Trong bài viết 6 Sai lầm phổ biến hạn chế phát triển chiều cao của trẻ đã đề cập đến hormone tăng trưởng (GH) ” kích thích tăng trưởng tế bào cả về kích thước và quá trình phân bào, ảnh hưởng lên toàn bộ quá trình trao đổi chất trong cơ thể. Với những trẻ có chiều cao khiêm tốn nhưng không thiếu hormone tăng trưởng, khi bổ sung hormone tăng trưởng sẽ không có tác dụng, thậm chí sử dụng kéo dài dẫn tới một số hệ lụy như giữ nước, phù, tăng tỉ lệ các bệnh lý tim mạch, tiểu đường”
Để hiểu rõ hơn vai trò của GH trong cơ thể, hiệu quả hay hệ quả của bổ sung GH lên sự tăng trưởng của trẻ như thế nào, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu một số nghiên cứu lâm sàng đã được công bố trong bài viết này.
Nội dung bài viết
GH – Growth Hormone
Growth hormone còn được gọi là hormone tăng trưởng hay nội tiết tố tăng trưởng. GH được tổng hợp, lưu trữ, và tiết ra bởi các tế bào của thùy trước tuyến yên.
GH có nhiều chức năng bao gồm duy trì cấu trúc cơ thể và sự trao đổi chất bình thường. Trong quá trình phát triển của trẻ, growth hormone tác động lên nhiều bộ phận trên cơ thể để thúc đẩy quá trình tăng trưởng. Khi trẻ trưởng thành, các tấm tăng trưởng (sụn tiếp hợp) trong xương đã hợp nhất, lúc này GH không còn tác dụng tăng chiều cao. Với người trưởng thành, nội tiết tố tăng trưởng giúp duy trì cấu trúc cơ thể và sự trao đổi chất bình thường, bao gồm cả việc giữ mức đường huyết ổn định.
Khi nội tiết tố tăng trưởng quá nhiều?
Chắc chắn dư thừa sẽ gây ra sự tăng trưởng quá mức.
Ở trẻ em, điều này có thể dẫn đến sự phát triển quá mức của xương dài (xương cẳng tay, xương cẳng chân) khiến trẻ cao bất thường. Nhưng điều này rất hiếm xảy ra.
Ở người lớn, thừa hormone tăng trưởng gây bệnh to đại, biểu hiện như sưng bàn tay, bàn chân và thay đổi khuôn mặt. Ngoài ra những bệnh nhân này cũng bị phì đại nội tạng và rối loạn chức năng nghiêm trọng như huyết áp cao, tiểu đường, bệnh tim.
Nếu GH quá ít?
Ở người lớn, thiếu nội tiết tố tăng trưởng khiến cơ thể mệt mỏi do giảm năng lượng. Tăng tích lũy chất béo, tăng nguy cơ các bệnh tim mạch. Giảm mật độ khoáng xương
Thiếu hụt sẽ dẫn đến tăng trưởng kém ở trẻ em. Để hiểu tăng trưởng kém là như thế nào, chúng ta sẽ cùng nhìn lại sự bình thường của tăng trưởng ở trẻ.
Quá trình tăng trưởng bình thường của trẻ
Tăng trưởng bao gồm cả chiều cao, cân nặng hợp lý và tăng kích thước của tất cả các cơ quan (trừ mô bạch huyết là giảm kích thước).
Chiều dài/ Chiều cao
Chiều dài được đo ở trẻ nhỏ chưa đứng được; chiều cao được đo ở trẻ có thể đứng được.
Chiều dài ở trẻ nhỏ bình thường tăng khoảng 30% khi 5 tháng và >50% khi 12 tháng. Trẻ tăng 25 cm trong năm thứ nhất, và chiều cao lúc 5 tuổi thường gấp đôi chiều dài lúc sinh.
Nhìn chung, tăng trưởng ở trẻ nhũ nhi và trẻ em khỏe mạnh vào khoảng:
- 2,5 cm/tháng từ sau sinh- 6 tháng
- 1,3 cm/tháng từ 7 đến 12 tháng
- 7,6 cm/năm ở trẻ 12 tháng đến 10 tuổi.
Trước 12 tháng, tốc độ tăng chiều cao thay đổi và một phần là do các yếu tố chu sinh (ví dụ: tháng sinh, cân nặng…). Sau 12 tháng, chiều cao chủ yếu được quy định sẵn trong gen di truyền, tốc độ tăng trưởng chiều cao gần như không đổi cho đến tuổi dậy thì.
Cân nặng
Cân nặng cũng tương tự chiều cao. Trẻ sơ sinh bình thường thường giảm 5-8% trọng lượng cơ thể trong những ngày đầu sau sinh, nhưng sau đó sẽ lấy lại cân nặng khi sinh trong vòng 2 tuần. Sau đó, trẻ tăng từ:
- 14 đến 28 g/ngày cho đến 3 tháng
- 4000 g từ 3 đến 12 tháng
- Gấp đôi cân nặng khi sinh lúc 5 tháng
- Gấp ba lần cân nặng k hi sinh lúc 12 tháng
- Gần gấp bốn lần cân nặng khi sinh lúc 2 tuổi.
- Từ 2 tuổi đến dậy thì, trọng lượng tăng 2 kg/năm
Dấu hiệu thiếu hụt hormone tăng trưởng ở trẻ là gì?
Triệu chứng chính của thiếu hụt GH là tốc độ tăng trưởng chậm lại hoặc ngừng từ giai đoạn hai hoặc ba tuổi trở đi.
Mặc dù trẻ bị thiếu hormone tăng trưởng chậm lớn, nhưng cơ thể vẫn phát triển theo tỷ lệ. Tức là chiều dài của cánh tay và chân vẫn ở cùng một tỷ lệ với ngực và bụng. Khuôn mặt có thể trông non nớt hơn tuổi. Trẻ mũm mĩm do ảnh hưởng của việc lưu trữ chất béo trong cơ thể. Tuổi dậy thì xảy ra muộn hơn bình thường hoặc hoàn toàn không xảy ra.
Một số dấu hiệu khác có thể gặp:
- Răng mọc muộn
- Sống mũi kém phát triển
- Yếu cơ
- Ở bé trai, dương vật nhỏ khi mới sinh
- Đường huyết thấp
Nguyên nhân thiếu hụt GH có thể do đột biến gen bẩm sinh, hoặc tổn thương tuyến yên, vùng dưới đồi.
Liệu pháp hormone tăng trưởng được sử dụng trong trường hợp nào?
Ở trẻ em, GH được sử dụng để điều trị:
- Thiếu hormone tăng trưởng
- Các tình trạng gây ra tầm vóc thấp, chẳng hạn như bệnh thận mãn tính, hội chứng Turner (mất một phần hoặc toàn bộ nhiễm sắc thể giới tính thứ hai ở nữ giới), hội chứng Prader-Willi (mất chức năng một gen trên cánh dài nhiễm sắc thể 15)
Ở người lớn, GH được sử dụng để điều trị:
- Thiếu hóc môn tăng trưởng
- Suy giảm cơ (mất mô cơ) do HIV
- Hội chứng ruột ngắn
Nội tiết tố tăng trưởng được bổ sung dưới dạng tiêm. Dạng uống bị bất hoạt tại đường tiêu hóa.
Bổ sung GH cho trẻ không thiếu hụt nội tiết tố tăng trưởng có tác dụng không?
Nhiều nghiên cứu đã chứng minh việc bổ sung nội tiết tố tăng trưởng cho trẻ có thiếu hụt hoặc trong các bệnh lý Turner, Prader-Willi giúp trẻ phát triển nhanh hơn và chiều cao được cải thiện khi trưởng thành (dự đoán khoảng 5 – 10 cm).
Nhưng trên những trẻ thấp bé không có thiếu hụt hormone tăng trưởng thì sao? Đây dường như là vấn đề vẫn đang được các nhà khoa học tranh luận
Theo nghiên cứu lâm sàng
1. Năm 2008, tác giả Kerstin Albertsson-Wikland và cộng sự công bố kết quả nghiên cứu đánh giá hiệu quả khi tiêm hai liều GH cho trẻ thấp mà không có thiếu hụt nội tiết tố tăng trưởng (chủ yếu trẻ thấp lùn vô căn (ISS), ngoài ra có trẻ sinh non, hoặc sinh thiếu cân).
Nghiên cứu đa trung tâm, ngẫu nhiên, có đối chứng tại Thủy Điển. Nhóm can thiệp sử dụng liệu pháp hormone trong 5.9±1.1 năm, theo dõi trẻ trong khoảng 20 năm đến khi trẻ trưởng thành.
Kết quả cho thấy nhóm có bổ sung nội tiết tố tăng trưởng có mức tăng chiều cao trung bình khoảng 8cm. Những trẻ bố mẹ có chiều cao bình thường đáp ứng tăng chiều cao tốt hơn.
2. Năm 2011, phó giáo sư Annalisa Deodati và các cộng sự phân tích có hệ thống tác động của liệu pháp nội tiết tố tăng trưởng đến chiều cao của trẻ thấp lùn vô căn thông qua truy xuất dữ liệu các nghiên cứu từ năm 1985 – 2010.
Kết quả phân tích cho thấy chiều cao trung bình khi trưởng thành ở nhóm trẻ được điều trị đạt được cao hơn so với nhóm chứng không điều trị khoảng 3.4-4.2 cm.
Tuy nhiên phân tích cũng cho thấy đáp ứng của điều trị rất khác nhau với từng cá thể, và cũng phụ thuộc vào liều hormone sử dụng.
Tác dụng phụ tiềm ẩn của liệu pháp bổ sung nội tiết tố tăng trưởng?
Trong các nghiên cứu ở trên không có báo cáo tác dụng phụ nghiêm trọng nào của liệu pháp bổ sung nội tiết tố tăng trưởng.
Việc giảm nhạy cảm với insulin (tăng isulin và glucose lúc đói, giảm dung nạp khi làm xet nghiệm dung nạp glucose lúc đói) đều trở lại trạng thái bình thường khi ngừng điều trị.
Tuy nhiên, một nghiên cứu khác của Cutfield và cộng sự cho thấy sự gia tăng gấp 6 lần tỷ lệ mắc bệnh tiểu đường tuýp 2 ở những người có điều trị bằng liệu pháp hormone.
Ngoài ra, một số nghiên cứu cũng ghi nhận tình trạng dậy thì sớm hoặc loạn sản xương, đột quỵ ở trẻ bổ sung nội tiết tố tăng trưởng.
Vậy có nên bổ sung nội tiết tố tăng trưởng cho trẻ hay không?
Theo tổ chức Y tế thế giới (WHO) định nghĩa: Sức khỏe không chỉ đơn thuần là không có bệnh tật, mà là trạng thái hoàn chỉnh về tinh thần, thể chất và xã hội.
Mục đích quan trọng của việc tăng chiều cao ở người trưởng thành (nếu có thể đạt được) là tăng trưởng về mặt tâm lý hay chất lượng cuộc sống.
Liệu pháp hormone tăng trưởng cho trẻ thấp lùn do thiếu hụt rõ ràng đã được chứng minh. Còn đối với những trẻ không do nguyên nhân thiếu hụt nội tiết tố, đến nay vẫn còn nhiều tranh cãi. Nên cân nhắc giữa lợi ích và rủi ro tiềm ẩn trẻ gặp phải.
Cha mẹ hãy đặt ra một số câu hỏi trước khi quyết định:
Con mình có thực sự thiếu nội tiết tố tăng trưởng hay không?
Nếu xác định trẻ có thiếu hormone tăng trưởng thì việc quyết định bổ sung trở nên dễ dàng hơn. Việc bổ sung trước thời kỳ dậy thì giúp trẻ có cơ hội tăng trưởng chiều cao tốt thay vì khi các mảng tăng trưởng (xương mềm) đã hợp nhất.
Nếu trẻ không thiếu hụt hormone, cân nhắc các yếu tố khác bằng các câu hỏi tiếp theo.
Chiều cao gia đình của mình như thế nào?
Nếu gia đình ông bà, bố mẹ, anh chị có chiều cao hạn chế, khả năng chiều cao của đứa trẻ cũng sẽ thấp hơn. Bên cạnh đó sắc tộc cũng là một yếu tố ảnh hưởng.
Tăng trưởng của con có nằm trong giới hạn bình thường?
Phần đầu bài viết chúng ta đã cùng xem các mốc tăng trưởng chiều cao và cân nặng bình thường của trẻ theo từng giai đoạn. Nếu trẻ vẫn tăng trưởng bình thường thì cha mẹ cũng không nên quá lo lắng.
Sức khỏe tâm lý liệu có ảnh hưởng?
Liệu pháp hormone cần điều trị trong thời gian dài. Việc thăm khám và điều trị thường xuyên liệu có làm trẻ mệt mỏi. Chiều cao thấp hơn so với các bạn cùng trang lứa có gây áp lực về sự tự tin của trẻ.
Tác dụng phụ và các rủi ro tiềm ẩn
Đây là vấn đề cha mẹ nên tìm hiểu và cân nhắc. Với những trẻ thấp lùn nhưng không thiếu hụt nội tiết tố tăng trưởng, các nghiên cứu cho thấy nếu có bổ sung, chiều cao trung bình chỉ tăng lên 4 cm. Vậy có đáng để chúng ta chấp nhận những rủi ro tiềm ẩn lâu dài của trẻ hay không?!
Có thể tăng GH nội sinh được không?
Câu trả lời là: ĐƯỢC!
Chế độ ăn uống, sinh hoạt của chúng ta ảnh hưởng đáng kể đến hormone tăng trưởng trong cơ thể. Nghĩa là chúng ta hoàn toàn có thể tăng sản xuất nội tiết tố tăng trưởng nội sinh bằng một số cách sau:
1. Giảm lượng mỡ trong cơ thể
Lượng mỡ bụng cao làm giảm sản xuất GH. Khi lượng mỡ bụng tăng lên gấp 3 lần, lượng nội tiết tố tăng trưởng sản xuất giảm đi một nửa. Mối quan hệ này nghiêm trọng hơn ở nam giới.
Nghiên cứu cũng cho thấy, khi giảm lượng mỡ thừa, nồng độ nội tiết tố tăng trưởng quay về mức bình thường.
2. Nhịn ăn gián đoạn
Mới nghe có vẻ phi lý. Tuy nhiên các nghiên cứu lại cho thấy nhịn ăn giúp gia tăng nội tiết tố tăng trưởng một cách nhanh chóng. Mức GH tăng gấp 2-3 lần chỉ sau khoảng 2 ngày nhịn ăn.
Tuy nhiên việc nhịn ăn liên tục là không khả thi. Do đó nhịn ăn gián đoạn là phương pháp ăn kiêng phổ biến hơn, giới hạn việc ăn uống trong khoảng thời gian ngắn.
Phổ biến nhất mà rất nhiều người giảm cân đã biết, đó là chế độ ăn 8 giờ hàng ngày và nhịn ăn 16 giờ (từ 20h tối hôm trước đến 12h ngày hôm sau).
Nhịn ăn gián đoạn giúp tối ưu nội tiết tố tăng trưởng theo hai cách:
- Giảm lượng mỡ thừa trong cơ thể, từ đó tăng lại nồng độ hormone
- Giữ mức insulin ở mức thấp (thông thường insulin sẽ tăng lên khi ăn). Các nhà khoa học nhận thấy
3. Giảm lượng đường đưa vào cơ thể
Tinh bột và đường tinh chế làm tăng mức insulin nhiều nhất. Một nghiên cứu đã cho thấy nội tiết tố tăng trưởng ở người khỏe mạnh cao gấp 3-4 lần so với người có bệnh tiểu đường, hoặc suy giảm khả năng dung nạp tinh bột và chức năng insulin.
Ngoài việc làm tăng mức độ insulin, đường còn gây tăng cân và tích lũy mỡ thừa trong cơ thể cũng ảnh hưởng đến nồng độ GH.
4. Không ăn nhiều trước khi ngủ
Cơ thể tiết ra một lượng nội tiết tố tăng trưởng đáng kể vào ban đêm. Hầu hết các bữa ăn đều làm tăng insulin, đặc biệt bữa ăn nhiều đạm và tinh bột làm insulin tăng đột biến. Mức insulin sẽ giảm dần 2-3 giờ sau khi ăn. Do đó các nhà khoa học khuyên chúng ta không nên ăn các bữa có đạm và tinh bột trong 2-3 giờ trước khi đi ngủ.
5. Tối ưu hóa giấc ngủ
Phần lớn hormone tăng trưởng được giải phóng theo nhịp sinh học cơ thể. Các xung lớn xảy ra trước nửa đêm (23h), các xung nhỏ hơn xuất hiện lúc sáng sớm.
Lượng hormone phụ thuốc chất lượng giấc ngủ. Giấc ngủ sâu, đủ thời gian là cách tốt nhất để sản xuất nội tiết tố tăng trưởng một cách lâu dài.
Một số cách để cải thiện chất lượng giấc ngủ:
- Tránh ánh sáng xanh từ các thiết bị điện tử trước khi ngủ
- Giữ nhiệt độ phòng vừa phải, thoáng mát
- Tránh các tiếng ồn
- Tạo thói quen đi ngủ đúng giờ
- Không sử dụng các chất kích thích như trà, cafe vào cuối ngày
- Làm một công việc giúp thư giãn tinh thần trước khi ngủ: Đọc sách, nghe nhạc, tắm nước nóng…
6. Tập thể dục
Mức tăng nội tiết tố tăng trưởng phụ thuộc vào bài tập, cường độ tập, lượng thức ăn cơ thể dung nạp trong quá trình tập…
Tất cả các hình thức tập thể dục đều có lợi cho hormone tăng trưởng. Tuy nhiên các bài tập cường độ cao sẽ giúp sản xuất hormone nhiều nhất.
7. Môt số chất bổ sung khác làm tăng nồng độ nội tiết tố tăng trưởng
- Arginine giúp tăng HGH trong những trường hợp không tập thể dục
- GABA (axit gamma aminobutyric) là chất dẫn truyền thần kinh giúp cải thiện giấc ngủ
- Melatonin cũng là một chất giúp điều hòa giấc ngủ giúp tăng nội tiết tố tăng trưởng
- Glutamin, Creatin, Ormithin đều là những chất làm tăng GH trong các nghiên cứu
- L-dopa cũng làm tăng nội tiết tố tăng trưởng ở những bệnh nhân Parkinson
Các chất bổ sung này có thể giúp tăng nội tiết tố tăng trưởng tạm thời. Tuy nhiên nếu lạm dụng quá mức sẽ ảnh hưởng đến các chức năng khác trong cơ thể. Do đó chúng ta nên cải thiện giấc ngủ tự nhiên, tập thể dục, điều chỉnh chế độ ăn là các phương pháp hiệu quả, an toàn và kết quả bền vững nhất.
Bàn luận
Liệu pháp bổ sung hormone tăng trưởng được chỉ định trong những trường hợp có thiếu hụt hoặc một số bệnh lý cụ thể. Với những trường hợp khác, cần cân nhắc giữa lợi ích và rủi ro tiềm ẩn như dậy thì sớm, mắc tiểu đường tuýp 2, loạn sản xương, đột quỵ.
Giúp con tăng trưởng và phát triển khỏe mạnh là điều cha mẹ nào cũng mong muốn. Tuy nhiên chúng ta cũng cần tìm hiểu thông tin, sáng suốt lựa chọn những giải pháp hiệu quả, nhưng quan trọng hơn là phải an toàn cho hiện tại và cả lâu dài. Điều đó mới giúp chúng ta trở thành người đồng hành thực sự trên suốt chặng đường con bước đi.
Đọc thêm các bài viết chăm sóc sức khỏe gia đình khác tại đây.
Tham khảo:
- https://www.hormone.org
- ISS: Idiopathic short stature