Để tôi kể cho bạn nghe câu chuyện này: Cha mẹ tôi chuyển nhà từ một huyện miền trung du xuống thành phố đã được 5 năm. Thứ tư, tôi gọi điện cho mẹ như thường lệ vào các buổi tối, mẹ kể dạo này thường xuyên bị đau đầu, và mỗi lần bà dùng “một viên thuốc màu hồng” thì cơn đau sẽ dứt, nhưng chỉ được khoảng nửa ngày chứ không được lâu như “ngày xưa”. Tôi tá hỏa hỏi mẹ “viên thuốc màu hồng” là thông tin thuốc gì, bà bảo không biết tên là gì, chỉ biết đó là viên thuốc bà mua từ khi còn ở nhà cũ để uống mỗi khi đau. Ngay hôm sau tôi đưa mẹ đi khám, kết quả mẹ tôi bị tăng huyết áp dẫn đến đau đầu, còn “viên thuốc màu hồng” của bà là thuốc giảm đau thần kinh, và tất nhiên, đã hết hạn từ rất lâu. May mắn vì mẹ đã kể với tôi và đi khám kịp thời trước khi tăng huyết áp có thể gây ra điều tồi tệ cho sức khỏe của mẹ.
Câu chuyện làm tôi nghĩ tới vấn đề sử dụng thuốc. Tôi là một dược sĩ nhưng chính người thân của tôi lại không biết những thông tin thuốc cơ bản nhất để đảm bảo an toàn khi sử dụng. Và ở ngoài kia, còn bao nhiêu người khác cũng giống mẹ tôi? Suy nghĩ đã thôi thúc tôi viết chia sẻ về 5 thông tin cơ bản trên bao bì thuốc mọi người cần biết để đảm bảo an toàn khi sử dụng.
Nội dung bài viết
Tên thuốc và thành phần hoạt chất
Bạn có thể không nhớ nằm lòng tên thuốc và hoạt chất, nhưng bạn phải biết thông tin thuốc là gì và hiển thị ở đâu trên hộp thuốc. Thông thường các sản phẩm thuốc có hai tên gọi: Tên thương mại hay tên biệt dược là tên do nhà sản xuất đặt. Tên gọi thứ hai là tên chung quốc tế, là tên hoạt chất tạo nên công dụng của sản phẩm.
Tên biệt dược của thuốc hay tên thương mại thường được in kích thước lớn, nổi bật trên vỏ hộp thuốc hoặc trên bao bì thuốc trực tiếp như vỉ thuốc, gói thuốc hay chai thuốc.
Tên hoạt chất hay tên chung quốc tế thường được in nhỏ hơn, sát bên trên hoặc bên dưới tên thương mại.
Dưới đây là 3 ví dụ minh họa cho các trường hợp:
Ví dụ 1: Tên hoạt chất nằm bên dưới tên biệt dược
- Tên biệt dược – EFFERALGAN
- Tên hoạt chất – Paracetamol
Ví dụ 2: Tên hoạt chất nằm phía trên tên biệt dược
- Tên biệt dược: AUGMENTIN
- Tên hoạt chất: Amoxicillin – Acid Clavulanic
Ví dụ 3: Tên biệt dược và tên hoạt chất là một
Khi sử dụng, hầu hết mọi người sẽ nhớ tên thuốc, nhưng biết tên hoạt chất cũng là thông tin thuốc rất quan trọng để:
- Tránh uống các thuốc có tên biệt dược khác nhau nhưng có cùng hoạt chất, dẫn đến quá liều gây ra các tác dụng phụ không mong muốn.
- Tự kiểm tra các thuốc trong tủ thuốc gia đình xem có thuốc nào cùng nhóm hoạt chất hay không
- Ghi nhớ hoặc ghi lại đúng tên hoạt chất nếu bạn có tiền sử dị ứng với thành phần đó để thông báo cho nhân viên y tế khi cần.
Hàm lượng hoạt chất và liều sử dụng
Bạn tôi thường hay nói đùa “Làm dược sĩ dễ ợt, thuốc nào cũng uống một đến hai viên, chia hai lần mỗi ngày, sau ăn”. Thực ra một hay hai viên, uống một lần hay hai lần phụ thuộc vào hàm lượng hoạt chất, sinh khả dụng của thuốc, hay nói nôm na là khả năng tác dụng của thuốc trong cơ thể (hấp thu, chuyển hóa và thải trừ). Có những thuốc cùng tên hoạt chất nhưng hàm lượng khác nhau thì số viên thuốc và số lần uống sẽ khác nhau. Bạn cần biết hàm lượng hoạt chất viên thuốc mình uống là bao nhiêu để sử dụng cho đúng.
Hàm lượng hoạt chất chính trong một đơn vị liều (1 viên thuốc, 5ml siro, 1 gói bột pha hỗn dịch) thường được gắn liền ngay sau tên hoạt chất trên bao bì sản phẩm. Bạn cũng có thể tìm hàm lượng chi tiết các thành phần thông tin thuốc trong mục Thành phần trên vỏ hộp hoặc Hướng dẫn sử dụng đi kèm trong hộp thuốc.
Trong ba ví dụ ở mục Tên thuốc và thành phần hoạt chất, chúng ta thấy hàm lượng hoạt chất tương ứng là:
Ví dụ 1: Tên hoạt chất Paracetamol – Hàm lượng: 500mg
Ví dụ 2: Tên hoạt chất Amoxicillin-Acid Clavulanic – Hàm lượng hoạt chất: 500mg/62.5mg (Nghĩa là hàm lượng Amoxicillin là 500mg, hàm lượng Acid clavulanic là 62.5mg)
Ví dụ 3: Tên biệt dược cũng là tên hoạt chất Ampicillin – Hàm lượng 500mg
Hàm lượng hoạt chất là chỉ số rất quan trọng để tính toán liều dùng trong những trường hợp cần hiệu chỉnh liều như trẻ em, người già, bệnh nhân suy thận…
Số lô, ngày sản xuất và hạn sử dụng
Trong ba chỉ số này có lẽ hạn sử dụng là thông tin thuốc được quan tâm nhiều nhất. Tuy nhiên, bạn nên biết ý nghĩa của cả 3 thông số và kiểm tra thông tin đầy đủ trước khi mua.
Theo thông tư 04/2008/BYT-TT Hướng dẫn ghi nhãn thuốc thì “Số lô sản xuất là ký hiệu bằng số hoặc bằng chữ, hoặc kết hợp cả số và chữ nhằm nhận biết lô thuốc và cho phép truy xét toàn bộ lai lịch của một lô thuốc bao gồm tất cả các công đoạn của quá trình sản xuất, kiểm tra chất lượng và phân phối lô thuốc đó”. (*)
Nếu quá trình sử dụng thuốc gặp phải bất thường, số lô sản xuất là thông tin rất quan trọng để truy cứu lại toàn bộ đường đi của thuốc trước khi đến tay người sử dụng.
Chỉ số ngày sản xuất sẽ cho bạn biết mốc thời gian hoàn thiện các công đoạn sản xuất thuốc để đưa vào lưu hành. Hạn sử dụng là mốc thời gian ấn định cho một lô thuốc mà sau thời gian đó thuốc không được sử dụng.
Trên bao bì sản phẩm, ba thông tin thuốc này thường đi cùng nhau.
Trên bao bì trực tiếp của thuốc thì tùy diện tích sẽ có đủ hay không ba chỉ số này. Nhưng hạn sử dụng là bắt buộc, ngoài ra cần có thông tin số lô sản xuất.
Hình 1: Số lô, ngày sản xuất, hạn dùng trên vỏ hộp thuốc
Hình 2: Số lô, hạn dùng trên bao bì thuốc trực tiếp
Bạn hãy nhớ kiểm tra những thông số này của các loại thuốc trong tủ thuốc gia đình hoặc trước khi mua. Với các vỉ thuốc, luôn sử dụng thuốc từ đầu vỉ không có số lô và hạn dùng trước, phần thông tin số lô và hạn dùng phải được giữ lại cho đến khi dùng hết vỉ thuốc.
Số đăng ký và tên công ty sản xuất, phân phối chịu trách nhiệm về sản phẩm
Số đăng ký cho biết thuốc đã được các cơ quan có thẩm quyền cấp phép lưu hành hay chưa. Chỉ những sản phẩm đạt các tiêu chuẩn theo quy định mới được cấp phép. Sản phẩm hàng xách tay hoặc trôi nổi, kém chất lượng sẽ không có số đăng ký này.
Ngoài ra bạn cũng cần biết tên công ty sản xuất hoặc công ty chịu trách nhiệm về sản phẩm. Chẳng may có bất thường xảy ra trong quá trình sử dụng, bạn sẽ biết phải liên hệ ai, ở đâu để hỏi. Hoặc bạn có thể theo dõi hoạt động của các công ty để không bỏ lỡ những ưu đãi dành riêng cho khách hàng sử dụng sản phẩm.
Bảo quản thuốc theo khuyến cáo của nhà sản xuất
Thuốc sẽ không sử dụng được dù hạn sử dụng vẫn còn nếu không được bảo quản đúng cách. Tuy nhiên việc bảo quản thuốc cũng là vấn đề chưa được quan tâm đúng mức. Đặc biệt với nước khí hậu nhiệt đới như nước ta, mùa hè nắng nóng, độ ẩm cao rất dễ ảnh hưởng tới chất lượng thuốc. Các nhà sản xuất luôn ghi rõ điều kiện bảo quản trên vỏ hộp thuốc. Một số thuốc được yêu cầu bảo quản ngăn mát tủ lạnh như thuốc viên đặt, viên đạn, hoặc các loại siro sau khi mở nắp. Bạn cần bảo quản đúng để đảm bảo hoạt tính của thuốc.
Tủ thuốc gia đình luôn đặt ở nơi khô ráo, thoáng mát, tránh ánh nắng trực tiếp. Định kỳ 3 tháng nên sắp xếp lại tủ thuốc một lần. Kiểm tra hạn sử dụng và cảm quan về mùi hay màu sắc của thuốc. Nếu thuốc ẩm mốc, mùi lạ, màu sắc không đồng nhất giữa các viên hoặc dung dịch thuốc thì nên loại bỏ.
Bàn luận
Thuốc là sản phẩm đặc biệt vì liên quan trực tiếp đến sức khỏe và tính mạng con người. Thuốc có thể giúp bạn khỏe mạnh nhưng cũng có thể khiến bạn bất hạnh nếu lạm dụng hoặc sử dụng không đúng. Để đảm an toàn khi sử dụng thuốc, trước tiên bạn cần lắng nghe tư vấn của các bác sĩ, dược sĩ. Tiếp đó bạn cũng cần biết những thông tin thuốc cơ bản để lựa chọn, sử dụng và bảo quản đúng. Đó là cách bạn tự bảo vệ mình, bảo vệ gia đình khỏi những rủi ro không mong muốn trong quá trình sử dụng thuốc.
Đọc thêm các bài viết chăm sóc sức khỏe gia đình khác tại đây.
Nếu bạn có bất cứ điều gì về sức khỏe muốn chia sẻ hay các câu hỏi về thuốc, hãy để lại comment hoặc nhắn tin theo email: nguyenvunguyetminh@gmail.com . Tôi luôn sẵn sàng lắng nghe và hỗ trợ bạn vì một cộng đồng sử dụng thuốc an toàn.