Cùng với quá trình lão hóa tự nhiên của cơ thể, khi bước sang tuổi 40, mắt dần có các dấu hiệu lão hóa gây suy giảm thị lực. Thủy tinh thể của mắt trở nên kém linh hoạt. Khả năng sản xuất nước mắt giảm đi khiến mắt có xu hướng khô hơn bình thường. Tuy nhiên, nếu hiểu và có cách chăm sóc đúng thì chúng ta hoàn toàn có các phương pháp bảo vệ hoặc làm chậm lại các vấn đề của mắt của người già.
Trước khi bàn về thị lực của người cao tuổi, chúng ta cần hiểu được những khái niệm cơ bản như cấu tạo của mắt hay thị lực là gì?
Nội dung bài viết
Thị lực là gì?
Thị lực là một trong những chức năng quan trọng của thị giác, cho thấy khả năng nhìn và nhận biết các sự vật xung quanh một cách chi tiết. Nó giúp nhận biết ánh sáng, phân biệt màu sắc, hình ảnh và các chiều không gian.
Cấu tạo của mắt
Mắt không phải là hình cầu vì nó hơi nhọn ở phía trước, gần giống với quả bóng hơi bị nén lại. Ở người lớn, mắt có đường kính khoảng 2,5cm.
Thị lực của mắt do 6 bộ phận chính tạo nên:
- Giác mạc: Có tác dụng giúp khúc xạ ánh sáng đi vào mắt.
- Đồng tử: Cho ánh sáng đi vào và kiểm soát lượng ánh sáng đi vào mắt. Đồng tử giãn ra trong ánh sáng mờ và co lại trong ánh sáng mạnh.
- Mống mắt: Có vai trò điều khiển đồng tử, kiểm soát kích thước đồng tử.
- Thủy tinh thể: Hoạt động giống như một chiếc máy ảnh giúp tập trung tia sáng đi vào mắt thành các tiêu điểm sắc nét, cho phép mắt nhìn rõ hình ảnh.
- Võng mạc: Có vai trò như màn hứng ánh sáng, chuyển chúng thành tín hiệu hình ảnh và truyền lên não.
- Dây thần kinh thị giác: Truyền tín hiệu hình ảnh từ võng mạc lên não để phân tích giúp nhận dạng hình ảnh.
Nếu bất cứ một bộ phận nào kể trên có vấn đề sẽ gây ảnh hưởng trực tiếp đến thị lực. Ngoài ra, mắt còn có các bộ phận với các vai trò khác nhau như tuyến lệ, hệ thống mi mắt, ống dẫn nước mắt, dây chằng…
Sự lão hóa của mắt
Bước vào tuổi trung niên, các cơ quan trong cơ thể bắt đầu có những dấu hiệu lão hóa, bao gồm cả thị lực. Tỷ lệ mắc các bệnh đe dọa đến thị lực của mắt tăng đáng kể từ tuổi 75 trở lên. Sự lão hóa của mắt thường liên quan đến 3 nhóm vấn đề chính:
- Suy giảm chức năng thị giác
- Các vấn đề của mắt do lão hóa
- Các bệnh về mắt
1. Suy giảm chức năng thị giác
Trường thị giác (Visual Field) là toàn bộ khu vực có thể nhìn thấy khi mắt tập trung vào một điểm cố định duy nhất. Ngoài khả năng nhìn mọi vật ở phía trước, trường thị giác còn bao gồm những gì có thể nhìn thấy ở bên trên, bên dưới, và cả hai phía của một điểm cố định mà mắt đang tập trung nhìn. Ở người cao tuổi, trường thị giác bị suy giảm.
Giai đoạn đầu, suy giảm trường thị giác có thể do kích thước đồng tử giảm. Các cơ có chức năng điều chỉnh kích thước của đồng tử sẽ yếu đi theo tuổi tác. Đồng tử trở nên nhỏ hơn, phản ứng chậm hơn với ánh sáng và giãn ra chậm hơn trong bóng tối. Mắt sẽ gặp khó khăn khi thay đổi từ môi trường có ánh sáng rực rỡ sang môi trường tối hơn.
Gia đoạn sau, giảm chuyển hóa ở võng mạc do tuổi tác, ô nhiễm môi trường, khói bụi và ánh sáng xanh từ các thiết bị điện tử, tia cực tím… Các yếu tố này gây đảo chiều phản ứng quang hóa của Rhodopsine – sắc tố thị giác của tế bào quang cảm thụ, thúc đẩy sự chết của tế bào này, ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng nhìn rõ của mắt.
Theo tuổi tác, mắt chìm sâu hơn vào hốc mắt do mất mỡ sau nhãn cầu, điều này khiến mắt gặp hạn chế cơ học về khả năng nhìn từ trên xuống.
Khả năng phân biệt các chi tiết nhỏ của vật thể cũng kém dần theo suy giảm thị lực do tuổi tác. Điều này do thủy tinh thể của mắt trở nên kém linh hoạt bởi sự rối loạn trong quá trình tổng hợp protein của thủy tinh thể, cũng như võng mạc mắt. Đặc biệt, tế bào biểu mô sắc tố võng mạc (RPE) bị thoái hóa dần theo tuổi tác khiến chức năng bị suy giảm không còn được bù trừ bởi các tế bào còn lại.
Khả năng tập trung vào hình ảnh của mắt giảm sút do giác mạc và thủy tinh thể đều mất đi độ trong suốt, thủy tinh thể dày lên và trở nên cứng hơn, cơ thể mi yếu đi. Tình trạng này còn được gọi là “lão thị”.
Giảm nhận thức về màu sắc vì những thay đổi trong tế bào hình nón và đường dẫn truyền thị giác. Mắt trở nên kém nhạy cảm hơn với các màu có bước sóng ngắn như xanh lam, xanh lá cây và tím (các màu lạnh), các màu nhạt và xám trở nên khó phân biệt hơn.
2. Các vấn đề của mắt do lão hóa
Ngoài suy giảm về thị lực, lão hóa còn gây ra những vấn đề khác như nhìn thấy những đốm nhỏ hoặc mạng nhện lơ lửng trước mắt.
Chảy nước mắt khi mắt có tác động của gió, ánh sáng hoặc nhiệt độ.
Các vấn đề về mí mắt lỏng lẻo do các cơ mí mắt giảm sức mạnh. Điều này có thể làm mí mắt dưới quay vào trong khiến lông mi cọ xát vào nhãn cầu. Còn mí mắt trên thì sụp xuống hây hiện tượng sa mi mắt. Mô mỡ quanh mắt phình to lên.
3. Một số bệnh về mắt thường gặp
Thoái hóa điểm vàng
Thoái hóa điểm vàng liên quan đến tuổi tác (AMD: Age-related macular degeneration) là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến mất thị lực nghiêm trọng, không phục hồi do tình trạng thoái hóa các tế bào điểm vàng. AMD do có thể do yếu tố gen di truyền, môi trường, lối sống góp phần gây ra bệnh. Các triệu chứng của AMD bao gồm:
- Mất thị lực trung tâm, thị lực ngoại biên không bị ảnh hưởng
- Khó phân biệt màu sắc
- Giảm độ nhạy tương phản
- Mờ mắt, hình ảnh méo mó
- Phục hồi chức năng thị giác chậm sau khi tiếp xúc với ánh sáng mạnh
Tăng nhãn áp
Tăng nhãn áp (hay còn gọi là tăng áp lực nội nhãn – IOP) là tình trạng áp suất trong nhãn cầu tăng cao hơn mức bình thường do do không thoát được thủy dịch. (Mắt liên tục tạo ra một chất lỏng trong suốt (thủy dịch), chảy phía trước mắt và sau đó thoát ra. Đối với mắt thông thường, thủy dịch tạo ra bằng với lượng dịch thoát ra. Mắt của người có thủy dịch không thoát ra kịp thời sẽ xuất hiện tình trạng tăng nhãn áp).
Tăng nhãn áp có thể dẫn đến bệnh Glocom (Thiên đầu thống). Bệnh Glocom xảy ra khi áp lực trong mắt cao gây tổn thương đến dây thần kinh thị giác. Những dây thần kinh này ở cả hai mắt nối trực tiếp với não và truyền tín hiệu giúp não hình dung hình ảnh. Nếu bệnh Glocom mà không được điều trị có thể dẫn đến mất thị lực không phục hồi.
Đục thủy tinh thể
Đục thủy tinh thể là tình trạng rối loạn thị lực do cấu trúc protein của thủy tinh thể bị thay đổi dưới tác động của các chất gây hại sinh ra từ bên trong cơ thể hoặc từ môi trường bên ngoài, hoặc do tuổi tác. Cấu trúc protein bị xáo trộn làm thay đổi độ cong, độ trong, độ đàn hồi và độ dày của thủy tinh thể, khiến thủy tinh thể mờ đục, cản trở không cho ánh sáng đi qua, gây suy giảm thị lực.
Khô mắt
Tuyến lệ của người già bị ảnh hưởng của quá trình lão hóa và không còn hoạt động tốt như trước, nước mắt không được cung cấp đủ để nuôi dưỡng khiến mắt bị khô. Những dấu hiệu của khô mắt thường gặp như:
- Thường xuyên bị ngứa, mỏi mắt
- Tình trạng khó chịu, cay rát giống như có dị vật hoặc bụi bay vào mắt
- Thường xuyên bị nhạy cảm với ánh sáng
- Mắt bị đỏ, mờ đột ngột, kèm theo mờ mắt sau khi chớp mắt
- Xuất hiện gỉ mắt có dính bọt trắng ở vị trí hai hốc mắt
- Trong một vài trường hợp mắt có biểu hiện bị nhòe, thường xuyên phải chớp mới có thể hết
- Buổi sáng thường khó mở mắt, mi nặng kèm theo cảm giác buồn ngủ
- Trường hợp nặng, người bệnh cảm thấy đau mỗi khi chớp mắt
Khô mắt rất hay gặp ở người cao tuổi và cần được điều trị kịp thời để tránh những ảnh hưởng xấu tới thị lực.
Bệnh võng mạc tiểu đường
Võng mạc là các lớp sợi thần kinh của mắt, có vai trò tiếp nhận ánh sáng, hình ảnh mắt thu nhận được truyền đến não, và truyền ngược lại ảnh mà não phân tích được đến mắt, trong đó hoàng điểm có vai trò quan trọng cho hình ảnh tinh tế nhất.
Bệnh võng mạc tiểu đường là bệnh lý thứ phát do biến chứng của bệnh tiểu đường. Đây là bệnh lý vi mạch máu ảnh hưởng đến các tiểu động mạch võng mạc trước mao mạch, mao mạch, và các tiểu tĩnh mạch. Có cả 2 nguyên nhân do sự tắc nghẽn và sự rò rỉ vi mạch máu. Theo thống kê, trung bình sau 15 năm bị tiểu đường, 2% người bệnh tiến triển mù lòa, 10% bệnh nhân thị lực kém.
Những thay đổi khác trong chức năng của mắt cũng xảy ra khi già đi. Độ sắc nét của thị lực bị giảm. Lượng ánh sáng tới phía sau võng mạc giảm đi, làm tăng nhu cầu chiếu sáng mạnh hơn và độ tương phản cao hơn giữa vật thể và nền để giúp mắt nhìn rõ hơn.
Suy giảm thị lực và chất lượng cuộc sống người cao tuổi
Khi tuổi càng cao, chúng ta sẽ phải thích nghi với những thay đổi của cơ thể, trong đó có suy giảm thị lực do lão hóa. Điều này là không thể tránh khỏi và sẽ gây ra những khó khăn nhất định trong cuộc sống khi tầm nhìn giảm đi, khả năng nhìn thích ứng trong bóng tối kém, giảm nhận biết màu sắc cũng như khả năng điều tiết thị lực.
Đôi khi việc nhìn kém đi sẽ khiến nguy cơ vấp ngã tăng lên, giữ thăng bằng kém hơn, quyết định hành động chậm trễ hơn hoặc các khó chịu tại mắt làm ảnh hưởng chất lượng cuộc sống người già. Chính vì vậy, việc khám mắt định kỳ hàng năm, bổ sung các chất dinh dưỡng cho mắt thường xuyên như vitamin A, omega-3, lutein, kẽm… là rất cần thiết.
Ngay khi nhận biết các dấu hiệu suy giảm thị lực, các vấn đề hoặc bệnh lý về mắt, chúng ta cần đi khám ngay để có các biện pháp hỗ trợ hoặc liệu pháp điều trị kịp thời, tránh các biến chứng nặng không đáng có.
Tham khảo:
Đọc thêm các bài viết chăm sóc sức khỏe gia đình khác tại đây.
Nếu bạn có bất cứ điều gì về sức khỏe muốn chia sẻ hay các câu hỏi về thuốc, hãy để lại comment hoặc nhắn tin theo địa chỉ email: nguyenvunguyetminh@gmail.com . Tôi luôn sẵn sàng lắng nghe và hỗ trợ bạn vì một cộng đồng sử dụng thuốc an toàn.