Một ngày nọ, mình nhận được câu hỏi từ một bà mẹ mang song thai lần đầu “Em có nên uống gấp đôi liều vitamin bổ bầu, canxi và sắt so với liều thông thường hay không?” Quả thực mình cũng chưa bao giờ nghĩ đến điều này, mặc dù mình đã từng là một bà mẹ mang thai đôi cách đây hơn 6 năm.
Thường khi nói đến dinh dưỡng thai kỳ thì mọi người sẽ hay nghĩ đến chuyện ăn uống, tăng cân ra sao. Và hầu hết các tài liệu dinh dưỡng tìm được đều hướng dẫn với các trường hợp mẹ mang đơn thai. Ngay bản thân mình giai đoạn bầu đôi, cũng không có sự tư vấn cụ thể nào của bác sĩ về dinh dưỡng năng lượng hoặc vi chất. Việc khám thai chỉ đơn thuần là siêu âm đánh giá sự phát triển của các em bé cùng lời khuyên ăn uống chung chung. Do đó, mình rất đồng cảm với tâm trạng của bà mẹ kể trên!
Mình đọc một số báo cáo tổng hợp các nghiên cứu về dinh dưỡng đa thai, kết hợp với chuyên đề Dinh dưỡng cho phụ nữ mang thai và phụ nữ cho con bú trong khóa đào tạo Dinh dưỡng cộng đồng đã học, thêm một chút kinh nghiệm bản thân để bài viết này được hình thành.
Nội dung bài viết
Thai đôi là gì?
Là trạng thái cùng một lúc có hai em bé cùng phát triển trong bụng mẹ. Có hai trường hợp:
- Sinh đôi khác trứng: Khi hai trứng riêng biệt được thụ tinh bởi hai tinh trùng riêng biệt. Mỗi thai nhi phát triển trong một túi ối riêng, bánh nhau riêng. Trường hợp này gặp phổ biến hơn.
- Sinh đôi cùng trứng: Là trường hợp một trứng được thụ tinh bởi một tinh trùng nhưng trong quá trình phát triển phân chia tạo thành hai phôi. Hai thai nhi có thể chung một túi ối và một nhau thai, hoặc riêng biệt tùy thuộc vào thời điểm xảy ra sự phân chia.
Vai trò của dinh dưỡng khi mang thai
Dinh dưỡng người mẹ nạp vào trước, trong và cả sau thai kỳ sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe và sự phát triển của em bé. Giá trị năng lượng của chế độ ăn quyết định mức tăng cân trong suốt thai kỳ.
- Nếu mẹ bầu tăng cân quá mức dẫn đến thừa cân: Tăng nguy cơ thai to, sinh khó, phải sinh mổ, tăng nguy cơ tiểu đường thai kỳ, tiền sản giật. Tăng nguy cơ rạn da của mẹ, mẹ khó lấy lại vóc dáng sau sinh.
- Nếu mẹ bầu kiêng khem quá mức: Cân nặng không tăng hoặc tăng không đạt tiêu chuẩn sẽ dẫn đến nguy cơ thai nhỏ, suy dinh dưỡng thai kỳ, sinh non, nhẹ cân, nguy cơ mắc các bệnh tim mạch khi trẻ lớn lên. Với mẹ sẽ mất khối cơ dự trữ, khó phục hồi sức khỏe sau sinh, ảnh hưởng đến tình trạng tiết sữa.
Hoặc trước, trong quá trình mang thai, mẹ không bổ sung đủ một số chất dinh dưỡng quan trọng, ví dụ như axit folic, sắt, canxi… có thể dẫn đến một số tình trạng dị tật thai nhi.
Thai đôi mẹ cần dinh dưỡng và tăng cân gấp đôi thai đơn?
Đây là một quan điểm không chính xác, giống như việc mẹ bầu được khuyên ăn uống thoải mái khi mang thai vì “ăn thay cả phần của con”.
Nhu cầu dinh dưỡng trong suốt thai kỳ sẽ phụ thuộc vào chỉ số khối cơ thể BMI của mẹ tại thời điểm mang thai và mức độ hoạt động của bà mẹ. Chỉ số BMI được tính như sau:
Chỉ số BMI = Cân nặng (kg) / [chiều cao (m) x chiều cao (m)]
Khi dự định mang thai, chỉ số BMI hợp lý là từ 20-22. (Ví dụ, một phụ nữ cao 1.55m, chỉ số BMI = 20 sẽ có cân nặng tương ứng là 48kg, BMI = 22 sẽ có cân nặng tương ứng là 53kg. Như vậy, cân nặng lý tưởng để mang thai của chị sẽ là từ 48-53 kg).
Việc kiểm soát cân nặng trong thai kỳ đơn thai đã được nghiên cứu và đưa ra khuyến nghị cụ thể:
Chỉ số BMI
(Theo IDI & WPRO BMI dành cho người Châu Á) |
Mức tăng cân | ||
3 Tháng đầu | 3 Tháng giữa | 3 Tháng cuối | |
BMI < 18 (Gầy/ suy dinh dưỡng) | Đạt 25% cân nặng trước khi mang thai | ||
2% | 10% | 13% | |
BMI = 18 – 22 (Bình thường) | + 1kg | + (4-5) kg | + (5-6) kg |
BMI > 23 (Thừa cân/ béo phì) | Đạt 15% cân nặng trước khi mang thai | ||
1% | 6% | 8% |
Với người mang thai đôi, việc kiểm soát mức tăng cân trong suốt thai kỳ vẫn chưa có một khuyến nghị đồng thuận chính thức nào. Nhưng có một điểm chung của tất cả các nghiên cứu và hướng dẫn đồng nhất, đó là mức tiêu hao năng lượng của mẹ khi mang thai đôi cao hơn nên nhu cầu năng lượng sẽ tăng lên. Cụ thể mức tăng lên cũng sẽ căn cứ trên cân nặng ban đầu/ chỉ số BMI và mức độ hoạt động của bà mẹ. Mức trung bình được ước tính nhu cầu năng lượng (calo) của phụ nữ mang thai đôi sẽ tăng thêm khoảng 40%.
Một số nghiên cứu cho rằng riêng đối với trường hợp thai đôi, việc tăng cân sớm từ đầu thai kỳ có thể ảnh hưởng tích cực đến sự phát triển và hoạt động của nhau thai. Điều này rất quan trọng vì ở những bà mẹ mang đa thai, nhau thai có thể trưởng thành và lão hóa nhanh hơn, làm giảm thời gian cung cấp chất dinh dưỡng tối ưu cho thai nhi.
Nhưng, lại nhưng một lần nữa, phụ nữ mang thai đôi thường bị buồn nôn, nôn và no sớm hơn nhiều so với phụ nữ mang thai đơn. Vì vậy việc đảm bảo đủ lượng calo nạp vào có thể là một điều khó khăn. Do đó các mẹ bầu mang song thai hoặc đa thai cần lưu ý chia nhỏ bữa ăn, lựa chọn các nguồn dinh dưỡng lành mạnh để đảm bảo nhu cầu năng lượng trong quá trình mang thai, giúp các em bé phát triển đầy đủ.
Theo hướng dẫn của Viện Y học Hoa Kỳ năm 2009 (American Institute of Medicine), một số tính toán xác định rằng phụ nữ mang thai đôi có cân nặng bình thường nên tăng từ 17 đến 25 kg, phụ nữ thừa cân tăng 14–23 kg, trong khi phụ nữ béo phì tăng 11–19 kg trong suốt thai kỳ. Với thể trạng nhỏ hơn của người Châu Á, mức tăng cân có thể thấp hơn, nhưng chưa có một hướng dẫn cụ thể nào.
Nhu cầu vitamin và khoáng chất thì sao?
Một số giả thuyết cho rằng khi mang thai đôi cơ thể người mẹ sẽ sử dụng lượng vi chất dự trữ nhiều hơn, nên nhu cầu bổ sung vitamin và khoáng chất sẽ cao hơn. Tuy nhiên, đối với hầu hết các loại vitamin và khoáng chất, không có nghiên cứu nào đánh giá nồng độ của chúng trong cơ thể phụ nữ mang thai đôi hoặc có rất ít nghiên cứu như vậy.
Cùng xem xét trên một số vi chất dinh dưỡng được khuyến nghị phải bổ sung trước và trong thai kỳ sau đây.
Axit Folic
Axit Folic hay vitamin B9, có vai trò ngăn ngừa dị tật ống thần kinh ở thai nhi. Các khuyến cáo khuyến nghị phụ nữ có dự định mang thai nên bổ sung axit folic trước 3 tháng với liều tối thiểu 400 mcg/ ngày.
Người ta ước tính nguy cơ thiếu máu do thiếu folate ở phụ nữ mang thai đôi cao gấp tám lần so với phụ nữ mang thai đơn. Theo hướng dẫn của Canada, phụ nữ mang thai đôi nên bổ sung tổng cộng khoảng 1.000 mcg axit folic (từ thực phẩm và chất bổ sung) và không được tự ý vượt quá lượng này vì đây cũng là mức dung nạp trên (UL) đối với người lớn, bao gồm cả phụ nữ mang thai. Một số tác giả khác cũng khuyến nghị tương tự.
Vitamin D
Vitamin D giúp hấp thu canxi và đảm bảo hoạt động của hệ thống miễn dịch cơ thể. Đã có báo cáo cho thấy có tới 50% phụ nữ Việt Nam làm việc trong nhà, thường xuyên sử dụng các biện pháp chống nắng có nguy cơ thiếu vitamin D.
Liều khuyến nghị bổ sung vitamin D thông thường là 800IU/ ngày. Người ta tin rằng nhu cầu tăng lên và nguy cơ thiếu hụt cao hơn ở mẹ bầu mang thai đôi cũng đúng với vitamin D. Hầu hết các nghiên cứu chỉ ra rằng nồng độ vitamin D trong máu ở phụ nữ mang đa thai thấp hơn so với phụ nữ mang đơn thai.
Mặc dù vậy, việc tính toàn liều bổ sung vitamin D trên phụ nữ mang thai giữa các quốc gia vẫn còn khác nhau. Trong đó có vẻ như khuyến cáo của Hiệp hội Sản phụ khoa Ba Lan áp dụng liều vitamin D theo BMI của bệnh nhân là hợp lý nhất.
Theo khuyến nghị của Bộ Y tế Việt Nam, phụ nữ mang thai cần bổ sung trung bình mỗi ngày 5mcg (~200IU) vitamin D3. Ngưỡng dung nạp vitamin D tối đa cho phụ nữ mang thai là 100mcg (~4000IU) mỗi ngày.
Các vitamin khác
Phần lớn các hiệp hội y khoa và tuyên bố của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), việc sử dụng thường xuyên nhiều loại thực phẩm bổ sung vi chất dinh dưỡng cho tất cả phụ nữ mang thai không được khuyến khích (mang thai nói chung, không phải riêng mang thai đôi).
Ở các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình, các phân tích tổng hợp cho thấy việc bổ sung nhiều loại vi chất dinh dưỡng mang lại nhiều lợi ích hơn so với việc chỉ bổ sung sắt và axit folic, ví dụ như giảm tỉ lệ sinh non, nhẹ cân khi sinh hoặc thai nhỏ so với tuổi thai.
Một số chuyên gia nhấn mạnh việc nên bổ sung vitamin C từ 50 – 150 mg/ ngày từ sau tuần thứ 12 của thai kỳ, vì vitamin C liên quan đến quá trình tổng hợp collagen có trong màng đệm (Màng đệm là một lớp màng nằm bên ngoài bào thai, ở giữa tử cung và nhau thai).
Một loại vitamin khác cũng được khuyến cáo nên thận trọng khi bổ sung trong giai đoạn mang thai, đó là vitamin A. Liều cao vitamin A có thể gây tổn thương hệ thần kinh trung ương của thai nhi và gây ra các dị tật bẩm sinh khác nhau. Bộ Y tế Việt Nam khuyến nghị nhu cầu bổ sung vitamin A của phụ nữ mang thai là 800mcg/ngày.
Sắt
Sắt là một chất dinh dưỡng thiết yếu cần thiết cho quá trình mang thai bình thường. Người ta ước tính rằng, trong thai kỳ đơn thai, nhu cầu về sắt hấp thụ tăng lên trong suốt thai kỳ trung bình 4,4 mg mỗi ngày (0,8 mg mỗi ngày khi bắt đầu mang thai và lên đến 7,5 mg trong thai kỳ tiến triển).
Trong thai kỳ đôi, nhu cầu về sắt cao hơn 1,8 lần so với thai kỳ đơn thai. Nguyên nhân là do thể tích máu tăng thêm (tăng 10–20% so với thai kỳ đơn thai), số lượng hồng cầu tăng (tăng 20–25% so với thai kỳ đơn thai cho đến tuần thứ 20 của thai kỳ) và nhu cầu khác nhau của mẹ và con.
Thiếu máu ở phụ nữ mang thai đôi xảy ra thường xuyên hơn 2,4–4 lần so với phụ nữ mang thai đơn và ảnh hưởng đến 30–45% phụ nữ mang thai đôi trong tam cá nguyệt thứ ba.
Thiếu máu trong thai kỳ sẽ làm tăng nguy cơ sinh non và trẻ nhẹ cân. Người ta ước tính rằng, nếu thiếu máu phát triển ở những phụ nữ mang thai đôi ở tuần thứ 12, nguy cơ sinh non tăng lên 29–68%, trong khi nếu xảy ra ở tuần thứ 16–18, nguy cơ tăng gấp ba đến bốn lần.
Tuy nhiên, nếu không có nguy cơ thiếu máu do thiếu sắt, việc bổ sung sắt không cần thiết có thể gây ra những tác động tiêu cực như tăng huyết áp, tiền sản giật hoặc tiểu đường thai kỳ. Do đó phụ nữ mang thai không nên tự ý bổ sung sắt liều cao.
Viện Y học Hoa Kỳ năm 1990 cho rằng phụ nữ mang thai đôi nên bổ sung 30 mg sắt nguyên tố mỗi ngày từ tuần thứ 12 của thai kỳ, bao gồm từ thực phẩm bổ sung và hấp thu qua chế độ ăn hàng ngày. Bộ Y tế Việt Nam khuyến cáo với phụ nữ mang thai sẽ cần bổ sung từ 15-20-30mg sắt/ngày tùy giá trị sinh học sắt trong khẩu phần ăn cao – trung bình – thấp.
Canxi
Canxi là khoáng chất quan trọng liên quan đến quá trình hình thành khung xương, hộp sọ, răng, cơ của em bé. Đối với mẹ bầu, canxi giúp giảm nguy cơ loãng xương, duy trì nhịp tim ổn định và các hoạt động chuyển hóa trong cơ thể, giảm nguy cơ tiền sản giật, và là nguyên liệu cần thiết cho quá trình tiết sữa sau sinh.
Người ta thấy rằng các dấu hiệu tiêu xương ở phụ nữ mang thai đôi cao hơn đáng kể về mặt thống kê so với phụ nữ mang thai đơn. Các chuyên gia tin rằng điều này bắt nguồn từ cơ chế sinh lý cho phép phụ nữ mang thai đôi đáp ứng nhu cầu canxi của thai nhi.
Theo Dịch vụ Y tế Alberta của Canada, phụ nữ mang thai đôi cần bổ sung thêm canxi trong chế độ ăn với tổng lượng canxi hấp thụ nên lên tới 2000–2500 mg mỗi ngày. Đồng thời, các chuyên gia khuyến cáo rằng mỗi một lần bổ sung canxi không nên vượt quá liều 500mg để đảm bảo hấp thụ tốt nhất và giảm thiểu các phản ứng có hại (như đầy hơi, táo bón).
Canxi nên được bổ sung dưới dạng viên uống riêng và cách ít nhất 2 giờ so với các viên uống đa vi chất có chứa sắt để tránh cạnh tranh hấp thu. Đã có nghiên cứu chứng minh việc bổ sung canxi làm giảm tình trạng tăng huyết áp thai kỳ.
Các khoáng chất khác
Một số ý kiến cho rằng, ngoài việc bổ sung vitamin và các khoáng chất thông thường, phụ nữ mang thai đôi nên bổ sung thêm magiê và kẽm vì nhu cầu về các nguyên tố này tăng lên đáng kể.
Một khoáng chất khác cũng được cho là rất quan trọng trong thai kỳ, đó là I-ốt. Hầu hết các tổ chức khoa học đều khuyến nghị bổ sung I-ốt ở mức 150–200 mcg mỗi ngày. Ở Việt Nam, khuyến cáo của Bộ Y tế với I-ốt là 200mcg/ ngày cho phụ nữ mang thai. Chưa có khuyến nghị cụ thể cho phụ nữ mang thai đôi hoặc đa thai.
Về các chế độ ăn uống khác
Axit béo Omega-3 (DHA/EPA)
Nhiều chuyên gia cho rằng nên cân nhắc bổ sung các axit docosahexaenoic/axit eicosapentaenoic (DHA/EPA) ở mức 300–500 mg mỗi ngày cho phụ nữ mang thai. Việc bổ sung DHA giúp làm giảm nguy cơ sinh non và trẻ nhẹ cân khi sinh, điều này có thể đặc biệt quan trọng đối với thai đôi.
Một phân tích tổng hợp các nghiên cứu ngẫu nhiên đã chứng minh rằng việc bổ sung axit béo omega-3 cho phụ nữ mang đơn thai giúp giảm nguy cơ sinh non sớm (<34 tuần thai) xuống 58%, bất kỳ trường hợp sinh non nào xuống 17% và làm tăng đáng kể cân nặng khi sinh của trẻ sơ sinh lên 122g.
Ở Ba Lan, phụ nữ có nguy cơ sinh non được khuyên dùng 1000 mg DHA mỗi ngày. Sự tích tụ DHA trong hệ thần kinh trung ương diễn ra sau tuần 20 của thai kỳ, vì vậy trẻ sinh non có nguy cơ thiếu DHA đặc biệt cao. Các nghiên cứu đơn lẻ chỉ ra rằng nồng độ DHA trong hồng cầu của phụ nữ mang thai đôi thấp hơn so với phụ nữ mang thai đơn, điều này dẫn đến giả định rằng nhu cầu DHA của thai đôi có thể không được đáp ứng đầy đủ.
Dinh dưỡng đa lượng
Dinh dưỡng đa lượng được hiểu là các chất đạm (protein), tinh bột đường, chất béo là các chất cung cấp năng lượng cho cơ thể. Trong đó, chất đạm/ protein đặc biệt quan trọng vì thiếu axit amin (đơn vị cấu thành nên chất đạm) có thể ảnh hưởng xấu đến sự phát triển của thai nhi và của nhau thai.
Nhu cầu năng lượng cho bà mẹ mang thai sẽ phụ thuộc vào cân nặng cần đạt được và mức độ vận động của mẹ bầu. Như phần đầu bài viết này đã đề cập đến cách tính cân nặng cần đạt được của mẹ bầu. Khi có cân nặng mục tiêu, nhu cầu năng lượng sẽ được tính theo công thức:
Nhu cầu năng lượng = Cân nặng cần đạt được x 30 + Năng lượng tập luyện
Năng lượng tập luyện tùy thuộc vào mức độ vận động của các môn. Ví dụ:
- Yoga hoặc đi bộ chậm sẽ tiêu hao 200 kcal/ giờ
- Cầu lông, bóng chuyền, chạy bộ sẽ tiêu hao 300 kcal/giờ
Năng lượng cho phụ nữ mang thai nên được cung cấp từ 50-60% chất tinh bột đường, 20-30% chất béo và 15-30% chất đạm. Ưu tiên các thực phẩm lành mạnh có giá trị sinh học cao.
Nước
Nước cần được bổ sung không ít hơn 2 lít mỗi ngày. Hạn chế các nước có năng lượng rỗng như nước ngọt, nước có gas, nước ép cho thêm đường kính.
Thảo luận
Nhiều nghiên cứu đã chứng minh những phụ nữ mang thai đôi được chăm sóc chế độ ăn uống đầy đủ thường xuyên giúp các em bé khi sinh ra có cân nặng bình thường. Trong đó có nghiên cứu cho thấy phụ nữ tăng cân nhiều hơn sẽ giúp giảm đến 25% nguy cơ em bé nhẹ cân khi sinh.
Với những phụ nữ ăn chay sẽ có nguy cơ thiếu hụt một số chất dinh dưỡng, do đó cần chú ý đảm bảo từ các nguồn thực phẩm, viên uống bổ sung để đảm bảo nhu cầu sức khỏe cho cả mẹ và sự phát triển của thai nhi.
Rõ ràng dinh dưỡng đa lượng và vi chất có vai trò rất quan trọng trong suốt quá trình mang thai, cả đơn thai hay đa thai. Mặc dù chưa có khuyến cáo cụ thể và đồng thuận về năng lượng hoặc các vi chất dinh dưỡng cụ thể cho phụ nữ mang thai đôi, nhưng căn cứ trên các nghiên cứu đã có và quan sát thực tế, các chuyên gia y tế đều đồng thuận rằng phụ nữ mang thai đôi cần tăng lượng năng lượng nạp vào.
Lượng cụ thể nên căn cứ trên thể trạng, chỉ số BMI, cân nặng hướng đến, chế độ vận động của bà mẹ để tính toán theo nhu cầu cá nhân cụ thể.
Với tỉ lệ mang thai đôi ngày một tăng hiện nay, đặt ra nhu cầu có các nghiên cứu khoa học về dinh dưỡng giúp xác định mức độ nhu cầu của phụ nữ mang thai đôi khác với phụ nữ mang đơn thai ở mức độ nào, từ đó cho phép xây dựng các hướng dẫn bổ sung hợp lý.
Tài liệu tham khảo:
Đọc thêm các bài viết chăm sóc sức khỏe gia đình khác tại đây.
Nếu bạn có bất cứ điều gì về sức khỏe muốn chia sẻ hay các câu hỏi về thuốc, hãy để lại comment hoặc nhắn tin theo địa chỉ email: nguyenvunguyetminh@gmail.com . Tôi luôn sẵn sàng lắng nghe và hỗ trợ bạn vì một cộng đồng sử dụng thuốc an toàn.