Vấn đề lão hóa ở người cao tuổi ảnh hưởng đến khả năng hấp thu và chuyển hóa thức ăn của cơ thể. Chính vì vậy, dinh dưỡng đầy đủ là rất quan trọng để hỗ trợ duy trì sức khỏe, giảm khởi phát các bệnh mãn tính, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống, tinh thần & sự độc lập của người già.
Nội dung bài viết
Dinh dưỡng ở người cao tuổi
Các yếu tố thực thể
Ở người cao tuổi, khối cơ của cơ thể sụt giảm. Nếu chúng ta cầm vào tay, chân sẽ thấy cơ mềm, nhẽo và yếu hơn so với giai đoạn trưởng thành. Điều này làm giảm sức mạnh, sức bền khi vận động, giảm khả năng thăng bằng. Các hoạt động trở nên chậm hơn, kể cả việc ăn uống và tiêu hóa thức ăn.
Tương tự với khối lượng xương. Tốc độ hủy xương nhanh hơn, khả năng hình thành tế bào xương mới chậm lại. Nguy cơ loãng xương, gãy xương, hạn chế vận động trong việc mua bán hoặc chế biến thực phẩm.
Vị giác và khứu giác cũng suy giảm chức năng theo sự lão hóa của cơ thể. Nước bọt có xu hướng giảm tiết theo độ tuổi khiến việc xử lý thức ăn ban đầu có thể khô và khó nuốt hơn. Các vấn đề về răng miệng như răng yếu, răng rụng là giảm khả năng nhai, nghiền thực phẩm.
Bên trong cơ thể, nhu động ruột cũng có xu hướng giảm vận động theo tuổi tác. Lượng chất lỏng và chất xơ thấp làm tăng nguy cơ táo bón. Các vấn đề trên đường tiêu hóa thay đổi, quá trình trao đổi chất chậm lại khiến hấp thu dinh dưỡng kém hoặc không dung nạp một số loại thức ăn.
Các yếu tố tâm lý
Mặc dù không phải người cao tuổi nào cũng gặp các vấn đề tâm lý. Tuy nhiên khi sức khỏe suy giảm, nghỉ hưu, không được gặp gỡ nhiều bạn bè, không thể tự làm một số việc hoặc do sử dụng thuốc… có thể gây ra trầm cảm, ưu phiền người già. Tâm lý này khiến họ giảm sự quan tâm đến vấn đề ăn uống, không đảm bảo dinh dưỡng bổ sung cho cơ thể.
Do thuốc
Ngoài các vấn đề kể trên, người già thường gặp các bệnh lý khác nhau, sử dụng một số thuốc điều trị có tác dụng phụ làm giảm cảm giác thèm ăn, rối loạn tiêu hóa hoặc ảnh hưởng đến vị giác khiến việc ăn uống trở nên thiếu hấp dẫn.
Ví dụ, người cao tuổi đặc biệt nhạy cảm với các thuốc kháng cholinergic (thuốc điều trị bệnh Parkinson như Benztropine, thuốc chống trầm cảm Imipramin, thuốc chống co thắt đường tiêu hóa Propantheline…), dễ gặp tác dụng phụ trên hệ thần kinh trung ương gây mệt mỏi, lú lẫn. Thuốc kháng cholinergic cũng thường gây ra táo bón, bí tiểu, hạ huyết áp thể đứng và khô miệng.
Nguyên tắc bổ sung dinh dưỡng cho người cao tuổi
Biết được đặc điểm về chuyển hóa, hấp thu dinh dưỡng ở người cao tuổi, chúng ta có thể lựa chọn một chế độ ăn đảm bảo các chất cân đối, dễ tiêu hóa. Một số nguyên tắc chính cần lưu ý:
- Đa dạng hóa thực phẩm. Nên chọn đủ các nhóm thực phẩm đạm, đường, béo, chất xơ, uống đủ nước. Mỗi bữa nên có ít nhất 3 loại thực phẩm.
- Ưu tiên thực phẩm chứa nhiều chất xơ như rau củ, trái cây, hạt ngũ cốc.
- Chế biến đồ ăn ít muối, hạn chế đồ ăn chế biến sẵn, bánh kẹo đồ ngọt.
- Hạn chế các món ăn dầu mỡ, ưu tiên sử dụng dầu ăn thực vật.
- Bổ sung đạm, sữa vào chế độ ăn hàng ngày.
- Ưu tiên thực phẩm mềm, dễ nhai nuốt, dễ tiêu hóa.
- Cân bằng giữa lượng calo nạp vào từ chế độ ăn và lượng calo đốt cháy từ các hoạt động của cơ thể.
- Đảm bảo đủ ba bữa ăn chính trong ngày. Không nên bỏ bữa để tránh tình trạng hạ đường huyết không kiểm soát.
Một số vi chất người cao tuổi cần bổ sung
- Canxi: Nhu cầu canxi ở người cao tuổi (>50 tuổi) là 1.000mg/ ngày. Cơ thể có thể đạt được mức này thông qua các nguồn thực phẩm giàu canxi như sữa ít chất béo, cá mòi, hải sản… Tuy nhiên, chế độ ăn
- Vitamin D: Nhu cầu vitamin D mỗi ngày ở người cao tuổi (>60 tuổi) là 15 mcg/ngày (600 UI), cao hơn khoảng 1.5 lần so với người trưởng thành. Vitamin D có thể được cung cấp qua thức ăn giàu chất béo hoặc tổng hợp qua da tiếp xúc với ánh nắng mặt trời. Tuy nhiên khả năng tổng hợp vitamin D của người già giảm, khả năng chuyển đổi thành vitamin D hoạt động trong cơ thể tại thận cũng giảm. Thiếu vitamin D làm giảm sức đề kháng, tăng nguy cơ loãng xương, giảm chức năng nhận thức ở người cao tuổi.
- Vitamin B12: Nhu cầu vitamin B12 của người già là 2.4 mcg/ ngày khi hấp thu cơ thể bình thường. Các nghiên cứu cho thấy có đến 20% người cao tuổi ở Châu Âu thiếu vitamin B12 vì độ pH dạ dày giảm khiến giảm hấp thu vitamin B12. Điều đó có thể gây ra các bệnh lý về thần kinh ngoại vi, rối loạn thăng bằng, rối loạn nhận thức ở người cao tuổi. Ngoài ra, thiếu hụt vitamin B12 làm gia tăng chỉ số homocystein gây gia tăng nguy cơ mắc bệnh lý tim mạch, giảm mật độ xương.
- Kẽm: Khả năng hấp thu kẽm ở người cao tuổi thấp hơn đáng kể so với người trẻ, đặc biệt người > 75 tuổi. Thiếu hụt kẽm làm tăng tỷ lệ các bệnh nhiễm trùng và bệnh lý thoái hóa liên quan đến tuổi tác (rối loạn thần kinh, giảm vị giác, rối loạn tiêu hóa…)
Bàn luận
Cuộc đời con người đều phải trải qua các giai đoạn sinh trưởng – phát triển – lão hóa. Mỗi giai đoạn sẽ có các đặc điểm sinh lý riêng. Ở người già, sự lão hóa theo tuổi tác không chỉ diễn ra bên ngoài, mà còn diễn ra với các bộ phận và các quá trình chuyển hóa bên trong cơ thể. Khoa học tiến bộ đã giúp chúng ta có thêm nhiều hiểu biết về những sự thay đổi này. Và quan trọng hơn hết, khi đã hiểu, mỗi người cần tự điều chỉnh bản thân, tổ chức cuộc sống, chế độ ăn uống và các nguồn thực phẩm bổ sung cân đối.
Hiểu cơ thể mình để sống khỏe mạnh hơn. Sống không chỉ lâu mà cần phải khỏe. Hi vọng một số thông tin của bài viết này sẽ giúp mỗi người có thêm kiến thức cho bản thân mình, cũng như cho việc chăm sóc sức khỏe ông bà, cha mẹ một cách tích cực nhất.
Tham khảo:
Đọc thêm các bài viết chăm sóc sức khỏe gia đình khác tại đây.
Nếu bạn có bất cứ điều gì về sức khỏe muốn chia sẻ hay các câu hỏi về thuốc, hãy để lại comment hoặc nhắn tin theo địa chỉ email: nguyenvunguyetminh@gmail.com . Tôi luôn sẵn sàng lắng nghe và hỗ trợ bạn vì một cộng đồng sử dụng thuốc an toàn.