Trên thị trường hiện nay có hai nhóm sản phẩm dành cho phụ nữ tiền mãn kinh được biết đến khá nhiều, đó là nhóm sản phẩm chứa Isoflavon đậu nành và tinh dầu Hoa Anh Thảo. Cơ chế tác dụng, hiệu quả, hay tác dụng không mong muốn của hai nhóm sản phẩm này như thế nào? Phụ nữ tiền mãn kinh nên sử dụng Isoflavon hay tinh dầu Hoa Anh Thảo sẽ tốt hơn?
Bài viết này cung cấp những thông tin khoa học & khách quan để bạn đọc có cái nhìn toàn diện về hai nhóm sản phẩm, và có sự lựa chọn phù hợp cho bản thân khi cần sử dụng.
Nội dung bài viết
Isoflavon
Isoflavon là gì?
Là một nhóm chất phytoestrogen có tác dụng giống như nội tiết tố estrogen trong cơ thể.
(“Phyto-” bắt nguồn từ thuật ngữ Hy Lạp để chỉ về “thực vật”. “Estrogen” là nội tiết tố nữ. Phytoestrogen gồm những hợp chất tìm thấy trong thực vật, có cấu trúc phân tử, kích thước giống estrogen, và có tác dụng tương tự estrogen. Do đó Phytoestrogen còn được gọi là hormone thực vật)
Isoflavon gồm 2 thành phần chính là Genistein và Daidzein. Daidzein chuyển hóa tại ruột thành Equol có hoạt tính estrogen mạnh gấp 5 lần chất mẹ daidzein và gấp 2 lần hoạt tính của genistein.
Isoflavon có ở đâu?
Chúng ta thường hay nghe đến các sản phẩm chứa isoflavon từ đậu nành, tinh chất mầm đậu nành. Nghĩa là chỉ có đậu nành mới có isoflavon?
Không đúng như vậy!
Lịch sử tìm ra Isoflavone rất thú vị. Nó được báo cáo đầu tiên vào năm 1940 với “bệnh cỏ ba lá” tại Úc. “Căn bệnh” biểu hiện các triệu chứng của rối loạn sinh sản đa dạng trên cừu. Những con cừu non chưa trưởng thành có dấu hiệu động dục. Tỷ lệ sảy thai, bất thường tử cung và lạc nội mạc tử cung tăng lên. Bên cạnh đó, khả năng di chuyển của tinh trùng ở những con cừu đực giảm.
Các nghiên cứu tìm ra nguyên nhân do cừu đã ăn cỏ ba lá mọc trên bãi chăn thả. Thành phần chính trong cỏ ba lá gây ra các tình trạng trên cừu là formononetin. Formononetin là một dạng của Isoflavone, chuyển hóa thành equol có hoạt tính estrogen và gây ra những tác dụng tương tự estrogen.
Isoflavone được xác định có trong các loài đậu thuộc họ Fabaceae như đậu xanh, đậu nành/ đậu tương, đậu phộng… Trong đó những nguồn quan trọng nhất phải kể đến là đậu tương (Glycine max), cỏ ba lá đỏ (Trifolium pratense) và cỏ linh lăng (Medicago sativa). Hàm lượng isoflavon trong đầu nành khoảng 1.5mg/g.
Các sản phẩm chế biến từ đậu nành, ví dụ như nước tương, có chứa Isoflavon không?
Mức isoflavone cao nhất đến từ các nguồn đậu nành chưa qua chế biến, chẳng hạn như đậu edamame, miso, sữa đậu nành và đậu phụ. Nước tương KHÔNG chứa isoflavon.
Cơ chế tác dụng của Isoflavon trên hội chứng tiền mãn kinh?
Isoflavon bù đắp lượng estrogen suy giảm trong giai đoạn tiền mãn kinh và mãn kinh.
Nếu như estrogen gắn chủ yếu vào thụ thể α-estrogen có mặt tại tử cung, buồng trứng và tuyến vú, thì Genistein và chất chuyển hóa Equol của Daidzein lại gắn vào thụ thể β-estrogen tại thành mạch máu, não, bàng quan niệu đạo, niêm mạc ruột, phổi và xương.
Do đó Isoflavon tác dụng trên các cơ quan đích cải thiện đáng kể vấn đề tiền mãn kinh & mãn kinh ở phụ nữ.
Isoflavon hiệu quả với các vấn đề sức khỏe tiền mãn kinh như thế nào?
- Cơn bốc hỏa: Isoflavon làm giảm từ 10-20% các cơn bốc hỏa ở phụ nữ tiền mãn kinh. Hiệu quả cao hơn với những phụ nữ có tần suất và cường độ các cơn bốc hỏa cao.
- Bệnh lý tim mạch: Isoflavon làm giảm LDL cholesterol là tác nhân chính gây ra các mảng xơ vữa mạch máu dẫn tới các bệnh lý tim mạch.
- Nguy cơ loãng xương: Genistein trong Isoflavon làm giảm các yếu tố của quá trình hủy xương và tăng các yếu tố trong quá trình tạo xương. Giảm sự mất khối lượng xương ở phụ nữ tiền mãn kinh & sau mãn kinh.
- Vấn đề chuyển hóa: Isoflavon cải thiện việc kiểm soát đường huyết và thúc đẩy giảm cân ở phụ nữ mãn kinh.
Phụ nữ sau sinh có bổ sung Isoflavon được không?
Sau sinh xảy ra tình trạng sụt giảm nội tiết tố nữ so với thời kỳ mang thai. Sự thay đổi này có thể ảnh hưởng tới tâm lý, trạng thái cảm xúc của người mẹ. Tuy nhiên cơ thể sẽ tự điều chỉnh nồng độ hormone về trạng thái bình thường sau 2 -3 tháng.
Các nghiên cứu cho thấy trong giai đoạn cho con bú, nếu người mẹ bổ sung các thực phẩm làm từ đậu nành, hàm lượng isoflavon trong sữa mẹ có thể tăng lên gấp 10 lần. Tuy nhiên lượng isoflavon con bú mẹ cũng chỉ đạt từ 5-10 μg.
Do nồng độ estrogen thấp và trục dưới đồi-tuyến yên-buồng trứng phát triển chưa hoàn thiện, trẻ nhạy cảm hơn với các hợp chất estrogen ngoại sinh so với người lớn. Đặc biệt khi tiếp xúc với isoflavon trong giai đoạn tử cung có thể ảnh hưởng đến sự phát triển của hệ thống sinh sản nữ.
Nên với phụ nữ sau sinh, nếu không có chỉ định đặc biệt của bác sĩ thì mẹ không cần thiết phải bổ sung isoflavon để lấy lại cân bằng lượng nội tiết tố sụt giảm. Giai đoạn này mẹ cần bổ sung các vitamin, khoáng chất (đặc biệt là sắt, canxi), cùng chế độ dinh dưỡng đầy đủ, giúp nhanh chóng lấy lại sức khỏe và tăng lượng sữa cho con bú.
Phụ nữ có u buồng trứng có sử dụng được isoflavon không?
Mặc dù isoflavon có tác dụng như estrogen yếu, nhưng trong những trường hợp có khối u liên quan đến sự gia tăng estrogen cần thận trọng khi sử dụng. Không nên sử dụng isoflavon liều cao, kéo dài, nhất là chế phẩm isoflavon tổng hợp. Khi bổ sung isoflavon nên tham khảo ý kiến bác sĩ & thăm khám sức khỏe theo định kỳ.
Tiếp tục sử dụng Isoflavon kéo dài sau khi mãn kinh thì sao?
- Một nghiên cứu đánh giá về nhận thức trên 350 bệnh nhân mãn kinh có độ tuổi từ 45-92, sử dụng 25g protein đậu nành giàu isoflavon hàng ngày trong 2.5 năm. Kết quả cho thấy isoflavon không cải thiện nhận thức chung, nhưng có sự cải thiện về trí nhớ thị giác.
- Trong một nghiên cứu khác kéo dài 5 năm trên 376 phụ nữ mãn kinh sử dụng 150mg isoflavon mỗi ngày. Đánh giá mô học của nội mạc tử cung cho thấy không có trường hợp ác tính nào được phát hiện dù tỉ lệ tăng sản nội mạc tử cung cao hơn 4% so với nhóm chứng.
- Ngoài ra isoflavon còn có vai trò trong việc ngăn chặn tốc độ quá trình hủy xương, giúp hạn chế mất khối lượng xương, giảm nguy cơ gãy xương ở phụ nữ mãn kinh.
Lưu ý khi bổ sung Isoflavon
- Sử dụng isoflavon liều cao có thể ảnh hưởng đến phụ nữ độ tuổi sinh sản như: Rối loạn chu kỳ kinh nguyệt (đau bụng kinh), lạc nội mạc tử cung hoặc vô sinh thứ phát.
- Những dữ liệu dịch tễ học cho thấy việc tiêu thụ đậu nành lâu dài có mối liên hệ đến bệnh Kawasaki (chứng viêm mạch hệ thống ở trẻ nhỏ không rõ nguyên nhân). Isoflavon trong đậu nành liên quan đến sự phát triển của bệnh.
- Những người bị hen có nguy cơ bị dị ứng cao hơn khi sử dụng đậu nành
- Các dữ liệu nghiên cứu về isoflavon đậu nành và ung thư hiện nay cho nhiều kết quả khác nhau. Tuy nhiên những bệnh nhân ung thư vú nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng isoflavon
- Bệnh nhân suy giáp khi sử dụng isoflavon cần bổ sung đầy đủ i-ốt, thận trọng vì nguy cơ bệnh có thể trầm trọng hơn
- Isoflavon đậu nành liều cao có thể gây ngộ độc trên bệnh nhân suy thận.
- Isoflavon gây tương tác bất lợi khi dùng chung với một số thuốc: Thuốc chống trầm cảm (IMAOs). Thuốc kháng sinh tiêu diệt một số vi sinh vật đường ruột cần thiết cho quá trình chuyển hóa isoflavon. Tamoxifen điều trị ung thư. Hoặc làm giảm hiệu quả của các thuốc chống đông máu.
Tinh Dầu Hoa Anh Thảo
Tinh dầu Hoa Anh Thảo là gì?
Hoa Anh Thảo là loại hoa có nguồn gốc từ Bắc Mỹ. Trước đây người bản địa thường sử dụng lá Hoa Anh Thảo để chữa viêm họng, các vết thương nhỏ, các vết bầm tím.
Trong y học hiện đại, tinh dầu chiết xuất từ hạt của Hoa Anh Thảo (Evening Primrose Oil viết tắt là EPO) được sử dụng nhiều hơn trong điều trị. Thành phần chính trong tinh dầu Hoa Anh Thảo là axit béo Omega-6. Trong đó axit gamma-linolenic (GLA) và axit linolenic chiếm hàm lượng cao.
Hiệu quả của tinh dầu Hoa Anh Thảo với hội chứng tiền mãn kinh?
- Cơn bốc hỏa: Nghiên cứu trên 56 phụ nữ mãn kinh (45-59 tuổi) chia làm hai nhóm. Nhóm can thiệp uống 500mg tinh dầu Hoa Anh Thảo trong 6 tuần & nhóm đối chứng sử dụng giả dược. Đánh giá trên tần suất và thời gian các cơn bốc hỏa không có sự khác biệt có ý nghĩa thống kê giữa hai nhóm. Sự khác biệt đáng kể nhất nằm ở mức độ nghiêm trọng của các cơn bốc hỏa giảm ở nhóm sử dụng tinh dầu Hoa Anh Thảo.
- Nguy cơ loãng xương: Hai nghiên cứu được thực hiện đánh giá tác động của tinh dầu Hoa Anh Thảo với sự mất mật độ khoáng xương ở phụ nữ tiền mãn kinh và mãn kinh. Một nhóm có bổ sung EPO, canxi, dầu cá biển. Nhóm hai bổ sung canxi cùng hàm lượng canxi nhóm một. Cả hai nhóm đều cho kết quả mật độ khoáng xương tăng lên đáng kể (1%). Tuy nhiên hiệu quả của nhóm bổ sung EPO không khác biệt so với nhóm chỉ bổ sung canxi.
- Theo viện Y tế quốc gia Hoa Kỳ (NIH), chưa có đủ bằng chứng cho thấy tinh dầu Hoa Anh Thảo có hiệu quả trên các triệu chứng tiền mãn kinh và mãn kinh. Tuy nhiên trên thực tế, EPO vẫn đang là lựa chọn khá phổ biến của phụ nữ giai đoạn tiền mãn kinh & cho biết EPO có hiệu quả trên các cơn bốc hỏa.
Cơ chế tác dụng của tinh dầu Hoa Anh Thảo?
Tinh dầu Hoa Anh Thảo có hơn 70% là axit Linoleic, 9% axit γ-linolenic (GLA). Đây là hai axit béo thiết yếu cơ thể không tự tổng hợp được, hay còn gọi là axit béo ngoại sinh. Các axit này là tiền chất của các hợp chất tạo ra các eicosanoid chống viêm (ví dụ: Prostaglandin loại 1). Bên cạnh đó, quá trình chuyển đổi từ axit linoleic thành axit arachidonic (AA) có thể tạo ra hợp chất chống viêm Prostaglandin loại 2 và leukotrienes loại 4. Nhờ đó tinh dầu Hoa Anh Thảo có hiệu quả trên các vấn đề viêm nhiễm trong giai đoạn tiền mãn kinh.
Ngoài ra axit linoleic là một trong những thành phần chính của ceramides xây dựng lớp lipid dưới da. Sự hiện diện của axit linoleic ngăn ngừa da bị bong chóc và mất nước, điều chỉnh quá trình sừng hóa biểu bì, cải thiện độ mềm mại của da.
Có thể bổ sung EPO với phụ nữ tiền mãn kinh có ung thư vú?
Ung thư vú là bệnh ung thư hàng đầu ở phụ nữ. Đặc trưng của các loại ung thư là tình trạng viêm và thay đổi chuyển hóa của lipid và axit béo. Những bệnh nhân ung thư vú có sự sụt giảm axit béo PUFA. Chế độ ăn uống giàu EPO đã được chứng minh giúp giảm viêm và cải thiện tình trạng PUFA ở bệnh nhân ung thư.
Bên cạnh đó, chưa có nghiên cứu nào cho thấy hoạt chất trong tinh dầu Hoa Anh Thảo có có tác dụng giống estrogen hoặc làm tăng nguy cơ ung thư vú hoặc tái phát ung thư vú. Ngoài ra, mặc dù chứng cứ lâm sàng chưa đủ chứng minh nhưng thực tế nhiều người cho thấy hiệu quả của EPO với các cơn bốc hỏa. Nên với phụ nữ tiền mãn kinh có ung thư vú có thể sử dụng tinh dầu Hoa Anh Thảo để cải thiện mức độ nghiêm trọng của các cơn bốc hỏa.
Lưu ý khi bổ sung tinh dầu Hoa Anh Thảo?
- Khi dùng với liều lượng thích hợp, EPO được cho là khá an toàn và dung nạp tốt. Những tác dụng phụ thường gặp nhất là các vấn đề trên đường tiêu hóa như đau bụng, đầy hơi hoặc buồn nôn.
- Trên những bệnh nhân bị động kinh hoặc tâm thần phân liệt, bổ sung EPO làm tăng nguy cơ co giật.
- Tinh dầu Hoa Anh Thảo có thể làm tăng nguy cơ chảy máu khi sử dụng cùng các thuốc chống đông máu.
Isoflavon và Tinh dầu Hoa Anh Thảo, cái nào hơn?
Chúng ta đã lần lượt điểm qua các đặc tính, cơ chế, tác dụng của từng nhóm chất. Để nhìn lại ngắn gọn một lần nữa, hãy cùng xem bảng thông tin tổng hợp dưới đấy:
TIÊU CHÍ | ISOFLAVON | TINH DẦU HOA ANH THẢO |
Thành phần | Là Phytoestrogen, gồm: Genistein và Daidzein. | 70% là axit Linoleic, 9% axit γ-linolenic (GLA) |
Cơ chế tác dụng | Nhóm hormone thực vật, tác dụng tương tự estrogen yếu. | Nhóm axit béo thiết yếu, hiệu quả chống viêm an toàn |
Tác dụng trên cơn bốc hỏa | Giảm 10-20% tần suất, cường độ các cơn bốc hỏa | Giảm mức độ nghiêm trọng các cơn bốc hỏa. Không có khác biệt về tần suất. |
Tác dụng trên tim mạch | Giảm LDL Cholesterol | Giảm Triglycerid & tăng HDL Cholesterol (*) |
Tác dụng trên xương khớp | Giảm mất khối lượng xương & ngăn ngừa loãng xương | (Chưa đủ bằng chứng) |
Sử dụng cho bệnh nhân ung thư liên quan đến nội tiết tố estrogen | Thận trọng. Tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng. | Có thể sử dụng để cải thiện mức độ các cơn bốc hỏa |
Các tác dụng khác ngoài Hội chứng tiền mãn kinh | Giảm tiêu chảy, cải thiện hội chứng ruột kích thích | Điều trị các bệnh viêm nhiễm, đặc biệt viêm da, mụn trứng cá |
Thận trọng khi sử dụng |
|
|
Bàn luận
Đến đây thì chắc bạn đọc cũng đã có đánh giá và sự lựa chọn cho riêng mình rồi. Tuy nhiên hãy nhớ rằng, cùng một tác nhân nhưng cơ thể mỗi người sẽ có những đáp ứng khác nhau. Do đó đảm bảo việc khám sức khỏe định kỳ, tham khảo thêm ý kiến bác sĩ, dược sĩ trước khi quyết định sử dụng bất cứ một sản phẩm thuốc hay thực phầm chức năng nào. Điều đó trước tiên đảm bảo an toàn cho chính bạn, và sau đó giúp cho hiệu quả điều trị được tối ưu.
Tham khảo:
Đọc thêm các bài viết chăm sóc sức khỏe gia đình khác tại đây.
Nếu bạn có bất cứ điều gì về sức khỏe muốn chia sẻ hay các câu hỏi về thuốc, hãy để lại comment hoặc nhắn tin theo địa chỉ email: nguyenvunguyetminh@gmail.com . Tôi luôn sẵn sàng lắng nghe và hỗ trợ bạn vì một cộng đồng sử dụng thuốc an toàn.