tế bào cổ tử cung – Pap Smear – tìm kiếm các tế bào ung thư cổ tử cung hoặc có nguy cơ dẫn đến ung thư cổ tử cung. Ngay cả sau mãn kinh, phụ nữ vẫn nên thực hiện xét nghiệm Pap. Việc sàng lọc có thể ngừng ở độ tuổi 65 hoặc 70, nếu người đó có 3 lần xét nghiệm Pap bình thường liên tiếp, và không có xét nghiệm Pap bất thường nào trong 10 năm trước đó.
Nếu đã cắt tử cung có cần làm xét nghiệm Pap Smear?
Nếu bạn cắt tử cung không phải vì bệnh ung thư tiền xâm lấn hoặc xâm lấn cổ tử cung, hoặc các bệnh ung thư tử cung khác, hoặc có nguy cơ cao như dương tính với HIV, hệ thống miễn dịch suy yếu thì không cần xét nghiệm Pap. Tuy nhiên vẫn nên tiếp tục khám phụ khoa định kỳ do bác sĩ thực hiện.
Bàn luận
Tiền mãn kinh là giai đoạn chắc chắn phụ nữ ai cũng phải trải qua. Nếu chúng ta hiểu & chuẩn bị sẵn sàng thì tiền mãn kinh chỉ là chuyện nhỏ. Người phụ nữ luôn đẹp dù ở bất cứ giai đoạn nào. Vẻ đẹp căng tràn sức sống, đẹp đằm thắm, đẹp mặn mà hay lâu thật lâu về sau sẽ còn đẹp lão nữa. Đẹp phải đi cùng với khỏe thì mới thật sự hạnh phúc. Hy vọng những câu hỏi và giải đáp của bài viết phần nào giúp chị em có thêm thông tin và vượt qua nhẹ nhàng giai đoạn thử thách mình sẽ hoặc đang trải qua trong cuộc đời nhé.
Tài liệu tham khảo:
Đọc thêm các bài viết chăm sóc sức khỏe gia đình khác tại đây.
Nếu bạn có bất cứ điều gì về sức khỏe muốn chia sẻ hay các câu hỏi về thuốc, hãy để lại comment hoặc nhắn tin theo địa chỉ email: nguyenvunguyetminh@gmail.com . Tôi luôn sẵn sàng lắng nghe và hỗ trợ bạn vì một cộng đồng sử dụng thuốc an toàn.