Sữa mẹ là thức ăn tốt nhất cho sức khỏe và sự phát triển toàn diện của trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Tuy nhiên trong một số trường hợp phải sử dụng sữa công thức, bạn nên biết các nhóm sữa có trên thị trường để lựa chọn sản phẩm phù hợp với con.
Sữa công thức được hiểu là sữa dành cho trẻ dưới 1 tuổi. Thường được làm từ sữa bò đã qua xử lý. Sữa công thức cung cấp những dưỡng chất cần thiết cho sự tăng trưởng và phát triển của trẻ. Tuy nhiên, sữa công thức không thể mang lại cho trẻ những lợi ích như sữa mẹ, đặc biệt với sức khỏe hệ miễn dịch.
Nội dung bài viết
Phân loại sữa công thức theo nguồn gốc nguyên liệu
1. Nguồn gốc từ động vật: sữa bò, sữa dê, sữa cừu
- Đạm nguyên thủy: Trọng lượng phân tử đạm từ 14 – 60 kDa (Kilodalton)
- Đạm thủy phân một phần: Trọng lượng phân tử đạm từ 3 – 10 kDa
- Đạm thủy phân toàn phần: Trọng lượng phân tử < 1.5 kDa.
2. Nguồn gốc từ thực vật: sữa đậu nành, sữa gạo, sữa các hạt ngũ cốc
Phân loại sữa công thức theo nhóm sử dụng
1. Công thức bổ sung cơ bản
Nhà sản xuất luôn cố gắng thiết kế công thức sữa về gần nhất với tiêu chuẩn dinh dưỡng trong sữa mẹ. Mỗi nhà sản xuất sẽ có công thức riêng. Tuy nhiên, các sản phẩm đều phải đạt chỉ tiêu thành phần theo quy định của Cơ quan quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA). Quy định này bao gồm lượng tối thiểu cho 29 chất dinh dưỡng (Canxi, Photpho, Magie, các loại vitamin….), và lượng tối đa cho 9 chất dinh dưỡng (Sắt, I ốt, Selen, Natri, Kali…) [1].
Một số sữa công thức bổ sung cơ bản trên thị trường như Similac HMO (Abbott), Frisolac Gold (FrieslandCampina), Enfa A+ (Mead Johnson), Optimum Gold (Vinamilk), Meiji (Nhật), Nan (Nestle)…
2. Dành cho trẻ bị trào ngược
Trào ngược là tình trạng các chất trong dạ dày và axit trào ngược lên cổ họng, thực quản. Đây là vấn đề phổ biến ở trẻ sơ sinh, đặc biệt trẻ từ 3 tháng tuổi trở xuống. Điều này được lý giải do cơ vòng thực quản thấp (LES) của trẻ còn yếu, hoạt động chưa hiệu quả. Với những trẻ bị trào ngược, ban đầu các chuyên gia hướng dẫn bà mẹ thay đổi tư thế bú, cách cho ăn. Trong trường hợp cần đổi sữa, có thể sử dụng công thức sữa chống trào ngược.
Sữa chống trào ngược được bổ sung chất làm đặc trong công thức như tinh bột gạo, ngô, gelatin… Khi sử dụng, dưới tác dụng của dịch axit dạ dày, sữa sẽ chuyển dạng đặc sánh, hạn chế trào ngược ở trẻ.
Công thức sữa chống trào ngược: Similac Spit-up (Abbott), Enfamil A.R (Mead Johnson), Aptamil Anti-Reflux (Milupa), Hipp Organic Combiotic Anti-Reflux (Hipp)…
3. Trẻ bị dị ứng
Dị ứng đạm sữa bò là phản ứng bất lợi khi cơ thể khi tiếp xúc với kháng nguyên là protein sữa bò. Có khoảng 2-5% trẻ nhỏ gặp tình trạng này. Biểu hiện dị ứng đạm sữa bò gồm: Quấy khóc, đầy hơi, phát ban, chàm, khò khè, nôn ói, tiêu chảy, sốc hoặc có máu/nhầy trong phân.
Những trẻ bị dị ứng đạm sữa bò có thể sử dụng sữa công thức chứa đạm thủy toàn phần (protein trong sữa bò được cắt nhỏ thành các axit amin), hoặc sử dụng công thức đạm thực vật.
Sữa dê có thể thay thế trong trường hợp trẻ bị dị ứng đạm sữa bò không? – Câu trả lời là KHÔNG. Vì protein sữa dê tương tự như sữa bò. 90% hệ thống miễn dịch sẽ nhầm lẫn hai loại protein này và gây ra các phản ứng dị ứng tương tự nhau [7].
Các loại sữa công thức chứa đạm thủy phân toàn phần: Pregestimil (Mead Johnson), Nutramigen (Mead Johnson), Alimentum (Abbott Nutrition), Meiji HP (Nhật)
Sữa công thức chứa đạm thực vật: Similac Isomil (Abbott), Prosobee (Mead Johnson), Alsoy (Nestle), Gerber Good Start Soy (Gerber), Earth’s Best Non-GMO Soy Plant (Earth’s Best)
4. Trẻ không dung nạp đường lactose
Lactose là một loại đường tự nhiên có trong sữa và các sản phẩm từ sữa. Bất dung nạp đường lactose là tình trạng cơ thể không có khả năng tiêu hóa đường lactose vì thiếu men lactase trong ruột non. Triệu chứng bất dung nạp đường lactose là đầy hơi, chướng bụng, đau bụng, tiêu chảy…
Những công thức sữa không chứa đường lactose sẽ là lựa chọn thích hợp cho nhóm trẻ này: Similac Total Comfort (Abbott), Friso Lactose Free (FrieslandCampina), Nan Free Lactose (Nestle), Enfamil Lactofree Care (Mead Johnson)
5. Nhóm trẻ đau quặn bụng (Hội chứng Colic)
Trẻ đau quặn bụng hay hội chứng Colic là tình trạng trẻ quấy khóc liên tục, thời gian từ 3 giờ trở lên vào buổi tối. Trẻ không chịu nằm yên, co chân về ngực, bụng đầy hơi. Hội chứng Colic thường bắt đầu khi trẻ được 3 tuần tuổi và kết thúc khi trẻ 3-4 tháng tuổi. Khoảng 40% trẻ sơ sinh có thể gặp phải tình trạng này [8].
Nguyên nhân hội chứng Colic chưa được xác định rõ. Có ý kiến cho rằng do thần kinh của trẻ chưa trưởng thành, hoặc chưa thích nghi với thế giới bên ngoài bụng mẹ.
Công thức sữa dành cho trẻ mắc hội chứng Colic chứa đạm thủy phân toàn phần: Alimentum (Abbott), Gerber Good Start Soothe Pro (Gerber), Pregestimil và Nutramigen (Mead Johnson), Meiji HP (Nhật)
6. Trẻ đầy hơi, táo bón
Trẻ gặp phải tình trạng khó chịu trên đường tiêu hóa như đầy hơi, ợ hơi, nôn trớ. Nguyên nhân có thể do nuốt phải khí khi bú, ăn quá nhanh. Hoặc không tiêu hóa hết đường lactose trong sữa do thiếu hụt tạm thời men lactase.
Táo bón được xác định khi trẻ có số lần đi ngoài ít hơn bình thường, phân to, cứng, đau khi đi ngoài, đôi khi có máu.
Công thức sữa dành cho trẻ đầy hơi, táo bón thường chứa đạm whey thủy phân một phần hoặc bổ sung thêm chất xơ, men vi sinh giúp trẻ tiêu hóa dễ dàng: Enfamil Gentlease (Mead Johnson), Similac Total Comfort (Abbott), Aptamil Comfort (Milupa), Frisolac Comfort (FrieslandCampina)
7. Trẻ bị tiêu chảy
Tiêu chảy là khi trẻ đi ngoài phân lỏng nhiều nước, đi nhiều hơn 3 lần trong 24 giờ. Tiêu chảy thường do vi khuẩn, virus hoặc phản ứng của cơ thể khi tiếp xúc với tác nhân dị ứng.
Trẻ sơ sinh bị tiêu chảy do không dung nạp đường lactose nhất thời, có thể chuyển sang sữa công thức không chứa lactose (tham khảo mục 4). Khi trẻ trở về bình thường, quay lại sử dụng sữa công thức ban đầu.
Với trẻ sơ sinh tiêu chảy kéo dài hoặc tiêu chảy do dị ứng đạm sữa bò nên sử dụng các công thức chuyên biệt như: Similac Isomil (Abbott), Prosobee (Mead Johnson Pharmaceuticals), Good Start Alsoy (Nestle)
8. Nhóm trẻ sinh non, nhẹ cân
Trẻ sinh non, nhẹ cân được định nghĩa là trẻ có cân nặng thấp hơn 2.5kg và/ hoặc sinh trước 37 tuần. Đối với trẻ sinh non nhẹ cân, sữa mẹ luôn là sự lựa chọn lý tưởng nhất. Tuy nhiên không phải lúc nào sữa mẹ cũng có sẵn và đáp ứng đủ. Trẻ sinh non cần hỗ trợ thêm về mặt dinh dưỡng để bắt kịp tốc độ tăng trưởng với trẻ bình thường.
Công thức sữa thiết kế dành riêng cho trẻ sinh non nhẹ cân có mức năng lượng cao hơn, từ 22 – 24 kcal/ounce (mức năng lượng thông thường là 20 kcal/ounce, 1 ounce = 29.5735 ml): Similac Special Care, Similac Neosure (Abbott); Enfalac A+ Premature (Mead Johnson), Pre Nan (Nestle)
9. Trẻ nhanh đói
Tỉ lệ đạm casein và đạm whey trong công thức là 20:80 (công thức thông thường tỉ lệ casein và whey là 40:60, tương đương trong sữa mẹ). Đạm casein khó tiêu hơn, đòi hỏi thời gian tiêu hóa dài hơn. Tuy nhiên chưa có bằng chứng rõ ràng nào cho thấy trẻ sẽ no lâu và ngủ ngon hơn khi sử dụng công thức này.
Một số sản phẩm sữa dành cho trẻ nhanh đói trên thị trường là Hungry infant milk (Cow & Gate), Aptamil hungrier babies (Nutricia), Combiotic hungry infant milk (Hipp) (Việt Nam chưa có sản phẩm thuộc nhóm này)
10. Sữa công thức có nguồn gốc thực vật
Sữa công thức đạm thực vật không chứa đường lactose và protein sữa bò. Những công thức này thường được chỉ định cho trẻ không thể sử dụng sữa công thức cơ bản vì lý do văn hóa tôn giáo (ăn chay), hoặc những trẻ mắc bệnh galactosemia, hoặc thiếu hụt men lactose di truyền.
Nghiên cứu cho thấy khi trẻ ăn sữa công thức nguồn gốc thực vật, tốc độ tăng cân nặng và chiều cao chậm hơn so với sữa công thức tiêu chuẩn. Ngoài ra, có ý kiến quan ngại về thành phần phytoestrogen trong đậu nành có cấu trúc hóa học tương tự nội tiết tố nữ estrogen. Điều này có thể ảnh hưởng đến sự phát triển sinh sản của em bé, đặc biệt ở những trẻ chỉ sử dụng sữa đậu nành [4].
Một số sữa công thức đạm đậu nành dành cho trẻ: Isomil (Abbott Nutrition), Prosobee (Mead Johnson Pharmaceuticals) và Alsoy (Nestle), Gerber Good Start Soy, Earth’s Best Non-GMO Soy Plant.
Bàn luận
Có nhiều nhóm sữa khác nhau đáp ứng nhu cầu cụ thể của trẻ. Biết được đặc điểm các loại sữa và hiểu rõ nhu cầu của con, sẽ giúp việc lựa chọn sữa trở nên dễ dàng. Tuy nhiên sữa mẹ luôn là sự lựa chọn hoàn hảo nhất cho trẻ. Bạn nên tham khảo thêm ý kiến bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng để lựa chọn sữa công thức phù hợp nhất với con. Đồng thời được tư vấn để biết cách sử dụng sữa công thức hiệu quả, an toàn vì sự phát triển khỏe mạnh của trẻ.
Nếu bạn có vấn đề cần chia sẻ về sức khỏe hay câu hỏi về thuốc, hãy để lại comment hoặc nhắn tin theo email: nguyenvunguyetminh@gmail.com. Tôi luôn sẵn sàng lắng nghe và hỗ trợ bạn vì một cộng đồng sử dụng thuốc an toàn.
Đọc thêm các bài viết chăm sóc sức khỏe tại đây
Tài liệu tham khảo:
- https://www.accessdata.fda.gov/scripts/cdrh/cfdocs/cfcfr/CFRSearch.cfm?fr=107.100
- https://www.fda.gov/food/people-risk-foodborne-illness/questions-answers-consumers-concerning-infant-formula
- https://www.nhs.uk/conditions/pregnancy-and-baby/types-of-infant-formula/
- https://www.cdc.gov/nutrition/infantandtoddlernutrition/formula-feeding/choosing-an-infant-formula.html
- https://www.contemporarypediatrics.com/view/how-choose-infant-formula
- https://www.medicinenet.com/infant_formulas/article.htm#what_is_in_an_infant_formula_and_how_do_i_choose_the_right_one
- https://www.allergicliving.com/experts/is-goats-milk-safe-for-dairy-allergy/#:~:text=Unfortunately%2C%20goat’s%20milk%20protein%20is,safe%20alternative%20to%20cow’s%20milk.
- https://www.healthline.com/health/childrens-health/best-colic-remedies#1
Hi there to all, for the reason that I am genuinely keen of reading this website’s post to be updated on a regular basis. It carries pleasant stuff.
Wow, this blogger is seriously impressive!
I appreciate your creativity and the effort you put into every post. Keep up the great work!